tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 25-01-2016

  • Cập nhật : 25/01/2016

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Không chỉ là hô hào”

thu truong bo xay dung bui pham khanh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh


Năm 2015 giá trị sản xuất của ngành đã tăng 11,4% so với năm 2014, đạt khoảng 974 nghìn tỉ đồng. Nếu so sánh với năm 2010.

Trong năm qua, nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế, GDP tăng 6,68% cao nhất trong 5 năm qua. Đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung này, ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.

Sự khởi sắc và tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng thể hiện rõ nét ở việc tái khởi động các dự án bất động sản.  Nhà ở chung cư giao dịch tăng đột biến, các dự án đình trệ trước đó đã quay trở lại xây dựng, khiến ngành vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, nội thất, thi công xây lắp…một năm được mùa.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt  khoảng 22m2 sàn/người (tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010).

Tình hình giao dịch nhà ở trên thị trường năm qua diễn biến rất tích cực. Cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM đều có mức tăng trưởng gấp gần 2 lần so với năm 2014, giao dịch thành công ở 2 thị trường này đạt mức khoảng 19.000 giao dịch.

Giai đoạn 2011 – 2012, thị trường “bất động” với tồn kho lên tới gần 130 nghìn tỷ đồng, nhưng tới nay theo Bộ Xây dựng số lượng tồn kho chỉ còn khoảng 50 nghìn tỉ đồng, đặc biệt tồn kho chung cư tại thị trường Hà Nội không còn nhiều.

Cũng theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2015 giá trị sản xuất của ngành đã tăng 11,4% so với năm 2014, đạt khoảng 974 nghìn tỉ đồng. Nếu so sánh với năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành năm 2015 đạt khoảng 172 nghìn tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,9% GDP, mức tăng trưởng cao nhất kể từ 2010. Tỉ lệ đô thị hóa cũng tăng rõ rệt ở mức 35,7% (tăng 1,2% so với 2014).

Đây là những kết quả thắng lợi của ngành xây dựng trong 5 năm qua, và đặc biệt là năm 2015, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh tại Lễ tổng kết ngánh xây dựng Tp.HCM mới đây, ngành xây dựng không chỉ là hô hào, các phong trào thi đua đều lấy hiệu quả, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế -xã hội và quản lý ngành là tiêu chí hàng đầu để phấn đấu.

Vì thế, ngành xây dựng Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được những thành tích trong năm qua, đặc biệt là việc cải cách hành chính và ứng công nghệ và phát triển nhà ở.

Năm 2015, Tp.HCM đã phát triển được 8,56 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở giai đoạn 2011-2015 lên trên 39 triệu m2 sàn, đạt mức bình quân 17,32m2/người. Phát triển nhà xã hội đạt hiệu quả cao với 4 dự án hoàn thành, quy mô 3.131 căn hộ, tổng số 277.679m2 sàn xây dựng.

Năm 2016 xác định là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, và đó cũng là năm đầu tiên triển khai khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Với tính chất quan trọng đó, mới đây tại buổi tổng kết của ngành xây dựng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo ngành toàn ngành cần cần tập trung phát huy những thuận lợi sẵn có, khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành xây dựng và xây dựng các cơ chế và chính sách tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng cần phải đẩy mạnh hoàn thành cổ phần hóa các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình…

Xác định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngành xây dựng trong giai đoạn tới đây có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Vì thế, nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện sâu rộng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS,…đồng thời tập trung vào phát triển đô thị, đề án phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2016 – 2020.


Gói 30.000 tỉ đồng trầy trật về đích

goi 30.000 ti dong du con nhieu vuong mac nhung da ho tro rat nhieu cho nguoi thu nhap thap va thi truong bat dong san anh: tan thanh

Gói 30.000 tỉ đồng dù còn nhiều vướng mắc nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho người thu nhập thấp và thị trường bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh


Dù có một vài điểm “trục trặc” phải tháo gỡ nhưng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ tích cực cho người dân có nhu cầu mua được nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định

Gói tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng triển khai từ tháng 6-2013 thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ, kéo dài 2 năm, sau đó được gia hạn thêm 1 năm. Như vậy chỉ còn 6 tháng nữa chương trình sẽ kết thúc. Mặc dù thời gian qua, nhiều người đã trầy trật mới được tiếp cận gói tín dụng này nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ giải ngân gói tín dụng này đạt kết quả tương đối ổn.

Giải ngân vẫn còn thấp

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 26.999 tỉ đồng, tương đương 90% gói tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay đối với 40.037 đối với hộ gia đình, cá nhân, với số tiền là 19.225 tỉ đồng. Trong đó, 13.087 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền 5.306 tỉ đồng; 22.339 hộ vay để mua nhà ở thương mại giá thấp với số tiền 11.941 tỉ đồng; 4.611 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 1.977 tỉ đồng. Ngoài ra, các tổ chức gói tín dụng cũng cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỉ đồng và hiện đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ 3.940 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân tính đến hết năm 2015 là 17.711 tỉ đồng, tương đương 59% gói 30.000 tỉ đồng.

Nhờ gói hỗ trợ tín dụng này mà nhiều người có thu nhập thấp đã có chỗ an cư. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên đều là CBCNV nhà nước tại quận 3, TP HCM. Với mức thu nhập chỉ trên dưới 18 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị rất khó lòng mua nhà ở TP HCM bằng tiền tiết kiệm nếu không có gói hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, chị Duyên đã vay hơn 500 triệu đồng với lãi suất 5% để mua căn hộ chung cư Hoàng Quân (huyện Bình Chánh). Mỗi tháng, vợ chồng chị Duyên phải thanh toán cho ngân hàng 5 triệu đồng bao gồm tiền vốn và lãi. “Nếu không có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, vợ chồng tôi không biết làm sao để mua được nhà vì lãi suất bên ngoài khá cao, lại không ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khó mà yên tâm được” - chị Duyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho rằng trong thời gian đầu, gói tín dụng này đã gặp nhiều vướng mắc về đối tượng, lãi suất, thủ tục... Tuy nhiên, sau khi được tháo gỡ, nhìn chung gói tín dụng đã hỗ trợ rất nhiều cho các đối tượng là CBCNV, người thu nhập thấp có nhà ở. “Theo tôi, không chỉ là gói tín dụng mà Chính phủ nên có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển nhà ở, tạo điều kiện để những người chưa có nhà được an cư. Đó cũng là một chính sách thường xuyên mà hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng” - ông Quang nhấn mạnh.

Vướng mắc không nhỏ

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), thực tế gói tín dụng này rất có hiệu quả về mặt xã hội, giúp người có nhu cầu vay mua nhà để an cư, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy giao dịch nhà ở tăng lên, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ như: thủ tục rắc rối, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai... là những cản trở khiến tốc độ giải ngân vẫn khá ì ạch.

Chưa kể nhiều quy định quá khắt khe khiến nhiều người rất muốn vay gói tín dụng này lại rất khó tiếp cận, như quy định phải đóng bảo hiểm xã hội 3 năm liên tục; chứng minh thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Hoặc nhiều căn hộ họ muốn mua có giá trên 1 tỉ đồng cũng bị từ chối cho vay, phải lách kiểu này, kiểu kia. Đặc biệt, có doanh nghiệp phản ánh rằng dự án của họ nằm ở Bình Dương, giáp ranh TP HCM nhưng người có hộ khẩu tại TP HCM lại không vay được gói tín dụng này.

Thậm chí Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây phải tạm dừng một số khoản vay mua nhà vì vướng quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 khiến nhiều người đang có ý định vay gói 30.000 tỉ đồng phải dở khóc dở cười. Vì vậy, BIDV đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nướcphối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn để tháo gỡ. “Để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng và tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản bảo đảm đối với các tài sản nêu trên, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung” - đại diện BIDV khẳng định.

Đặt vấn đề sau khi kết thúc gói tín dụng, nhà nước có nên có gói tín dụng nào khác cho thị trường hay không, một chuyên gia bất động sản cho rằng thực tế, nhu cầu có nhà ở của đa số cặp vợ chồng chưa có nhà là rất lớn. Chính vì vậy, mỗi khi chính sách hỗ trợ lãi suất đưa ra luôn thu hút người vay. Tuy nhiên, trước khi đưa ra chính sách gì, cơ quan thực thi phải thống nhất quan điểm, ban hành hướng dẫn cụ thể, nhất quán để cho các bên liên quan thi hành một cách thuận lợi; qua đó tạo điều kiện cho người mua, người bán áp dụng dễ dàng, tránh tình trạng quy định ban ra, thi hành gặp vướng mắc thì hiệu quả không cao.


Đầu tư, “đắp chiếu” rồi... chuyển giao

cong trinh trung tam day nghe kieu mau hoang tan, xuong cap sau gan hai nam “dap chieu”

Công trình Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu hoang tàn, xuống cấp sau gần hai năm “đắp chiếu”


Chi tiền tỉ để giải phóng 30.000m2 mặt bằng, xây Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Nhưng đang xây phần thô giữa chừng thì ngưng, “đắp chiếu” nằm chờ do hụt vốn.

Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu (TTDNKM) huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) là một trong 10 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu trên toàn quốc, được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư thí điểm giai đoạn 2012-2015, với mục đích đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc tại các xí nghiệp, công ty ở Khu công nghiệp (KCN) VSIP, KCN Tịnh Phong…

TTDNKM huyện Sơn Tịnh được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 38 tỉ đồng. Sau khi khởi công rầm rộ vào tháng 8-2013, đến tháng 3-2014 công trình tạm dừng thi công, “đắp chiếu” nằm chờ do hụt vốn.

Tỉnh Quảng Ngãi đã cố gắng giải quyết khó khăn nói trên. Phương án cuối cùng là chuyển giao cho đơn vị mới tiếp quản, tránh tình trạng để lâu công trình tiếp tục xuống cấp.

Xuống cấp trầm trọng

Theo kế hoạch ban đầu, khi khởi công xây dựng TTDNKM huyện Sơn Tịnh, đến cuối năm 2014 sẽ đưa vào giảng dạy, đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn gắn với đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo, học viên sẽ trở thành công nhân có tay nghề cung ứng cho các công ty, xí nghiệp ở những KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Thế nhưng, giờ TTDNKM này chỉ là bãi đất trống rộng 30.000m2 với năm ngôi nhà xây dở dang, chỉ mới hoàn thành phần thô. Vì “đắp chiếu” gần hai năm nên nhiều hạng mục như tường gạch, trụ bêtông, sắt thép... đã xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc khắp nơi. Trung tâm này trở thành nơi chất rơm, chăn bò, dự trữ củi... của người dân sống ở khu 
vực xung quanh.

Nhiều người dân sống gần đó cho biết khu vực này trước đây là đồng ruộng. Khi tỉnh Quảng Ngãi có quy hoạch khu vực nói trên, người dân rất vui giao đất cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng để làm TTDNKM huyện Sơn Tịnh.

Tỉnh Quảng Ngãi đã chuẩn bị 3 tỉ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng công trình này. Người dân chẳng hiểu vì sao đang xây dựng công trình thì đơn vị thi công bỗng rút đi, để lại một công trình nham nhở, không có rào chắn, và giao cho một người dân sống gần đó trông coi.

Bà Phùng Thị A (thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong) nói: “Hồi mới xây bà con trông miết, cứ nghĩ trung tâm sẽ hoạt động, con em được đi học nghề rồi ra đi làm ở các công ty gần nhà. Ai dè họ xây bấy nhiêu đó rồi không làm nữa, dân đợi mãi chẳng 
thấy nhúc nhích gì!”.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị chủ đầu tư) cho biết: theo nguồn vốn Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, tổng vốn xây dựng TTDNKM huyện Sơn Tịnh là 37,8 tỉ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề là 33,8 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sau khi rót về 10,3 tỉ đồng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề đã khóa sổ, chủ đầu tư không tìm ra được nguồn vốn thay thế, dẫn đến công trình bị ách tắc.

Ông Nguyễn Duy Nhân, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi, cho biết sở đã cố gắng mọi cách để công trình hoàn thành, nhưng nguồn vốn thiếu hụt quá lớn nên không thể tiếp tục thi công. Về vấn đề này, đơn vị chủ đầu tư đã báo cáo đến các cấp liên quan. “Bộ 
LĐ-TB&XH đã tiếp nhận thông tin này và có phương án xử lý” - ông Nhân nói.

Chuyển giao cho Trường CĐ Công thương TP.HCM

Trước tình trạng công trình TTDNKM đang xuống cấp từng ngày, vào tháng 7-2015 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn ra Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ những khó khăn do dự án đầu tư dang dở, tạm dừng thi công trong thời gian dài. Ngoài thực trạng công trình xuống cấp, chủ đầu tư cũng đang nợ nhà thầu kinh phí xây lắp công trình.

Cuối năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp giải quyết những vướng mắc của TTDNKM tiền tỉ này.

Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Lê Quang Thích - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Tỉnh đã có phương án giải quyết những vướng mắc ở TTDNKM huyện Sơn Tịnh cụ thể bằng văn bản rồi”.

Theo phương án này, tỉnh đã làm việc với Trường CĐ Công thương TP.HCM để bàn giao TTDNKM huyện Sơn Tịnh cho đơn vị này tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào khai thác, sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời giao Sở LĐ-TB&XH thực hiện quyết toán công trình, hoàn thành thủ tục hồ sơ, bàn giao công trình cho đơn vị tiếp quản.

Ông Phạm Hoàng Ngọc Khôi, giám đốc Trường CĐ Công thương TP.HCM chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết trường đã thống nhất phương án với Sở LĐ-TB&XH việc bàn giao nguyên trạng công trình TTDNKM cho đơn vị tiếp tục thi công. Tuy nhiên, hiện tại công trình TTDNKM huyện Sơn Tịnh xuống cấp trầm trọng do ngừng thi công quá lâu. Nhiều hạng mục phải tiến hành tháo dỡ làm lại, như tường gạch bị mục, nhiều trụ bêtông trơ sắt bị gỉ sét...

Cũng theo ông Khôi, sau khi hoàn thành các thủ tục bàn giao, trường sẽ tiến hành khởi công lại công trình TTDNKM vào đầu năm 2016, dự kiến khoảng giữa năm 2016 trung tâm đi vào hoạt động chính thức.

“Trường vẫn thực hiện mục tiêu đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho các công ty, xí nghiệp đóng tại các KCN có nhu cầu. Đồng thời liên kết với các đơn vị này tìm đầu ra cho học viên”.


Xăng dầu “kìm chân”, CPI cả nước tháng giáp Tết "không nhúc nhích"

xang dau “kim chan”, cpi ca nuoc thang giap tet "khong nhuc nhich"

Xăng dầu “kìm chân”, CPI cả nước tháng giáp Tết "không nhúc nhích"


Mặc dù là tháng giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhưng CPI cả nước tháng này không tăng không giảm so với tháng trước.

Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1 năm 2016. Theo đó, trong tháng này, CPI cả nước không đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất 0,89%; tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%...

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,3% và tăng ở một số mặt hàng thực phẩm tươi sống: thịt gia súc tươi sống tăng 0,58%; thịt gia cầm tươi sống tăng 0,53%; thịt chế biến tăng 0,25%; thủy sản tươi sống tăng 0,65% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chuẩn bị hàng Tết tăng cao.

Bên cạnh đó là do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới nên giá quần áo, giầy dép tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37% so với tháng trước.

Ngoài ra, do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ nên một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,89%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng có mức tăng 0,3%, chủ yếu là tăng ở các mặt hàng: giá nhà thuê tăng 0,72% do nhiều hợp đồng thuê nhà bắt đầu ký năm mới nên các chủ nhà tăng giá vào đầu năm; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,61% do nhu cầu sửa chữa nhà tăng cao vào dịp cuối năm; dịch vụ nước sinh hoạt tăng 0,88% và dịch vụ điện sinh hoạt tăng 0,51%.

Ở chiều ngược lại, trong tháng có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là nhóm giao thông giảm 2,82% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06% so với tháng trước.

Giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít vào các ngày 18/12/2015 và ngày 04/01/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.

Giá gas giảm 1,56% so với tháng 12 năm 2015 do các doanh nghiệp giảm giá từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, giảm 31.000 đồng /bình 12 kg do giá gas thế giới giảm.


Ai lợi, ai thiệt từ yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than?

ai loi, ai thiet tu yeu cau cat giam nhiet dien than?

Ai lợi, ai thiệt từ yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than?


Yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than của Thủ tướng Chính phủ được phát đi ngày 19/1 vừa qua là “đòn giáng” vào ngành than nhưng lại là thông tin tích cực với những ngành năng lượng tái tạo và kinh doanh xanh.

Tại cuộc họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60), thông điệp cắt giảm nhiệt điện than đã được đưa ra.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: “Cần phải rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than". Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo.

Tin vui cho ngành năng lượng tái tạo

Đồng thời, Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo, đã cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than từ phía chính phủ Việt Nam.

Đưa quan điểm về vấn đề này, bà Nguy Thị Khanh – Giám đốc Trung Tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng quyết định không còn phụ thuộc vào nhiệt điện than là rất tích cực. Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển điện VII sẽ cần phải được điều chỉnh và sớm công bố khi hiện nay vẫn còn một số lượng đáng kể các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng.

"Nếu Thủ tướng đã thận trọng xem xét và đưa ra quyết định giảm nhiệt điện than, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ đánh giá lại một cách toàn diện tất cả các nhà máy điện than đã đề xuất và ban hànhcác chính sách để nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả” – Giám đốc GreenID khuyến nghị.

Đồng thời, đại diện của tổ chức này cũng cho rằng với những nhà máy điện than hiện có và đang có kế hoạch xây mới cần phải được áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm và công nghệ hiệu suất cao phù hợp với tiêu chuẩn và thực tiễn tốt của quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về số lượng các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch xây mới với công suất dự kiến khoảng 60,000 MW, chỉ đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, việc giảm bớt nhiệt điện than sẽ là “cú sốc” đối với ngành công nghiệp than toàn cầu vốn đang vật lộn để tồn tại. Nhiều nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã cắt giảm nguồn nhiệt điện than.

"Cú giáng" cho ngành than

Còn theo ông Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu Năng lượng Tài chính Úc, tại Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính: “Quyết định của chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuyển đổi thị trường điện là rất tích cực. An ninh năng lượng là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của bất kỳ quốc gia nào và thúc đẩy phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sử dụng năng lượng hiệu quả chính là cách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia từ nguồn tại chỗ".

Cũng theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ: “Cần phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải. Thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...”

Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Quy Hoạch điện VII (QHĐ VII) hiệu chỉnh trong những ngày tới. Trong bản quy hoạch mới này, dự báo nhu cầu được kỳ vọng sẽ thấp hơn so với phiên bản trước, bám sát thực tế phát triển kinh tế, qua đó giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng trong tương lai. Ngoài ra, Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh được dự kiến sẽ tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục