Quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI có thể khiến Việt Nam có hai nền kinh tế và khó thoát khỏi mô hình kinh tế gia công với nhiều hệ lụy.
Kinh tế trưởng VinaCapital: Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ và EU
- Cập nhật : 28/06/2017
Dù cho động cơ thu hẹp chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và liên minh châu Âu có khác Trung Quốc, tất cả đều có một điểm chung là ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ảnh minh họa.
CFA Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital trong báo cáo mới nhất của mình phát hành ngày 26/06/2017 mang tên “Global Monetary Tightening and Its Impact on Vietnam” tạm dịch “Thắt chặt tiền tệ toàn cầu và tác động đến Việt Nam” cho rằng, dù cho động cơ thu hẹp chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và liên minh châu Âu có khác Trung Quốc, tất cả đều có một điểm chung là ảnh hưởng đến Việt Nam.
Gần đây, các Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều có hành động chung là đưa ra những cảnh báo cho chính sách mở rộng tiền tệ trong thời gian qua, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng ra tín hiệu cho thấy bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình vốn lên đến 4,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.
Việt Nam được hưởng lợi từ việc thu hẹp chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và EU
Phản ứng nói trên của FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phù hợp với kết quả GDP tăng trưởng cao hơn (tăng trưởng cao thường đi kèm với lo ngại về lạm phát tăng), trong khi phản ứng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhằm tháo gỡ đòn bẩy tài chính trong kinh tế Trung Quốc vốn tăng trưởng phụ thuộc vào các khoản vay nợ khổng lồ trong 10 năm qua (tỉ lệ nợ so với tổng GDP tăng phi mã từ 150% lên đến 280%).
Nếu GDP của Hoa Kỳ và EU tăng cao như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách, kinh tế Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi. Xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 85% GDP cho thấy Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng toàn cầu. Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu, vào thị trường EU chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào 2 thị trường nói trên đều tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
GDP các thị trường này tăng trưởng nhanh hơn sẽ làm lãi suất tăng cao, nhưng lãi suất đồng đô-la Mỹ (USD) và đồng Euro (EUR) tăng chưa chắc khiến lãi suất ở Việt Nam tăng lên; lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện khá cao và lạm phát đang được kiểm soát tốt.
Thắt chặt tiền tệ ở Trung Quốc sẽ tác động xấu đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Ngược lại, chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc sẽ có tác động khá xấu đến thị trường chứng khoán Việt Nam vì Trung Quốc chủ trương tăng lãi suất nhằm phá vỡ tình trạng bong bóng bất động sản và dọn dẹp cái gọi là “hệ thống ngân hàng ngầm” (shadow banking system) ở nước này.
CFA Kokalari cho biết, VinaCapital tin rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc - dự báo tiếp tục siết chặt hơn nữa sau tháng 11 tới - gây nên nguy cơ còn lớn hơn cho các thị trường chứng khoán mới nổi vốn đã tăng 20% từ đầu năm đến nay so với việc Hoa Kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, việc “chỉnh đốn” thị trường chứng khoán mới nổi của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam vì chứng khoán Việt Nam không có lợi lộc gì từ dòng “vốn nóng” đổ vào thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên đến 100 tỷ USD đã nhận lượng vốn ngoại đổ vào lên đến 350 triệu USD và đạt mức cao nhất trong những năm qua.
Lãi suất USD tăng sẽ không làm cho lãi suất VND tăng mạnh
"Chính sách tăng lãi suất đồng USD song hành cùng mức tăng trưởng GDP nhanh hơn của Hoa Kỳ sẽ mang lại tổng tác động tích cực cho các nhà đầu tư vào tài sản Việt Nam.”
Việt Nam đang có mức thặng dư thương mại với Hoa Kỳ khoảng 14% GDP. Hơn nữa, lãi suất đồng USD cao dường như không gây áp lực tăng lãi suất VND vì Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát và lãi suất cho vay hiện ở mức khá cao do những bất thường trong hệ thống ngân hàng nội địa.
Tóm lại, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể điều tiết được lạm phát và lãi suất nội tệ mà vẫn giữ nền kinh tế ổn định, và VinaCapital kỳ vọng rằng khi lãi suất USD tăng mạnh, Chính phủ sẽ thể hiện tốt khả năng ấy.
Chính phủ hoàn toàn có thể hạ thấp lãi suất cơ bản thông qua thúc đẩy xử lý nợ xấu, xử lý vấn đề liên quan đến giới hạn room ngoại tối đa 30% cũng như các khiếm khuyết khác của hệ thống. Trước đây, Chính phủ Việt Nam chỉ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công khi bị rơi vào tình thế ép buộc; các nhà hoạch định chính sách sẽ có hành động mạnh mẽ ngay khi lãi suất USD tăng mạnh, dù vậy, VinaCapial không hi vọng lãi suất USD tăng cao trong 2 năm tới.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive.vn