tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thành lập các tập đoàn tài chính để tránh tập quyền

  • Cập nhật : 28/07/2016

Việc thành lập cơ quan này thay thế cho bộ chủ quản của các bộ chuyên ngành hiện nay là chủ trương phù hợp và đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

 
ong vu tien loc

Ông Vũ Tiến Lộc

Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước. Do đó, việc thành lập cơ quan này thay thế cho bộ chủ quản của các bộ chuyên ngành hiện nay là chủ trương phù hợp và đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chia sẻ.

Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về phương án đưa ra?

Tôi rất mừng Bộ KH&ĐT đề xuất phương án về việc này, nhưng tôi băn khoăn và không nhất trí với phương án mà Bộ đưa ra là thành lập một ủy ban và Bộ quản lý DNNN. Bởi Ủy ban hay cơ quan thì cũng là đơn vị quản lý hành chính, quản lý vốn và tài sản Nhà nước là không phù hợp.

Tôi đề nghị thành lập hai đến ba tổng công ty hay tập đoàn tài chính của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của DNNN, thực hiện vai trò quản lý vốn Nhà nước tại các DN và hoạt động như công ty tài chính đầu tư vào tất cả các DN, kể cả các DN 100% vốn Nhà nước và các DN có vốn của Nhà nước.

Cơ sở nào khiến ông đưa ra đề xuất như vậy?

Theo tôi, nếu thành lập được các công ty quản lý vốn NN như vậy sẽ vừa đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các DNNN trong nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo khả năng cạnh tranh. Công ty tài chính quản lý, đầu tư vốn NN sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành, điều này sẽ đảm bảo quản lý vốn NN hiệu quả hơn.

Một cơ quan đứng ra làm thì không nên. Nếu có từ 2 đến 3 cơ quan chịu trách nhiệm về nguồn vốn này sẽ đảm bảo không khí thi đua, cạnh tranh, từ đó giúp cơ quan NN tìm ra mô hình để quản lý tốt hơn.

Nếu vậy, theo ông chúng ta cần cơ chế nào để giám sát tổng công ty và tập đoàn này?

Tôi cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội. Các tập đoàn này hàng năm phải báo cáo Quốc hội bởi họ nắm giữ một khối lượng lớn tài sản Quốc gia. Các tập đoàn này còn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng sao chúng ta không nâng cấp mô hình Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tuy nhiên chúng ta thấy rằng, hiện nay đơn vị này trực thuộc Bộ Tài chính nên có thể hạn chế về vị thế của nó trong quản lý tập đoàn, tổng công ty. Tôi đề xuất mô hình tập đoàn đầu tư tài chính này không trực thuộc Bộ Tài chính mà do Chính phủ trực tiếp quản lý, Bộ Tài chính sẽ là người giúp việc, theo dõi quản lý các tập đoàn này.

Theo ông, khi lập ra các tập đoàn như vậy liệu có gây khó khăn hay mâu thuẫn với tiến trình cổ phần hóa DNNN hay không, thưa ông?

Tôi cho rằng, không có mâu thuẫn gì cả bởi vì nếu DNNN đẩy mạnh cổ phần hóa thì vẫn phải có một tổ chức của NN chịu trách nhiệm về việc đầu tư đó. Rút vốn hay đầu tư. Như vậy thì khi đã cổ phần hóa, công ty đầu tư tài chính này sẽ quyết định giữ bao nhiêu cổ phần ở đó và nó sẽ đại diện cho vốn chủ sở hữu NN trong các DN cổ phần hóa mà có tư nhân tham gia.

Xu hướng của nước ta là hầu hết các DNNN sẽ cổ phần hóa, thì tập đoàn, công ty này giống như tập đoàn tài chính của tư nhân, đầu tư vào các DN và hoạt động với tư cách cổ đông trong các DN cổ phần hóa chứ không can thiệp vào hoạt động của chính DN đó.

Khi DN hoạt động theo nguyên tắc cổ phần, thì tùy theo cổ phần mà NN chiếm bao nhiêu, tập đoàn, công ty tài chính này sẽ cử đại diện tham gia vào và có tiếng nói trong việc cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh nên không mâu thuẫn mà thúc đẩy cổ phần hóa DNNN.

Việc này cũng phù hợp với chủ trương của Thủ tướng là cần cổ phần hóa mạnh mẽ DNNN, rút vốn NN ra khỏi những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh thuần túy và chỉ giữ lại vốn NN trong 1 số lĩnh vực. Điều này cũng nhằm tạo việc đa dạng hóa thành phần vốn NN tại các DN, góp phần nâng cao hiệu quả của chính DNNN. Khi cổ phần hóa nghĩa là có sự tham gia của công ty tư nhân, các cổ đông sẽ tạo áp lực lớn để người ta kiểm soát và buộc DN phải nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đây cũng là cơ sở thu hút các nguồn lực trong xã hội bởi lẽ nó tạo cơ hội cho người dân và DN đầu tư vào những DNNN, kể cả DN quan trọng. Việc này như mũi tên trúng 2 đích, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động vốn NN và giúp NN rút vốn để đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả và quan trọng hơn như hạ tầng, giáo dục và y tế.

Xin cảm ơn ông!


Dương Công Chiến thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục