tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-06-2018

  • Cập nhật : 23/06/2018

Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. 

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Ngày 15 tháng 5 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Căn cứ quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Thông tư số 12/2018/TT-BCT quy định những nội dung chính như sau:

- Ban hành Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo mã số hàng hóa (mã HS) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

- Ban hành Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo mã HS.

- Quy định các mẫu đơn (bao gồm: Mẫu đơn đề nghị cấp CFS; Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm nhập, tái xuất theo hình thức khác; Giấy phép tạm xuất, tái nhập; Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu; Mẫu đơn đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép quá cảnh hàng hoá; Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục và Giấy phép nhập khẩu mẫu quân phục), mẫu báo cáo (bao gồm: Mẫu báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu; Mẫu báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa), các biểu mẫu phối hợp, cung cấp thông tin và cơ quan cấp giấy phép của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

- Quy định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, bao gồm: phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, nguyên tắc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan, đối tượng và quy trình cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Thông tư số 12/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2018 và bãi bỏ các Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014; Thông tư số 11/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 49/2015/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2015. (Bộ Công Thương)
------------------------------

Chính phủ phê duyệt cổ phần hóa Vinalines

Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 751/QĐ-TTg.

Theo đó, hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

co phan vinalines chao ban muc khoi diem la 10.000 dong/cp

Cố phần Vinalines chào bán mức khởi điểm là 10.000 đồng/cp

Vốn điều lệ hiện nay của đơn vị này là trên 14.000 tỉ đồng, cổ phần phát hành lần đầu là trên 1,4 tỉ đồng, với mệnh giá 10.000 đồng.

Trong đó, Nhà nước nắm giữ gần 920 triệu cổ phần (65%) và ưu đãi cho người lao động, doanh nghiệp là hơn 2,2 triệu cổ phần.

Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là trên 270 triệu cổ phần và bán công khai 280 triệu cổ phần.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 1.415 người, tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần là 1.096 người; tổng số lao động nghỉ việc tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 319 người.

Việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Vinalines là 10.000 đồng/cp.

Tại quyết định, Chính phủ giao Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng; thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phần trúng đấu giá tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội.

Vinalines mất đến 15.000 USD/ngày cho các tàu thua lỗ

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinalines là Bộ Giao thông vận tải. Khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Vinalines thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Chính phủ cũng giao Bộ GTVT phê duyệt tiêu chí và tổ chức bán cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Chi phí cổ phần hóa cũng được giao cho đơn vị này thực hiện dự toán và quyết toán.

Bán hàng loạt tàu

Trước khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt Vinalines lên kế hoạch bán tàu, phá sản, giải thể hàng loạt công ty con.

Vinalines cho biết, trong năm 2017, tổng công ty này đã nhượng bán, thanh lý 8 tàu biển với tổng trọng tải khoảng 222,4 nghìn tấn.

Trong năm 2018, công ty mẹ Vinalines sẽ tiếp tục thực hiện thanh lý từ 5 đến 6 tàu với tổng trọng tải 222,4 DWT. Trong đó, các tàu chuyển tiếp từ năm 2017 là Vinalines Fortuna (27 tuổi); Vinalines Ocean (25 tuổi), Vinalines Sky (21 tuổi). Các tàu nằm trong kế hoạch thanh lý của 2018 gồm có Vinalines Glory (12 tuổi); Vinalines Galaxy (12 tuổi) và Vinalines Ruby (6 tuổi).

Riêng con tàu Vinalines Sky mua 661 tỷ năm 2007, cũng đã được bán với giá 89 tỷ đồng cho một đơn vị mua để cắt ra lấy sắt vụn.

Hiện tại, Vinalines đã hoàn thành giải thể một loạt công ty con gồm: Công ty Thương mại Xăng dầu đường biển Vinalines, Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ, Công ty CP Phát triển cảng Bến Đình – Sao Mai; Trung tâm Nhân lực Hàng hải Đông Nam Á…

Đã hoàn tất việc sáp nhập Cảng Cần Thơ, thoái vốn khỏi Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh, Cảng Nha Trang, Cảng Quy Nhơn…

Đồng thời, năm nay Vinalines cũng sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang ; thoái vốn tại Cảng Cái Cui xuống 51%; thoái vốn khỏi Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Container Vinalines xuống hơn 50%....

Đáng chú ý, Vinalines sẽ thực hiện phá sản Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin, Công ty TNHH MTV CNTT Cà Mau, Công ty XNK Vật tư đường biển; Công ty CP Vận tải dầu khí Việt Nam và giải thể Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines – Đông Đô.(Baodatviet)
-------------------------

Việc Trung Quốc trả đũa Mỹ sẽ bắt đầu với Boeing?

Đơn hàng 18 tỷ USD mua báy bay Airbus nếu được chốt xong, chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến phía Mỹ rằng Trung Quốc hoàn toàn có quyền lực có thể tác động mạnh mẽ gây tổn hại đến Mỹ.

Đã nhiều năm nay, Boeing và Airbus luôn trong cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần, và cũng ngần đó thời gian, Trung Quốc cố gắng cân bằng giữa hai hãng. 

Giờ đây, do Tổng thống Donald Trump mà hãng máy bay Mỹ đang đối diện với rủi ro mất đi vị thế dẫn trước vốn đã mong manh tại thị trường hàng không lớn thứ 2 thế giới.

Nguy cơ chiến tranh thương mại tăng lên sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố các biện pháp tăng thuế với khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chịu áp lực phải trả đũa. 

Để biết ông Tập Cận Bình sẽ phản ứng thế nào, có thể nhìn vào chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đến Bắc Kinh trong tuần này, ông Edouard Philippe nhiều khả năng sẽ cố gắng chốt đơn bán 180 chiếc máy bay Airbus A320. 

Đơn hàng 18 tỷ USD này nếu được chốt xong, chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến phía Mỹ rằng Trung Quốc hoàn toàn có quyền lực có thể tác động mạnh mẽ gây tổn hại đến Mỹ.

Trung Quốc thậm chí cũng có thể ưu tiên lựa chọn máy bay Airbus cho các đơn hàng tương lai, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu về ngành hàng không tại Trung tâm thông tin ngành Trung Quốc, ông Jin Wei.

Ông Jin nói: “Việc dành đơn hàng máy bay lớn cho Airbus sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đến Mỹ rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn thay thế và không ngại va chạm với Mỹ về vấn đề thương mại”.

Một chiến lược như vậy sẽ có thể giúp Trung Quốc gây ra sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Các nhà lãnh đạo G7 ở châu Âu và Canada đang cố gắng thích nghi với nhiều thách thức từ một Tổng thống Trump khó đoán định trong nhiều vấn đề từ an ninh cho đến xuất khẩu. Trong tuần trước, Ngoại trưởng Đức kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết và lấp vào khoảng trống mà nước Mỹ đã bỏ lại sau khi rút khỏi nhiều thỏa thuận toàn cầu.

Đối với Thủ tướng Philippe, một thỏa thuận với Airbus sẽ giúp ông hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổng thống Pháp đã để lại cho ông sau chuyến thăm của ông đến Trung Quốc vào tháng 1/2018. 

Chắc chắn rằng, Trung Quốc sẽ không loại bỏ hoàn toàn Boeing để chuyển sang Airbus. Và chắc chắn Airbus cũng không thể trở thành lựa chọn tất yếu bởi xét đến quan hệ Trung Quốc và Pháp chưa phải đến mức cực tốt.

Dù Tổng thống Pháp muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc nhiều hơn so với những người tiền nhiệm và cam kết mỗi năm sẽ đến Trung Quốc 1 lần, nhưng cũng trong tháng này, ông khẳng định Trung Quốc không thể gia nhập G7 bởi không chia sẻ nhiều giá trị chung.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục