tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-06-2018

  • Cập nhật : 24/06/2018

Mỹ tăng nhập điều từ Việt Nam vì quá rẻ

Ấn Độ là đối thủ chính của Việt Nam trên thị trường điều thế giới.  

gia re khong con la loi the canh tranh cua nganh dieu viet nam

Giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành điều Việt Nam

Trong nửa đầu tháng 6, giá điều xuất khẩu của Ấn Độ giao tại cảng Delhi lên tới 16 USD/kg (loại WW180) và 14,5 USD/kg (loại WW210); điều nhân vỡ 2 mảnh cũng đạt mức 10,9 USD/kg. Còn giá điều Việt Nam tiếp tục giảm chỉ còn 9,07 USD/kg, giảm 3,5% nửa đầu tháng 5.2018 và giảm đến 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Mỹ là khách hàng chính của hạt điều Việt Nam, chiếm tới 36,4% thị phần điều xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu điều Việt Nam vì giá rẻ. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập 41.392 tấn điều, tăng 5% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng điều nhập khẩu từ Việt Nam tăng tới 30,3% về lượng, giảm nhập khẩu từ Ấn Độ đến 66,6%. Nhờ vậy mà thị phần của hạt điều Việt Nam tại Mỹ tăng từ 65,5% 4 tháng đầu năm 2017 lên tới 81,3%. 

Đáng nói là cạnh tranh bằng cách giảm giá, phá giá đang giết chết nhiều DN ngành điều. (Thanhnien)
--------------------------

Trung Quốc đổ vốn vào nhiệt điện than Việt Nam

Đây là một trong số hàng loạt câu hỏi được đặt ra khi có thông tin dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) muốn vay tới 80% vốn từ Trung Quốc.

50% vốn vay nước ngoài cho nhiệt điện than từ Trung Quốc /// Đào Ngọc Thạch

50% vốn vay nước ngoài cho nhiệt điện than từ Trung Quốc - ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhà đầu tư Trung Quốc “tha thiết”

Mới đây, Bộ Công thương trình Chính phủ văn bản về việc thay thế nhà đầu tư dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) bằng liên danh Geleximco - HUI (Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding, Trung Quốc). Nguyên nhân của việc xin chuyển nhà đầu tư dự án trên do TKV không đủ năng lực tài chính sẽ làm chậm tiến độ triển khai, vận hành dự án vào 2022 - 2023 theo Sơ đồ điện VII điều chỉnh. Chính vì vậy, trong báo cáo của mình Bộ Công thương mong muốn Thủ tướng Chính phủ “xem xét chấp thuận” đề xuất trên.

Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có diện tích 150 ha, tổng vốn đầu tư 2,1 tỉ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW, được Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư. Cũng theo Bộ Công thương, nếu giao dự án này cho liên danh Geleximco - HUI, 80% tổng mức đầu tư dự án sẽ phải đi vay từ Trung Quốc. Tổ hợp các ngân hàng Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1,6 tỉ USD cho dự án này gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam, An Huy và Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Dự kiến lãi suất vay từ 10,86 - 11,77% một năm.

Cũng theo Bộ Công thương, liên danh Geleximco - HUI không chỉ muốn đầu tư dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 mà còn “tha thiết” với các dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (Quảng Bình) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. “Năm 2017, liên danh Geleximco - HUI đã 2 lần gửi văn bản tha thiết”, báo cáo của Bộ Công thương đề cập.

Cho vay vốn để tuồn công nghệ cũ vào VN ?

Theo tính toán của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) Việt Nam, tính đến đầu năm 2017 tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam đạt gần 40 tỉ USD. Nguồn vốn này được tính toán theo từng dự án ở từng giai đoạn cụ thể của nó. Trong tổng số 40 tỉ USD, có 17% đến từ các ngân hàng trong nước, 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không xác định được nguồn.

Đối với nguồn vốn vay từ nước ngoài xác định được nguồn gốc thì có đến 50% vay của Trung Quốc tương đương 8 tỉ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với 23% và Hàn Quốc đứng ngay sau với tỷ lệ 18%.

Trung Quốc đổ vốn vào nhiệt điện than Việt Nam - ảnh 2

Bản đồ vị trí các dự án nhiệt điện than các tỉnh Bắc Trung bộ - GREENID

Nếu các dự án Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch được giao cho liên danh Geleximco - HUI, số vốn vay đầu tư cho nhiệt điện từ Trung Quốc sẽ tăng lên nhanh chóng. Không chỉ có vốn, việc này còn tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư, cung cấp vốn cho nhiệt điện than của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Trong khi công nghệ điện than Trung Quốc thuộc diện lạc hậu hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Đặc biệt, vài năm gần đây nước này đóng cửa hàng loạt dự án nhiệt điện than cũ vì gây ô nhiễm môi trường cao nên nguy cơ công nghệ cũ của ngành công nghiệp gây ô nhiễm này được chuyển qua VN là rất lớn. 

Theo các chuyên gia, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nhiệt điện than ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Mục đích chính là chuyển công nghệ điện than lạc hậu sang các nước khác bằng hình thức cho vay vốn. Sự quan ngại của các chuyên gia và dư luận hoàn toàn có cơ sở vì khi nhà đầu tư ngoại sử dụng vốn ngoại thì khó lòng tránh được việc họ tuồn công nghệ cũ vào Việt Nam. (Thanhnien)

HIU thật sự là ai?

HUI là một công ty con thuộc Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). Tập đoàn này là nhà đầu tư liên quan tới lĩnh vực nhiệt điện ở Trung Quốc. Có thể kể đến như: Nhà máy điện Hán Xuyên (Hồ Bắc), Phong Thành (Giang Tây), Tô Châu (Giang Tô).

Tại Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh) do Geleximco làm chủ đầu tư và KAIDI Dương Quang làm tổng thầu EPC. Ngoài ra Tập đoàn đến từ Trung Quốc này còn liên quan đến hàng loạt dự án nhiệt điện khác tại Việt Nam như: Mạo Khê, Nông Sơn, Hải Dương…

Tập đoàn Trung Quốc này cùng với Tập đoàn Geleximco (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội) gần đây nổi tiếng khi trình hồ sơ xin đầu tư xây dựng sân bay Long Thành với cam kết “giá thấp nhất”. Người đứng đầu Geleximco là ông Vũ Văn Tiền.

------------------------------

Căng thẳng cuộc chiến thép nội - ngoại: 'Chạy' xuất xứ tránh thuế chống bán phá giá

Cuối tuần qua, đồng loạt 5 công ty sản xuất thép không gỉ cán nguội tại VN đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc thu hút dự án đầu tư mới của Công ty Yongjin vào tỉnh Đồng Nai.

DN thép VN lo ngại các dự án thép của Trung Quốc sẽ khiến VN bị vạ lây áp thuế chống bán phá giá  /// Ảnh: M.P

DN thép VN lo ngại các dự án thép của Trung Quốc sẽ khiến VN bị vạ lây áp thuế chống bán phá giá - ẢNH: M.P

Đơn kiến nghị nêu rõ chỉ sau 1 năm bị từ chối cấp phép mở nhà máy sản xuất vì không nằm trong quy hoạch, nguồn cung dư thừa, tình trạng thiếu năng lượng, thiếu năng lực huy động vốn… thì nay công ty đến từ Trung Quốc này lại khởi động xin phép đầu tư.

VN bị vạ lây

Không chỉ thế, thời gian gần đây, sản phẩm thép của VN bị đánh thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó có nhiều vụ nghi ngờ là thép Trung Quốc chuyển xuất xứ sang VN. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép vận chuyển từ VN được cho là có xuất xứ Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ sẽ đánh thuế CBPG 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội từ VN. Còn thép không gỉ nhập khẩu từ VN đối mặt với các mức thuế lần lượt là 199,43% và 39,05%. Các sản phẩm này khi vào Mỹ sẽ bị cộng thêm thuế 25% theo một quyết định từ đầu năm nay của chính quyền Mỹ đối với hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu. 

Các tranh chấp thương mại toàn cầu đang gia tăng, cần phải thận trọng xem xét cho phép các dự án sản xuất thép để tránh tình trạng bị vạ lây

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

 

Cáo buộc của các doanh nghiệp (DN) thép Mỹ cho rằng từ năm 2015, sau khi áp thuế CBPG nhằm vào thép Trung Quốc thì lượng thép nhập khẩu vẫn chảy mạnh vào thị trường Mỹ từ các quốc gia khác, đặc biệt từ VN.

Ngành thép Mỹ cho rằng sản phẩm được gia công ở VN nhưng 90% giá trị sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên VN bị các nước cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế CBPG sau khi đã áp thuế cho sản phẩm tương tự từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 cũng áp dụng hai mức thuế CBPG và chống trợ cấp cho sản phẩm gỗ dán nhập khẩu, đá granite và ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội của VN với mức thuế tương tự như áp dụng với sản phẩm Trung Quốc vì nước này kết luận các nhà sản xuất và xuất khẩu VN đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế CBPG mà nước này đang áp dụng cho sản phẩm của Trung Quốc…

Vì vậy, nhiều DN thép đang lo ngại sau Mỹ, sẽ có nguy cơ sản phẩm bị áp thuế vạ lây ở nhiều thị trường khác. Ví dụ, EU đầu năm nay cũng thông báo mở cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại thép nhập khẩu, trong đó có xuất xứ từ VN là 6 loại. Hiện EU đang áp thuế CBPG đối với một số sản phẩm sắt thép Trung Quốc. Nếu bị cáo buộc có hiện tượng lẩn tránh xuất xứ, khả năng thép Việt sẽ bị áp thuế thay vì được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 0% như hiện nay.

Xu hướng chuyển dịch xuất xứ

Những năm gần đây, ngành thép Trung Quốc đối diện với vấn đề thừa cung cũng như chi phí sản xuất tăng và lợi nhuận giảm do giá lao động, các quy định về môi trường và thuế CBPG. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định giảm sản lượng thép xuống 100 triệu tấn/năm vào năm 2020 và tích cực hỗ trợ di dời các nhà máy sản xuất thép ra nước ngoài. Ví dụ, Tập đoàn Sting Shan đã thành lập nhà máy cán nóng thép không gỉ (inox) ở Indonesia, tuy nhiên thị trường sở tại không tiêu thụ hết lượng sản phẩm của tập đoàn này. Trong khi đó, Công ty Yongjin, đơn vị đang xin đầu tư nhà máy thép cán nguội không gỉ tại Đồng Nai, cũng đã thành lập một nhà máy công suất 700.000 tấn ở Indonesia. Công ty Yongjin chủ yếu lấy nguyên liệu cán nóng từ Tập đoàn Sting Shan. Do đó, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự bắt tay giữa hai đơn vị này nhằm xây dựng nhà máy sản xuất inox tại VN.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh: các dự án thép đều có khả năng gây ô nhiễm rất lớn nên phải xem xét thận trọng khi cấp phép đầu tư mới. Đồng thời phải xem xét kỹ đến lượng cung cầu đã có trên thị trường để tránh đẩy các DN vào tình trạng sống dở chết dở. Đặc biệt, trước hiện tượng thép VN bị áp thuế tại nhiều nước liên quan đến cáo buộc là sản phẩm Trung Quốc thì chúng ta càng phải thận trọng hơn khi cấp phép cho những nhà máy mới của Trung Quốc. “Các tranh chấp thương mại toàn cầu đang gia tăng, cần phải thận trọng xem xét cho phép các dự án sản xuất thép để tránh tình trạng bị vạ lây”, ông Trinh khuyến cáo.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục