tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-06-2018

  • Cập nhật : 25/06/2018

Hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau quyết liệt bằng những biện pháp thuế quan không chỉ gây tổn hại cho chính các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Sau khi Mỹ quyết định áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, thì Trung Quốc cũng trả đũa bằng gói thuế có giá trị tương đương. Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/6 Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc

Trong biện pháp thuế quan của Trung Quốc đối với Mỹ, có 659 mặt hàng được nhắm đến, và Bắc Kinh nhắm vào những điểm mà Mỹ dễ bị tổn thương nhất. Mặt hàng đầu tiên là thịt bò và đậu nành của nông dân Mỹ, bởi vì Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua đậu nành của Mỹ.

Sự trả đũa này nhắm vào thành phần trung tâm của giới cử tri đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump, nhất là ở các tiểu bang nông nghiệp như Iowa, Illinois, Minnesota.

Tân Hoa Xã đã lên án chủ trương mới nhất của Trump và chỉ rõ: “Đi theo con đường rộng mở là cách phản ứng tốt nhất của Trung Quốc đối với cuộc tranh chấp thương mại do Mỹ gây ra và cũng là trách nhiệm của một nước lớn đối với thế giới”.

Như vậy, Bắc Kinh vừa tự khoe là người tiên phong khuếch trương tự do hoá mậu dịch, nhưng lại tỏ ra cứng rắn đối với Mỹ.

Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Trung Quốc gần như không thể xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ. Lý do là khi Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đối với thép cán nguội lên đến trên 522% và thép không gỉ trên 238%, thì Trung Quốc buộc phải tiêu thụ lượng thép dư thừa bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước ASEAN.

Trong đó, Việt Nam vừa có nhu cầu tăng trưởng mạnh ngành thép, đồng thời gia công thép xuất khẩu đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ. Vì vậy, mới đây Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng nguyên liệu Trung Quốc.

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài và ngày càng căng thẳng, sẽ làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba. Tuy vậy, thách thức lẫn cơ hội sẽ đan xen khi hai nước này tạo rào cản về thuế quan lẫn nhau.

Cụ thể, khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ khó khăn, sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ để bù đắp khoảng trống thị phần của hàng Trung Quốc. Ngược lại, khi Trung Quốc giảm xuất khẩu hàng sang Mỹ, sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất sang các nước xung quanh và Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất lớn, nhất là ở các nước Đông Nam Á.(enternews)
-------------------

Australia thông qua chương trình cải cách thuế lớn nhất lịch sử

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa giành được một thắng lợi quan trọng khi Thượng viện nước này chấp thuận chương trình cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử Xứ sở Chuột túi.

Kế hoạch thuế thu nhập cá nhân trị giá 144 tỷ AUD (tương đương 106 tỷ USD) sẽ chính thức thành luật sau khi đã được thông qua tại Thượng viện của Australia vào ngày 21/6.

Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison cho biết rằng với việc Quốc hội thông qua kế hoạch cải cách thuế thu nhập cá nhân, chính phủ đã đảm bảo người dân Australia sẽ phải trả ít tiền thuế hơn, trong khi sự chăm chỉ lao động của họ đều sẽ được bù đắp xứng đáng cả trong hiện tại và tương lai. Kế hoạch cải cách này được kỳ vọng mang đến những thay đổi lớn cho hệ thống thuế của Australia trong thập niên tới.

Theo kế hoạch, mức thuế suất 37% sẽ được loại bỏ hoàn toàn vào năm 2028, với gần như 90% người nộp thuế có thu nhập trong khoảng từ 40.000 AUD đến 200.000 AUD sẽ chịu mức thuế suất 32,5%.

Trong vòng bốn năm, những người đóng thuế có thu nhập khoảng 125.333 AUD/năm sẽ nhận được khoản tiền 530 AUD sau khi kê khai thuế. Khoản tiền này sẽ tăng lên 645 AUD/năm kể từ năm 2022, nhưng chỉ dành cho những người có thu nhập khoảng 67.000 AUD một năm.

Kế hoạch cải cách cũng hướng đến những người có thu nhập cao với mức thu nhập chịu mức thuế 45% được nâng từ 180.001 AUD/người/năm lên 200.001 AUD/người/năm từ ngày 1/7/2024.(TTXVN)
----------------------

BIS cảnh báo: Bitcoin có thể phá vỡ hệ thống internet?

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa ra báo cáo cảnh báo, các loại tiền ảo như Bitcoin có thể “áp đảo và phá vỡ” hệ thống internet.

BIS đã cảnh báo điều này trong một báo cáo dài 24 trang rằng, tiền ảokhông thể có độ tin cậy như những đồng tiền, mà các nước trên thế giới đã phát hành. Báo cáo này được công bố trên trang web của BIS vào ngày Chủ nhật vừa qua

 Không giống như các đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành, tiền ảo được sản xuất, hoặc "khai thác" bởi các máy tính của ngân hàng thông qua việc giải các thuật toán phức tạp và sau đó được giao dịch tự do trên mạng internet.

Điểm khác biệt của tiền ảo so với các loại tiền tệ thông thường, theo BIS, là số Bitcoin tồn tại không bao giờ vượt quá 21 triệu Bitcoin. Trong khi hiện tại, đã có khoảng 17 triệu Bitcoin đang được lưu hành.

 Giá trị tăng đột biến của Bitcoin từ mức chỉ một vài xu Mỹ lên mức đỉnh 19.500 USD/Bitcoin hồi tháng 12/2017 đã giúp một số nhà đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực này trở thành tỷ phú.

Trong một kịch bản lý thuyết, thì gần đây toàn bộ dân số của đất nước đang chuyển sang đầu tư vào các loại tiền ảo như Bitcoin.

BIS cho hay: "kích thước của sổ kế toán sẽ vượt quá khả năng lưu trữ của một chiếc điện thoại thông minh trong một vài ngày và các máy tính cá nhân trong một vài tuần, hay các máy chủ trong một vài tháng".

Tuy nhiên, BIS cho rằng: “Vấn đề vượt xa khả năng lưu trữ và mở rộng gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý thì chỉ có các siêu máy tính mới có thể theo kịp với việc xác minh các giao dịch đến. Khối lượng giao dịch tăng lên có thể khiến internet ngừng hoạt động".

 Cảnh báo về nguy cơ gian lận trong các giao dịch tiền ảo, trước đó BIS đã lưu ý rằng, có "một nền tảng tin cậy rất mong manh" trong các hệ thống này cũng như vậy.

Báo cáo nêu rõ: "Trong các hệ thống thanh toán chính thống, một khi một khoản thanh toán riêng lẻ được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán quốc gia và cuối cùng thông qua các cuốn sổ sách của ngân hàng trung ương, thì sẽ không thể bị thu hồi. Ngược lại, tiền ảo không thể đảm bảo tính thanh toán của từng khoản thanh toán".

 Hơn nữa, BIS đã chỉ ra "giá trị không ổn định" của các loại tiền tệ như Bitcoin: “Điều này phát sinh là do chưa có một nhà phát hành trung ương nào làm nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của tiền tệ”.

Nói rộng hơn, BIS đã nêu lên những lo ngại về khả năng quản lý lâu dài đối với việc sử dụng tiền ảo, đặc biệt liên quan đến vấn đề rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Bản báo cáo chỉ ra trường hợp của thị trường ngầm trên con đường tơ lụa cho ma túy và hàng lậu, đã bị FBI đóng cửa vào năm 2013, vì họ đã sử dụng tiền ảo như Bitcoin để bảo hộ cho khách hàng không bị phát hiện. (KT&DB)
-----------------

Quốc gia "mong manh nhất" trước sự tấn công của Tổng thống Trump trên mặt trận thương mại

Để "dỗ dành" Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ phải bớt "nuông chiều" nông dân nước này.

Canada là một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất trước sự công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mặt trận thương mại.

Quốc gia láng giềng phía nam này là đối tác trong 2/3 hoạt động thương mại của Canada. Các mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà Mỹ áp đặt đối với Canada, cũng như Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, sẽ tác động đến nhiều ngành của nước này với số lao động lên tới 30.000 người. Viện nghiên cứu C.D. Howe Institute, dự đoán rằng các mức thuế này sẽ "cướp" đi của Canada 6.000 việc làm và 0,11% GDP.

Và những thiệt hại này sẽ còn kinh khủng hơn nếu Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế 25% đối với mặt hàng ô tô. Ngành ô tô của Canada tạo công ăn việc làm cho khoảng 130.000 người và xuất khẩu 85% sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Giới chuyên gia dự đoán rằng đầu tư doanh nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của Canada, thay vì chi tiêu tiêu dùng, khi nợ của người tiêu dùng đã ghi nhận các mức cao kỷ lục.

Thế nhưng, giới đầu tư vốn đang không chắc là liệu họ còn có thể tự do xuất khẩu sang Mỹ nữa hay không, lại đang tỏ ra ngập ngừng. Ngân hàng trung ương Canada đã cho đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định không nâng lãi suất vào cuối tháng Ba vừa qua.

Ban đầu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã từng hy vọng rằng có thể "lay động lòng trắc ẩn" của Tổng thống Mỹ, nhưng chiến thuật này đã thất bại sau hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày 8-9/6 vừa qua ở La Malbaie, Quebec.

Khi ông Trudeau bảo vệ những hành động đáp trả của Canada đối với các mức thuế nhôm thép của Mỹ tại một cuộc họp báo cuối hội nghị, thì Tổng thống Trump đã đăng trên trang Twitter cá nhân của mình rằng vị thủ tướng Canada rất "yếu kém và không thành thật", đồng thời cáo buộc ông Trudeau đã có những "phát biểu sai sự thật".

Canada đã lập luận một cách dũng cảm rằng Mỹ cũng sẽ bị tổn thương trong một cuộc chiến thương mại, khi Canada là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu từ 36/50 bang của Mỹ.

Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương của hai quốc gia Bắc Mỹ này cũng khá "khủng": 674 tỷ USD năm 2017. Và hoạt động thương mại của hai nước cũng khá cân bằng, thậm chí năm ngoái, Mỹ còn ghi nhận thặng dự nhẹ 8,4 tỷ USD với Canada. Tuy nhiên, lợi thế đàm phán của Thủ tướng Trudeau lại khá yếu.

Không chỉ có thuế nhôm thép mà Canada và Mỹ còn có nhiều bất đồng trong đàm phán NAFTA. Canada và Mexico đang phản đối yêu cầu về "điều khoản hoàng hôn" của Mỹ. Theo điều khoản này, NAFTA sẽ tự động hết hiệu lực sau mỗi 5 năm nếu ba nước không tái chấp thuận hiệp định này, do đó nó cản trở hoạt động đầu tư dài hạn.

Ông Trudeau hồi tháng trước đã hủy một cuộc gặp với Tổng thống Trump vì Mỹ đặt ra điều kiện tiên quyết là phải chấp nhận điều khoản hoàng hôn. Thủ tướng Canada cũng bảo vệ những quy định về giải quyết tranh chấp của NAFTA, trong khi vẫn nỗ lực đảo ngược quyết định đánh thuế nhôm thép và chặn trước kế hoạch đánh thuế ô tô của Washington.

Tuy nhiên, để "bảo toàn" đầu tư và việc làm, bà Laura Dawson, người đứng đầu Viện Canada của Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington, DC cho rằng Canada sẽ phải có những nhượng bộ.

Trong đó, Canada có thể sẽ nâng ngưỡng đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 20 CAD lên khoảng 1.000 CAD. Canada cũng có thể phải chấp nhận những điều kiện "khó nhằn" hơn trong vấn đề ô tô của NAFTA, bao gồm các điều kiện về tiền lương và tỷ lệ nội địa hóa của Mỹ.

Và để "dỗ dành" Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Trudeau còn có thể phải bớt "nuông chiều" nông dân nước này. Mỹ từ lâu đã không vừa ý với hệ thống quản lý nguồn cung của Canada, khi lượng nhập khẩu các mặt hàng trứng, gia cầm và các sản phẩm từ sữa, một khi vượt mức trần cho phép, sẽ phải chịu thuế trừng phạt, lên đến 298% đối với sản phẩm bơ.

Tổng thống Mỹ đã rất phẫn nộ với quy định này. Khi từ chối thỏa thuận với các nước G7 khác trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân của mình, ông đã đổ lỗi một phần cho "các mức thuế cao khủng khiếp" của Canada mà nông dân Mỹ đang phải chịu.

Canada chỉ ra rằng các mức trợ cấp nông nghiệp của Mỹ cũng gần bằng Canada, nhưng cho đến nay thì những lý lẽ này không lay chuyển được Tổng thống Trump. Vì vậy, ông Trudeau đã phát đi tín hiệu rằng Canada có thể "linh hoạt" đối với các sản phẩm từ sữa.

Trong các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại khác, Canada đã đề xuất mở rộng hơn một chút khả năng tiếp cận với các thị trường này và sẽ bù đắp cho nông dân. Các nhà đàm phán của Canada cũng hết lần này đến lần khác đưa ra những nhượng bộ tương tự với Mỹ, nhưng Washington vẫn cho là chưa đủ.

Sự "hung hăng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho Canada đoàn kết lại. Hạ viện nước này đã đồng lòng nhất trí thông qua một bản kiến nghị, trong đó ủng hộ quyết định của Thủ tướng Trudeau trong việc trả đũa thuế nhôm thép của Mỹ.

Ông Doug Ford, thủ hiến tỉnh Ontario, cho biết ông sẽ kề vai sát cánh với Thủ tướng Trudeau trong việc bảo vệ tỉnh này. Thế nhưng, nếu ông Trudeau có những nhượng bộ với Mỹ để cứu nền kinh tế nước này nhưng lại gây tổn hại cho người nông dân, thì sự đoàn kết này có lẽ sẽ sớm trở nên rời rạc.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục