tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 24-01-2016

  • Cập nhật : 24/01/2016

Tìm kiếm giải pháp lâu dài cho biển Đông

pho thu tuong pham binh minh.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.


Sáng 23/1, tham luận tại Đại hội Đảng 12, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề cập tình hình phức tạp ở biển Đông...

Phó thủ tướng khẳng định, thành tựu đối ngoại 5 năm qua khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng 11 đã đề ra.

Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, thông qua việc đưa mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Tham luận nêu rõ, trong 5 năm qua, lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới.

Cụ thể là đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cũng trong 5 năm qua, Việt Nam đã vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Trong các thành tựu nổi bật, Phó thủ tướng nhấn mạnh, trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, Việt Nam đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông.

Đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

“Chúng ta đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”, Phó thủ tướng nói.

Trong 5- 10 năm tới, theo Phó thủ tướng, với Việt Nam chiều sâu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tạo được sự đan xen, gắn kết lợi ích, một cách lâu dài và bền vững giữa nước ta với các đối tác, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, nhất là với các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và phát triển của đất nước.

Đồng thời tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của đất nước ta.

Về kinh tế đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tận dụng các cam kết quốc tế để mở rộng thị trường, tái phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp Việt Nam; gia tăng mức độ tự chủ của nền kinh tế, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng ở khu vực và toàn cầu; tăng cường khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những tác động từ bên ngoài; đóng góp ngày càng nhiều cho quá trình phát triển nội lực và liên kết vùng trong cả nước.

Ông nhấn mạnh, đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu cũng có nghĩa là phải tận dụng được chính hệ thống quy tắc và luật lệ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ được các lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong quan hệ với đối tác nước ngoài.

Đưa hội nhập đi vào chiều sâu là để tạo dựng các mối quan hệ ổn định, lâu dài hơn với các đối tác, gia tăng tính ổn định, bền vững của môi trường chính trị, an ninh; đưa đất nước ta lên vị trí cao hơn ở khu vực và trên thế giới, Phó thủ tướng khái quát.


TP.HCM bàn cách hạn chế xe cá nhân

tp.hcm ban cach han che xe ca nhan

TP.HCM bàn cách hạn chế xe cá nhân


“Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục đặt ra việc kiểm soát xe cá nhân và chúng tôi mong muốn có các giải pháp cụ thể để thực hiện”.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói tại buổi tọa đàm bàn giải pháp chống kẹt xe ở TP.HCM hôm 22-1. Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Nhiều đại biểu tham dự đồng tình với việc hạn chế xe cá nhân. Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT, đề nghị nên tiếp tục ưu tiên cho xe buýt để thu hút người dân. Sau khi phát triển xe buýt thì mạnh mẽ hạn chế xe cá nhân. Nếu không hạn chế cùng lúc cả ô tô và xe máy cá nhân thì hạn chế ô tô cá nhân trước. Hiện TP.HCM quản lý gần 7,5 triệu xe máy, ô tô các loại. Như vậy tính đến cuối năm 2015, lượng xe ở TP.HCM tăng lên 1,5 lần so với năm 2010 (chỉ có 4,9 triệu chiếc).

Chiều 22-1, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã có thông báo khẩn gửi UBND các quận, huyện và các khu quản lý giao thông cùng trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (trực thuộc Sở) dỡ ngay các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ.

Như vậy, các tuyến đường có dải phân cách giữa phần đường dành cho xe ô tô và phần đường dành cho xe hỗn hợp (ô tô và xe máy hai, ba bánh đi chung) như quốc lộ 1, quốc lộ 22, các đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Điện Biên Phủ… điều chỉnh tốc độ tối đa trên phần đường hỗn hợp lên 50 km/giờ. Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị các đơn vị liên quan gắn thêm biển báo “Đi chậm” ở các vị trí nguy hiểm, điểm đen về tai nạn giao thông. Riêng tại nhánh A của cầu vượt Cát Lái vẫn giữ nguyên biển báo 30 km/giờ để tránh lật xe…


Phân hạng chung cư: Nhiều quy định còn rối rắm

phan hang chung cu: nhieu quy dinh con roi ram

Phân hạng chung cư: Nhiều quy định còn rối rắm

Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư về phân hạng chung cư nhằm xác định giá trị chung cư, từ đó áp mức giá dịch vụ quản lý, vận hành theo khung giá do UBND cấp tỉnh ban hành.

Theo dự thảo thông tư, đối tượng phân hạng là nhà ở thương mại. Nhà chung cư được đánh giá và phân thành 3 hạng(A,B,C) theo 4 nhóm tiêu chí bao gồm, nhóm  tiêu chí về quy hoạch và kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mức độ và chất lượng hoàn thiện; chất lượng dịch vụ quản lý nhà chung cư.

Nhà hạng A là các chung cư cao cấp, tổng điểm từ 95 - 100 điểm và đảm bảo điểm số tối thiểu của cả 4 tiêu chí. Hạng B có tổng điểm từ 80 điểm trở lên. Hạng C là những tòa nhà thông thường, được xây dựng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Mục tiêu của việc phân hạng là đưa hoạt động quản lý nhà chung cư ngày càng chuyên nghiệp, hạn chế tranh chấp, kiện tụng. Về công tác thực hiện, Sở Xây dựng hoặc các địa phương có thể giao cho các hội nghề nghiệp chấm điểm từng tiêu chí rồi cộng tổng lại để xếp hạng. Thời hạn quyết định công nhận hạng nhà chung cư có hiệu lực 5 năm.

Sáng nay (23/1), Bộ Xây dựng và một số sở ngành Tp.HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư trên. Tại đây, đa số các ý kiến của đại biểu đều cho rằng những nội dung và quy định trong dự thảo này vẫn còn khá rối rắm, chưa xác định rõ đâu là việc cần phải làm đầu tiên, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp địa ốc...

Ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng phòng quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng Tp.HCM - cho biết các tiêu chí nên thu gọn lại, không nên “ôm” nhiều thứ sẽ làm cho cả nhà nước và doanh nghiệp đều rối, không chừng sẽ không khác với các quy định đã có trước đây.

"Chúng ta vẫn chưa làm rõ thế nào là tuổi thọ cao, thế nào là vật liệu cao cấp, và vô vàn các vấn đề khác liên quan đến chung cư…​Cái khó nhất là tiêu chí, viết ra rất dễ nhưng làm thực tế: kiểm định, xác định có đúng đạt chuẩn với tiêu chí là thực tế hay không mới là vấn đề", ông Hải nói.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng nêu thắc mắc về việc cơ quan chức năng công nhận xếp hạng chung cư sẽ thực hiện sau khi hoàn thành dự án hay lúc công bố bán. Bởi thực tế, việc phân hạng quyết định giá bán. Mặc dù khi bán chủ đầu tư rao bán hạng A nhưng khi nhận nhà thì chất lượng thực tế không đúng như vậy. Còn những tiêu chí liên quan như khoảng cách từ dự án với hệ thống giao thông công cộng là trên 500 m đạt 1 điểm, vậy, nếu cách 1.000m vẫn được chấm 1 điểm hay sao? Song song đó, các tiêu chí của dự thảo này muốn đi vào cuộc sống cần làm rõ hơn nữa bởi vì còn nói khá chung chung.

Bên cạnh đó, tiêu chí tiện ích chất lượng cũng phải là điều để phân hạng. Vấn đề dịch vụ tuỳ theo hạng chung cư mà có mức độ khác nhau. Ví dụ như vấn đề an ninh, nếu chỉ nói có camera thì được xét hạng A, vậy có hợp lý không?

Còn theo góp ý của đại diện Phát Đạt, ngoài các tiêu chuẩn an toàn thì cần làm rõ thêm nhiều tiêu chí về khoảng cách giữa các dự án chung cư, vấn đề kích thước căn hộ cũng nên chiếu theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật. "Bởi vì, nếu như trong 1 dự án có 50% căn hộ có 2 phòng ngủ, còn 20% có 3 phòng ngủ thì có được phân hạng không. Đối với yêu cầu tiêu chí thang máy nhanh thì nên đưa ra cụ thể như nhanh bao nhiêu giây/phút.

"Xác định tiêu chí là liên quan đến quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu vậy thì việc phân hạng là bắt buộc nhưng có thể trước mắt chưa làm được chúng ta cần nghiên cứu kỹ thêm chứ đừng vội vàng áp thực hiện. Nên đưa ra các tiêu chí thực chất, như việc xây dựng không phép sẽ không được công nhận thì có thể không được người tiêu dùng chấp nhận", một đại diện của công ty Vivaland nói thêm.

Cũng theo vị này, hiện luật quy định sau khi xây dựng, chủ đầu tư bàn giao nhà cho ban quản trị nhà chung cư. Vậy khi bàn giao xong thì chất lượng có còn giữ được hay không? Như vậy, khi xây dựng chủ đầu tư đăng ký hạng chung cư mà họ sẽ xây dựng và bán ra thị trường. Đây cũng là tiêu chí để chủ đầu tư xác định giá bán hàng, nhưng một vấn đề xảy ra là sau khi bàn giao thì khách hàng phản ánh nói chất lượng không đạt đúng với hạng, thì chủ đầu tư phải bồi thường sao?

Do vậy, dự thảo này cần xây dựng chi tiết hơn. Chủ đầu tư họ chịu trách nhiệm phần thiết kế cảnh quan khi còn quản lý nhưng khi bàn giao cho ban quản trị thì trách nhiệm của ban quản trị.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì khẳng định rằng đây là việc liên quan đến quyền lợi của các bên liên quan đến dự án bất động sản, không phải chuyện của nhà nước. Nếu như doanh nghiệp nào cần công nhận chất lượng thì thực hiện, theo quyền tự nguyện, không bắt buộc.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khởi, hiện cái khó là thời điểm nào dể xác định xếp hạng chung cư. Đây là cái khó, còn nếu xác định ngay sau khi xong móng thì không thể xác định được. Giống như khách sạn, dựa trên tiêu chí chất lượng phòng ở, mỗi hạng sao thì chất lượng khác nhau nên dễ dàng xếp hạng sao.

"Nếu không làm kỹ thì sau khi có Thông tư hướng dẫn thi hành lại phát sinh thêm nhiều vấn đề bất hợp lý, lúc đấy chúng ta bắt tay làm lại sẽ phát sinh thêm kinh phí thì không tốt", ông Khởi nói.


TPHCM: Năm 2015 có trên 1.000 trường hợp xây dựng không phép

tphcm: nam 2015 co tren 1.000 truong hop xay dung khong phep

TPHCM: Năm 2015 có trên 1.000 trường hợp xây dựng không phép

Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết trong năm 2015 đã tổ chức kiểm tra 88.171 lượt công trình, tăng 35.810 lượt so với cùng kỳ năm 2014; phát hiện và xử lý vi phạm 2.866 trường hợp vi phạm về hoạt động xây dựng, tăng 332 trường hợp so với năm 2014.

Trong đó, xây dựng không phép là 1.367 trường hợp, tập trung chủ yếu ở huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, 12, Bình Tân; xây dựng sai phép là 786 trường hợp. Năm 2015 số trường hợp vi phạm về hoạt động xây dựng tăng so với năm 2014 do lực lượng thanh tra xây dựng tăng cường công tác kiểm tra.

Sở Xây dựng lý giải nguyên nhân lượng vi phạm xây dựng tăng là do số lượng dự án được cấp phép năm nay tăng hơn 10%. Số tiền xử phạt vi phạm xây dựng năm 2015 ứớc tính đạt hơn 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 của Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM mới đây, báo cáo của Sở này cho thấy trong trong năm 2015, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn đạt hơn 10.669 tỉ đồng, tăng 34,56% so với cùng kỳ năm 2014 do áp dụng bảng giá đất mới. Sở dĩ số tiền sử dụng đất thu được trong năm 2015 tăng mạnh là vì từ đầu năm 2015 thành phố đã áp dụng Bảng giá đất mới, tăng bình quân 1,9 lần so với năm trước đó.

Ngoài ra, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt hơn 2.482 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, thu thuế nhà đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt hơn 172 tỉ đồng, bằng 96,23% so với cùng kỳ năm trước vì được áp dụng theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đang trong thời kỳ ổn định 5 năm, từ 2012-2016, tính theo Bảng giá đất năm 2012.

Cũng theo UBND TPHCM, trong năm 2015, cơ quan này đã tham mưu cho UBND TPHCM tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng của sáu khu đất, với tổng diện tích là 1,7 ha, đóng góp nguồn thu cho ngân sách hơn 1.577 tỉ đồng.

Bên cạnh đó còn có 7 khu đất với diện tích trên 18 ha thuộc kế hoạch đấu giá nhưng không tổ chức đấu giá do thuộc danh mục khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT hoặc giao cho UBND cấp huyện đầu tư xây dựng trường học, trụ sở…


Chưa Tết đã khóc ròng vì giá dưa hấu rẻ mạt

Dù dưa hấu loại đẹp nhất được người dân chào giá từ 1.300-1.500 đồng/kg nhưng thương lái thu mua với số lượng rất hạn chế.

Vài ngày qua, trên tỉnh lộ ĐT 713, đoạn qua huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), hàng trăm tấn dưa hấu được người dân nơi đây chất thành từng đống hai bên đường với hy vọng được thương lái ghé lại hỏi mua. Thế nhưng, sau những cái lắc đầu dứt khoát của thương lái, người dân trồng dưa hấu nơi đây đã phải bật khóc.

Theo những người dân trồng dưa hấu tại huyện Đức Linh – nơi có diện tích dưa hấu lớn nhất tỉnh Bình Thuận, chưa có năm nào giá của loại trái này lại rớt giá thê thảm như năm nay. Hiện tại, dù dưa hấu loại đẹp nhất được người dân chào giá từ 1.300-1.500 đồng/kg, loại hàng dạt thì khoảng vài trăm đồng/kg, nhưng thương lái đến thu mua với số lượng rất hạn chế.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương (ngụ thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh), nghẹn ngào, cho biết: “Mọi năm, cho dù giá dưa hấu có rẻ mấy đi chăng nữa thì vẫn được thương lái đến tận vườn thu mua. Thế nhưng, vụ dưa Tết năm nay, bà con rất được mùa nhưng giá cả thì lại rớt thê thảm. Trong khi đó, thương lái họ không thèm đến vườn thu mua nên bà con phải tổ chức thu hoạch rồi chuyên trở lên trên đường chờ thương lái đến”.

Cùng hoàn cảnh trên, 35 tấn dưa hấu của gia đình anh Hoàng Ngọc Quân (ngụ thi trấn Võ Xu) đã được thu hoạch chất thành núi trên đường chờ thương lái tới ngả giá. Tuy nhiên, đã 4 ngày qua, dù nhiều thương lái đến nhưng rồi bỏ đi biệt tăm. “Gia đình tôi thuê 1ha đất để trồng dưa Tết với giá 20 triệu đồng, cộng với khoảng 60 triệu đồng bỏ ra để đầu tư. Thế mà đã 3 ngày qua, 35 tấn dưa hấu của tôi chưa bán được trái nào” – ông Quân than thở.

chi phuong khong cam duoc nuoc mat khi nhin dong dua cua gia dinh chao mai ma khong thuong lai nao mua.

Chị Phương không cầm được nước mắt khi nhìn đống dưa của gia đình chào mãi mà không thương lái nào mua.

Dù vậy, theo ghi nhận, cả tuần nay có rất ít hộ dân bán được hàng cho thương lái. Họ nào bán được thì giá rẻ mạt gần như cho. Điển hình ông Trần Quang Minh (thôn 9, thị trấn Võ Xu) bán được ½ trong số 35 tấn dưa với giá chỉ 1.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân giá dưa hậu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 rớt giá thê thảm là do hiện tại phía bạn hàng Trung Quốc đã ngừng thu mua. Bà Phạm Thị Kim Cúc (thương lái ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Hiện tại dưa hấu không thể xuất đi Trung Quốc nên chúng tôi chỉ thu mua lượng hàng hạn chế để xuất bán đi ở thị trường trong nước”.

du gia re nhung nong dan van phai thu hoach vi so dua hau se bi hu hong.

Dù gía rẻ nhưng nông dân vẫn phải thu hoạch vì sợ dưa hấu sẽ bị hư hỏng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh xác nhận có chuyện xuất hiện hiện tượng “cò dưa”, dẫn đến giá cả bị các đối tượng này chi phối. Bên cạnh đó, theo thông kê, toàn tỉnh Bình Thuận đang có khoảng trên 200ha dưa hấu trồng phục vụ dịp tết Nguyên đán nên lượng dưa khá nhiều, dẫn đến ‘cung vượt cầu”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục