tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-06-2018

  • Cập nhật : 21/06/2018

Vàng không còn lấp lánh giữa căng thẳng thương mại

Giá vàng giao sau hôm thứ Ba giảm xuống mức đáy năm 2018 khi giữa bão căng thẳng thương mại, nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng và dòng tiền tìm đến “trú ẩn” ở đồng đô la Mỹ. 

Giá vàng giao tháng 8 đóng cửa giảm 1,5 USD, tương ứng 0,1%, xuống 1.278,60 USD/ounce. Thứ Sáu tuần trước, giá kim loại này đóng cửa ở mức 1.278,50 USD – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.

Ở thời điểm cập nhật lúc 6h37 sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đang ở mức 1.274,80 USD/ounce, giảm 0,24% so với mức chốt phiên hôm thứ Hai là 1.277,90 USD/ounce.

Biểu đồ: Kitco 

Vàng lao về đáy mặc dù tăng thẳng thương mại leo tháng khiến thị trường tài chính “run rẩy”, Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích của FXTM, nhận xét.

Nguyên nhân khiến giá vàng giảm là đồng đô la Mỹ lên giá, Otunuga nói, đồng thời dự báo giá kim loại này sẽ còn giảm tiếp do đồng bạc xanh sẽ còn mạnh lên nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực về kinh tế Mỹ và Fed tăng lãi suất.

Các diễn biến thương mại khiến thị trường chứng khoán đỏ lửa, và một số chuyên gia phân tích cho rằng nhà đầu tư bán ra vàng để bù lại việc lỗ từ các khoản đầu tư rủi ro hơn. Các diễn biến đó cũng đẩy giá đồng USD tăng.

Chỉ số ICE U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 1 rổ gồm 6 đồng tiền mạnh khác, tăng 0,3% lên 95,06 điểm và duy trì ở mức cao nhất từ đầu năm.

Sau khi Bắc Kinh đáp trả kế hoạch của Mỹ đánh thuế lên 50 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cuối ngày thứ Hai, Tổng thống Trump yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer lên danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa để đánh thuế 10%. Ông Trump thậm chí còn đe dọa đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nữa nếu Bắc Kinh trả đũa.

Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích thương phẩm tại Commerzbank, cho rằng nhu cầu vàng èo uột trong bối cảnh thị trường như vậy thật “khó hiểu”, các quỹ ETF đầu tư vàng bán ra 4,5 tấn hôm thứ Hai. “Có thể nhà đầu tư đang bán ra vàng để bù lỗ từ các khoản đầu tư khác”. (bizlive)
-----------------------

Hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường TP.HCM

Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo, xử phạt nhiều lần nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn ngập thị trường từ các cửa hàng lớn đến khu chợ bình dân...

Hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường TP.HCM

Hàng giả, hàng nhái thương hiệu tràn ngập từ nội thành đến ngoại ô.

Nhái tinh vi rất khó phân biệt

Tháng 5/2018, thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, riêng về hàng giả Chi cục đã thu giữ hơn 3000 sản phẩm hàng giả, hàng nhái bao gồm các sản phẩm  đồng hồ, mắt kính, túi xách kém chất lượng. Trong đợt ra quân kiểm tra tại chợ Bến Thành được đóng các mác, nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng như Omega, Gucci, LV, Dior,…Những sản phẩm hàng giả này có giá từ 200.000 đồng cho đến 2,5 triệu đồng/sản phẩm.

Khó khăn nhất trong công tác kiểm tra chất lượng là rất khó phân biệt được hàng thật và hàng giả do sản phẩm hàng giả vì được nhái tinh vi kiểu dáng giống hệt bản gốc, chất liệu cũng có điểm giống nên đã qua mặt người tiêu dùng một cách dễ dàng, nhiều sản phẩm lại có chất liệu gần giống khiến việc phân biệt khó lại càng thêm khó.

Một "chiêu" mà nhiều tiểu thương dùng để đối phó với cơ quan chức năng là trộn lẫn hàng giả với hàng nhập lậu để qua mặt cơ quan chức năng. Nhưng khi bị kiểm tra nhưng khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Quan sát tại một của hiệu đồng hồ tại chợ Bến Thành, một tiểu thương vừa bán được chiếc đồng hồ mang nhãn Omega với giá 1,7 triệu đồng và giải thích khách hàng biết là hàng đang được khuyến mãi nên mới có giá này.

Dọc theo khu chợ, nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái ngang nhiên được bày bán tại các cửa hàng lớn, thậm chí ngay cả những mặt hàng bình dân tại các chợ cũng đóng nhãn, mác của những thương hiệu lớn khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng thật với hàng giả kém chất lượng vì quá giống nhau.

Tìm đến chợ An Đông, trong vai một người đang tìm mối hàng quần áo để bán lẻ, người viết gặp Lệ Anh. Cô cho biết mình là chủ một shop quần áo ở Thủ Đức đang tìm mối hàng, là người “sành” đồ hiệu nên cô chỉ ngay vào một mớ những quần Jean hiệu Levis, CK…đang bày bán tại đây với mức giá từ 270.000 đồng – 350.000 đồng/quần, nhấn mạnh đây là hàng nhái chỉ chừng hơn tháng giặt là bay màu, sờn, sổ chỉ vì quần tuy giống đồ hiệu nhưng chất liệu không đạt chuẩn và đường may không kỹ.

Nhiều điểm đen thị trường

Anh Khanh – Đội quản lý thị trường quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết không chỉ có mặt trong các quận nội thị trung tâm thành phố với mác là hàng hiệu, những khu vực vùng ven như trên địa bàn Quận Thủ Đức cũng là nơi hàng giả, hàng nhái mua bán ồ ạt, nhất là những khu công nghiệp, khu vực chợ gần làng đại học Thủ Đức, chợ Linh Trung..nơi có nhiều công nhân, sinh viên ở trọ, sinh hoạt.

Ghi nhận tại khu chợ gần làng Đại học Thủ Đức vô số mặt hàng quần áo, giày dép, bóp da, dây nịt…đóng nhiều nhãn, mác của những thương hiệu nổi tiếng như Addidas, Levis, Gucci…được bán với giá 45.000 đồng cho tới 120.000 đồng và được một lượng lớn sinh viên, người dân mua sắm đông đúc. Một sinh viên vừa mua tại đây một đôi giày mang nhãn hiệu Addidas với giá 100.000 đồng. Sinh viên này cho biết mua vì mẫu mã đẹp chứ biết rõ đây là hàng giả.

Cũng theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng 5/2018 đã kiểm tra 523 vụ chuyên ngành và liên ngành, xử lý 68 vụ tiêu huỷ hàng hoá trị giá 99.652.000 đồng, phạt hành chính 3.859.708.000 đồng. Trong số đó, bên cạnh các vi phạm về thuốc lá nhập lậu, hàng nhập lậu thì hàng giả Chi cục kiểm tra có 83 vụ, hơn 5000 các mặt hàng mắt kính, túi xách, đồng hồ…

Nghịch lý là trong khi nhiều doanh nghiệp luôn phản đối về tình trạng hàng giả, hàng nhái chất lượng kém nhưng vẫn tiếp tay, vì lợi nhuận cao, người tiêu dùng thì lựa chọn vì giá rẻ.(enternews)
------------------------------

Elon Musk khẳng định bị nhân viên “tạo phản” phá hoại Tesla

CEO của Tesla Elon Musk mới đây đã gửi email đến toàn thể nhân viên, thông báo công ty đang bị phá hoại từ bên trong. Việc điều tra vẫn đang được Tesla tiến hành.

Elon Musk khẳng định bị nhân viên “tạo phản” phá hoại Tesla

CEO Tesla Elon Musk khẳng định công ty đang có những thành phần phá hoại.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết công ty phát hiện một nhân viên đã tiến hành phá hoại các hoạt động của hãng. Trong một email gửi đến các nhân viên Tesla, Musk tiết lộ rằng kẻ "tạo phản" đã thực hiện các thay đổi đối với hệ thống vận hành sản xuất của Tesla và xuất dữ liệu nhạy cảm sang "các bên thứ ba không xác định".

“Toàn bộ mục tiêu hành động của anh ta vẫn chưa rõ ràng, nhưng những gì anh ta đã thừa nhận hiện khá nghiêm trọng. Mục đích của vụ phá hoại là vì anh ấy muốn thăng chức nhưng không được chấp nhận. Sau khi những sự thật này được phơi bày, việc không thăng chức cho anh ta chắc chắn là hành động đúng đắn”, Elon Musk viết trong email.

"Tuy nhiên, có nhiều thứ phải để mắt đến trong tình thế hiện tại, vì vậy cuộc điều tra sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này. Chúng ta cần tìm hiểu xem anh ta hành động một mình hay với đồng phạm khác ở Tesla, và liệu anh ta có đang làm việc với bất kỳ tổ chức bên ngoài nào không”. Elon Musk tiếp tục khẳng định rằng kẻ phá hoại làm việc cho một hoặc nhiều bên khác muốn Tesla thất bại.

Elon Musk khang dinh bi nhan vien 'tao phan' pha hoai Tesla hinh anh 2

Elon Musk cho rằng việc Tesla muốn phát triển xe điện và công nghệ năng lượng mới là nguyên nhân khiến các công ty khác khó chịu và ra tay hãm hại.

“Những kẻ phá hoại đó có thể bao gồm các nhà đầu tư ngắn hạn tại phố Wall, những người đã mất hàng tỷ USD và có thể còn mất nhiều hơn nữa. Đó cũng có thể là những công ty dầu khí, ngành công nghiệp giàu có nhất trên thế giới. Họ không thích ý tưởng Tesla thúc đẩy sự tiến bộ của năng lượng mặt trời và xe điện”, Musk nói.

Email đã được trang CNBC thu thập và được một số nhân viên Tesla xác nhận. Việc phát hiện ra "loạn thần" đúng vào thời điểm quan trọng đối với Tesla, khi họ tiếp tục tăng sản lượng của Tesla Model 3 với hy vọng sản xuất 5.000 chiếc mỗi tuần, bắt đầu vào cuối tháng 6. 

Là một phần trong quá trình tái cơ cấu công ty, Tesla cũng thông báo tuần trước rằng họ đã cắt giảm 9% nhân sự của mình. (Zingnews)
------------------------

Trung Quốc sẽ siết quản lý doanh nghiệp Mỹ để trả đũa việc Washington đánh thuế cao?

Việc gây sức ép với các công ty thông qua các biện pháp chính sách đã được phía Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm, các doanh nghiệp vì vậy phải phòng vệ và rằng đó rõ ràng là một nỗi lo.

Trung Quốc không nhập khẩu nhiều bằng Mỹ nhập từ Trung Quốc để có thể đáp trả Tổng thống Trump bằng các biện pháp thuế quan, thế nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn có thể khiến cho các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn bằng nhiều cách trả đũa khác.

Doanh nghiệp Mỹ hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, từ Apple cho đến Walmart hay Boeing và General Motors đều đang muốn mở rộng hoạt động. Chính vì vậy, phía Trung Quốc có thể trừng phạt doanh nghiệp Mỹ bằng các biện pháp thuế quan, kiểm toán hoặc các quy định quản lý chặt chẽ hơn nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế hàng Trung Quốc. 

Phiên giao dịch ngày thứ Ba, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu, cổ phiếu bị bán mạnh bởi nhà đầu tư trên các thị trường toàn cầu phản ứng với lời đe dọa từ Tổng thống Trump.

Tổng giá trị hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt 130 tỷ USD, như vậy Trung Quốc sẽ không thể đáp trả bằng các biện pháp thuế quan trong trường hợp Mỹ đánh thuế với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, ít nhất theo cách gián tiếp. Tuy nhiên theo tính toán của Deustche Bank AG, nếu tính cả xuât khẩu và doanh thu bán hàng của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, Mỹ có thặng dư 20 tỷ USD.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông William Zarit, chỉ ra việc gây sức ép với các công ty thông qua các biện pháp chính sách đã được phía Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm, các doanh nghiệp vì vậy phải phòng vệ và rằng đó rõ ràng là một nỗi lo.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật có lẽ hiểu hơn ai hết về những tác động này, hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc đều chịu tác động nặng nề do tranh chấp giữa hai bên.

Năm 2017, sau khi chính phủ Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mà phía Trung Quốc phản đối, Trung Quốc đã buộc hãng bán lẻ Lotte Shopping ngừng hoạt động tại nhiều nơi ở Trung Quốc vì vi phạm quy định phòng chống cháy nổ. 

Cuối cùng, Lotte quyết định rút khỏi Trung Quốc nhưng không thể bán đi tất cả các chi nhánh và tiếp tục thua lỗ. Do tranh chấp này, Lotte thiệt hại ước tính khoảng 2 nghìn tỷ won tương đương 1,8 tỷ USD trong khoảng thời gian 1 năm tính từ tháng 3/2017, theo hãng tin Yonhap. 

Xung đột giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đồng thời dẫn đến hàng loạt hành vi tẩy chay, người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay xe ô tô Hyundai cũng như mỹ phẩm Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc hủy tour đến Hàn Quốc buộc các hãng hàng không phải hủy chuyến bay cũng như các khách sạn Hàn Quốc phải giảm giá cho thuê phòng. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ước tính GDP của nước này mất 0,4%.

Các hãng xe ô tô Nhật cũng phải chứng kiến tình trạng doanh số sụt giảm nghiêm trọng tại Trung Quốc sau khi Trung Quốc và Nhật đối đầu với nhau về một số vấn đề về hải phận.

Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ở Trung Quốc, ông Nicholas Lardy, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc có thể tổ chức một lệnh cấm rất nhanh chóng. Chúng tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần trong trường hợp Nhật và Hàn Quốc. Họ có cỗ máy truyền thông và lập tức không còn ai mua xe Toyota nữa”.

Và lần này, chiến thuật thường thấy của phía Trung Quốc đang ủng hộ cho họ bởi đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc lớn hơn nhiều so với đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ. Năm 2015, các công ty Mỹ có 627 tỷ USD tài sản và 482 tỷ USD doanh thu tại Trung Quốc, trong khi đó doanh nghiệp Trung Quốc có 167 tỷ USD tài sản và 26 tỷ USD doanh thu tại Mỹ, theo tính toán của International Capital Corp.(bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục