tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hiệp định thương mại nào sẽ giúp Việt Nam phát triển nếu TPP đổ vỡ?

  • Cập nhật : 08/06/2017

Khi TPP đối mặt với nguy cơ bế tắc do sự rút lui của Mỹ, các quốc gia thành viên đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại.

RCEP là hiệp định thương mại do ASEAN làm trung tâm được đánh giá là một trong những bước đi quan trọng về hội nhập khu vực của ASEAN. Ngày 22/5 vừa qua tại Hà Nội, bên lề Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC, các nước đã bước vào vòng đàm phán thứ 18.

Được khởi xướng vào tháng 2012, RCEP nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế giữa ASEAN và 6 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Như vậy, 16 quốc gia thành viên RCEP đã chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu.

bo truong bo cong thuong viet nam tran tuan anh phat bieu tai hoi nghi rcep dien ra sang 22/5 tai ha noi. nguon: bct

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị RCEP diễn ra sáng 22/5 tại Hà Nội. Nguồn: BCT

Theo đánh giá của các chuyên gia, trọng tâm của RCEP là sự tham gia của ASEAN và các đối tác đối thoại mang tính sâu rộng hơn dựa trên sự cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại tự do hiện có giữa các bên. RCEP cũng được kỳ vọng là một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, cung cấp cơ sở để giải quyết các vấn đề thương mại mà các nước phải đối mặt trong tương lai. Lý tưởng hơn, RCEP có thể là một mô hình thế kỷ 21 cho việc hội nhập giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị và văn hoá.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang lâm vào bế tắc, hiệp định RCEP có tham gia của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có sự phát triển năng động nhất trên toàn cầu, là một biện pháp cần thiết nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

TPP và RCEP, bên nào 8 lạng, bên nào nửa cân?

TPP là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

Còn RCEP là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.

Mỹ là động lực chính của TPP và không có Trung Quốc. Trong khi đó, RCEP được Trung Quốc hỗ trợ tích cực và không có Mỹ.

Theo số liệu của Viện kinh tế Brookings, cả hai hiệp định có quy mô gần tương đương. Các nước thành viên TPP chiếm 37,5% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 30,5% GDP thế giới và gần 28% thương mại toàn cầu.

Sự khác nhau cơ bản giữa RCEP và TPP là RCEP chỉ bao gồm những vấn đề cơ bản như hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và tranh chấp thương mại. RCEP không đề cập đến những vấn đề như môi trường, lao động, vệ sinh dịch tễ giống như TPP.

Việt Nam có được hưởng lợi từ RCEP?

Hiệp định RCEP sẽ đem lại một sự thúc đẩy đáng kể đến GDP toàn phần cho tất cả các quốc gia thành viên, mặc dù chưa đến mức mà Hiệp định TPP đem lại lợi ích cho một số quốc gia chú trọng thương mại của châu Á. Hiệp định RCEP có thể không thúc đẩy tăng trưởng sản lượng như TPP có thể làm, nhưng những lợi ích sẽ được chia sẻ công bằng hơn khắp châu Á.

dai dien cac quoc gia tham gia dam phan rcep tai ha noi. nguon: bct

Đại diện các quốc gia tham gia đàm phán RCEP tại Hà Nội. Nguồn: BCT

Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định RCEP trong khu vực. Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc gia tăng.

Nếu như TPP mở ra hướng tiếp cận với thị trường lớn nhất cho sản phẩm thủy sản, dệt may cho Việt Nam thì với RCEP, khối ASEAN và 6 nước đối tác sẽ nâng tầm các thỏa thuận thương mại tự do đã ký, giảm thiếu rào cản thương mại, nâng cao tự do hóa thuế quan, giúp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Rõ ràng là Hiệp định RCEP có những mặt không thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, đây là một sự phát triển đáng mừng cho khu vực, trong bối cảnh vòng đàm phán Doha trong WTO “đóng băng”, còn việc thực hiện của TPP đang gặp khó khăn.

“Ít nhất, chúng tôi thấy được việc TPP không được tiếp tục bàn luận và Mỹ không thể khởi động các sáng kiến thương mại khác trong vòng bốn năm tới, và điều đó sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP thêm nữa”, HSBC nhận định.

Tác động đến từ RCEP không lạc quan như những lợi ích từ TPP mang lại. Tuy nhiên, do môi trường tăng trưởng thấp mà chúng ta đang phải đối mặt, thì chúng ta phải nắm lấy những gì có thể, HSBC kết luận.


Tuệ Minh (tổng hợp)
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục