tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-09-2018

  • Cập nhật : 13/09/2018

WEF ASEAN 2018: Trung Quốc sẵn sàng cùng WEF đem lại lợi ích cho tất cả các nước

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa ngày 12/9 khẳng định Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và cam kết phối hợp với WEF để bảo vệ toàn cầu hóa và hệ thống thương mại đa phương.

dai dien dai su quan trung quoc tai viet nam don pho thu tuong trung quoc ho xuan hoa tai san bay quoc te noi bai den ha noi tham du hoi nghi dien dan kinh te the gioi ve asean. anh: doan tan – ttxvn

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa tại sân bay quốc tế Nội Bài đến Hà Nội tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Tại cuộc gặp người sáng lập, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cho biết với sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, bức tranh kinh tế thế giới vẫn phức tạp dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã phục hồi.

Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng với WEF kịch liệt phản đối chủ nghĩa bảo hộ, và bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế và hệ thống thương mại đa phương. Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên để làm cho cuộc cách mạng công nghiệp mới đem lại lợi ích cho tất cả các nước và mọi người dân, đồng thời cải thiện sự quản lý toàn cầu để đạt phát triển và thịnh vượng chung.

Về phần mình, ông Schwab cho biết WEF ủng hộ thúc đẩy toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, và phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương. WEF sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc, cùng nhau góp phần vào sự phục hồi bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới.

Từ ngày 11-13/9, Việt Nam và WEF phối hợp tổ chức WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0".

Đây là hội nghị quan trọng, thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các học giả, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các bên liên quan khác để thảo luận tìm ra các giải pháp mang tính thực tế cho các vấn đề có tầm quan trọng về xã hội và địa kinh tế mang tính cấp bách, trong một chương trình nghị sự rất phong phú.(TTXVN)
----------------------------------------

Khách hàng châu Á nhập thêm dầu thô của Saudi Arabia trước các lệnh trừng phạt Iran

 Ít nhất ba khách hàng bắc Á sẽ nhận thêm các nguồn cung cấp dầu thô từ Saudi Arabia, sau khi vương quốc này giảm giá cho hầu hết các loại dầu trong tháng 10/2018 và do họ đang tìm cách giảm tác động của các lệnh trừng phạt với Iran.

Các khách hàng đã yêu cầu tăng thêm dầu thô từ Saudi Arabia so với khối lượng đã ký hợp đồng trong tháng 10/2018 trong bối cảnh lo sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với xuất khẩu dầu thô của Iran từ ngày 4/10/2018, sẽ làm gián đoạn nguồn cung trong khi nhu cầu cao điểm trong mùa đông tại châu Á.

Saudi Aramco sẽ cung cấp thêm dầu cho các khách hàng trong tháng 10/2018, với một khách hàng nhận thêm dầu Arab Light. Công ty Saudi Aramco vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Washington đã yêu cầu các khách hàng mua dầu Iran cắt giảm nhập khẩu xuống bằng 0 trong đầu tháng 11/2018 để buộc Tehran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới và hạn chế ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.

Những lo ngại về nguồn cung từ Iran đã thúc đẩy dầu thô của Trung Đông lên mức giá cao nhất trong hơn một năm. Giá dầu Brent mạnh cũng khiến dầu từ châu Âu và châu Phi đắt hơn cho các nhà máy lọc dầu châu Á, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm giảm mạnh nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Mỹ.

Nhưng trong tuần trước Saudi Arabia đã cắt giảm giá bán chính thức cho hầu hết các loại dầu thô họ bán sang châu Á trong tháng 10/2018, khiến dầu của Saudi cạnh tranh hơn.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và các nhà sản xuất khác từ Trung Đông và Nga đã tăng cường xuất khẩu sau một cuộc họp trong tháng 6/2018 đã đồng ý nâng sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng nguồn cung này để thay thế xuất khẩu đang giảm từ Venezuela và Iran.

Tại châu Á, Hàn Quốc đã dừng nhập khẩu dầu thô Iran trong tháng 7/2018. Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến dỡ các lô dầu Iran cuối cùng trong tháng này.

Vẫn chưa rõ liệu các khách mua hàng đầu Trung Quốc và Ấn Độ có cắt giảm nhập khẩu mạnh từ Iran không (VITIC)
--------------------------------

WEF: ASEAN có thể phải tự thay đổi mô hình kinh tế

Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhận định tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể cũng khiến ASEAN phải tự thay đổi mô hình kinh tế.

Nhận định này được đưa ra giữa bối cảnh có ý kiến cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trả lời phóng viên BBC bên lề cuộc họp báo WEF về ASEAN tại Hà Nội, ông Wood nói: “Chúng ta đang đối mặt với thời điểm của thách thức trong môi trường thương mại toàn cầu, đang có những căng thẳng gia tăng giữa một số cường quốc kinh tế lớn nhất xét về thương mại toàn cầu. Thương mại toàn cầu đang bị tác động bởi những tranh chấp này và nếu tình hình xấu đi thì nền kinh tế ASEAN chắc chắn sẽ bị tổn thương khá nặng”.

Ông Wood cho biết các nền kinh tế ASEAN đã có nhiều thập niên phát triển dựa vào mô hình xuất khẩu, chế tạo và nhiều nước trong hiệp hội vẫn rất phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như mời gọi đầu tư từ bên ngoài vào.

Ông Wood cho rằng chắc chắn ASEAN mong muốn thấy một môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh, với cam kết cho một hệ thống mở, minh bạch và tuân theo luật lệ. Nếu điều đó bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp hiện tại thì nó sẽ gây tổn hại rất lớn cho ASEAN.

Tuy vậy, ông Wood cũng cho rằng đây là lúc để xem ASEAN phản ứng như thế nào với căng thẳng thương mại hiện nay. Từ trước tới nay, ASEAN có xu hướng dựa vào thị trường bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng của khối. ASEAN có dân số 600 triệu người và hầu hết đều đang có sức mua ngày càng tăng, đây là thời điểm quan trọng đối với các nước ASEAN để bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về thị trường trong nước chứ không phải là thị trường bên ngoài hay toàn cầu.

Do đó, ông Wood tin rằng ASEAN cần dựa vào cái gọi là ý tưởng về một thị trường chung. Nếu ASEAN có thể xây dựng một thị trường chung thực sự có sự kết nối mạnh, thị trường và nhu cầu khu vực có thể tạo lực đẩy cho ASEAN.

Giờ là lúc ASEAN cần phải tăng tốc để đạt được những tiến bộ hướng tới việc đạt được viễn cảnh của thị trường chung vượt ra ngoài ASEAN bởi dường như bức tranh thương mại toàn cầu đang đối diện một số thách thức.

Cùng chung nhận định này là quan điểm của một quan chức ASEAN trực tiếp phụ trách các vấn đề thương mại và kinh tế. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Ong Kian Ming nhìn nhận chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ASEAN tự thúc đẩy chính mình. Theo ông, các nước ASEAN nên tích cực phối hợp để cùng gia tăng sức hút đầu tư cho khu vực thay vì chỉ tập trung vào việc phát triển của riêng mình.

Nhật báo The Sun cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh Quốc tế Selangor 2018 (SIBS), Thứ trưởng Ong Kian Ming cho rằng các nước ASEAN có thể làm việc cùng nhau để cùng tạo dựng một môi trường hiệu quả thu hút các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, những người muốn tái ổn định và đầu tư nhiều hơn ở các nước như Malaysia nhằm tránh những rủi ro của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thứ trưởng Ong Kian Ming cũng nhận định rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn, và các nền kinh tế mở, chẳng hạn như Malaysia, sẽ chịu ảnh hưởng từ những mâu thuẫn này.

Vì lẽ đó, ông cho rằng Malaysia nói riêng và các nền kinh tế tương tự khác trong khu vực cần cởi mở với đầu tư và nhanh chóng thúc đẩy việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sớm củng cố lập trường duy trì thương mại cởi mở.

Trước đó, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonedia Marty Natalegawa đã ra mắt cuốn sách về ASEAN với tiêu đề “Does ASEAN matter?” với hy vọng cuốn sách sẽ mang lại những câu trả lời cho câu hỏi về tương lai của ASEAN. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục