tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-06-2018

  • Cập nhật : 20/06/2018

Trung Quốc bất ngờ bơm tiền cho các tổ chức tài chính

Ngày 19/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cho các tổ chức tài chính vay 200 tỷ NDT (31 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF), trước mối lo ngại về khả năng thanh khoản cũng như tác động về kinh tế do “cuộc chiến thương mại” với Mỹ.

Động thái bất ngờ trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Chuyên gia Tommy Xie, thuộc ngân hàng OCBC,nhận định việc sử dụng công cụ MLF có thể là một phần trong gói giải pháp để đối phó với những rủi ro từ xung đột thương mại. Theo chuyên gia này, PBoC có thể đưa thêm gói kích thích trước nguy cơ vỡ nợ gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và “chiến tranh thương mại” bùng phát.

Sáng 19/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các kế hoạch áp mức thuế 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD nhằm đáp trả cái mà ông gọi là động thái "không thể chấp nhận" của Bắc Kinh khi tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ. Tổng thống Trump cho biết đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ xác định những mặt hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế mới. Theo ông, đây là hành động đáp trả việc Trung Quốc tăng thuế đối với lượng hàng trị giá 50 tỷ USD của Mỹ.

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế và đáp trả lẫn nhau đã làm gia tăng quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và các nhà phân tích lo ngại điều này có thế tác động đến kinh tế toàn cầu.(Baotintuc)
-----------------

Nông sản Việt vào Hàn Quốc phải kiểm tra 370 loại thuốc bảo vệ thực vật

370 loại thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản nhập khẩu sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015, đà tăng trưởng kim ngạch thương mại hai nước đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, trong đó nhóm mặt hàng nông sản đã có sự tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Chính vì thế,thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Hàn Quốc.

Ông Lee Soon-Ho, Đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin, Hệ thống Danh mục Hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc hiện chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc.

Do đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần hết sức lưu tâm đến Hệ thống này, vì chỉ có các loại thuốc bảo vệ thực vật đã có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng mới được nhập khẩu vào Hàn Quốc. Đặc biệt, DN cần đặc biệt lưu tâm về chủng loại cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong top 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.

“DN Việt Nam cần nhanh chóng rà soát hàng trái cây xuất khẩu xem có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc. Khi đã xác định được, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nộp hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn an toàn về dư lượng đến Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, để loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng được xem xét tiêu chuẩn hóa”, ông Lee Soon-Ho khuyến cáo.

Là đại diện cho nhiều DN chuyên về xuất khẩu, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ kinh nghiệm, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý với những cảnh báo của các thị trường nhập khẩu, trong đó có thị trường Hàn Quốc. Các DN cần có sự chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để có được những cảnh báo, đặc biệt là dư lượng hóa chất. “Đây là vấn đề được Hiệp hội hết sức quan tâm và đã có thông báo cho các hội viên để tham dự các hội thảo giới thiệu chính sách từ phía các thị trường”, ông Vinh nói.

Để kịp thời hỗ trợ các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cần kịp thời cập nhật được cơ chế chính sách, quy trình, quy định từ phía Hàn Quốc, từ đó có thể chuẩn bị trước thấu đáo và xác đáng, không bị tác động một cách tiêu cực đối với quá trình kiểm soát thị trường và giám sát hàng hóa nông sản nhập khẩu của Hàn Quốc.

“Nhiều thị trường nhập khẩu hiện nay đang có xu hướng bảo hộ, dựng rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường. Việc chủ động tìm hiểu các thông tin về chính sách nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc, trong đó có hàng nông sản hoàn toàn phụ thuộc vào phía các DN. Khi DN đồng hành cùng các cơ quan quản lý để làm rõ được những quy định, những yêu cầu từ phía các đối tác sẽ tháo gỡ vướng mắc, tìm biện pháp vượt qua những rào cản”, ông Hải chỉ rõ.

Làm rõ hơn việc Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn về mức dư lượng của hóa chất nông dược đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.

“Chính sách của Hàn Quốc sẽ thay đổi nhận thức cho các cơ quan quản lý cũng như các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Khi Hàn Quốc áp dụng chính sách này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Do đó, Việt Nam phải có chương trình giám sát, đảm bảo quá trình chế biến sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc”, ông Hòa lưu ý.

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn. Để tăng số lượng cũng như tăng chất lượng sản phẩm rất cần hệ thống sản xuất nông sản bền vững. Việc đáp ứng được các quy chuẩn an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu là vấn đề tất yếu, bởi nếu không vượt qua được rào cản này, hàng hóa, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh của mình, cũng như mất đi thị trường trong tương lai.(VOV)
--------------------------

Bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá thép hình chữ H

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa có thông báo chính thức về việc tiếp nhận hồ sơ rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 21/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, được phân loại theo mã HS 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90, có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD03).
Theo Điều 82 (1) (a) Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: “Sau 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp”.

Ngoài ra, tại điều 58 (1) Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ: “Trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của nghị định này có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 9 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không”.

Do vậy, các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo hướng dẫn. Phạm vi đề nghị rà soát bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung sau: Phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá; biên độ bán phá giá đang áp dụng đối với một hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài cụ thể; thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Sau khi kết thúc thời hạn rà soát, căn cứ vào kết luận điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một trong các phương án như sau: Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định hiện hành; và/hoặc điều chỉnh biện pháp chống bán phá giá tương ứng với kết quả rà soát; hoặc chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Đáng lưu ý, việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát sẽ không gây cản trở tới việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.

Hồ sơ theo hướng dẫn phải được điền đầy đủ và nộp trực tiếp tới cơ quan điều tra, trước 17 giờ ngày 21/8/2018, theo địa chỉ: Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam).(TTXVN)
-----------------------

Danh sách thành viên ban chỉ đạo điều hành giá

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa ký Quyết định ban hành thành viên Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định số690/QĐ-TTgngày 11/5/2014 và Quyết định số60/QĐ-BCĐĐHGngày 15/9/2014.

Ban Chỉ đạo điều hành giá có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quyết định các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Ban Chỉ đạo còn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, hiệp hội các ngành hàng, tổ chức và các cá nhân có liên quan về những chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, điều hành giá khi cần thiết; khảo sát, nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.(Chinhphu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục