tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-12-2015

  • Cập nhật : 16/12/2015

Nhật Bản-Trung Quốc-Hàn Quốc bắt đầu vòng đàm phán FTA 3 bên

Các quan chức cấp cao đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu một vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) 3 bên.

Theo Kyodo, ngày 14/12 tại thủ đô Tokyo, các quan chức cấp cao đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu một vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) 3 bên.

Sự kiện này diễn ra sau khi lãnh đạo 3 nước Nhật​-Trung-Hàn đạt được thỏa thuận nhằm sớm hoàn tất hiệp định này.

Trong khuôn khổ vòng đàm phán kéo dài 5 ngày, 3 bên sẽ nỗ lực đặt ra một khuôn khổ đàm phán và các kế hoạch liên quan tới cách thức tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận trước khi họ giải quyết những vấn đề nhạy cảm, như các mức thuế đánh vào sản phẩm nông nghiệp. 

Vòng đàm phán thứ 9 này - diễn ra ở Hakone, tỉnh Kanagawa, phía Tây Tokyo - được tổ chức sau khi lãnh đạo 3 nước hồi đầu tháng 11 cam kết đẩy nhanh tiến trình đàm phán về FTA, hiệp định chiếm 20% kinh tế toàn cầu.

Trước đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí về một FTA song phương, trong khi Nhật Bản cùng 11 quốc gia khác mới đây đã hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.


Thời gian cho vay nhà ở xã hội tối đa 20 năm

NHNN vừa ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi đã có thay đổi, NHNN sẽ xác định và đề nghị mức lãi suất theo từng thời kỳ.

Cụ thể, theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN, lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định và công báo trong từng thời kỳ.

Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.

Thông tư 25 cũng nêu rõ, lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do NHNN xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thấp hơn đối tượng xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Mức cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng được Thông tư 25 quy định cụ thể. Mức cho vay đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản đảm bảo.

Đối với xây dựng nhà ở cho thuê mua, bán, mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.

Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.

Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt 70% giá trị tài sản đảm bảo.

Về thời hạn cho vay, đối với khách hàng thuộc đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, thời hạn cho vay là 15 - 20 năm; thời hạn cho vay tối thiểu là 10 - 15 năm với khách hàng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua.

Thời hạn 5 – 10 năm đối với khách hàng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán. Đối với khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm.

Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn ngắn hơn thời hạn cho vay tối thiểu quy định thì được thỏa thuận với TCTD về thời hạn cho vay cụ thể.

Thông tư 25 có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2015.


Đánh thuế mạnh, hàng loạt “ông lớn” bị ảnh hưởng

Báo cáo mới công bố của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, trong vài tháng qua đã có nhiều Nghị định và Luật mới được đề xuất tăng thuế đối với nhiều mặt hàng; từ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu của ngành sữa; thuế xuất khẩu quặng; thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng đồ uống sản xuất trong nước và nhập khẩu…

“Đây là điều dễ hiểu vì hiện tình hình tài khóa đang căng thẳng. Thời điểm tăng thuế thường về cuối năm và nhiều loại thuế được tăng sẽ có hiệu lực từ năm sau. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị giảm mức tăng hoặc giãn thời gian tăng thuế”, báo cáo của HSC cho biết.

HSC cũng nêu lý giải, việc tăng thuế nhằm vào ba mục đích. Cụ thể, tăng thuế nhằm tăng thu ngân sách đánh vào những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có sức cầu đang tăng nhanh bên cạnh các mặt hàng khoáng sản.

Bên cạnh đó, tăng thuế những mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu tăng mạnh của kim ngạch nhập khẩu và trong một số trường hợp (chẳng hạn thép) là dấu hiệu bán phá giá.

Đáng lưu ý, việc tăng thuế được HSC nhìn nhận nhằm ứng phó trước tác động làm giảm thu ngân sách từ thuế trong tương lai của những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết do lộ trình giảm dần thuế quan, Bộ Tài chính hiện đang tìm nguồn thu thay thế.

HSC cũng đánh giá, việc tăng thuế có mục đích kép là tăng thu ngân sách từ thuế; đồng thời tăng chi phí tiêu thụ đối với người tiêu dùng ở một số mặt hàng không thiết yếu như rượu, ô tô, vốn là nhân tố đóng góp trực tiếp vào sự tăng lên của thâm hụt thương mại.

Ngoài ra, những nhân tố tác động khác như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ do thu nhập bình quân đầu người tăng lên và lo ngại nguy cơ bán phá giá một số sản phẩm (thép).

Trước một loạt điều chỉnh tăng thuế của Bộ Tài chính, những đối tượng thuộc ngành chịu ảnh hưởng của việc tăng thuế đã kiến nghị giảm bớt hoặc giãn tăng thuế.

Cụ thể, các công ty ngành sữa đã có văn bản kiến nghị trước quyết định truy thu thuế. Các công ty khai thác khoáng sản cũng kiến nghị điều chỉnh giảm bớt mức tăng thuế tài nguyên. Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng kiến nghị giãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng bia, rượu, nước giải khát.

Trong khi đó, nhận định của HSC cho rằng, Bộ Tài chính rất muốn tăng nguồn thu ngân sách và việc giảm mức thuế tăng sẽ khiến Bộ Tài chính phải tìm nguồn thu ngân sách khác để thay thế.

Cuối cùng, HSC nhận định, tác động của các đề xuất và quyết định tăng thuế không quá lớn và rơi vào một số công ty nhất định thuộc các ngành sữa, bia-rượu-nước giải khái, khai khoáng và lắp ráp ô tô.


Nhân dân tệ có chuỗi mất giá dài nhất nửa năm

Đồng tiền này đã yếu đi ngày thứ 8 liên tiếp, dài nhất từ tháng 6, do dòng vốn rút ra và đồn đoán ngân hàng trung ương đang hướng giá xuống thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ tỷ giá tham chiếu ngày thứ 7 liên tiếp, khi số liệu cho thấy dòng vốn tiếp tục rút ra kỷ lục. Cuối tuần trước, cơ quan này từng tuyên bố không nên chỉ so sự mất giá gần đây của NDT với USD. Từ sau khi NDT được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ tiền dự trữ ngày 30/11, PBOC đã cho phép đồng tiền này mất giá liên tục.Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) cũng vừa giới thiệu chỉ số đo sức mạnh đồng NDT mới, gồm 13 tiền tệ. Động thái này được coi là tạo nền tảng cho NDT mất giá mạnh nữa so với USD, Bloombergcho biết.

ndt da mat gia 8 phien lien tiep. anh: cpi inflation

NDT đã mất giá 8 phiên liên tiếp. Ảnh: CPI Inflation

Đến đầu giờ chiều nay, NDT tiếp tục yếu đi gần 0,1% so với USD, xuống 6,4641 NDT đổi một USD. Tổng cộng 8 phiên qua, đồng tiền này đã mất 1%. Tỷ giá tham chiếu ngày hôm nay là 6,4559 NDT một USD - thấp nhất 4 năm. ABN Amro dự báo con số này sẽ vào khoảng 6,55 NDT cuối năm tới.

NDT và các tiền tệ khác đang chịu sức ép giảm giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được dự báo nâng lãi lần đầu tiên từ năm 2006. Động thái này có thể châm ngòi cho dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 6,9% năm nay - chậm nhất từ năm 1990. Tuy nhiên, các số liệu gần đây đã cho thấy sự cải thiện. Bảng theo dõi GDP Trung Quốc hàng tháng của Bloomberg cho thấy nước này đã tăng trưởng 6,85% trong tháng 11 - cao nhất kể từ tháng 6, nhờ số liệu bán lẻ và sản lượng công nghiệp vượt dự báo.


Tranh chấp tại Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng về mâu thuẫn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Chiều 14/12/2015, Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) đã phát đi thông cáo báo chí phản hồi về một số thông tin liên quan tới hoạt động của công ty.

Trung Nguyên IC dẫn lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc công ty, khẳng định: “các hoạt động kinh doanh của công ty đang tiến triển rất tốt, các dự án đang triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, công ty đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động tại hai nhà máy, không ảnh hướng đến các đối tác và khách hàng nói chung, cam kết thanh toán đúng quy trình, cũng như bảo đảm chất lượng cà phê hòa tan G7 và cung cấp đầy đủ cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”.

Trung Nguyên IC là công ty đang sở hữu 2 nhà máy trực tiếp sản xuất cà phê hòa tan G7 tại Bình Dương và Bắc Giang. Đây là 2 trong số 3 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan của hệ thống Trung Nguyên Group. Nhà máy còn lại là Nhà máy Cà phê Sài Gòn thuộc sở hữu trực tiếp của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.

Trong thời gian gần đây, một vài thông tin cho rằng công ty này dừng sản xuất sản phẩm G7 do tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Trung Nguyên Group – đơn vị chủ quản của Trung Nguyên IC với bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc Trung Nguyên IC.

Với hai nhà máy trên cùng mạng lưới nhà cung cấp, nhà phân phối, đại lý bán lẻ khắp cả nước, bà Diệp Thảo cho biết “Các nhà máy vẫn hoạt động ổn định để duy trì lượng cung đều đặn cho thị trường và một lượng lớn cho xuất khẩu. Do vậy, thị trường không hề thiếu cà phê G7 như được đồn thổi.”

Liên quan đến vấn đề pháp lý giữa cá nhân ông Vũ và bà Thảo, bà Thảo nhấn mạnh hiện sự việc đang được giải quyết trên cơ sở tôn trọng pháp luật và phán quyết của tòa án. Khi có kết quả cuối cùng, công ty sẽ có thông báo cụ thể. Bà Thảo mong muốn những việc cá nhân hay gia đình không ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Một điểm đáng chú ý là thông cáo báo chí này đã nhấn mạnh vai trò của bà Thảo là: “người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty Trung Nguyên International Singapore, Tổng giám đốc công ty Cổ phần cà phê Hoà tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), đồng sáng lập và đồng sở hữu Công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Bà Diệp Thảo là người đưa cà phê Trung Nguyên, đặc biệt là thương hiệu G7 ra quốc tế”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-12-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-12-2015

    Giá xăng dầu có thể giảm mạnh ngày mai
    Tập đoàn Malaysia đầu tư dự án nhiệt điện công suất lớn nhất Việt Nam
    Nợ thuế sẽ không được xếp ưu tiên thông quan
    Nga tin giá dầu mất 7 năm để phục hồi
    XK gạo có thể đạt trên 6,5 triệu tấn

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-12-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-12-2015

    WB tài trợ 415 triệu USD nâng cao an toàn đập ở Việt Nam
    Hãng đồ hiệu Italy điêu đứng vì kinh tế Trung Quốc
    Sacombank chính thức có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Lào
    Số tỷ phú nữ trên thế giới tăng gần 7 lần trong vòng hai thập niên
    Du khách Việt Nam tiêu hơn 6.000 tỷ đồng tại Nhật trong 9 tháng đầu năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-12-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-12-2015

    Hệ thống Big C Việt Nam sắp đổi chủ?
    Xoài Campuchia tấn công thị trường Việt
    Hai công ty vàng đòi bán 60 tấn hóa chất cyanua giả nhập từ Trung Quốc
    Vinatex đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây chuỗi cung ứng dệt may
    Nhà nước nắm 20% vốn điều lệ tại TCTy Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP

  • Tin kinh tế đọc nhanh 17-12-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh 17-12-2015

    Vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc “ồ ạt” đến Việt Nam?
    VEC tiếp tục hoàn chỉnh phương án cổ phần hóa
    Vì sao nhiều tập đoàn đa quốc gia lại thoát án chuyển giá trốn thuế?
    Sẽ yêu cầu Mỹ điều chỉnh nếu quy định về cá tra không đúng chuẩn
    Xuất khẩu cua ghẹ sang các thị trường chính đều giảm

  • Tin kinh tế đọc nhanh  tối 16-12-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-12-2015

    Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 300 triệu USD trong tháng 11
    Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
    DN vận tải mất thêm 1.000 tỷ đồng trong 3 tháng sửa đường 5 cũ
    Bỉ tiếp tục mở rộng đầu tư khu công nghiệp Đình Vũ thêm 650 ha
    Sẽ có trung tâm trung tâm logistics hạng II tại Cần Thơ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-12-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-12-2015

    Sắp xử “đại án” ở Agribank gây thiệt hại 2.755 tỉ đồng
    Totalgaz mua lại hoạt động khí hóa lỏng của Petronas Việt Nam
    Samsung vừa bồi thường, vừa kháng cáo đòi lại tiền từ Apple
    Các nhà kinh tế tin rằng Fed sắp tăng lãi suất
    Ngành ngân hàng sắp có những Uber và Airbnb?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 16-12-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh 16-12-2015

    Từ 2040, các đô thị cần hơn 37 vạn nhà ở mỗi năm
    Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu ngành điện, than để giảm giá thành
    Nguồn cung dầu thế giới ứ đọng hết năm 2016
    ​Giá thép giảm mạnh
    Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị hơn 1.200ha tại Mê Linh và Đông Anh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-12-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-12-2015

    “Thu từ dầu thô chỉ chiếm 6% ngân sách”
    Xuất khẩu của Hà Nội tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm
    Bộ Tài chính siết thuế xe máy điện
    Thủ tướng: Năng lực cạnh tranh vẫn là thách thức lớn
    Bộ Tài chính: 'Nhập khẩu xăng dầu lợi hơn 2 tỷ USD nhờ giá giảm'

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-12-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-12-2015

    Xử phạt 8 công ty dược phẩm sai phạm
    55% doanh nghiệp e ngại khi thiếu... phong bì
    Tín dụng tăng bao nhiêu thì hợp lý?
    Jack Ma chi 266 triệu USD thâu tóm tờ báo hàng đầu Hồng Kông
    Hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ mất việc năm 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh 15-12-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh 15-12-2015

    Vietnam Airlines bồi thường hơn 6,2 tỷ đồng cho khách
    DNNN chưa cổ phần hóa xong, lãnh đạo không được nghỉ việc
    Nín thở chờ Fed, TTCK theo hướng nào?
    TS Cấn Văn Lực:"Lượng tiền ngầm đổ vào thị trường bất động sản rất lớn"
    Vingroup chuyển nhượng 31% cổ phần Thời trang Emigo