tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Quan ngại của doanh nghiệp về các nội dung đàm phán TPP liên quan đến Lao động

  • Cập nhật : 05/09/2015

Tôi tán thành những ý kiến và khuyến nghị đã được các chuyên gia của VCCI nghiên cứu và phân tích rõ ràng, xác đáng trong tài liệu về vấn đề lao động trong đàm phán TPP. Tham gia TPP chắc chắn sẽ có những thách thức và cơ hội mới về lao động cho DN nước ta. Tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ về những thách thức và cơ hội đó cũng như vài gợi ý về việc nên chuẩn bị thế nào để đón nhận chúng.

Thách thức 

Có 5 thách thức đối với Việt Nam về vấn đề lao động khi tham gia TPP. 

Thứ nhất là cách tiếp cận về vấn đề lao động của các nước TPP, các nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam, rất khác và rất mới đối với Việt Nam. Vấn đề này không mới đối với các nước khác trong TPP bởi họ đã có một loạt ký kết trước đó rồi, kể cả với những nước đang phát triển như Peru, nước này đã có FTA với Hoa Kỳ nên vấn đề này không mới đối với họ. Nhưng đối với Việt Nam thì lại là mới, và khác với chúng ta khá nhiều. Chính khoảng cách, sự khác biệt giữa họ với chúng ta là thách thức đầu tiên. Song đơn giản là bây giờ chúng ta muốn hội nhập quốc tế thì phải chấp nhận những luật chơi chung, cái gì ta khác thì phải cố gắng thay đổi, vì vào sân họ thì ta không thể bắt họ lùi trở lại để bằng mình được, mà phải vươn lên để bằng họ. Thế nên cái gì mới thì mình phải học, để làm quen, để nó dần trở thành bình thường và rồi thực hiện. Trong quá trình hội nhập lâu nay, đã có rất nhiều cái mới du nhập vào Việt Nam, chúng ta đã chấp nhận, đã làm được, thì đây là một thách thức mới, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội để chúng ta học hỏi và tự nâng mình lên một chuẩn cao hơn. Những quan niệm còn lạ, còn khác biệt thì đơn giản là chúng ta phải học để hiểu và cố gắng xem có thể tiếp nhận được không, và một khi đã chấp nhận những điều kiện đó thì phải cố gắng mà thực hiện nó. 

Thách thức thứ hai, có liên quan đến thách thức thứ nhất, đó chính là tư duy, thể chế và thói quen của chúng ta trong vấn đề lao động từ trước đến nay khác khá nhiều so với các nước khác. Có thể nói trong quá trình đổi mới, chúng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy kinh tế về nhiều mặt, nhưng trong vấn đề lao động, thì có lẽ sự chuyển đổi về tư duy của chúng ta chưa mạnh bằng một số chính sách kinh tế khác hay cởi mở như chính sách thương mại. Về thể chế, chúng ta có thể chế khá tốt về lao động, Luật Lao Động của chúng ta có thể nói là khá cấp tiến, ILO cũng thừa nhận rằng luật pháp về lao động của Việt Nam khá tiên tiến so với các nước đang phát triển khác. Việt Nam đã mạnh dạn chấp nhận tham gia một loạt các công ước của ILO khá sớm, trong khi các nước khác còn ngần ngại. Tuy nhiên, vấn đề là dù đã có quy định trong luật pháp, cơ chế thực hiện của chúng ta rất yếu, mà không thể nói một thể chế là tốt nếu như nó không đi được vào thực tế cuộc sống. Cái yếu lớn nhất ở thể chế về lao động của chúng ta là khâu thực hiện. Đây cũng là cái cần phải thay đổi nhiều. Nhiều thói quen của chúng ta trở thành đường mòn lâu nay rồi, và sau này khi có vấn đề phát sinh, kể cả cái tiêu cực nảy sinh và kéo dài, thì chúng ta lại tạo ra một thói quen xấu, là chấp nhận sống chung với những cái đó. Ví dụ như ở nước ta, tranh chấp lao động xảy ra với mật độ càng ngày càng tăng lên, các vụ tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp xảy ra rất nhiều, đến mức Thủ tướng, khi làm việc với Tổng công đoàn đầu năm nay, đã phải đề nghị phấn đấu giảm 50% số vụ tranh chấp lao động. Nhiều như vậy, với cường độ tăng lên như vậy trong suốt những năm qua, nhưng chúng ta đã xử lý như thế nào? Hay là để cho nó nhờn, thành một vấn nạn, biết trước thể nào cũng xảy ra, công nhân sẽ khiếu kiện, sẽ có đình công không đúng quy định của pháp luật…, và rồi nó trở thành một thực tế mà chúng ta chấp nhận sống chung với nó hơn là lo giải quyết nó?

Ngay cả về công đoàn cũng có cái khác giữa tư duy của những người làm công đoàn với tư duy của những người công nhân. Ai cũng biết công đoàn phải là của công nhân. Song những người làm công tác công đoàn nói chung cần thường xuyên tự nhìn lại xem trong thực tế mình có thực sự là người của công nhân hay không, hay là một thứ công chức làm công ăn lương và hành xử theo một cách khác? Đây cũng là vấn đề, vì có lẽ nếu đông đảo công nhân coi công đoàn thực sự là của mình, thì số vụ đình công và tranh chấp lao động sẽ không tăng lên như ở nước ta trong thời gian vừa qua. Đây cũng là một nghịch lý, vì Việt Nam là một nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lâu nay vẫn đề cao tinh thần “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, tổ chức công đoàn, vì thế càng phải là của công nhân, do công nhân, vì công nhân. Tại sao lại vẫn để cho tranh chấp liên tục xảy ra, và vai trò của công đoàn thường khá mờ nhạt trong chuyện đó? Còn biết bao vấn đề khác về đời sống khó khăn của công nhân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, cả hệ thống công đoàn khá đồ sộ của chúng ta đã ở đâu trong khi những vấn đề này cứ kéo dài năm này qua năm khác, thậm chí còn nặng nề hơn?

Những khác biệt và thói quen dở mà chúng ta đang có chính là thách thức thứ hai, bởi vì thay đổi tất cả những điều này, từ tư duy đến thể chế, thi hành thể chế, đến những thói quen không hay, hoàn toàn không phải việc dễ dang’. Người Anh có câu “Old habit dies hard” (Tật cũ thì khó bỏ) có lẽ rất đúng. 

Thách thức thứ ba là trong hoàn cảnh như vậy, khả năng của chúng ta đáp ứng được những điều kiện của TPP đưa ra về lao động là khó. Kể cả khi chúng ta chấp nhận đưa vào thỏa thuận, rồi  mạnh dạn ký vào và tham gia TPP, thì cơ chế thi hành sau này cũng sẽ rất khó khăn. Bởi vì thay  đổi tất cả thói quen của mình để thực hiện cái mới cho tốt là việc khó. Thông thường chúng ta có  thể ký được nhanh, nhưng khi thực hiện thì không dễ. Một khi đã tham gia TPP, họ sẽ giám sát   tới nơi, và đòi hỏi chúng ta thực hiện tới nơi, chứ không như WTO. Phải nói thật rằng cho đến nay, WTO còn khá nương tay đối với Việt Nam. 5 năm vừa qua, chúng ta tham gia WTO, sức ép về đòi hỏi thực hiện đối với chúng ta có lẽ cũng chưa có gì nhiều, cho nên chưa thực sự thúc đẩy   Việt Nam tiến hành mạnh những cải cách cần thiết để có thể thực hiện tốt hơn cả cam kết với WTO lẫn những điều thực sự mang lại lợi ích cho chính mình. Đó sẽ là cái khó thứ ba của chúng  ta. Nếu như chúng ta mang theo thói quen cũ, là cam kết một đằng nhưng thực hiện lại đi một đằng khác, thì trong trường hợp TPP sẽ khó. Những khoản phạt 15, 20 triệu USD có thể sẽ xảy ra thường xuyên nếu như chúng ta không hiểu rằng đã cam kết thì phải thực hiện và chấp nhận cơ chế giám sát, xử lý vi phạm. 

Thách thức thứ tư, cái khó của chúng ta còn ở vấn đề ai được lợi và ai thiệt hại trong những cam kết mới về lao động này? Rõ ràng, lợi ích của người lao động tăng lên, nếu như chúng ta tham gia và chấp nhận những cam kết này của TPP. Trong những điều chính mà họ đưa vào chương về lao động có quyền lập hội và quyền thương lượng tập thể. Nếu như quyền này được bảo đảm đầy đủ, thực chất, thì người lao động có lợi. Người lao động ở nước ta hầu hết đã tham gia công đoàn, nhưng quyền lập hội ở đây phải được hiểu rộng hơn là, khi người lao động tham gia một tổ chức nào, người ta có quyền đòi hỏi tổ chức đó thực sự vì mình, bảo vệ cho quyền lợi của mình. Quyền này, nếu được tận dụng đầy đủ, sẽ có lợi cho công nhân. Không thể để cho công nhân trong nhiều xí nghiệp bị chủ ép quá đáng, những cam kết của chủ không được thực hiện, mà công đoàn lại không đứng ra bênh vực cho công nhân một cách thực sự. Nếu như quyền này đưa ra, thì về cơ bản sẽ có lợi cho người lao động nên người lao động sẽ hoan nghênh. Ngoài ra, quy định về “những điều kiện làm việc chấp nhận được” đòi hỏi tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt cho người lao động, thì Luật Lao Động của ta đã quy định rất cụ thể. Nhưng tiếc rằng giữa quy định của luật với việc thực hiện của các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan còn có một khoảng cách xa vời, nên điều kiện lao động của người lao động ở nhiều nơi chưa thực sự tốt. Nếu chúng ta chấp nhận những điều này trong TPP, thì sẽ phải đảm bảo tuân thủ, thực thi tốt hơn. Không thể để kéo dài tình trạng hàng triệu người làm trong các ngành dùng nhiều lao động, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước, như trong các ngành dệt may, da giày, nhưng lại chỉ có thể lao động ở độ tuổi sung sức của mình, và rồi đến ngoài 30 tuổi là phải ra ngoài đường vì không còn sức khỏe tốt, do điều kiện làm việc không được đảm bảo. Do đó, cơ chế về quyền của người lao động trong TPP là tốt, người lao động sẽ được hưởng lợi từ những cái đó. 

Vậy có thể có thiệt hại cho ai? Có lẽ giới đang làm công tác công đoàn sẽ lo ngại. Vì quyền lập hội nếu được hiểu đầy đủ, sẽ tạo sức ép cho tổ chức công đoàn của chúng ta. Thực ra công đoàn của chúng ta đang có lợi thế rất lớn, là tổ chức đã hình thành lâu nay, đã đi cùng với đất nước, với doanh nghiệp và với người lao động bao nhiêu năm nay, đã có thể tạo mối quan hệ rất gắn bó với người lao động. Tuy nhiên trên thực tế dường như công đoàn chưa làm thật tốt vai trò của mình, chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của người lao động. Yêu cầu TPP như thế sẽ tạo thêm sức ép cho công đoàn, là phải làm tốt chức trách của mình, vì công đoàn không làm tốt thì công nhân sẽ có quyền nêu vấn đề, kể cả đòi hỏi chấn chỉnh tổ chức công đoàn, bầu ra những người thực sự đại diện cho quyền lợi của mình. Sức ép để thay đổi cho tốt lên, chống lại sức ì, thật ra là tốt chứ không gây hại cho công đoàn.

Về phía doanh nghiệp hay giới sử dụng lao động nói chung, thì vừa có lợi, vừa có cái giá phải trả trong việc tham gia các cam kết này. Sẽ có thêm sức ép cho doanh nghiệp về việc phải tuân thủ ít nhất như những điều trong Luật Lao Động của chúng ta đã qui định, chưa kể những điều kiện cao hơn. Nếu tuân thủ đầy đủ thì có thể sẽ tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ như đảm bảo điều kiện làm việc tốt, chấp nhận được cho người lao động, thì không thể duy trì những phương tiện làm việc mà độ an toàn thấp hay môi trường kém, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm để tạo môi trường làm việc tốt hơn, cũng như cải thiện điều kiện về lương bổng, nghỉ ngơi, về các phúc lợi cho người lao động. Như vậy sẽ tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng nếu thực hiện được tốt thì sẽ tăng thêm uy tín cho doanh nghiệp. Nhất là những doanh nghiệp nào đã và đang làm tốt về CSR, về trách nhiệm xã hội, thì điều này sẽ chứng minh họ là doanh nghiệp tốt, tuân thủ tốt, và năng lực cạnh tranh của họ sẽ được cải thiện. Và quan trọng hơn, nếu người sử dụng lao động thực hiện tốt những quy định như thế, thì có thể giúp tăng năng suất của người lao động, tăng hiệu suất sử dụng các nguồn lực, và làm cho doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Vì vậy lợi ích lâu dài của doanh nghiệp là rất rõ, mặc dù chi phí trước mắt có thể phải bỏ ra. Đây là điều mà các doanh nghiệp rất cần cân nhắc, rất cần cố gắng để hướng tới những lợi ích lâu dài hơn, nếu muốn có sự gắn bó của người lao động với mình, muốn năng suất lao động tăng lên, muốn tay nghê của người lao động được cao hơn, và khả năng cạnh tranh, uy tín của mình tốt hơn. Nên chấp nhận những điều này, vượt qua những đòi hỏi về chi phí hoặc áp lực trước mắt, công khai minh bạch trong việc thực hiện những yêu cầu này, coi đó là một phần của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để từ đó vượt lên. 

Thách thức thứ năm là áp lực đối với chúng ta. Ở đây có cả áp lực đối với xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu đối chiếu vào một số điều dự thảo cơ bản về lao động của TPP, ví dụ như xuất khẩu, thì khi chúng ta đã đặt bút ký vào và chấp nhận những cam kết này, nó sẽ trở thành một gánh nặng, và chúng ta rất dễ bị thổi còi nếu như không tuân thủ tốt. Sau này, có thể những vụ khiếu kiện đối với Việt Nam tăng lên, không phải chỉ là những vấn đề về chống bán phá giá nữa, mà sẽ là vấn đề về lợi ích của người lao động, về điều kiện làm việc cần thiết cho người lao động, và chúng có thể trở thành những rào cản mới. Đặc biệt nếu nhìn vào thành viên TPP, thì Việt Nam rõ ràng có lợi thế hơn các nước khác về lao động giá rẻ, nhưng chính vì nhân tố lao động giá rẻ đó, và nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta lại là những ngành dùng nhiều lao động, chúng ta càng dễ bị soi hơn về những lĩnh vực này, về cam kết lao động. Đấy là áp lực cho chúng ta về xuất khẩu. Còn về chiều nhập khẩu, thì những quy định, ví dụ như việc chặn hàng ở biên giới đối với những sản phẩm vi phạm các vấn đề lao động, thì không dễ dàng để chúng ta có thể thực hiện được. Nhất là chúng ta ở bên cạnh một đối tác cạnh tranh khổng lồ mà họ thường xuyên vi phạm các chuẩn mực về lao động ở nước họ. Làm sao chúng ta có khả năng chặn hàng của họ với lý do đó được? Cái đó hoàn toàn không dễ về mặt kỹ thuật. Đấy là những sức ép đối với chúng ta. 

Thuận lợi

Có những thuận lợi rất cơ bản, để chúng ta có thể mạnh dạn tham gia, kể cả các cam kết về lao động trong TPP. 

Thứ nhất là nó phù hợp với nguyện vọng của công nhân, của người lao động của chúng ta. Người lao động rõ ràng là không muốn mình bị ép quá trong điều kiện lao động tồi tàn, hoặc trả lương không xứng với công sức của mình bỏ ra. Người lao động ai cũng muốn có việc làm tốt hơn, đãi ngộ tốt hơn, đó là quyền lợi hết sức chính đáng của họ. Ai cũng muốn có được tay nghề cao hơn, chứ ai muốn làm những việc thấp kém mãi, để đồng lương thấp? Nếu có sức ép nhất định và có cơ chế khuyến khích thực hiện tốt thì có thể thúc đẩy các doanh nghiệp đi theo hướng đó, và quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo tốt hơn. Tất cả những quy chế mới theo TPP có cái khắc nghiệt, nhưng khắc nghiệt đối với giới sử dụng lao động hơn là với người lao động và người lao động sẽ được hưởng lợi. Đứng trên cơ sở quyền và nguyện vọng của người lao động, chúng ta rất nên ủng hộ. Còn về lợi ích của người sử dụng lao động, thì về lâu dài là có lợi chứ không phải là thua thiệt, nên chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận được. 

Thuận lợi thứ hai là luật pháp, chính sách, chủ trương chung của chúng ta về các vấn đề lao động cơ bản đã có, cả các nghị quyết của Đảng. Phải nói là ở các tầng khác nhau, chúng ta đã có các qui định tương đối đầy đủ và khá tốt. Bây giờ chúng ta lại đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung thêm từ thực tiễn cuộc sống, đưa thêm những cái mới vào, điều chỉnh những bất cập trong hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành. Chúng ta có cơ sở để có thể vững tin và chấp nhận những điều kiện cao hơn, để tự vượt lên và làm tốt hơn. Nếu như Việt Nam chưa có được những nền tảng hiện có, chưa tham gia các định chế của ILO một cách rộng rãi và chưa có hàng loạt những quy định tiên tiến về lao động như đã có ở nước mình rồi, thì có lẽ chấp nhận những cái mới là khó. Nhưng đã có nền tảng đó rồi, bây giờ nâng cao thêm, thì cũng không quá khó. 

Thuận lợi thứ ba là thực tiễn phát triển của đất nước, với nhu cầu và lợi thế rất rõ ràng về nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết Đại hội XI cũng như các nghiên cứu liên quan đều cho thấy rõ khả năng sử dụng lợi thế cạnh tranh bằng lao động giá rẻ ở nước ta sẽ không còn nữa. Thời cạnh tranh bằng lao động giá rẻ đang dần qua đi, Việt Nam không muốn rơi vào bẫy lao động giá rẻ. Chúng ta phải vươn lên thời kì cạnh tranh bằng lao động có kỹ năng, có năng suất lao động cao hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn. Điều đó phù hợp với yêu cầu phát triển của chính mình. Có thể những tiêu chuẩn mới theo TPP đòi hỏi nhiều hơn, nhưng nó cũng phù hợp với thực tiễn, nguyện vọng của chúng ta là muốn vượt lên trong giai đoạn phát triển tới, khi mà đất nước quyết định thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Hơn nữa chúng ta cũng đang cần tận dụng thời kì dân số vàng ở Việt Nam, vì chỉ còn hơn 10 năm nữa, đến khoảng năm 2025 là chúng ta hết thời kì dân số vàng, khi mà tỷ lệ dân số ở độ tuổi cao tăng lên, trong khi lực lượng lao động trẻ không còn giữ được tỷ lệ như ngày nay nữa. Vậy để tận dụng thời kì này, chúng ta phải tận dụng sớm, nếu để thêm nhiều năm nữa mới áp dụng chuẩn mới, thì lúc bấy giờ khoảng thời gian của thời kì dân số vàng sẽ co lại còn rất ngắn. Thực tế ở các nền kinh tế phát triển cao, hay các “con rồng”, cho thấy họ đều “hóa rồng” trong thời kì dân số vàng. Nếu nước nào bỏ lỡ thời kì dân số vàng của mình, thì cơ hội hóa rồng sẽ trở nên rất khó khăn, bởi ở đâu cũng vậy, con người quyết định tất cả, lực lượng lao động quyết định tất cả. Đây là thuân lợi thứ ba, nó phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của chúng ta. 

Thuận lợi thứ tư là chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế về lao động và CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) đã được nhiều doanh nghiệp chấp nhận và thực hiện.  VCCI đã có một trung tâm chuyên trách làm việc rất bài bản về vấn đề này, và nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày hoặc một số ngành dùng nhiều lao động khác đang có các hoạt động rất hiệu quả về CSR, trong đó gắn chặt với các chuẩn mực quốc tế khá cao về lao động, về môi trường… Chúng ta đã có thực tiễn rồi, tuy còn nhiều doanh nghiệp chưa tham gia. Vậy bây giờ những doanh nghiệp chưa tham gia hoàn toàn có thể học được ở những doanh nghiệp đã thực hiện CSR, và họ sẽ thấy chi phí không quá lớn nhưng lợi ích thì rất rõ cho cả người lao động và doanh nghiệp. 

Thuận lợi thứ năm là chúng ta có đồng minh, cả ở trong nước cũng như ở bên ngoài. Khi tham gia hội nhập quốc tế, thường có lo ngại rằng rào cản trong nước do kém đồng thuận hoặc xung đột lợi ích có thể lớn hơn cả rào cản bên ngoài, và từ đó còn tạo thêm rào cản bên ngoài. Trong trường hợp TPP, về vấn đề lao động chúng ta có đồng thuận, đồng minh, và có thể khắc phục một số rào cản ở trong nước và bên ngoài. Về bên ngoài, có một số nước cũng đồng tình và có lập trường, lợi ích gần với chúng ta. Còn bên trong chúng ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của những đối tượng quan trọng nhất là người lao động, là các doanh nghiệp chấp nhận vươn lên trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh. Tinh thần chung của Đảng, Nhà nước và cả xã hội đều mong muốn quyền lợi của người lao động được bảo đảm tốt hơn, mong muốn nâng cao chất lượng thể chế về lao động ở nước ta. Đây sẽ là chỗ dựa vững chắc để chúng ta có thể mạnh dạn đề xuất và đưa ra cơ sở lập luận tốt hơn, thuyết phục nhau để có thể đi tới chấp nhận những điều kiện khá cao và khó của TPP. 

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, cần phổ biến sâu rộng cho các cơ quan liên quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp, các hội sử dụng người lao động nói chung trong các ngành, các nghề nghiệp khác nhau. Ở đây chúng ta đang nói đến các doanh nghiệp, theo nghĩa rộng của WTO thì giáo dục, y tế, giải trí… cũng thuộc ngành dịch vụ, và chúng ta có đội ngũ đông đảo những người làm trong các ngành này, ở cả khu vực nhà nước và tư nhân đang mở rộng nhanh chóng. Chúng ta cũng phải quan tâm đến các vấn đề lao động trong cả các lĩnh vực đó. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần quan tâm phổ biến rộng rãi, để tạo được sự hiểu biết chung và sự đồng thuận ủng hộ cho việc tham gia TPP, cũng như huy động sự đóng góp với đoàn đàm phán và nhà nước về mức độ, lộ trình như thế nào là hợp lý để nước ta có thể tham gia và thực hiện được các cam kết. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết, vì nếu không hiểu, không biết thì rất khó tạo được sự ủng hộ và nhất là sự chuẩn bị sẵn sàng tham gia ở tất cả các đối tượng liên quan. 

Thứ hai, cần đào tạo đội ngũ chuyên tư vấn, giúp giải quyết các vấn đề về lao động. Việt Nam thường yếu và thiếu những luật sư hoặc chuyên gia đi sâu vào các lĩnh vực khác nhau, nên khi gặp các vấn đề pháp lý hoặc khúc mắc thì thường lúng túng. Có nhiều công ty luật hoặc tư vấn đang hoạt động ở Việt Nam nhưng hầu hết hoạt động về đầu tư, thương mại nói chung, còn đi sâu vào các vấn đề chuyên môn phức tạp như lao động thì rất hiếm. Vì vậy Bộ Lao Động, Bộ Tư Pháp và các cơ quan liên quan cần quan tâm đào tạo, hỗ trợ phát triển lực lượng nghiên cứu và tác nghiệp sâu về các vấn đề này, và các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, hợp tác với các công ty tư vấn, để phát triển lĩnh vực này. Một trong những thách thức đã nêu trên là chúng ta có thể trở thành một nơi mà người ta dễ soi mói, khiếu kiện về lao động, nên rất cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, đối phó, để thảo luận hoặc đưa ra tranh tụng trong các trường hợp xảy ra sự bất đồng hoặc tranh chấp ở lĩnh vực này. 

Thứ ba là phải sửa đổi những luật pháp và các quy định liên quan, và cần tiến hành việc này với một tinh thần chủ động, chứ không chờ cam kết xong chúng ta mới sửa. Trong những điều mới, có những cái có lợi cho người lao động, có lợi cho sự phát triển, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu của Việt Nam. Vậy thì cần sớm đưa vào thành luật, thành các quy định, để có thể triển khai thực hiện được sớm, cũng như tổ chức thi hành một cách đầy đủ, đồng bộ hơn. Như vậy sẽ giúp chúng ta có một tư thế sẵn sàng, để khi tham gia cam kết thì có thể thực hiện được tốt. 

Thứ tư là cần tăng cường năng lực thực thi, nhất là thực thi Luật Lao Động và các quy định liên quan. Cần coi trọng cả năng lực tổ chức thực hiện, năng lực giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, và tăng cường tiếng nói của người lao động, người sử dụng lao động trong lĩnh vực này. Lâu nay, tiếng nói của người lao động còn khá yếu, có những vấn đề rất thiết thực liên quan đến quyền lợi của người lao động nhưng chưa có những kênh thực sự hữu hiệu để tăng cường tiếng nói của họ. Tăng cường tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động là cách thiết thực để các đối tượng quan trọng này của các qui định về lao động có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, kể cả trong quan hệ với các đối tác nước ngoài.

Thứ năm là về truyền thông, cần mở rộng sự hiểu biết và năng lực cho giới truyền thông, để họ giúp truyền bá hiểu biết cho xã hội, vận động sự ủng hộ của xã hội, đồng thời giúp các đối tác trong TPP hiểu đúng về tình hình lao động ở nước ta. Trang bị kiến thức, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan sẽ giúp báo chí hiểu bản chất vấn đề và nội dung công việc để có thể phát huy thế mạnh của họ và phối hợp tốt hơn trong lĩnh vực này. 

Cuối cùng, cần ủng hộ đàm phán, ủng hộ đoàn đàm phán. Cách ủng hộ thiết thực nhất là cố gắng hiểu rõ các vấn đề, tham gia tích cực vào các hoạt động tham vấn, cung cấp thông tin cho đoàn đàm phán, cho các cơ quan nhà nước liên quan, tham gia vận động chính sách, vận động các đối tác liên quan, để có thể tạo được khuôn khổ hoặc những ý tưởng đàm phán, cam kết tốt nhất cho mình. Mặt khác cần ở tư thế sẵn sàng, tích cực chuẩn bị để chấp nhận những điều kiện cao hơn, những thách thức mới, và tự thay đổi mình để thích ứng và đáp ứng những chuẩn mực mới./. 

 

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia cao cấp

Phát biểu tại hội thảo "Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Ý nghĩa đối với doanh nghiệp" ngày 23/5/2012

Trở về

Bài cùng chuyên mục