tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-06-2018

  • Cập nhật : 20/06/2018

Gang Thép Thái Nguyên lại đòi giãn nợ, khoanh nợ

Mong muốn được thoái vốn Nhà nước đến tỷ lệ tư nhân có thể quyết được chiến lược đầu tư kinh doanh, song Thép Thái Nguyên đang kẹt giữa hai phương án: chuyển giao đại diện chủ sở hữu về SCIC hoặc tiếp tục ở Bộ Công Thương để giải quyết những tồn tại.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (công ty mẹ của Gang Thép Thái Nguyên (VNSteel) phải khẩn trương rà soát tình hình tài chính, tài sản, đất đai, mỏ… để xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến một số tổng thầu cũng như trách nhiệm bảo lãnh của mình. Trên cơ sở đó, VNSteel cần tiếp tục hiện phương án thoái vốn của mình tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) theo đúng thẩm quyền, quy định và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương – đơn vị nắm phần vốn nhà nước tại VNSteel cũng cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để lập kế hoạch với thời hạn cụ thể, xử lý các vướng mắc về các dự án thua lỗ, việc giải quyết vốn vay tại TISCO. Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thoái vốn cần xây dựng trên cơ sở hai phương án, gồm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc giữ lại Bộ Công Thương để tiếp tục xử lý có hiệu quả hơn.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần sớm có phương án thoái vốn để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

VNSteel cũng vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch phát triển cho năm 2018.

Theo báo cáo, năm 2017, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt hơn 19.802 tỷ đồng, tăng 1.953 tỷ đồng, tương ứng 10,9% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng công ty năm 2017 đạt hơn 898,1 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đặt ra (300 tỷ đồng). Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp VNSteel đạt lợi nhuận.

Tại đại hội, những vấn đề còn khó khăn vướng mắc của Giang Thép Thái Nguyên cũng được nhắc đến. Dù được đánh giá là có điểm sáng nhưng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO còn nhiều tồn tại, khó khăn chưa được khắc phục, nên đến nay vẫn chưa thể hoạt động, đặc biệt là việc chi phí sản xuất còn ở mức cao, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều…

Theo lãnh đạo của VNSteel, khó khăn lớn nhất của TISCO hiện nay vẫn là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu khi phải cùng lúc tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 5.000 lao động, vừa thực hiện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Chính vì có quá nhiều yếu tố cùng lúc tác động nên dự án chậm tiến độ khiến doanh nghiệp không thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho các ngân hàng.

Báo cáo của TISCO cho hay tổng vốn điều lệ của công ty là 1.840 tỷ đồng. TISCO đã chi cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là hơn 1.500 tỷ đồng. Số tiền chi cho các doanh nghiệp khác là 531 tỷ đồng nhưng không có hiệu quả, nợ phải thu khó đòi tuy giảm nhưng nợ gốc vẫn còn là hơn 450 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, tiến độ dự án chậm, việc ngân hàng nâng lãi suất lên 8% một năm càng khiến TISCO thêm khó khăn.

Để giải quyết câu chuyện vốn, TISCO đang đề nghị tập đoàn mẹ, Bộ Công Thương, Tài chính và các đơn vị chức năng xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ việc giãn tiến độ trả nợ cũng như cơ cấu lại các khoản vay cho phù hợp với tình hình thực tế.(Dantri)
----------------------

M&A ngân hàng: Các cặp đôi “sớm nở, chóng tàn”

Bên cạnh các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra thành công trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có không ít cặp đôi sớm phải chia tay vì nhiều lý do khác nhau.

M&A ngân hàng: Các cặp đôi “sớm nở, chóng tàn”

Sacombank đã ký kết hợp tác toàn diện với Eximbank, nhưng kế hoạch sáp nhập 2 ngân hàng không thành công.

Nhiều thương vụ bất thành

Liên quan đến thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank, trong các đại hội đồng cổ đông thường niên của cả hai ngân hàng những năm trước, kế hoạch này đã được thông qua, song kết quả không như mong đợi. Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2018, VietinBank đã báo cáo cổ đông việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập PGBank. Theo VietinBank, do quá trình đàm phán kéo dài, thị trường thay đổi nhanh, nên hai bên không đi đến được sự đồng thuận. 

Sau khi M&A bất thành với VietinBank, PGBank đã thông qua phương án nhận sáp nhập vào HDBank tại Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4/2018, với tỷ lệ hoán đổi 1:0,621. Phương án nhận sáp nhập PGBank được HDBank giữ bí mật tới phút cuối mới thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông cùng ngày với PGBank.

Trước đó, thương vụ Saigonbank - Vietcombank được đồn đoán vào năm 2015 và tưởng chừng nhanh chóng hoàn tất khi đã được chấp thuận về chủ trương. Thế nhưng, cặp đôi đã sớm chia tay, khi cổ đông lớn của Saigonbank là UBND TP.HCM không đồng ý sáp nhập, cho dù lãnh đạo Saigonbank hiện nay đều đến từ Vietcombank. 

Sau thương vụ bất thành nói trên, Saigonbank cho biết, sẽ tự tái cấu trúc, nhưng đến nay vẫn chưa thể tăng vốn điều lệ lên trên mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện tại. Theo nhận định của giới phân tích, nếu không tiến hành M&A, thì Saigonbank khó có thể đứng vững. 

Thời điểm này, mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã đi qua, song Saigonbank chưa thể tiến hành Đại hội đồng cổ đông. Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra trong tháng 6, nhưng các thông tin liên quan vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó, xuất hiện thông tin rằng, ngân hàng này đang tính đến chuyện M&A vào một ngân hàng lớn khác.

Trước khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015), có thông tin DongA Bank và ABBank sẽ sớm thực hiện M&A. Tuy nhiên, khi kế hoạch trên chưa kịp được thực hiện, thì DongA Bank đã rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Và không chỉ ABBank rút lui, mà thông tin Tập đoàn Kinh Đô rót thêm 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank cũng nhanh chóng biến mất. 

Khó về chung nhà

Eximbank và Sacombank đã có một ký kết hợp tác toàn diện vào đầu năm 2013. Chia sẻ về kế hoạch sáp nhập Sacombank và Eximbank, Chủ tịch HĐQT Eximbank thời điểm đó là ông Lê Hùng Dũng cho biết, ban đầu chỉ định đầu tư vào Sacombank như đã từng làm với một số ngân hàng khác với mục đích kiếm lợi nhuận, nhưng sau thấy “cần ở lại lâu hơn” vì có một số vấn đề. 

Song thương vụ M&A trên đã chóng tàn, bởi không ít người đặt câu hỏi: sáp nhập Eximbank và Sacombank để tăng sức cạnh tranh, hay chủ yếu nhằm thâu tóm quyền lực và lợi ích nhóm như đã thâu tóm Sacombank? Đầu năm nay, Eximbank đã thoái hết hơn 7% vốn tại Sacombank theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.

Thông tin Nam A Bank và Eximbank về chung nhà đã được đồn đoán từ giữa năm 2014, nhất là khi 2 ứng viên ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 cùng thôi nhiệm tại Nam A Bank để ứng cử và đại diện cho hơn 10% cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank. 

Song cuối cùng, Nam A Bank đi tiếp con đường tự tái cơ cấu theo kế hoạch đã được phê duyệt và không có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác, gồm cả với Eximbank. Mới đây, thị trường lại dấy lên thông tin xoay quanh thương vụ M&A nói trên khi bà Lương Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2018 - 2020. 

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, với chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đã có không ít ngân hàng yếu kém phải M&A như Ficombank, TinNghiaBank, DaiABank, SouthernBank, Habubank, Mekongbank và cả MHB. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngành vẫn chưa kết thúc và làn sóng M&A sẽ tiếp tục khi một số ngân hàng nhỏ khó nâng cao năng lực tài chính.(infomoney)
--------------------------

Lãi suất gửi tiết kiệm lại tiếp tục giảm

Mấy ngày qua, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 0,1-0,2%. 

Lãi suất gửi tiết kiệm lại tiếp tục giảm

Khách hàng gửi lãi suất tiền gửi đang ngày càng nhận được ít lãi suất hơn. Ảnh: PV.

Sổ tiết kiệm 500 triệu đồng đến kỳ đáo hạn, chị Mai đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 để tái tục. Thay vì được hưởng mức lãi suất 5,9% cho kỳ hạn 6 tháng, giờ chị gửi lại chỉ còn 5,6% một năm. "Như vậy, mỗi tháng thay vì nhận được hơn 2,4 triệu đồng tiền lãi chỉ còn 2,3 triệu đồng", chị chia sẻ.

Đây là xu hướng chung của các ngân hàng. Theo đó, biểu lãi suất huy động gần nhất được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank công bố ngày 15/6, khách hàng gửi mới ở kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng chỉ còn 5,2% thay vì 5,3% một năm.

Ngày 12/6, Techcombank cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn với mức 0,1-0,3%.  Cụ thể, với kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất là 4,6% một năm, giảm 0,2%; kỳ hạn 3-5 tháng lãi suất 4,75% mỗi năm, giảm 0,2%. Trong khi đó, kỳ hạn 6-11 tháng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,3%, xuống còn 5,6% mỗi năm. Hiện lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,4% thuộc kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Trước đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank cuối tháng 5 cũng đã có đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm nhẹ 0,1-0,2% một năm. Ngoài ra, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank... cũng đã hạ lãi suất. 

Một lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank cho hay, động thái trên chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các nhà băng một cách hợp lý hơn. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía nam thì nhìn nhận, kinh tế ổn định, lạm phát vẫn thấp, cơ hội để lãi suất giảm vẫn còn. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất.

Năm nay, các ngân hàng cũng bị khống chế room tín dụng tăng 12-14%, nhưng mới hết nửa năm mà nhiều nhà băng đã tăng 8-9% nên phải tăng trưởng tín dụng chậm lại. Do đó, việc dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để các đơn vị tiết kiệm chi phí. 

Trong khi đó, theo một chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất huy động cho thấy nhà băng đang có nguồn cung vốn tương đối dồi dào. Trong tháng 5, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên sụt giảm, cộng thêm thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại khiến dòng tiền quay trở về hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tăng vốn tự có thông qua IPO cũng hỗ trợ cho lãi suất tiền gửi có cơ hội giảm.

"Việc hạ lãi suất huy động lần này cũng được xem là cách có thể giúp các nhà băng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp", vị này nói.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thông qua đó, nhà điều hành tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.(Vnexpress)
----------------------

Trung Quốc cáo buộc ông Trump “tống tiền” vì đe dọa đánh thuế 200 tỷ USD

Bắc Kinh gọi việc ông Trump đe dọa đánh thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là hành vi tống tiền và cảnh báo sẽ "đáp trả mạnh mẽ".

"Nếu phía Mỹ trở nên phi lý và đưa ra danh sách đánh thuế mới, Trung Quốc sẽ phải áp dụng các biện pháp toàn diện tương đương số lượng và chất lượng để đối phó mạnh mẽ", thông báo hôm nay của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, theo AP.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ trích những biện pháp của Mỹ là "gây sức ép cực đoan và tống tiền". Thông báo không nêu chi tiết về biện pháp đáp trả nhưng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng "bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc".

Trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ xác định những sản phẩm Trung Quốc phải chịu mức thuế mới nhằm đáp trả việc Bắc Kinh đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 

"Sau khi quy trình pháp lý hoàn tất, mức thuế mới sẽ có hiệu lực nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách của họ và tiếp tục duy trì mức thuế mà họ công bố gần đây", Trump cho biết.

Trump cũng cho biết nếu Trung Quốc tăng thuế một lần nữa để đáp trả động thái mới nhất này của Mỹ, "chúng tôi sẽ đáp trả bằng cách đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc".

Washington và Bắc Kinh dường như ngày càng tiến gần đến xung đột thương mại sau khi thất bại trong các cuộc đàm phán để giải quyết khiếu nại của Mỹ về chính sách công nghiệp, thiếu mở cửa thị trường ở Trung Quốc và thâm hụt thương mại 375 tỷ USD của Mỹ.

Hôm 15/6, Trump cho biết ông đang đẩy mạnh việc đánh thuế 25% đối với 50 tỷ USD giá trị các sản phẩm Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đáp trả tương tự khi tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Phản ứng này của Trung Quốc đã chọc giận Trump.

"Trung Quốc dường như không định thay đổi các thực tế bất công liên quan đến việc sở hữu trí tuệ và công nghệ Mỹ. Thay vì thay đổi chính sách, bây giờ họ đe dọa các doanh nghiệp, công nhân và nông dân Mỹ, những người chẳng làm sai điều gì. Hành động mới nhất của Trung Quốc rõ ràng cho thấy quyết tâm của nước này nhằm buộc Mỹ ở thế bất lợi và bất công bằng vĩnh viễn", Trump nói.

Derek Scissors, một học giả về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington, nhận định Trung Quốc sẽ sớm ngừng nhập khẩu hàng hóa Mỹ và trừng phạt các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc để trả đũa việc đánh thuế. 

Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng với mức thuế quan mới bằng việc thay đổi chính sách công nghiệp và hai nước có thể sẽ trải qua cuộc chiến thương mại lâu dài và khó khăn.

"Như tôi đã nói ngay từ đầu, Trung Quốc sẽ chỉ rút lại các kế hoạch công nghiệp của họ khi các biện pháp thương mại của Mỹ đủ lớn và lâu dài để đe dọa dòng ngoại hối của họ", chuyên gia này cho biết.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục