tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-05-2018

  • Cập nhật : 28/05/2018

Đường lỏng Trung Quốc thuế 0% đổ bộ ‘đè bẹp’ đường Việt

Tại buổi họp báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ vụ mía đường 2017-2018 ngày 25-5 tại TP.HCM, Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết hiệp hội đã có văn bản kiến nghị áp thuế nhập khẩu 10%-20% đối với đường lỏng chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết hiệp hội đã có văn bản kiến nghị áp thuế nhập khẩu 10%-20% đối với đường lỏng chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Theo VSSA, tính đến ngày 15-4, lượng đường tồn kho trong nước rất cao với gần 681.000 tấn, trong khi hàng trăm ngàn tấn đường lỏng được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% vẫn nhập vào Việt Nam mỗi năm. Giá đường lỏng lại rẻ hơn đường trắng 2.000-3.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đường trong nước.

“Đáng lo, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng” - ông Dương nói.

Theo VSSA, đường lỏng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn đến béo phì gia tăng, gây thất thoát doanh thu thuế cho Nhà nước. Các nước trong khu vực ASEAN đang áp thuế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng rất cao 25%-55%. Thậm chí một số nước như Philippines không cho nhập khẩu loại đường này. Vì vậy, Việt Nam cần kiểm soát, áp thuế mặt hàng này (PLO)
------------------

EU cảnh báo Chính phủ mới Italy về nợ công

Ngày 26/5, Ủy viên Ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger đã cảnh báo quỹ giải cứu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không thể làm ổn định nền kinh tế của Italy.

Ủy viên phụ trách ngân sách EU Guenther Oettinger. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo Funke của Đức, ông Oettinger cho rằng cơ chế giải cứu của Eurozone khó có thể làm ổn định một nền kinh tế lớn như Italy, do đó EU hy vọng Chính phủ mới của quốc gia Nam Âu này có thể nhanh chóng hoạt động hiệu quả. Theo ông, các quy định của Eurozone về nợ công là rất rõ ràng. Quan chức này cũng cho rằng việc Italy rời khỏi Eurozone là điều khó có thể xảy ra. 

Trước đó, sau nhiều tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã chỉ định ông Giuseppe Conte đứng ra thành lập chính phủ, theo đề cử của liên minh Phong trào 5 Sao (M5S) và Liên đoàn phương Bắc (LN). Ông Conte đang tìm cách thành lập chính phủ liên minh của 2 đảng theo chủ nghĩa dân túy này.

Việc hai đảng chống EU lên lãnh đạo tại Italy đã khiến cả EU lo ngại vì chính phủ mới tại nước này có thể giảm thuế và bãi bỏ các chính sách "thắt lưng buộc bụng" được áp dụng từ nhiều năm qua.

Hiện tổng nợ công của Italy đã lên tới 2,3 nghìn tỷ euro, tương đương 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là mức cao nhất trong số các nước thành viên EU, ngoại trừ Hy Lạp và gấp đôi mức trần mà EU đã đặt ra cho các nước thành viên. Italy cũng đang là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Eurozone, dự kiến chỉ đạt 1,4% trong năm nay và 8,3% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ. (TTXVN)
--------------------

Việt Nam nhập hơn 700 ô tô chỉ trong 1 tuần

Theo Tổng cục Hải quan, tuần qua từ ngày 18 đến 25-5, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu nhiều nhất vẫn là dòng xe dưới chín chỗ với 727 xe, chiếm hơn 77% tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu cả nước, tổng trị giá kim ngạch đạt gần 18 triệu USD.

Phần lớn số xe dưới chín chỗ được đăng ký tờ khai nhập khẩu ở cửa khẩu khu vực cảng Hải Phòng và TP.HCM, lần lượt là 389 chiếc và 334 chiếc. Ô tô nguyên chiếc từ chín chỗ trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tuần qua chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 628 chiếc, chiếm 86,4%. Ngoài ra, có 66 chiếc nhập khẩu từ Đức, 13 chiếc xuất xứ Hungary, 11 chiếc xuất xứ Tây Ban Nha và số còn lại từ Nhật, Hàn Quốc, Canada…

Việt Nam nhập hơn 700 ô tô chỉ trong 1 tuần  - ảnh 1
Ô tô Thái Lan chiếm nhiều nhất trong tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam.

Số lượng ô tô tải các loại đứng vị trí thứ hai với 172 chiếc, tổng trị giá kim ngạch hơn 3,5 triệu USD. Trong đó có tới 168 chiếc có xuất xứ từ Thái Lan.  Ô tô tải được đăng ký tờ khai nhập khẩu chủ yếu ở khu vực cảng Hải phòng với 109 chiếc, chiếm 63,3% và cảng TP.HCM là 60 chiếc. Ngoài ra, cả nước nhập khẩu 39 chiếc xe chuyên dụng và một xe trên chín chỗ.

Ngoài chiếm ưu thế về số lượng xe nguyên chiếc, Thái Lan cũng là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất linh kiện, phụ tùng ô tô trong tuần qua với kim ngạch đạt 8,8 triệu USD, chiếm gần 23,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu của cả nước (kim ngạch cả nước đạt 37,8 triệu USD).

Các thị trường lớn khác nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô trong tuần qua là Trung Quốc (7,9 triệu USD); Nhật Bản (6,6 triệu USD); Indonesia (4,9 triệu USD); Đức (gần 3 triệu USD); Hàn Quốc (2,5 triệu USD).(PLO)
------------------------

Tre và nghêu được hỗ trợ 4,3 triệu euro

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” được thực hiện bốn năm (2018-2022) tại năm tỉnh mang lại lợi ích cho 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ.

Ngày 25-5, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Hội thảo khởi động dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu ở Việt Nam (do tổ chức Oxfam cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện khoa học lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đối tác 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tổ chức).

Tre và nghêu được hỗ trợ 4,3 triệu euro  - ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo khởi động dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu ở Việt Nam.

Dự án có trị giá 4,3 triệu euro, do Liên minh châu Âu (EU), Oxfam và đối tác đồng tài trợ, hướng tới phát triển bền vững hai chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong bốn năm (2018-2022) tại năm tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang, mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ. 

“Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế” - bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, phát biểu.

Tre và nghêu được hỗ trợ 4,3 triệu euro  - ảnh 2
Các đại biểu tham quan các sản phẩm làm từ cây tre.

TS Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VCCI), báo cáo viên Bộ Công Thương về hội nhập kinh tế quốc tế chia sẻ: “Hầu hết các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đều có quy định về nhập khẩu sản phẩm từ mây, tre đan và thủ công mỹ nghệ; trong đó, đặc biệt là các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường. Theo đó các nước sẽ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát các loại côn trùng gây bệnh, lây nhiễm trong sản phẩm (nhất là không hun, sấy đúng quy trình, kỹ thuật). 

Cùng với việc hỗ trợ cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong chế biến và kinh doanh, dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” tập trung xây dựng năng lực của các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi nghêu và tre nhằm đạt được các tiêu chuẩn sản xuất bền vững quan trọng dành cho nghêu, dành cho tre. Đó là điều kiện tiên quyết để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu. (PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục