tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-09-2018

  • Cập nhật : 11/09/2018

Malaysia xác nhận hủy bỏ 3 dự án ký với Trung Quốc

Một người phát ngôn của Bộ Tài chính Malaysia xác nhận nước này đã chính thức hủy bỏ 3 dự án xây dựng đường ống dẫn dầu ký kết với Trung Quốc sau thời gian tạm dừng các dự án này.

Trước đó, tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, ông đã gửi một bức thư đến các bên liên quan ở Bắc Kinh để thông báo hủy các dự án.

Đó là 2 dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt có tổng trị giá hơn 1 tỷ USD và một đường ống dẫn dầu khác trị giá 795 triệu USD kết nối bang Malacca với nhà máy lọc dầu và hóa chất ở bang Johor.

Ông Lim không tiết lộ chi phí mà Malaysia sẽ phải gánh chịu khi hủy bỏ dự án, song nói rằng các luật sư đang giải quyết vấn đề này.

Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác nhận hủy bỏ 3 dự án có tổng trị giá 22 tỷ USD ký kết giữa Trung Quốc và Malaysia cho tới khi Kuala Lumpur thanh toán được các khoản nợ.

Các dự án bao gồm một dự án đường xe lửa nối liền bờ biển phía Đông Malaysia tới miền Nam Thái Lan và Kuala Lumpur, cùng 2 dự án đường ống dẫn dầu.

Hồi tháng 5, Thủ tướng Mahathir cũng cho tạm hoãn một dự án đường sắt cao tốc ký kết giữa Malaysia và Singapore vài năm trước do dự án này quá tốn kém.

Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir đã tiến hành xem xét lại nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Những nỗ lực này nhằm cắt giảm khoản nợ quốc gia hiện đang ở mức khoảng 250 tỷ USD.(Bnews)
--------------------------

Điều tra áp thuế bán phá giá dây hàn kim loại của Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng dây hàn bằng kim loại cơ bản nhập khẩu từ Việt Nam.

Thổ Nhĩ Kỳ kết luận sản phẩm dây hàn nhập khẩu từ Việt Nam đã bị bán phá giá và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa. Biên độ bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là 27,9-29,65%.

Trên cơ sở báo cáo này, cơ quan điều tra sẽ trình Ủy ban về các Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong nhập khẩu để đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc trong thời gian tới.

Dự kiến, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức buổi điều trần về vụ việc vào 14 giờ ngày 12/9.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/3 Thổ Nhĩ Kỳ quyết định điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây hàn bằng kim loại cơ bản, dùng để hàn hồ quang điện mang mã HS 8311.20.00.00.

Nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và công nghiệp Gedik Kaynak và Công ty trách nhiệm hữu hạn Oerlikon Welding Electrodes and Industry cáo buộc rằng sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm nói trên gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian điều tra bán phá giá là cả năm 2017.(Vietnam+)
------------------

Châu Á-Thái Bình Dương đóng góp hơn 40% vào GDP toàn cầu

Tỷ lệ đóng góp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tiếp tục tăng, lên tới 42,6% năm 2017, tăng từ mức 30,1% năm 2000.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố ngày 10/9, lực lượng lao động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần chuyển hướng từ làm nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong khi các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết những số liệu thống kê rõ ràng cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đạt tiến bộ vững chắc trong việc giảm nghèo cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Trong thời gian từ năm 2002 đến 2013, khoảng 780 triệu người tại khu vực này đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những hành động hướng đến bình đẳng giới trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm giáo dục và việc làm, cùng với việc cải thiện sức khỏe phụ nữ.

Trong khi đó, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao dẫn Chỉ số phát triển con người (HDI), đánh giá chất lượng cuộc sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được cải thiện.

Theo ông Nakao, các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương đã trở lại tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong năm 2017 và khu vực này hiện đang đóng góp hơn 1/3 xuất khẩu toàn cầu.

Thống kê chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy các nền kinh tế trong khu vực đang tiếp tục tăng trưởng, phát triển và đa dạng hóa sự tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Nakao nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đề cập đến Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ông Nakao nhấn mạnh nghèo đói và các vấn đề liên quan trong khu vực này cần phải được coi là ưu tiên.

Cụ thể, cần tăng cường cơ hội tiếp cận cũng như chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế; mở rộng việc tiếp cận các nguồn năng lượng sạch với giá thành hợp lý, cũng như các công trình nước sạch và nhà vệ sinh an toàn; đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và duy trì đà tăng trưởng cần thiết để đạt được SDG (Bnews)
--------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục