tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-05-2018

  • Cập nhật : 29/05/2018

Nợ của doanh nghiệp nhà nước phình lên gần 73 tỷ USD

Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD) đến cuối năm 2016.

nhieu du an cua doanh nghiep nha nuoc "dap chieu" dan den tinh trang thua lo.

Nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước "đắp chiếu" dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo, tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD) năm 2016.

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối doanh nghiệp nhà nước (100% vốn Nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016, cụ thể tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%.

Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản…

Báo cáo cũng cho biết hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp còn dài trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Cũng theo báo cáo, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng như 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.

Một số doanh nghiệp nhà nước thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) bị mất 800 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363,3 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất đầu tư tài chính dài hạn vào 05 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP-Vinachem, CTCP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng số vốn đầu tư 6.836,75 tỷ đồng đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn…(Bizlive)
--------------------

Việt Nam: Thị trường tốt nhất châu Á hóa 'gấu' chỉ trong vài tuần

Nhà đầu tư và giới chuyên gia tỏ ra bi quan khiến Vn-Index trở thành cái tên kém nhất thế giới trong quý II. VN-Index đang giao dịch ở mức PE khoảng 15,2 lần lợi nhuận ước tính cho năm tiếp theo, gần với mức định giá trung bình 3 năm - 14,5 lần.

Từ thị trường tốt nhất 2018 ở châu Á - Thái Bình Dương vài tuần trước, VN-Index hiện là cái tên kém nhất thế giới trong quý II. Tính cả mức giảm 2,9% hôm thứ hai (28/5), chỉ số này mất 22% so với mức đỉnh tháng 4. Gần 2/3 mã giảm điểm, trong đó các cổ phiếu ngân hàng, công ty năng lượng và du lịch giảm nhiều nhất.

VN-Index lao dốc. Nguồn: Bloomberg

“Tâm lý thị trường vẫn tiêu cực khi dòng tiền còn yếu", Tyler Cheung, Giám đốc bộ phận khách hàng tổ chức tại Công ty Chứng khoán ACB, nhận định. Theo ông, tình hình hiện nay một phần là do khối ngoại liên tục bán ròng trong khi không có nhiều tin tức tích cực sắp ra để hỗ trợ thị trường.

Tuần trước, VN-Index xóa sạch mức tăng từ đầu năm và giảm 4,5% kể từ thời điểm cuối năm ngoái khi nhà đầu tư nước ngoài rời thị trường. Khối này bán ròng cổ phần trong gần cả tháng, theo số liệu của Bloomberg. Chỉ số giảm xuống mức trung bình hàng ngày khoảng 127 triệu cổ phiếu trong tháng 5, ít nhất kể từ tháng 1/2017.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng sự điều chỉnh là cần thiết sau 5 quý tăng liên tiếp. VN-Index đang giao dịch ở mức PE khoảng 15,2 lần lợi nhuận ước tính cho năm tiếp theo, gần với mức định giá trung bình 3 năm - 14,5 lần. (NDH)
-------------------------------

Đầu tư ra nước ngoài 100 đồng chỉ thu được 2 đồng lợi nhuận

Đến hết năm 2016 các doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản… có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.

Hôm 28/5 Quốc hội dành một ngày thảo luận tại hội trường về việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá giai đoạn 2011-2016.

Liên quan đến tình hình và hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tính đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 12.608 triệu USD, trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí (bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn) với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%).

Lũy kế đến 31/12/2016, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp này là hơn 7 tỷ USD.

Qua số liệu tổng hợp đến ngày 31/12/2016 cho thấy hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp thời gian qua còn thấp. Có 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến 31/12/2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu – lợi nhuận.

Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho biết, Chính phủ cần báo cáo rõ dự án nào, lỗ lãi ra sao, các quốc gia đầu tư có những hạn chế, khó khăn gì… để đưa ra phương án cơ cấu theo hướng bán, chuyển nhượng, gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời, kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong công tác đối ngoại giao thêm nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các dự án ở các nước khi đến làm việc.(Bizlive)
--------------------------

Để “chim sẻ” chiếm đất đặc khu, “đại bàng” không còn chỗ làm tổ nữa!

“Nếu để các thế lực ngầm thôn tính hết đất tại đặc khu thì sau này khi các “đại bàng” đến sẽ không còn chỗ “làm tổ” vì “chim sẻ, chim sâu” chiếm hết đất rồi” – Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi bên hành lang Quốc hội.

- Theo tính toán, 3 đặc khu dự kiến sẽ cần những nguồn đầu tư rất lớn, tới trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó, theo đề án các địa phương xây dựng, Phú Quốc dự kiến cần khoảng 40 tỷ USD, Vân Đồn thì khoảng 270.000 tỷ đồng… tới năm 2030. Bài toán thu hút vốn của các đặc khu có khả thi, thưa ông?

- Không phải hoang mang về vấn đề này. Hãy xem như cách làm của Quảng Ninh đấy, Nhà nước chỉ bỏ vốn mồi, còn lại tìm cách khác kéo vốn bên ngoài vào.

- Tại phiên thảo luận về dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại Quốc hội ít ngày trước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại phân tích, việc lập các đặc khu không chỉ là hình thành các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn khi nhà nước phải dành ra nhiều nghìn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng làm đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng... và sẽ đầu tư hơn 1,5 triệu tỉ đồng vào hạ tầng kỹ thuật. Ông không tán thành với ý kiến này?

- Tôi đã tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng đây không phải dự án đầu tư công. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là Nhà nước không có gì tham gia vào đó, nhưng cái chúng ta đưa ra là chính sách, là cơ chế và vốn mồi của Nhà nước để rót vào những khâu thiết yếu để tạo môi trường, tạo cơ chế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quan trọng là phải kéo được những nhà đầu tư chiến lược, những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có công nghệ, có tiềm lực vào đây. Tư duy, cơ chế cần phải đột phá lên. Ý nghĩa của đặc khu phải như thế.

- Một câu chuyện thời sự khác đang diễn ra tại 3 đặc khu tương lai khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng đề cập, dư luận cũng “sốt” là dù luật chưa được thông qua, mới chỉ có thông tin về việc lập đặc khu, đất đai tại Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong đã loạn sới. Khi nguồn lực cơ bản bị chia sẻ manh mún như vậy thì đặc khu sẽ thu hút đầu tư kiểu gì?

- Như ở Quảng Ninh thì những việc mua bán đất đai, dự án đã dừng lại hết rồi. Khi tôi còn công tác ở Quảng Ninh (nhiệm kỳ trước, ông Vũ Hồng Thanh là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh – PV) đã có chủ trương đó rồi. Còn đằng sau, thị trường “ngầm” thì cũng có thể có chuyện đó. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chủ trương của lãnh đạo Quảng Ninh là dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất tại đây rồi.

Vừa rồi, anh Đọc, Bí thư Quảng Ninh đã trực tiếp xuống Vân Đồn, chỉ đạo dừng việc chứng nhận các giao dịch, chuyển nhượng, chờ Luật đặc khu rồi mới triển khai cái này cái kia.

Tôi khẳng định, ngay từ khi tôi còn ở Quảng Ninh đã dừng hết các dự án để dành đất cho đặc khu.

- Ở Phú Quốc, vừa qua, Chủ tịch huyện đảo này cũng đã bị khiển trách vì buông lỏng quản lý đất đai. Trong một hội thảo mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, cũng khuyến cáo sẽ có một “cuộc đua xuống đáy” với 3 đặc khu. Lo lắng này có cơ sở không và việc đó ảnh hướng thế nào tới tương lai của các đặc khu, thưa ông?

- Trong báo cáo thẩm tra Luật đặc khu cũng đã có cảnh báo về chuyện đó rồi. Chúng ta phải làm sao đó để dừng lại hiện tượng này, nếu không đất đã “sốt” lên rồi, đã mua bán, sang nhượng hết thì sau này sẽ không còn gì để thu hút, để kéo nhà đầu tư vào. Dứt khoát phải dừng lại chuyện đó.

Tất nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng dừng lại việc này thì thế nọ thế kia nhưng nếu để các thế lực ngầm thôn tính hết đất thì sau này khi các “đại bàng” đến sẽ không còn chỗ “làm tổ” vì “chim sẻ, chim sâu” chiếm hết đất rồi.

- Vậy còn lo ngại về việc chuyển dịch kinh tế khi nhà đầu tư dồn hết vào các đặc khu khi nhiều ưu tiên, ưu đãi được dành hết cho những khu vực vốn đã có rất nhiều lợi thế này khiến các địa phương khác không thu hút được các nguồn lực cần thiết thì sao, thưa ông?

- Thì phải có sàng lọc chứ. “Đại bàng” vào đây thì những “chim sẻ, chim sâu” thì phải vào chỗ khác. (Dantri)

Trở về

Bài cùng chuyên mục