tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chi phí sản xuất gà Việt Nam cao nhất Châu Á

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Kinh doanh)

Chi phí giá thành sản xuất ra một kg gà Việt Nam là 1,6 USD tương đương hơn 35.000 đồng. Trong khi đó, giá thịt bán ra chỉ 1,3 USD/kg gần 29.000 đồng. Trung bình, mỗi kg gà lỗ 0,3 USD.

anh minh hoa - nguon: internet

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 

Theo báo cáo của Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện chi phí giá thành sản xuất gà hơi ở Việt Nam cao nhất so với các nước châu Á.

Cụ thể, để sản xuất ra một kg gà Việt Nam là 1,6 USD tương đương hơn 35.000 đồng. Trong khi đó, giá thịt bán ra chỉ 1,3 USD/kg gần 29.000 đồng. Trung bình, mỗi kg gà lỗ 0,3 USD.

Còn lại, các nước trong khu vực đều có mức dương. Chẳng hạn như, tại Ấn Độ, chi phí sản xuất gà hơi là 1,1 USD/kg trong khi giá thịt bán ra 1,25 USD/kg, Malaysia chi phí sản xuất là 1,15 USD/kg và giá bán là 1,40 USD/kg.

Tại Thái Lan, đất nước được xem là một trong những nước xếp top 10 về sản lượng gà trên thế giới, chi phí sản xuất là 1,2 USD/kg, trong khi giá bán là 1,30 USD/kg.

Lý giải về chi phí sản xuất gà ở Việt Nam cao, ông Đỗ Văn Chung (Hiệp hội Chăn nuôi) cho rằng do chất lượng giống chưa tốt, dịch bệnh còn nhiều, điều kiện chăm sóc gà chưa tốt. Ngoài ra, chi phí thức ăn chăn nuôi quá cao, chất lượng không đảm bảo kèm theo quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến giá thành cao.

“Trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, ví như các nước khác họ có quy định cụ thể và xử phạt nghiêm túc về các trại giống không đảm bảo, chất lượng kém”, ông Chung nói.

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng giống gà nuôi tại Việt Nam phần lớn nhập từ nước ngoài (gà trắng nhập 100%, gà lông màu 40%), trong khi người dân lại chuộng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngoại.

Ông Sơn cũng cho biết, thời gian nuôi gà ở Việt Nam lâu hơn rất nhiều so với các nước.

"Thời gian bình quân ở Việt Nam để nuôi một con gà đạt trọng lượng 2,2 kg mất 40-55 ngày, còn các nước trên thế giới chỉ 35 ngày. Tiến tới năm 2020, một số khu vực cho biết sẽ phấn đấu rút ngắn thời gian xuống còn 31 ngày ", ông Sơn cho hay.

Lỗ nhưng vẫn phải bán

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, ông Phan Minh Báu cho biết, hiện tại, Công ty Cổ phần CP (Đồng Nai) báo lỗ liên tiếp 11 tháng. Trong khi đó với giá 22.000 – 24.000/kg đã lỗ nhưng cũng không thể bán được.

Tương tự, Công ty Long Thuận Trường cũng thông tin mặc dù gà đã chở đi nhưng không ai mua.

Sở dĩ gà của các doanh nghiệp tại Đồng Nai ế ẩm theo ông Báu là vì kho lạnh chứa sản phẩm gà Mỹ với giá rẻ nên không cạnh tranh nổi.

Có một thực tế, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều than báo lỗ trong suốt một năm vừa qua nhưng không doanh nghiệp nào dám từ bỏ. Vì sao lại vậy?

Lý giải điều này, đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Ennivest Việt Nam cho hay, mặc dù 11 tháng vừa qua không tháng nào không lỗ nhưng Ennivest vẫn phải tiếp tục làm.

“Đó là bởi muốn sản xuất ra một kg gà thịt đã thiết kế cả một quy trình, cần nhiều thời gian, ảnh hưởng nhiều người nên không phải nói nghỉ là nghỉ được”, vị đại diện này khẳng định.

Theo doanh nghiệp Ennivest, với chi phí giá gà thịt của Thái Lan là 1,2 USD/kg, tương đương 26.400 đồng/kg, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn sản xuất được. Và nếu tạm tính như vậy, sau khi giết mổ cộng mọi chi phí thì giá một kg gà nguyên con sẽ là 35.000 đồng/kg.

Liên quan đến đùi gà Mỹ có giá 20.000 đồng/kg trên thị trường vừa qua, đại diện Ennivest khẳng định: “Người Mỹ không thể sản xuất gà với giá rẻ như vậy. Chính phủ nên tập trung làm rõ có gian lận thương mại hay hàng không đủ chất lượng không? Có như vậy, mới hỗ trợ được doanh nghiệp bằng không càng lỗ thì ép buộc doanh nghiệp phải nghỉ”.

Enninvest cũng đề xuất, thời gian tới, cơ quan quản lý liên quan nên có chính sách tháo gỡ, hỗ trợ giúp doanh nghiệp xuất khẩu được ức gà.

Bởi thực tế cho thấy, ức gà ở Việt Nam sau khi mổ ra, giá thành rẻ và không bán được, chủ yếu dùng để làm ruốc. Nếu mở ra hướng xuất khẩu ức gà sang các quốc gia thích tiêu dùng sẽ giúp ngành chăn nuôi gà có thể cất cánh, số lượng sản xuất sẽ thay đổi đột phá.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục