tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-05-2018

  • Cập nhật : 28/05/2018

Ngành ô tô toàn cầu run sợ khi Tổng thống Mỹ tính tăng 10 lần thuế nhập khẩu ô tô

Các hãng xe Nhật và Hàn Quốc đang xem xét lại chiến lược kinh doanh đối với thị trường Mỹ khi mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump cân nhắc tăng thuế suất đối với xe ô tô nhập khẩu lên 25% từ mức hiện tại 2,5% trong nỗ lực giành phiếu của cử tri công nhân trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Thép, mặt hàng ở tâm điểm của chính sách tăng thuế gây ra nhiều căng thẳng mới đây, chỉ chiếm chưa đầy 1% kim ngạch nhập khẩu. Kết quả, lời đe dọa tăng thuế với ô tô nhập khẩu đang đẩy quan điểm bảo hộ của Tổng thống Trump vào tâm điểm của hệ thống giao thương toàn cầu.

Nếu Tổng thống Donald Trump nhất quyết thực hiện kế hoạch tăng thuế ô tô, tác động của chính sách đó lên thương mại toàn cầu sẽ vô cùng lớn. Chỉ riêng Nhật mỗi năm bán khoảng 1,7 triệu ô tô vào Mỹ. Còn với Đức, mỗi năm nước này xuất khoảng 30 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến ô tô vào thị trường này.

Tác động của chính sách tăng thuế ô tô lên kinh tế Mỹ cũng sẽ không hề nhỏ. Doanh số bán ô tô chiếm 11% tổng tiêu dùng của Mỹ và các biện pháp tăng giá sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế.

Trong khi nhiều người đang hoài nghi về khả năng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục với một chính sách gây tranh cãi như vậy, điều này có thể khiến thêm nhiều nước cố gắng có được các cuộc đối thoại với Washington với hy vọng được miễn trừ.

Các hãng xe Nhật đã không ngừng tăng năng suất và việc làm tại Mỹ, nhìn từ bài học từ các tranh chấp thương mại song phương trong quá khứ. Thế nhưng họ duy trì việc sản xuất các dòng xe sang và nhiều loại phương tiện khác ở Nhật để đảm bảo tính tối ưu của nhà máy cũng như bí quyết công nghệ tại thị trường quê nhà của họ.

Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các hãng xe Nhật. Nhật xuất khoảng 1,74 triệu phương tiện bốn bánh vào thị trường Mỹ, con số này tương đương khoảng 18% các phương tiện được sản xuất tại Nhật trong năm 2017. Chỉ riêng Toyota bán ra hơn 700 nghìn xe/năm, trong đó kể cả những xe mang thương hiệu hạng xang là Lexus.

Sau thông tin trên, trong phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Tokyo trong ngày thứ Năm, cổ phiếu Toyota giảm 3%, cổ phiếu Nissan hạ 2%, cổ phiếu Honda sụt 3%, còn cổ phiếu Mazda còn hạ sâu hơn, mức hạ lên đến 5%.

Các hãng xe Hàn Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong số khoảng 2,53 triệu chiếc ô tô Hàn Quốc xuất ra toàn thế giới trong năm ngoái, 845 nghìn chiếc tức khoảng 30% xuất sang thị trường Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc và Hiệp hội ô tô Hàn Quốc đã phải tổ chức họp khẩn trong ngày thứ Năm để bàn biện pháp ứng phó.

Các hãng xe châu Âu đồng thời cũng bị ảnh hưởng. Các thương hiệu xe cao cấp như Mercedes Benz và BMW phổ biến tại Mỹ, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các hãng xe Đức.(Bizlive)
----------------------

Gazprom và Thổ Nhĩ Kỳ ký nghị định thư về đường ống dẫn khí TurkStream

Gazprom - “đại gia” ngành khí đốt của Nga - ngày 26/5 cho biết họ đã ký một nghị định thư với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về dự án đường ống dẫn khí TurkStream, đồng thời đồng ý chấm dứt những tranh chấp với hãng Botas của nước này về các điều khoản cung cấp khí đốt.

Theo đó, nghị định thư giữa Gazprom với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là về phần trên đất liền của đường ống dẫn khí TurkStream. Gazprom cũng cho biết rằng việc ký kết nghị định thư trên đồng nghĩa với việc quá trình xây dựng đường ống có thể bắt đầu. Nếu tuyến đường ống này được hoàn thành, Moskva sẽ giảm được sự phụ thuộc vào Ukraine, nơi vốn là một tuyến đường vận chuyển khí đốt của nước này sang quốc gia châu Âu. 

Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn việc cấp giấy phép xây dựng các phần đường ống cho công ty khí đốt của Nga. Một nguồn tin cho biết việc giấy phép được thông qua có thể liên quan đến các cuộc đàm phán giữa Gazprom và Botas về khả năng giảm giá khí đốt vào hồi tháng Hai năm nay. Cũng trong ngày 26/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này và Nga đã đạt được thỏa thuận giảm giá 10,25% đối với khí tự nhiên mà Ankara mua từ Moskva. 

Trong cùng ngày thông báo trên được đưa ra, Gazprom cho biết rằng tranh chấp với Botas sẽ được giải quyết mà không cần đưa ra tòa án, nhưng công ty này không cung cấp thông tin cụ thể nào. 

Gazprom mới đây cũng đã đạt được một thỏa thuận với các nhà quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) để cải cách cơ cấu về giá và tạo điều kiện cho các đối thủ của họ có chỗ đứng ở khu vực Đông Âu. Thỏa thuận này giúp Gazprom tránh một án phạt trong vụ kiện đã kéo dài bảy năm. 

EU đã tiến hành điều tra Gazprom từ năm 2011 khi cáo buộc "ông lớn" trong ngành dầu khí của Nga này lợi dụng lợi thế về khí đốt để ép giá không thỏa đáng và áp đặt các điều khoản hạn chế tại tám quốc gia thành viên EU. EU cho rằng Gazprom đã đặt mức giá cao hơn tới 40% cho năm nước thành viên EU là Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Bulgaria. (Baotintuc)
----------------------

Mỹ đề nghị WTO giải quyết tranh chấp rượu vang với Canada

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết đã yêu cầu sự giúp đỡ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết tranh chấp rượu vang với Canada về cách tiếp cận thị trường.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng Canada đã 'phân biệt đối xử' đối với rượu vang của Mỹ /// Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng Canada đã 'phân biệt đối xử' đối với rượu vang của Mỹ - ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, chính quyền ông Trump cho rằng Canada đã “phân biệt đối xử” đối với rượu vang của Mỹ. Tranh chấp này liên quan đến các chính sách cấp tỉnh giới hạn việc tiếp cận khách hàng tại các cửa hàng tạp hóa đối với rượu vang nhập ngoại. Thị trường rượu ở một số tỉnh lớn của Canada được kiểm soát bởi các doanh nghiệp do chính phủ điều hành, trong một số trường hợp họ sở hữu và vận hành các mạng lưới bán lẻ.

Hành động hôm 25.5 của Mỹ liên quan cụ thể đến tỉnh British Columbia, nơi các cơ quan quản lý rượu hồi năm 2015 đã sửa đổi quy tắc nhằm cho phép những loại rượu được làm ra tại British Columbia được phép bán trên các kệ hàng tạp hóa thông thường, dễ dàng tiếp cận khách hàng, trong khi đó rượu vang ngoại nhập khẩu chỉ được bán ở “một kệ hàng riêng biệt” trong cửa hàng.

Năm ngoái, Mỹ đã tổ chức đàm phán với Canada về rượu vang, nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. Yêu cầu thành lập một hội đồng xử lý tranh chấp tại WTO là bước tiếp theo trong quá trình này.

Canada là thị trường quốc gia lớn nhất của rượu vang Mỹ, theo Wine Institute, một tổ chức thương mại đại diện cho hơn 1.000 nhà máy rượu vang và các doanh nghiệp liên quan ở California, cho biết. Doanh thu bán lẻ rượu vang của Mỹ sang Canada đạt gần 1.100 tỉ USD trong năm ngoái. 

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực liên tục của Đại diện Thương mại Mỹ để chấm dứt thực tiễn phân biệt đối xử đối với rượu vang nhập khẩu và buộc Canada chịu trách nhiệm về các nghãi vụ WTO của họ. Người tiêu dùng Canada cũng nên được quyền tiếp cận với một loạt các loại rượu vang tuyệt vời khác trên thế giới”, Robert Koch, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Wine Institute, nói.

Ông Koch cho biết tổ chức của ông sẽ tiếp tục thúc đẩy “đối xử bình đẳng giữa rượu vang nhập khẩu và nội địa tại tất cả các tỉnh của Canada. Chính sách hỗ trợ British Columbia, Ontario và Quebec trong phân phối và bán lẻ trái với cam kết của quốc gia Bắc Mỹ tại WTO.

“Các nhà sản xuất rượu vang Mỹ dựa vào thị trường xuất khẩu và họ xứng đáng được đối xử công bằng, đặc biệt là tại quốc gia láng giềng phía Bắc của chúng tôi”, Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ, nói.(Thanhnien)
-----------------------

Dầu tăng giá: Có hay không kịch bản "móc dầu lên bán" nếu kinh tế gặp khó khăn?

Trong những tháng đầu năm, giá dầu thế giới đã có sự hồi phục mạnh, kể từ năm 2014. Trong tháng 5/2018, có thời điểm giá dầu Brent cán mốc 80 USD/thùng, lần đầu sau 4 năm. Đến thời điểm hiện tại, giá dầu tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao, 76,44 USD/thùng (ngày 26/5).

Giá dầu thô đang tăng trở lại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có tính toán đến một kịch bản tăng sản lượng dầu thô, giúp tăng trưởng GDP, trong trường hợp những tháng còn lại của năm 2018 nếu nền kinh tế gặp khó khăn?

Câu hỏi này là dựa trên tiền lệ. Kỳ họp Quốc hội hồi giữa năm 2015, chuyện tính tới tăng khai thác thêm dầu để đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế đã được đặt ta. Kết quả, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng nửa thập kỷ.

Hay cũng tại thời điểm này năm ngoái, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, do tăng trưởng quý I rất thấp, 5,1%, thấp nhất trong 3 năm qua trong khi mục tiêu của Chính phủ phải đạt GDP là 6,7%, Chính phủ đã đề xuất tăng khai thác lên 1 triệu tấn dầu.

Theo tính toán, cứ một triệu tấn dầu khai thác thêm, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 0,3%.

"Kịch bản năm nay không đề cập đến việc "móc dầu" lên bán để bù đắp tăng trưởng", ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định với Trí Thức Trẻ.

Ông cho biết trong các phương án báo cáo lên Chính phủ đều đặt giả định giá dầu ổn định và không đặt vấn đề tăng khai thác. Nghĩa là giữ nguyên giá dầu của năm 2018 và xây dựng kịch bản tăng trưởng trên cơ sở phát triển các mô hình, đặc biệt là công nghiệp chế biến – chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.

"Kịch bản tăng trưởng được xây dựng và phấn đấu theo hướng đó", ông Phương lặp lại. Tuy nhiên, vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp này cho biết việc khai thác dầu khí hoàn toàn phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: kế hoạch kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp và thị trường.

"Nếu 3 yếu tố này thuận lợi thì chả nhẽ cấm doanh nghiệp khai thác. Khai thác lên nếu lợi quá thì vẫn có thể điều chỉnh được kế hoạch", ông nói thêm.

Thực tế, tại Nghị trường trong những ngày 25 - 26/5 vừa qua, "tăng trưởng nhờ dầu thô, khai khoáng" là cụm từ "nóng", được nhiều đại biểu tranh luận gay gắt.

Cuộc tranh luận được "châm ngòi" bởi đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khi ông nhận định nếu không dựa vào 1,29 triệu tấn dầu thô vượt kế hoạch thì tăng trưởng năm 2017 không thể đạt được. Nghĩa là mức tăng 6,81% phải trừ đi 0,3% tăng thêm nhờ 1 triệu tấn dầu.

"Như vậy tăng trưởng dù đạt mục tiêu nhưng tăng trưởng ở các khu vực kinh tế không được như kỳ vọng. Đây là khoảng lặng tăng trưởng 2017", ông nói.

Ngay sau đó, nhiều đại biểu đã giơ biển tranh luận lại với ông Hàm. Cụ thể, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) khẳng định không có chuyện tăng trưởng 2017 dựa vào dầu thô và các tài nguyên khác thuộc lĩnh vực khai khoáng. Theo ông, chỉ tiêu khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn nhưng thực tế khai thác hơn 13,5 triệu tấn, nghĩa là hụt đi 1,6 triệu tấn. Như vậy là dầu thô đã tăng trưởng âm.

Ông Chiểu dẫn chứng thêm: "Khai khoáng than 2017 năm ngoái 38,7 triệu tấn, kế hoạch năm 2018 là 40,2 triệu tấn, nhưng Chính phủ chỉ cho khai thác hơn 38,2 triệu tấn, như vậy so với kế hoạch hụt hơn gần 2 triệu tấn, tương ứng gần 0,28%.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cũng tham gia tranh biện. Vị này nhận xét rằng dầu thô tăng đóng góp vào phần tăng trưởng kinh tế nhưng không phải tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào dầu thô.

"Mà báo cáo của Chính phủ là chính xác, tăng chủ yếu từ thu nội địa, tăng 41.880 tỉ đồng, chiếm hơn 54,75% trong con số tổng thu ngân sách năm 2017", theo đại biểu.

Trước đó, sáng ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên thảo luận tại tổ cũng "phản biện" ý kiến của báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khi đơn vị này nhận xét tăng trưởng năm 2017 phụ thuộc vào dầu thô, than đá.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong mấy năm vừa qua, gần nhất là các năm 2016, 2017, công nghiệp than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm.

"Như vậy chúng ta đánh giá là tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không?", Phó Thủ tướng nói.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục