WB tài trợ 415 triệu USD nâng cao an toàn đập ở Việt Nam
Hãng đồ hiệu Italy điêu đứng vì kinh tế Trung Quốc
Sacombank chính thức có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Lào
Số tỷ phú nữ trên thế giới tăng gần 7 lần trong vòng hai thập niên
Du khách Việt Nam tiêu hơn 6.000 tỷ đồng tại Nhật trong 9 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh 16-12-2015
- Cập nhật : 16/12/2015
Từ 2040, các đô thị cần hơn 37 vạn nhà ở mỗi năm
Tỷ lệ dân số đô thị dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2040, ước tính sẽ cần thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu.
Theo báo cáo “ Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam – Con đường phía trước” của Ngân hàng Thế giới cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nông thôn hướng tới một nền kinh tế sản xuất có năng suất cao hơn và dựa vào dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng dân số và gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các thành phố.
Tỷ lệ dân số đô thị dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2040, ước tính sẽ cần thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu.
“Đô thị hóa đã được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước trên thế giới, và nhà ở giá hợp lý sẽ là công cụ để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng năng suất và tăng trưởng đô thị cho mọi người”, báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo này, mặc dù tăng trưởng về kinh tế, chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Gần 20% hoặc khoảng 4,8 triệu hộ gia đình ở Việt Nam vẫn còn đang sống trong điều kiện khó khăn.
Trong khi đó, phần lớn nhu cầu mới về nhà ở sẽ tập trung chỉ ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp. Các vùng đồng bằng sông Hồng, xung quanh Hà Nội, và vùng Đông Nam Bộ, xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ chiếm khoảng hai phần ba nhu cầu nhà ở mới.
Trước đây, chính sách nhà ở của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn. Sau khi thị trường hoá ngành bất động sản, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu cơ đã tạo ra sự tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, làm giá nhà đất tăng khá cao và tạo nên nguồn cung về thị phần nhà ở hạng sang, cuối cùng đã dẫn đến bong bóng bất động sản trong giai đoạn 2009-2012.
Gói kích thích 30.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2012 đã giúp định hướng lại các đơn vị phát triển nhà và người cho vay sang thị trường nhà ở giá hợp lý dành cho người có thu nhập trung bình, là những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự.
Luật Nhà ở sửa đổi, được thông qua vào năm 2015, đưa ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để cải cách, tập trung vào hỗ trợ nhà ở tự xây, thúc đẩy vai trò tích cực của khu vực tư nhân trong việc tạo nguồn cung nhà ở và giải quyết tình trạng thiếu nhà cho thuê giá hợp lý, đặc biệt là đối với người lao động trong các khu công nghiệp và sinh viên.
Ngoài việc đưa ra đánh giá toàn diện về lĩnh vực bất động sản và lộ trình cho nhà ở giá hợp lý tại Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một loạt khuyến nghị.
Cụ thể như: Gia tăng và tái định hướng chi tiêu chính phủ trong lĩnh vực nhà ở; Xây dựng Chương trình Nhà ở Giá hợp lý Quốc gia, là phương tiện để thực hiện Luật Nhà ở năm 2015 và đưa ra những can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở; Ưu tiên cải cách cơ cấu để nâng cao khả năng quản trị trong lĩnh vực nhà ở và quản lý đất đô thị; Hỗ trợ phát triển thị trường thông qua đầu tư vào khối xây dựng trong lĩnh vực nhà ở được vận hành tốt;…
Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu ngành điện, than để giảm giá thành
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành công thương đã có những đóng góp hết sức tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Năm nay, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,55% và bình quân năm năm là 6%, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước có tăng trưởng cao nhất thế giới theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Thủ tướng cho rằng bước vào năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty ngành công thương nói riêng cũng như doanh nghiệp cả nước nói chung phải phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương phải có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và hoàn thiện thể chế. "Bộ phải tập trung rà soát thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi của Bộ Công Thương để có những điều chỉnh cần thiết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải rà soát điều chỉnh chiến lược và quy hoạch trong điều kiện kinh tế thị trường, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Công Thương" - người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm phát triển thị trường trong nước, đi đôi với việc tận dụng tối đa việc giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguồn cung dầu thế giới ứ đọng hết năm 2016
Ngày 14-12, giá dầu thô quốc tế tại tiếp tục sụt giảm xuống sát ngưỡng 35 USD/thùng do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá nguồn cung dầu sẽ còn tiếp tục thừa mứa, ứ đọng đến hết năm 2016.
Theo AFP, trong phiên giao dịch sáng nay giá dầu thô ngọt, nhẹ trên thị trường Mỹ giảm xuống còn 35,44 USD/thùng. Dầu Brent biển Bắc cũng tiếp tục sụt xuống còn 37,71 USD/thùng. Như vậy giá dầu đã giảm tới 12% trong tuần qua, sau khi OPEC quyết định không giảm sản lượng khai thác.
Cuối tuần qua, IEA khẳng định nguồn cung dầu toàn cầu sẽ còn tiếp tục dồi dào, vượt cầu cho đến cuối năm 2016. Ngoài ra, giới đầu tư cũng trông đợi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tuần này, khiến giá đồng USD tăng cao, ảnh hưởng đến giá dầu.
Bên cạnh việc giá dầu tiếp tục giảm, cổ phiếu của các công ty năng lượng toàn cầu cũng lao đao. Trước đó hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) đạt thỏa thuận hạn chế tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mở đường cho thời kỳ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Dù vậy, các chuyên gia năng lượng nhận định thỏa thuận Paris chưa ảnh hưởng đến nhiều đến thị trường năng lượng toàn cầu, dù các nhà đầu tư có thể bắt đầu tính toán lại tương lai của ngành dầu khí. Giá cổ phiếu các công ty năng lượng sụt giảm chủ yếu do giá dầu chao đảo.
“Biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta ngừng sử dụng năng lượng. Khó để dựa vào điện hạt nhân và hiện tại năng lượng xanh còn hạn chế, do đó chúng ta sẽ phải tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch” - nhà phân tích Nobuyuki Fujimoto của hãng SBI Securities nhận định.
Giá thép giảm mạnh
Ngày 14-12, giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường tiếp tục giảm mạnh từ 800.000-900.000 đồng/tấn so với tháng trước. Giá dao động từ 10,72-10,83 triệu đồng/tấn (tùy thương hiệu).
Đây là đợt giảm giá thứ hai trong tháng 12, nhưng là lần giảm thứ 5 tính tháng 9-2015 cho đến nay.
Theo chủ đại lý thép H.M (đường Bạch Đằng - Bình Thạnh), việc giá thép buộc phải rơi xuống ngưỡng dưới 11 triệu đồng/tấn vì nguồn cung từ các nhà máy thép tiếp tục đổ ra thị trường rất nhiều, phải cạnh tranh vất vả với thép nhập khẩu đang tăng ồ ạt.
Mặt khác, một số doanh nghiệp sản xuất thép cắt giảm chiết khấu khiến các đại lý buộc phải hạ giá bán hòng kỳ vọng tiêu thụ được hàng nhiều hơn.
Theo Hiệp hội thép VN (VSA), đến cuối tháng 11-2015, tổng lượng thép các loại tiêu thụ ước khoảng 10,6 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
VSA cho rằng trong các tháng tới, dù thị trường xây dựng đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó phôi thép và thép thành phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất.
Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị hơn 1.200ha tại Mê Linh và Đông Anh
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6620/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị GN(C), tỷ lệ 1/5000, địa điểm tại huyện Mê Linh và Đông Anh.
Theo quyết định, diện tích nghiên cứu phân khu đô thị trên khoảng 1.247ha; dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 15.000 người. Phân khu đô thị GN(C) kết nối giữa vùng nông nghiệp công nghệ cao với các chức năng như trung tâm hội chợ nông sản với chuỗi công trình thương mại dọc tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Không gian xanh tại Phân khu GN(C) đóng vai trò cân bằng nhịp sống sôi động của đô thị xung quanh, tạo một dấu ấn có tác dụng mạnh mẽ về cảm nhận không gian cho toàn chuỗi đô thị. Đây cũng là trung tâm tiếp vận đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và khu đô thị công nghiệp...
Theo quy hoạch, Phân khu đô thị GN(C) có đặc điểm nằm trên vùng đất trũng gắn liền sông Cà Lồ và hệ thống đầm, hồ đan xen trong các công viên cây xanh tạo liên kết mạng lưới sông ngòi nối không gian xanh giữa khu vực dân cư hiện hữu, khu vực các di tích trong và ngoài khu đất nghiên cứu hình thành chuỗi đô thị sinh thái ven sông.
Quy hoạch cũng kiểm soát tầng cao và mật độ xây dựng đối với các khu vực quy hoạch, dự án đầu tư (mới), cụ thể: Đối với các khu công viên, cây xanh, mật độ xây dựng tối đa 5%, tầng cao 1 tầng; đối với các khu công viên chức năng chuyên đề, mật độ xây dựng tối đa 25%, tầng cao 1-3 tầng; các khu chức năng khác như đất cơ quan, công cộng đô thị, mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao 1-3 tầng....
Tương tự, đất xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối sẽ thực hiện theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với công năng, dây chuyền công nghệ...