tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-06-2017

  • Cập nhật : 22/06/2017

Kinh Bắc bán 100% vốn Công ty Hoa Sen, “dứt mộng” làm tháp đôi hình bông lúa cao 100 tầng

 KBC đã từng đưa ra phương án kiến trúc của toà tháp đôi cách đây vài năm trước với biểu tượng là hình bông lúa.

 

kbc ban cong ty hoa sen chi sau gan 1 thang rot hon 1.000 ty vao.

KBC bán Công ty Hoa Sen chỉ sau gần 1 tháng rót hơn 1.000 tỷ vào.

 

Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) vừa thông báo trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc chuyển nhượng vốn góp.

Cụ thể, theo nghị quyết HĐQT của KBC ngày 20/6/2017, công ty đã thông qua chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của KBC tại Công ty TNHH MTV Phát triển khách sạn Hoa Sen.

Theo đó, KBC bán 100% vốn điều lệ Hoa Sen, tương đương 1.500 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Mặt trời mọc. Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng KBC không còn là chủ sở hữu của công ty Hoa Sen.

Như vậy, việc KBC bán Công ty Hoa Sen chỉ sau gần 1 tháng rót vốn vào doanh nghiệp này. Trước đó, hồi cuối tháng 5 vừa qua, KBC đã quyết định tăng vốn điều lệ Công ty Hoa Sen từ mức hơn 145 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Một năm trước, KBC thành lập Công ty Hoa Sen để thực hiện dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel). Việc tăng vốn Hoa Sen nhằm mục đích khởi động lại dự án Diamond Rice Flower, vốn thời gian qua được nhiều người chú ý về độ hoành tráng.

Dự án nằm trên khu đất khoảng 4,2ha cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia bao gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng và 1 tòa cao 80 tầng và 1 tòa 15 tầng. KBC đã từng đưa ra phương án kiến trúc của toà tháp đôi này cách đây vài năm trước với biểu tượng là hình bông lúa.

Nhưng do “không gặp thời” của thị trường bất động sản lẫn trục trặc pháp lý, KBC lại gặp nhiều khó khăn nên “mộng” xây dựng một dự án tầm cỡ của KBC không thực hiện được. Và với việc chuyển nhượng này thì doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm sẽ chuyển ước mơ này cho đối tác.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Mặt trời mọc thành lập năm 2006, có trụ sở tại 15 AV Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.(Bizlive)
------------------------------

FLC đang đàm phán với Boeing để mua 15 máy bay cho hãng hàng không Bamboo Airways

Ngày 20/6, Tập đoàn FLC và hãng Boeing (Mỹ) vừa có buổi làm việc tại trụ sở Tập đoàn FLC, xoay quanh các thỏa thuận hợp tác liên quan đến hãng hàng không Bamboo Airways.

FLC đang đàm phán với Boeing để mua 15 máy bay cho hãng hàng không Bamboo Airways

Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC và đại diện hãng Boeing thỏa thuận về các điều kiện hợp tác.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC dự định đặt mua 10 máy bay 737 Max 9 và 5 máy bay 777X do Boeing cung cấp. Boeing 737 MAX 9 thuộc dòng máy bay thương mại một lối đi có sức chứa khoảng 185 khách, còn Boeing  777X nằm trong phân khúc máy bay thân rộng, hai động cơ, có sức chở lớn trên 300 hành khách.

Đây đều là những phiên bản máy bay tiên tiến hiện đại, có chỉ số an toàn cao nhất hiện nay của Boeing, đồng thời phù hợp với mô hình Hybrid kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.

Nếu thương vụ hoàn tất, Bamboo Airways sẽ sở hữu 10 máy bay Boeing 737 Max 9 trong giai đoạn ‎2018- 2020. Riêng 5 máy bay Boeing  777X sẽ được bàn giao từ 2020 trở đi nhằm phục vụ các đường bay quốc tế.

Ông Thomas Creighton, Giám đốc Marketing khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Boeing thuyết trình về công năng của hai loại máy bay được FLC lựa chọn. 

Phát biểu trong buổi làm việc, ông Thomas Creighton, Giám đốc Marketing khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Boeing bày tỏ mong muốn được hợp tác lâu dài với Bamboo Airways không chỉ trong việc phát triển đội bay mà còn trên nhiều lĩnh vực khác như phát triển thương mại, đào tạo - quản lý bay, truyền thông, pháp lý, thương hiệu và tài chính.

Trước đó, vào cuối tháng Năm vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways.

Thông tin chính thức từ FLC cho biết, Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó, là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....

Chiến lược này vừa nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Việc FLC lên kế hoạch thành lập công ty sở hữu hãng hàng không trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam liên tục gia tăng đã thu hút nhiều sự chú ý của báo chí trong nước và quốc tế.

Đầu tháng 6/2017, bên lề roadshow của FLC tổ chức tại Singapore, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - đã trả lời phỏng vấn chính thức Reuters về vấn đề này. Ông cho biết, FLC đang làm việc với nhiều đối tác lớn như Boeing, Airbus trong việc mua sắm trang thiết bị cũng như ký biên bản ghi nhớ mua máy bay. Ngoài ra, Bamboo Airlines cũng xúc tiến xây dựng một bộ máy gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, với kỳ vọng có thể cất cánh trong năm 2018.(Bizlive)
---------------------------

Bộ Chính trị yêu cầu xử lý sai phạm tại 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Lãnh đạo Đảng yêu cầu sớm dứt điểm phương án giải quyết với từng đơn vị, khẳng định nhà nước không bỏ thêm tiền để xử lý thua lỗ.

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản công bố ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả nêu trên. Cơ quan này cũng cho rằng đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị yêu cầu ngành Công Thương chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước và xã hội.

bo-chinh-tri-yeu-cau-xu-ly-sai-pham-tai-12-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong

Đạm Ninh Bình nằm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương đã hoạt động trở lại từ đầu năm 2017. Ảnh: N.B

"Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác từng dự án", Bộ Chính trị yêu cầu.

Trong năm 2017, cơ quan quản lý cần hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án; và hoàn tất vào năm 2020. Bên cạnh đó là việc xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc đề ra, đạt hiệu quả cao nhất.

Báo cáo trước đó của Bộ Công Thương về các dự án thua lỗ cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ gần 43.700 tỷ đồng, nhưng sau đó đã "đội" lên hơn 63.600 tỷ (tăng hơn 45% so với dự kiến ban đầu) và phần lớn trong số đó là vốn vay, gần 47.500 tỷ (xấp xỉ 74,6%).

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối 2016 là hơn 16.120 tỷ đồng; tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ, chiếm 95% tổng tài sản các dự án.

Về hiện trạng "sức khỏe" của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hiện có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm Nhà máy đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung.

3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn là dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Công ty Bột giấy Phương Nam.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ (PVTex).(Vnexpress)
------------------

Lãnh đạo Uber bị nhà đầu tư ép từ chức

Ông Travis Kalanick vừa tuyên bố thôi chức giám đốc điều hành hãng dịch vụ đi chung xe mà ông đồng sáng lập vì các nhà đầu tư đã chán ngán với các bê bối.

ong travis kalanick trong lan du dien dan kinh te the gioi to chuc o trung quoc thang 6-2016 - anh: reuters

Ông Travis Kalanick trong lần dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở Trung Quốc tháng 6-2016 - Ảnh: Reuters

Trong một thông cáo báo chí được báo New York Times trích đăng hôm nay (21-6), ông Travis Kalanick giải thích lý do rõ ràng: "Tôi yêu Uber hơn tất cả mọi thứ trên thế giới này. Và trong giai đoạn cuộc sống cá nhân khó khăn như hiện nay, tôi phải chấp nhận yêu cầu ra đi từ các nhà đầu tư, để Uber có thể tiếp tục phát triển, thay vì lại vướng vào một cuộc chiến khác".

Báo New York Times cho biết dù là nhà sáng lập của Uber vào năm 2009 và đưa doanh nghiệp này trở thành một hiện tượng của giới công nghệ với ứng dụng tuyệt vời vào cuộc sống nhưng gần đây Uber đã gặp rất nhiều thất bại lẫn bê bối.

Tuần trước, Kalanick đã thông báo nghỉ phép vô thời hạn, sau khi mẹ ông qua đời vì tai nạn tàu thuyền trước đó. Người ta cũng chỉ phỏng đoán rằng có là sự thoái lui tạm thời.

Tuy nhiên, động thái trên không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng về khả năng lãnh đạo của Kalanick. Theo báo New York Times, các nhà đầu tư vẫn yêu cầu ông Kalanick phải từ chức.

Tờ báo hàng đầu của Mỹ nêu rõ rằng 5 nhà đầu tư lớn của Uber, trong đó có quĩ đầu tư Benchmark Capital, đã đẩy mạnh thúc ép Kalanick phải từ chức từ ngày hôm qua (20-6), trong một bức thư gửi riêng cho ông này, khi đó đang nghỉ tại Chicago, yêu cầu từ chức "để thúc đẩy Uber tiến lên phía trước".

Theo báo Les Echos, ông Kalanick cùng các nhà đầu tư đã có cuộc thảo luận vào ngày 20-6 và ông Kalanick xin được giữ lại một chân trong Hội đồng quản trị của công ty.

Nhà đầu tư Benchmark Capital nằm trong Hội đồng quản trị của Uber được xem là đóng vai trò chính trong vụ hạ bệ Kalanick.

Vụ "nghỉ phép vô thời hạn" của giám đốc điều hành Kalanick tuần trước cũng được cho là do sức ép của Benchmark Capital sau khi nhà đầu tư này công bố bản báo cáo của một nhóm luật sư độc lập trong đó chỉ trích mạnh mẽ môi trường làm việc trong hãng Uber ở California (Mỹ).

Việc này diễn ra đúng thời điểm Uber trải qua đợt biến động chưa từng có. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 2 vừa qua, khi cô Susan Fowler  -  một cựu kỹ sư tiết lộ đã bị cấp trên quấy rối và phân biệt đối xử tại công ty. Vụ việc này đã khiến 20 người bị đuổi khỏi công ty.

Nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu gồm Benchmark Capital và bốn nhà đầu tư lừng lẫy không kém khác là Silicon Valley - First Round Capital, Lowercase Capital, Menlo Ventures và Fidelity Investments. Nhóm này nắm giữ hơn 1/4 số vốn của Uber, và với số cổ phiếu có quyền bỏ phiếu đang nắm giữ khác, nhóm này nắm đến 40% quyền bỏ phiếu trong hội đồng cổ đông của Uber nên có sức mạnh rõ ràng.

Họ không thể ngồi yên khi doanh nghiệp có giá thị trường lên đến 70 tỉ USD này vướng quá nhiều vụ bê bối.

Ông Travis Kalanick, cũng như cánh tay mặt của mình là Emil Michael (người vừa từ chức hôm 19-6), đã bị cáo buộc đích thân cổ súy những hành vi quấy rối và thô bạo trong doanh nghiệp của mình. 

Emil Michael cũng bị cho là xử lý kém trong vụ một hành khách cáo buộc bị tài xế Uber hãm hiếp ở Ấn Độ.

Sau đó, Alphabet - công ty mẹ của Google - kiện Uber ăn cắp bí mật thương mại về xe tự lái.

Một đoạn video về việc Kalanick mất bình tĩnh khi tranh cãi với một lái xe Uber về giá cước cũng như những đối đãi với người ký hợp đồng bị tung ra truyền thông, khiến ông phải lên tiếng xin lỗi.

Từ đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của họ đã nghỉ việc hoặc bị sa thải chỉ trong vài tháng.

Hãng Uber cũng phải nhờ đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông Eric Holder điều tra về văn hóa công ty.

Tuần trước, ông Holder đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có đánh giá lại vai trò của Kalanick trong Uber và thành lập một hội đồng giám sát độc lập.(Tuoitre)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục