tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nông nghiệp là lĩnh vực tổn thương nhất trong hội nhập

  • Cập nhật : 12/11/2015

(Kinh te)

Sản xuất manh mún, thiếu ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu thụ nông sản khó khăn, liên kết chuỗi lỏng lẻo đang khiến cho ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức và chịu nhiều tổn thương nhất trong hội nhập.

 

Đó là nhận định được ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra tại Diễn đàn chính sách “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm từ Đồng bằng sông Cửu Long” do Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng ngày 1/10 tại Cần Thơ.

Dẫn chứng từ câu chuyện của ngành gạo, ông Dũng cho biết mặc dù hàng năm Chính phủ có chính sách thu mua, tạm trữ lúa gạo để hỗ trợ người nông dân. Song trên thực tế vấn đề giá thu mua lúa, giá xuất khẩu, vai trò của thương lái và lợi nhuận của người nông dân… vẫn là những câu chuyện còn phải bàn.

Sản xuất manh mún sao cạnh tranh?

Nhìn rộng ra, đại diện của Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng không chỉ lúa gạo mà nhiều ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải chịu cạnh tranh rất lớn. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thách thức cho nông nghiệp càng lớn và tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng khó khăn.

“Trong khi các nước phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, dân số làm nông nghiệp ít, chỉ 3% trong khi mình có tới 60%, nhưng chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, cạnh tranh sẽ hết sức khó khăn, sản phẩm của họ rẻ như vậy thì hàng của ta sẽ cạnh tranh như thế nào?”, ông Dũng lo ngại.

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, thì so sánh hai chuyện đang gây sự chú ý trên thị trường hiện nay. Đó là sản phẩm iPhone 6s của Apple mới ra mắt ngày 29/9/2015 đã bán được 13 triệu chiếc với giá từ 13 – 19 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, gạo của Việt Nam đã xây dựng được vị trí trên thị trường thế giới trong nhiều năm, song giá xuất khẩu lại “rớt” thê thảm mà vẫn không bán được.

“May phước nhờ Philippines đợt vừa rồi, thiếu gạo nên đã đặt mua 450 ngàn tấn gạo giá rẻ của Việt Nam với giá thấp thì nay ta mới có chuyện để nói. Vì sao cùng là sản phẩm, nhưng lại có sự khác biệt lớn như vậy”, GS. Xuân đặt câu hỏi.

Theo GS. Xuân, việc phát triển theo hướng dễ tăng sản lượng nhưng khó tăng chất lượng đang khiến cho sản phẩm kém tính cạnh tranh, khó tìm đầu ra và liên tục chịu nghịch cảnh “được mùa rớt giá”. Dẫn đến khó tăng lợi tức cho người nông dân, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất ngày càng lỏng lẻo và không tin tưởng lẫn nhau.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng: nếu không nâng sức cạnh tranh, thì việc mở cửa có thể khiến cho lực lượng xã hội đông đảo là nông dân bị tổn thương nhiều nhất. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu những sức ép cạnh tranh đến từ hội nhập.

Bài toàn lợi tạo lợi tức cho người nông dân

Ông Dũng nói: “Rõ ràng không chỉ tiêu thụ mà kết nối chuỗi giá trị như thế nào để tạo thành chuỗi liên thông, không chỉ sản xuất mà tìm cách tiêu thụ, làm cách gì để ta bảo đảm sự phân chia lợi ích, các gía trị trong chuỗi đó công bằng hơn? Làm sao đấu tranh phần lợi ích cho người nông dân có được nhiều hơn và tham gia đảm nhiệm một vài ba mắt xích trong chuỗi”.

Còn theo GS. Xuân, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện đúng quy trình GAP gắn với liên kết 4 nhà, nòng cốt là do doanh nghiệp đầu ra gắn kết với hợp tác xã.

Trong đó, các DN phải linh hoạt trong tìm kiếm thị trường, liên kết với một số công ty mậu dịch quốc tế, kết nối với Nhà nước để xúc tiến đầu ra nông sản. Cải tiến phương thức sản xuất sản phẩm chất lượng cao trên cơ sở triệt để hợp tác hóa nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

“Thị trường 90 triệu dân là thị trường béo bở cho các nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào nước ta. Cần có chiến lược lâu dài với chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục người dân biết ăn các sản phẩm lương thực chế biến từ các nông sản nguyên liệu của nước ta”, GS. Xuân khuyến nghị.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục