tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-08-2016

  • Cập nhật : 23/08/2016

Samsung tấn công mảng logistics hàng không Việt Nam

Công ty giải pháp IT và logistics của Samsung - Samsung SDS cho biết sẽ lập liên doanh với Công ty Logistics Hàng không lớn nhất Việt Nam - ALS.

Thông qua liên doanh mới, Samsung SDS sẽ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuê hải quan. Họ cũng sẽ mở rộng kênh bán hàng tại Việt Nam, trên nền tảng khách hàng sẵn có của ALS. Trước đó, Samsung SDS chịu trách nhiệm khoảng 40% hoạt động giao nhận hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và cam kết tăng hiện diện tại thị trường logistics (kho vận) Đông Nam Á thông qua liên doanh này."Với mạng lưới kinh doanh rộng và đa dạng của ALS, chúng tôi cho rằng Việt Nam là đối tác mang lại lợi ích tối đa cho Samsung SDS", Kim Hyung-tae - Phó chủ tịch mảng Smart Logistics của Samsung SDS cho biết.

samsung sds tuan truoc tuyen bo se lap lien doanh voi als. anh: tizen expert

Samsung SDS tuần trước tuyên bố sẽ lập liên doanh với ALS. Ảnh: Tizen Expert

Quyết định nêu trên được Samsung đưa ra trong bối cảnh thị trường logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm. Các công ty đa quốc gia cũng đang dần chuyển nhà máy sản xuất về đây sau Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

"Linh kiện điện thoại và các thiết bị cầm tay đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam từ năm 2013. Chúng tôi tin rằng có thể mở rộng việc kinh doanh trên cơ sở mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện tại", Samsung SDS cho biết. Họ cũng khẳng định sẽ tận dụng cơ sở vật chất của đối tác để quản lý tốt hơn mảng logistics tại Việt Nam.

Trước đó từ giữa năm 2014, Samsung cũng đã kiến nghị Cục hàng không, Tổng công ty Cảng (ACV) cho quy hoạch ga hàng hóa ALS như một nhà ga chuyên dụng, trang bị đầy đủ máy soi chiếu an ninh cùng các trang thiết bị khác để phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng. Khi đó, Samsung cho biết đang là nhà xuất nhập khẩu chính, chiếm 35% sản lượng hàng hóa tại Nội Bài (năm 2013) và dự kiến tăng lên 50% trong vài năm tới. Vì thế, hãng muốn có một ga hàng hóa riêng.


6 tháng, Saigon Co.op thu trên 13.000 tỷ đồng

Sức mua trên thị trường khá tốt nên 6 tháng đầu năm công ty đã đạt trên 50% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, 6 tháng đầu năm sức mua của toàn thị trường khá tốt nên doanh thu mang về cho công ty vượt kế hoạch đề ra so với đầu năm. Theo đó, nửa đầu năm doanh thu của công ty đạt trên 13.400 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Với 6 tháng cuối năm, công ty có khả năng vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm là đạt doanh thu 26.800 tỷ đồng. Bởi lẽ, từ ngày 27/8-18/9 công ty sẽ dành hơn 2.000 tỷ đồng để tổ chức chương trình "Tự hào hàng Việt" nhằm kích cầu thị trường. Dự kiến chương trình này sẽ giúp công ty tăng trưởng 30% trong tháng 9. Ngoài ra, chương trình còn giúp người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm thương hiệu Việt từng vang bóng một thời", ông Đức nói và cho biết thêm, năm nay, chương trình Tự hào hàng Việt sẽ có trên 600 doanh nghiệp trong nước tham gia với hàng nghìn sản phẩm giảm giá đến 50%. Ngoài ra, siêu thị cũng sẽ thực hiện hơn 160 chuyến bán hàng Việt lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp để phục vụ bà con và công nhân trên địa bàn TP HCM và các tỉnh có sự hiện diện của siêu thị.

Bên cạnh việc kích cầu trên, trong tháng 9 này, công ty cũng sẽ cho ra thị trường sản phẩm gạo sạch, sử dụng phân bón hữu cơ của chính hệ thống kết hợp với địa phương sản xuất.


Miliket và những thách thức trong cuộc chiến mì gói

Được xem là thương hiệu độc chiếm thị trường mì gói thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đến nay Miliket phải đối mặt với không ít thách thức khi thị phần ngày càng bị thu hẹp, tăng trưởng gần như chững lại. 

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (đơn vị đang sở hữu nhãn hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket) tiền thân là Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket được sáp nhập lại. Hiện đơn vị này một thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). 

Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, mì tôm Colusa - Miliket khi đó được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và gần như độc chiếm thị trường vào năm 1970-1980. Nói đến mì gói vào thời điểm đó, nhiều người vẫn nhớ đến gói mì với đặc trưng bao bì bằng giấy kraft và hình ảnh hai con tôm. Từ sự ưa thích đó, mì gói còn được nhiều người tiêu dùng thường gọi là mì tôm. Đến nay, dù thị trường có hàng trăm thương hiệu mì ăn liền khác nhau thì nhiều người vẫn có thói quen gọi mặt hàng này theo cách đó. 

miliket-va-nhung-thach-thuc-trong-cuoc-chien-mi-goi

Hình ảnh quen thuộc của mì ăn liền Miliket.

Sau hàng chục năm xuất hiện trên thị trường, với chiến lược tập trung vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh khả quan. Từ nhiều năm nay, công ty cũng quyết tâm giữ nguyên mẫu mã, bao bì để tạo dấu ấn riêng. 

Ngoài ra, bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, công ty cũng cung cấp ra thị trường 60 mặt hàng thực phẩm chế biến các loại như: miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật… Từ năm 2011 đến nay, doanh thu của Miliket thường dao động quanh mức trên dưới 500 tỷ đồng. Với mức lãi sau thuế khoảng dao động từ 26-41 tỷ một năm thì lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Miliket đạt 5.000-7.000 đồng, cổ tức khoảng 25-35% là con số khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành. 

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về khẩu vị cũng như việc ra đời của hàng chục tên tuổi khác trên thị trường, từ nhiều năm nay Miliket phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 doanh nghiệp mì ăn liền với hàng trăm mặt hàng. Thị trường cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính hùng hậu và nhiều kinh nghiệm quốc tế, khiến thị phần của Miliket nhanh chóng bị thu hẹp, chỉ dao động quanh mức 2-4%.

Tương tự, theo Euromonitor, thị phần mì gói năm 2014 của Miliket chỉ chiếm khoảng 3%, bằng hơn một nửa của Vifon và cũng thấp hơn Sagon Vewong – một tên tuổi mới trên thị trường. Nếu so với 3 đại gia khác đang chiếm tổng cộng hơn 70% thị phần là Acecook, Masan Consumer, Asia Foods thì con số này càng trở nên nhỏ bé. Doanh thu, sản lượng, lợi nhuận của công ty trong khoảng 2 năm gần đây (2014, 2015) cũng có chiều hướng sụt giảm và không đạt kế hoạch đề ra. 

Một trong những thách thức lớn nhất mà Miliket đang gặp phải là khó tăng trưởng trong khi các đối thủ ngày càng lớn mạnh. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 26,7 tỷ đồng, chưa bằng 2 phần 3 năm trước đó. 

Năm 2015, chỉ tiêu này của công ty này đạt gần 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức hồi đầu năm nay, ban lãnh đạo công ty cũng nhận định, con số này tăng chủ yếu do giá nguyên liệu giảm và việc cắt giảm các chi phí chứ không phải do sản lượng, doanh thu tăng. Thậm chí sản lượng và doanh thu còn giảm khiến thị phần của công ty cũng không được mở rộng. 

Ban lãnh đạo công ty cũng nhận định tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, các đơn vị lớn cùng ngành hàng sẽ có sự cạnh tranh lớn để giành thị phần. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được ban lãnh đạo công ty đề ra khá khiêm tốn với 28 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện của năm 2015. Ban lãnh đạo Miliket cũng đề xuất tìm và lựa chọn các đối tác chiến lược để hợp tác, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường, tăng sản lượng. 

Một trong những "điểm yếu" khác được ban lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận đó là chiến lược quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Theo một chuyên gia truyền thông, không thể phủ nhận vai trò của quảng cáo, marketing đối với tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng. Do đó, những thương hiệu có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi tiền để quảng bá liên tục sẽ dễ dàng gia tăng thị phần. Trong khi đó, với Miliket, người tiêu dùng hiếm khi thấy hình ảnh của nhà sản xuất này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội đồng quản trị Colusa – Miliket cũng xác định năm 2016 sẽ thực hiện đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển thị trường, tập trung làm công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm tăng sản lượng, doanh số. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), sản lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam đang có chiều hướng giảm sút 3 năm liền và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ mức 5,2 tỷ gói vào năm 2013 xuống còn 4,8 tỷ gói năm 2015. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia tài chính cho rằng cuộc chiến sẽ không dễ dàng với Miliket khi các đối thủ lớn sẽ tìm mọi cách để giành giật thị phần. (Vnexpress)


17 cơ sở chế biến thủy sản được xuất khẩu vào Panama

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa nhận được công văn của Tổng cục An toàn thực phẩm Panama (AUPSA) thông báo danh sách 17 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào Panama.

Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, hiện nay, Cục đã có văn bản gửi AUPSA đề nghị sớm thông báo sai lỗi của các cơ sở đã được thanh tra nhưng chưa được phép xuất khẩu vào Panama để các cơ sở kịp thiết lập, thực hiện các biện pháp khắc phục. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung cũng như quy định chưa phù hợp đối với sản phẩm thủy sản.

Theo Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp, trước mắt, Cục yêu cầu 17 doanh nghiệp được AUPSA cho phép xuất khẩu vào Panama lần này, chủ động trao đổi với khách hàng, nhà nhập khẩu bảo đảm các sản phẩm được AUPSA phê duyệt.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Panama theo quy định tại các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản trực thuộc NAFIQAD.

Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp cũng yêu cầu các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng, thực hiện việc kiểm tra, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi 17 cơ sở này theo các chỉ tiêu yêu cầu của AUPSA.

Cụ thể, AUPSA yêu cầu một số chỉ tiêu kiểm tra đối với lô hàng sản phẩm cá da trơn xuất khẩu vào Panama như, về chỉ tiêu hóa học giới hạn tối đa cho phép của chì (Pb) không quá 0,3mg/kg; thủy ngân (Hg) không quá 1,0mg/kg; cadimi (Cd) không quá 0,05mg/kg; về chỉ tiêu vi sinh như salmonella spp không có trong 25g, vibrio cholera không có trong 25g…/.(Vietnam+)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục