tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phát triển thủy điện vừa và nhỏ: 'Vỡ trận' quy hoạch và giải pháp cho bài toán an ninh năng lượng

  • Cập nhật : 02/11/2017

Đảm bảo an ninh năng lượng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển không có nghĩa là chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Sự phát triển “nóng” của các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã làm dấy lên không ít quan ngại bởi thực trạng quy hoạch thủy điện thiếu kiểm soát…

den nam 2020, tong cong suat lap dat cac nguon thuy dien dat 21.600 mw. nguon: baokiemtoannhanuoc.vn

Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn thủy điện đạt 21.600 MW. Nguồn: baokiemtoannhanuoc.vn

“Vỡ trận” quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tận dụng lợi thế về địa hình với số lượng sông suối lớn, độ dốc cao… nhiều tỉnh miền núi đã coi phát triển thủy điện nhỏ là “con gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, thực trạng phát triển một cách ồ ạt các công trình thủy điện nhưng thiếu sự giám sát đã gây nên không ít hệ lụy khi chủ đầu tư quay lưng. Và sau nhiều năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, Hà Giang, Cao Bằng - các địa phương đi đầu trong phong trào phát triển năng lượng ở miền Bắc - đã phải hứng chịu hàng loạt hậu quả như mất rừng, sông suối cạn trơ đáy, dự án xây dựng dở dang, danh lam thắng cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng…

Chỉ tính riêng Cao Bằng, mặc dù năm 2011, địa phương này đã loại bỏ 11 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch, nhưng hiện vẫn còn 40 dự án nằm trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy hơn 350 MW. Trong đó, 24 dự án được tỉnh phê duyệt năm 2007, 10 dự án do Bộ Công Thương phê duyệt, điều chỉnh và 6 dự án được tỉnh phê duyệt bổ sung. Theo quy hoạch này, hệ thống sông Gâm với chiều dài khoảng 60 km sẽ phải “cõng” tới 6 dự án thủy điện.
 
Còn tại Hà Giang, từ năm 2005 cho đến nay, có 72 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 768,8 MW đã được quy hoạch. Trong giai đoạn đầu từ năm 2005-2010, địa phương này được quy hoạch 26 dự án với tổng công suất lắp máy 474,9 MW.

Trong khi đó, theo Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, thì số lượng dự án thủy điện nhỏ giai đoạn 2 được điều chỉnh thêm 34 dự án. Mặc dù hệ thống thủy điện đã được quy hoạch dày đặc trên hầu hết các con sông, nhưng trong khoảng thời gian từ cuối năm 2009-2011, tỉnh này vẫn tiếp tục quy hoạch thêm 11 dự án với tổng công suất lắp máy hơn 160 MW.

Mãi cho đến tháng 4/2013, sau khi cùng Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện, UBND tỉnh Hà Giang mới loại bỏ 27 trong tổng số 72 dự án ra khỏi quy hoạch. Dẫu vậy cho đến nay, mỗi con sông ở đây vẫn phải gồng gánh từ 3-6 dự án thủy điện. 

Lý giải thực trạng trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Nhu cho biết: trước đây, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án thủy điện chưa sát với thực tế, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi. Vì thế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm đã “nhảy” vào đầu tư, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh, loại bỏ nhiều dự án khỏi quy hoạch.

Theo quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, cả nước có 824 dự án với tổng công suất 24.778 MW, đạt 95,5% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Trong đó, 343 dự án (công suất 17.987 MW) đã vận hành khai thác, 165 dự án (công suất 3.348 MW) đang thi công xây dựng, 260 dự án mới (công suất 3.050 MW) đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng, còn lại 56 dự án (công suất 393,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư. 

Theo Quyết định số 2394/QĐ-BCT ngày 01/9/2006 của Bộ Công Thương quy định phân ngưỡng thủy điện, đối với các dự án thủy điện nhỏ có công suất nằm trong phạm vi từ 1 ÷ 30 MW, cả nước có 714 dự án (công suất 7.238 MW) nằm trong quy hoạch, trong đó, 270 dự án (công suất 2.767,7 MW) đã vận hành khai thác, 141 dự án (công suất 1.739 MW) đang thi công xây dựng, 250 dự án (công suất 2.466 MW) đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng, còn lại 53 dự án (công suất 265,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư. 

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, Đỗ Đức Quân cho biết, trước năm 2013, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định và quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương, song việc quản lý chưa đồng bộ đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể, có tình trạng các nhà đầu tư "chạy" xong dự án là trao đổi mua đi bán lại mà không tổ chức triển khai thực hiện như Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Chưa kể, năng lực tài chính và năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế. Một số văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới để phù hợp với tình hình mới như quy định về quản lý an toàn đập... 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận: Công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số hạn chế, trong đó có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực, chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành, gây bức xúc trong dư luận.

Hướng tới phát triển thủy điện bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện với công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp)...

Mới đây, tại Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: an toàn - hiệu quả - bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: hiện Chính phủ chưa cho phát triển lại 468 dự án thủy điện. Trong khoảng 5-10 năm tới, nếu chi phí phát triển hệ thống điện tăng cao thì sẽ xem xét lại. Thời điểm hiện nay, tính hiệu quả của các dự án không cao nên phải rà soát để xem xét bổ sung, cập nhật lại các dự án.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện nhỏ và vừa, nhưng điều kiện tiên quyết là cần thay đổi các chính sách, cơ chế, giải pháp để bảo đảm lợi ích dài hạn. Việc phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ là để tận dụng tài nguyên và cũng là cách giảm xây mới các nhà máy nhiệt điện than, vốn gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. “Khôi phục nhưng không phải theo cách cũ, theo phong trào mà phải theo chiến lược mới, tư duy mới” - ông Thiên nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 điều chỉnh, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng trên 6,7%/năm, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn thủy điện đạt 21.600 MW, năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 khoảng 27.800 MW. 

Để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam, theo ông Đỗ Đức Quân, cần phải thực hiện 5 giải pháp: 

Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác.

Hai là, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, từng bước tiến tới phát triển thủy điện một cách bền vững.

Năm là, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng sớm xem xét, bổ sung, điều chỉnh các nghị định, thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển thủy điện nhỏ ở Việt Nam.

Nhằm phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương sẽ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư thủy điện nhỏ như điều chỉnh mức vốn tự có của chủ đầu tư từ 30% theo quy định xuống 15%, thậm chí có cơ chế ưu tiên để các chủ đầu tư được vay với lãi suất ưu đãi đầu tư cho dự án từ World Bank...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, cam kết bảo vệ môi trường... theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị: Thời gian tới, các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện một cách bền vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa yêu cầu về phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Theo Hồng Nhung/baokiemtoannhanuoc.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục