tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-09-2018

  • Cập nhật : 12/09/2018

Cách Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng chiến tranh thương mại

Chính phủ Việt Nam sẽ kết hợp các thỏa thuận thương mại và cải cách trong nước để tránh những hậu quả từ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn với Bloomberg tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội hôm 10.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam". Ông nói thêm: "Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc".

Nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu vì thương mại chiếm gấp đôi GDP  - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á ngoại trừ Singapore. Khoảng một phần tư giá trị thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc, nước đang phải đối mặt với khả năng bị áp thuế lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong một cuộc chiến thương mại leo thang với Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết điều quan trọng đối với Việt Nam là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và mức sống cho 96 triệu người của đất nước. Ông cũng cho biết Việt Nam sẽ tìm kiếm nhiều thỏa thuận thương mại khác ngoài 12 thỏa thuận đã hoàn thành. "Chúng tôi sẽ phải dựa vào sức mạnh nội tại để vượt qua mọi trở ngại và duy trì đà và tăng trưởng", Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ cố gắng làm cho nền kinh tế cạnh tranh hơn và "theo dõi chặt chẽ những biến động của thị trường quốc tế để quản lý tiền tệ của chúng tôi với các chính sách tiền tệ tích cực và linh hoạt kết hợp với các chính sách tài chính nghiêm ngặt."

Cach Viet Nam thoat khoi anh huong chien tranh thuong mai% xuất khẩu trên GDP của các nước

GDP của Việt Nam đã tăng 7,1% trong sáu tháng đầu năm nay, nhanh thứ hai trong số các nền kinh tế lớn của châu Á sau Ấn Độ. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết tăng trưởng có thể chậm lại trong nửa cuối năm và đang cố gắng kiềm chế lạm phát, với các bước bao gồm trợ giá nhiên liệu và giá điện.

Moody đã nâng hạng tín dụng của Việt Nam tháng trước, trích dẫn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng lành mạnh, mức nợ ổn định và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Tiền đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á trong năm nay, so với mức giảm lớn ở các đồng tiền khác như đồng rupee của Ấn Độ và đồng rupiah của Indonesia.

Việt Nam nổi lên như một nhà máy sản xuất và xuất khẩu, từ giày dép đến điện thoại thông minh. Xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục 215 tỷ USD năm ngoái, với các khách hàng Mỹ chiếm khoảng 42 tỷ USD trong số đó - hơn gấp đôi so với năm năm trước đây.

Việt Nam cũng có nguy cơ đối đầu với các biện pháp thuế quan của Mỹ khi thặng dư thương mại với Mỹ đạt 39 tỷ USD năm ngoái, đứng thứ sáu sau Nhật Bản, Canada, Đức, Mexico và Trung Quốc.

Thủ tướng chia sẻ: “Tôi nói với ông Trump rằng chúng tôi cần phải cân bằng thương mại giữa 2 nước, nhưng những thứ mà Việt Nam xuất khẩu Mỹ thực sự mang lại lợi ích cho người mua Mỹ và dòng vốn đầu tư từ Mỹ đến Việt Nam cũng rất tích cực”.(NCDT)
-----------------------

Ngân hàng Việt đua nhau tìm vốn ngoại

Tìm đến các khoản vay dài hạn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới đang là một giải pháp được nhiều ngân hàng ưa chuộng trong thời gian gần đây.

Mới đây, nguồn tin từ tờ Deal Street Asia cho biết IFC đang xem xét cấp khoản vay lên đến 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Gói tài trợ nhằm giúp ngân hàng này mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vừa tuần trước, một ngân hàng khác là SHB cũng đã nhận được 2 khoản vay từ 2 định chế tài chính lớn ở nước ngoài. Nhà băng này đồng thời nhận được 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm từ IIB (Ngân hàng Đầu tư Quốc tế - Nga) và 20 triệu EUR theo hợp đồng tín dụng khung với IBEC (Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế - Nga). 

SHB cho biết, thỏa thuận vay vốn với IIB sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, dự án liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng xanh,…Trong khi đó, nguồn vốn từ IBEC được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn, … 

Hồi tháng 8, LienVietPostBank cũng đã nhận khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase, kỳ hạn 3 năm. Khoản vay này nhằm giúp LienVietPostBank bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, cải thiện cơ cấu huy động và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, tìm nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính nước ngoài đang là xu hướng khá phổ biến của các ngân hàng Việt trong vài năm trở lại đây. Ngoài 3 ngân hàng kể trên, hồi đầu năm, IFC cũng cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho TPBank nhằm giúp ngân hàng này mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân.

Năm 2017, nhiều ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn dài hạn thông qua cách này. Chẳng hạn VPBank vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse. Hay ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC cuối năm 2017. 

Bài toán vốn dài hạn đang là một vấn đề chung của nhiều ngân hàng khi theo quy định, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn rút về còn 45% trong năm nay và xuống còn 40% từ 2019. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài đã bất ngờ tăng khá mạnh từ 2 tháng gần đây cho thấy nhu cầu ngày càng cao của các nhà băng. Họ còn tích cực tìm đến các cách khác như 2 "ông lớn" BIDV và VietinBank liên tục phát hành trái phiếu còn HDBank, VIB,… thì phát hành chứng chỉ tiền gửi. 

Trong bối cảnh đó, vay định chế tài chính nước ngoài được xem là một trong những giải pháp có nhiều ưu điểm nhằm cân đối nguồn vốn cho vay trung dài hạn. Các khoản tài trợ này không chỉ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn dài hạn nhanh chóng mà còn có thể gia tăng lợi nhuận đáng kể, khi mà NHNN vẫn tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu trước mắt đến hết năm 2018 và huy động ngoại tệ hiện không dễ dàng với lãi suất 0% theo quy định của NHNN. (CafeF)
----------------------

Việt Nam triển khai dự án khai thác mỏ lớn nhất tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, chiều 11/9, lễ ký Hợp đồng Khai thác và chế biến quặng bauxite và xây dựng nhà máy sản xuất aluminat giữa Chính phủ Lào và đại diện Tập đoàn đầu tư Việt Phương (VPG) của Việt Nam đã diễn ra tại Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào.

Với tổng trị giá đầu tư ước tính 650 triệu USD, đây sẽ là dự án đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay tại Lào.

Tham dự lễ ký về phía Lào có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Suphan Keomisay; Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Thongphat Inthavong; Thứ trưởng Bộ An ninh, Thiếu tướng Kongthong Phongphichith, Phó Bí thư, Phó tỉnh trưởng tỉnh Sekong Sida Souvannasan...

Phía Việt Nam có Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Việt Phương, bà Phương Minh Huệ; Tham tán kinh tế Việt Nam tại Lào, ông Vũ Văn Hòa, cùng đông đảo các nhân viên của Tập đoàn đầu tư Việt Phương và đại diện các cơ quan báo chí Việt Nam tại Lào.
 


Nằm tại huyện Dakchung, tỉnh Sekong, một trong những khu vực nghèo và khó khăn nhất tại Lào, dự án khai thác và chế biến boxit của Tập đoàn đầu tư Việt Phương có diện tích gần 100km2 với tổng giá trị đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Đây là dự án nằm trong lộ trình thực hiện Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bauxite.

Dự án không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở có liên quan của hai nước mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bauxite, đặc biệt là tại tỉnh Sekong nói riêng và Tam giác Phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung.

Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Phương Minh Huệ, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Việt Phương, đã thay mặt ban lãnh đạo tập đoàn chân thành cảm ơn lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan của Lào cũng như của lãnh đạo tỉnh Sekong về sự hỗ trợ quý báu dành cho tập đoàn trong suốt 10 năm qua để giúp VPG vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất nội dung trong Thỏa thuận thăm dò khoáng sản bauxite đã ký với Chính phủ Lào; khẳng định sự hỗ trợ chân thành và to lớn đó đã đem lại kết quả là Lễ ký chính thức Hợp đồng khai thác và chế biến bauxite hôm nay.

Theo bà Phương Minh Huệ, việc triển khai thực hiện thành công dự án này chắc chắn sẽ góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Lào nói chung, cũng như của khu vực huyện Dakchung và khu vực lân cận nói riêng; đồng thời giúp từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước Lào...

Nhân dịp này, bà Phương Minh Huệ cũng bày tỏ mong muốn VPG sẽ tiếp tục nhận được sự động viên, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào để dự án được triển khai, thực hiện thành công; cam kết, với khả năng và kinh nghiệm của mình.

VPG quyết tâm phát triển thành công dự án để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Hợp tác-phát triển kinh tế, xã hội của hai nước cũng như vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào anh em.

Theo ước tính của VPG, khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời giúp đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng triệu USD mỗi năm.(Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục