tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-08-2016

  • Cập nhật : 10/08/2016

Nguyên liệu dược nhập khẩu phải khai báo hóa chất

Khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng hóa chất, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo hóa chất với Bộ Công Thương và xuất trình một bản chính Giấy xác nhận khai báo hóa chất do Bộ Công Thương cấp cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn về thủ tục khai báo hóa chất đối với nguyên liệu dược nhập khẩu.

Trong quá trình quản lý mặt hàng hóa chất nhập khẩu, một số cục hải quan địa phương báo cáo vướng mắc liên quan đến việc yêu cầu xuất trình “Giấy xác nhận khai báo hóa chất” do Bộ Công Thương cấp đối với hàng hóa là nguyên liệu dược.

Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 26/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất thì “trước khi thông quan hóa chất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện việc khai báo hóa chất với Bộ Công Thương”, tuy nhiên chưa hướng dẫn cụ thể trường hợp hóa chất là nguyên liệu dược nhập khẩu đã được cấp phép của cơ quan quản lý chuyên ngành là Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế thì có cần phải khai báo hóa chất nhập khẩu với Bộ Công Thương nữa hay không.

Để có cơ sở hướng dẫn các cục hải quan địa phương thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) là cơ quan quản lý chuyên ngành với mặt hàng này. Trên cơ sở nội dung trả lời của Cục Hóa chất, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể việc khai báo hóa chất đối với nguyên liệu dược nhập khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp vẫn phải khai báo hóa chất với Bộ Công Thương trong trường hợp mặt hàng nhập khẩu thuộc Phụ lục V Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng hóa chất, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo hóa chất với Bộ Công Thương và xuất trình một bản chính Giấy xác nhận khai báo hóa chất do Bộ Công Thương cấp cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.(Infonet)


Thái Lan giành lại vị trí quán quân thế giới về xuất khẩu gạo

 xep nhung bao gao thai lan tai nha may o bangkok. (nguon: afp/ttxvn)

 Xếp những bao gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguồn tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chủ tịch Hiệp hội Charoen Laothammathat tin tưởng rằng Thái Lan sẽ duy trì vị trí này đến cuối năm 2016 với mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn.

Vị trí thứ 2, 3, 4 lần lượt là Ấn Độ với lượng xuất khẩu 4,76 triệu tấn (tăng 12%), Việt Nam với 2,66 triệu tấn (giảm 2,1%) và Pakistan với 2,44 triệu tấn (tăng 7,5%).

Tuy nhiên, ông Charoen cho biết năm 2017 Thái Lan có thể mất vị trí này vào tay Ấn Độ do sản lượng các đối thủ sẽ tăng, nhu cầu mua chậm lại và giá đồng baht tăng.

Ông Charoen khuyến nghị chính phủ nên thực hiện các biện pháp giúp đỡ người nông dân, trong bối cảnh giá gạo dự báo suy giảm, tuy nhiên lại phản đối việc can thiệp về giá. Ông đề xuất chính phủ nên trợ cấp 2.000 baht (57,2 USD) mỗi rai (0,16 hécta) cho người nông dân trồng ít hơn 20 rai.

Tổng sản lượng gạo thơm và gạo nếp Thái Lan năm nay ước tính khoảng 16-17 triệu tấn, tăng 10-20%.

Về số gạo tạm trữ hơn 9 triệu tấn, chính phủ sẽ tiếp tục bán gạo vào thời điểm thích hợp, với giá và lượng hợp lý với mức giá thấp hơn khoảng 10-20% giá vụ mùa mới.(TTXVN)


Nghịch lý đường tồn kho nhưng giá cao

Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định nguồn cung có thể dư thừa do các doanh nghiệp ngành mía đường vẫn đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn đường, cộng với hạn ngạch nhập khẩu lên đến 185.000 tấn đường. Tuy nhiên, trên thị trường, người tiêu dùng vẫn đang phải mua đường với giá cao.

Giá đường chưa hạ nhiệt

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong nước hiện nay không hề thiếu. "Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp hiện nay khoảng 416.000 tấn, cộng với lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn đường phải nhập hàng năm theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung mà chúng ta chưa thực hiện, khả năng thời gian tới có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường”, ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn. Điều này khiến Hiệp hội Mía đường lo sẽ thừa nguồn cung.

Trong khi nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Chị Phương Kim Hoa, người dân tại phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi mua đường kính trắng xuất khẩu trong siêu thị với giá 21.000 đồng/kg. Nói chung giá đường vẫn cao từ đầu tháng 4 đến bây giờ, chưa giảm được tí nào”.

Còn anh Bùi Quang Cáp, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết: Giá đường hiện nay rất cao so với đầu năm. Đầu năm tầm 17.000 đồng/kg, bây giờ đã lên tới 19.000 - 21.000 đồng/kg. Giá năm ngoái chỉ khoảng 13.000 đồng/kg. “Chúng tôi không biết giá cả thực tế ở nhà máy thế nào bởi chúng tôi không bao giờ lấy được với giá tại nhà máy mà phải lấy qua những kênh phân phối nhỏ, cho nên giá đường đến tay người tiêu dùng rất đắt”, anh Cáp nói.

Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Tư vấn mía đường Lộc Hằng lý giải, giá đường tăng trước hết là do sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015 - 2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá đường trên thế giới tăng do ảnh hưởng của El Nino.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên thì việc một số doanh nghiệp, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, đầu cơ cũng khiến giá đường bị đẩy lên cao.

Theo ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tồn kho đường tại các nhà máy còn cao nhưng có hiện tượng găm hàng tạo khan hiếm giả. Một số công ty sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát đã phản ánh lên Bộ Công Thương việc không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số nhà máy đường và nhận thấy một số công ty tích trữ đường, găm hàng chờ giá lên, gây khan hiếm giả tạo. Đây là lý do vì sao đầu năm nay giá đường trắng mới chỉ ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng đến tháng 5 đã tăng lên mức 15.000 - 17.000 đồng/kg và hiện nay là 19.000 -21.000 đồng/kg”, ông Liêm cho biết.

Tránh đầu cơ, rà soát lại vùng nguyên liệu

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá đường tăng đã gián tiếp khiến giá đường sốt ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các doanh nghiệp cố tình đầu cơ trục lợi.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng giá đường hiện nay cao là do các đại lý gom hàng, chưa chịu hạ giá bán. “Đây chính là điều khiến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đề nghị nhập khẩu đường từ nước ngoài vì không thể mua đủ số lượng cần thiết cho sản xuất. Đây không phải lần đầu xảy ra chuyện này, gây tác động bất lợi với sản xuất mía đường trong nước”, vị đại diện cho hay.

Hiện nay, dù đã được Chính phủ cho phép nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa cấp phép nhập khẩu 100.000 tấn đường theo hạn ngạch bổ sung. Ngoài ra, Bộ cũng chưa cho nhập 85.000 tấn đường theo hạn ngạch cam kết với WTO. Nếu nguồn cung đường được bổ sung nhờ nhập khẩu thì có thể hạn chế tình trạng đầu cơ.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả trên thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được thì chắc chắn giá sẽ biến động. Nguồn cung hiện nay dư thừa nhưng lại đang bị “gom” lại thay vì tung ra thị trường. Do đó, để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cho biết: Nhu cầu về đường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu rất cao. Việc nhập khẩu sẽ góp phần đáp ứng đầy đủ quan hệ cung - cầu. Bộ Công Thương cần nhanh chóng áp dụng biện pháp nhập khẩu đường.

Còn chuyên gia trong lĩnh vực thương mại Vũ Vinh Phú thì nhận định, quá nhiều khâu trung gian phân phối đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính. Muốn hạ giá đường, phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Nếu không làm được điều này thì dù hạn ngạch nhập khẩu đường có tăng lên nữa thì giá đường vẫn khó giảm.

Liên quan đến tình hình thiếu nguyên liệu cho sản xuất đường, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Kết thúc vụ sản xuất mía đường 2015 - 2016, diện tích mía cả nước đạt khoảng hơn 284.000 ha, sản lượng hơn 18 triệu tấn, giảm 8% so với niên vụ trước. Hầu hết mía ở các vùng nguyên liệu đều đã được các nhà máy thu mua, đưa vào chế biến, với giá thu mua tại ruộng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Dự đoán trong niên vụ mới, tình hình thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường sẽ căng thẳng hơn.

Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng mía giảm dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu. Diện tích và năng suất mía của vùng liên tục giảm từ 20 - 30% do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu tình hình này tiếp diễn thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường khó hạ giá thành.

Do đó, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần tổ chức lại vùng nguyên liệu. “Để đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầy đủ, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu đường trong nước, giảm tổn thất sau thu hoạch”, ông Nam cho biết.

Bà Vũ Thị Huyền Đức, TGĐ Tổng Công ty Mía đường 1 (Hà Nội):

Cần sớm nhập 85.000 tấn đường để hạn chế đầu cơ

Đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa thực hiện nhập 85.000 tấn đường theo cam kết với WTO. Nếu lượng đường này được nhập khẩu thì có thể không xảy ra tình trạng thiếu đường để phải nhập thêm đường bổ sung.

Theo quy định, đối tượng tham gia đấu giá nhập khẩu đường là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng... nên sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ. Ngoài ra, cần cân nhắc thời điểm phù hợp trước khi cho nhập khẩu thêm 100.000 tấn đường để không ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến mía đường trong nước, tránh dư thừa thêm nguồn cung.

Ông Phạm Quốc Doanh, chuyên gia ngành mía đường: Điều hành linh hoạt, mềm dẻo Bộ Công Thương đã có Thông tư về nhập khẩu 100.000 tấn đường. Cần xem đây như một công cụ để quản lý thị trường. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục găm hàng thì lập tức cho nhập khẩu; ngược lại nếu các nhà máy đường sau khi kiểm tra không có tình trạng này thì dừng việc nhập khẩu đường. Như vậy chính sách điều hành sẽ mềm dẻo, linh hoạt, tạo cơ chế cho doanh nghiệp và ngành mía đường trong nước phát triển. Trong trường hợp buộc phải nhập khẩu đường thì nên nhập tỷ trọng đường thô nhiều hơn so với đường tinh vì đường thô sẽ tạo việc làm cho các doanh nghiệp, người dân.(Baotintuc)


Thừng ngoại trói thừng nội

Mới đây, một doanh nghiệp chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã làm giới đầu tư xôn xao. Họ xôn xao không chỉ vì ngành nghề kinh doanh độc đáo, mà còn bởi kết quả kinh doanh rất tiềm năng của một thị trường ít ai biết đến là sản xuất dây thừng cho đánh bắt thủy sản.

Cái tên được nhắc đến chính là Siam Brothers Việt Nam, được thành lập năm 1995 với 100% vốn đầu tư từ Siam Brothers Group (Thái Lan), đơn vị đã hoạt động gần 5 thập niên về sản xuất dây thừng, lưới đánh cá, vận tải biển, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. Có mặt tại Việt Nam 20 năm, hệ thống 22 nhà phân phối và 600 cửa hàng bán lẻ của Siam Brothers Việt Nam đã giành được 30% thị trường các loại dây nói chung và chiếm 1/2 thị phần dây thừng dành cho ngành thủy sản. Ba nhà máy của Công ty có công suất 6.500-8.000 tấn/năm, trong đó 90% sản phẩm tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật, Indonesia, Malaysia và Na Uy. Doanh thu của Siam Brothers Việt Nam năm 2015 là 462 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 85 tỉ đồng. Chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng gây sửng sốt cho giới đầu tư khi đạt 5.047 đồng/cổ phiếu vào năm 2015 (cao hơn cả EPS của cổ phiếu GAS là 4.370 đồng).

Đứng thứ 2 trên thị trường dây thừng phục vụ đánh cá cũng là một doanh nghiệp nước ngoài là Penro Việt Nam, được chuyển nhượng dây chuyền sản xuất từ Malaysia, có công suất 5.000 tấn/năm, chia đều tỉ trọng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tiếp tục gia nhập ngành này vì tiềm năng lợi nhuận còn cao.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành thủy sản đã đóng góp 3,17% GDP năm 2015, với sản lượng hơn 6,56 triệu tấn. Việt Nam hiện có hơn 30.000 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 27% số lượng tàu thuyền của cả nước. Có thể thấy, thị trường này có nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngư cụ. Tuy nhiên, mảng sản xuất dây thừng cho đánh cá đã hoàn toàn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài khi số lượng công ty Việt Nam có tên tuổi trên thị trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Đại Minh, Dây sợi Rồng Á Châu, Hòa Lan... Riêng sản phẩm dây thừng của Siam Brothers Việt Nam đang chiếm thị phần ở Việt Nam với khoảng 80%, còn gần 20% thị trường được nắm giữ bởi một đối thủ khác.

“Đầu tư vào ngành này không khó, lợi nhuận cao, nhưng tôi vẫn muốn hướng đến xuất khẩu hơn thị trường nội địa”, bà Nguyễn Thị Việt Hòa, Giám đốc Công ty Dây sợi Rồng Á Châu, cho biết. Theo bà Hòa, bán dây thừng trong nước đa phần theo hình thức bán lẻ, công nợ lâu, khó đòi, trái với khả năng thanh toán phiếu đúng hạn của khách hàng nhập khẩu.

Không chỉ công ty của bà Hòa, từ năm 2015 đến nay là giai đoạn sóng gió của ngành thủy sản, bên cạnh những khó khăn khác của ngành đã có trước đó như ô nhiễm môi trường, tranh chấp ngư trường và chính sách không khuyến khích đầu tư đánh bắt xa bờ làm nhiều doanh nghiệp trong ngành ngư cụ, dây thừng buộc phải tìm đường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp Việt thử sức với ngành này cũng chỉ xác định dây thừng là một phần trong dây chuyền sản xuất tích hợp bên cạnh các sản phẩm khác, chứ không dám mạnh tay đầu tư. Công ty Cổ phần Nhựa 04, đơn vị có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bao bì, mới đây cũng thử nghiệm sản xuất dây thừng. Song, theo ông Lâm Việt Trung, Tổng Giám đốc Công ty, dây thừng là sản phẩm được sử dụng trong điều kiện khá khắc nghiệt (sử dụng ngoài trời, phơi sương, ngâm nước biển...).

Do đó, ngư dân chuộng những sản phẩm quen thuộc có độ bền cao như Con Gà, Hải Mã, Con Cá... của các thương hiệu nước ngoài. Thị phần mà các doanh nghiệp Việt đang nắm giữ là phân khúc trung cấp, sử dụng máy móc giá rẻ và tận dụng phế liệu để sản xuất. Nếu muốn cạnh tranh về chất lượng, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, xác định đầu tư trong hàng chục năm mới có thể đuổi kịp đối thủ nước ngoài.

Hai yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh dây thừng là biến động giá nguyên vật liệu và biến động tỉ giá. Chiếm đến 70% chi phí giá vốn, mọi biến động giá xăng dầu, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu, sự lên xuống của tỉ giá... đều tác động đến quá trình sản xuất, tiến độ và chất lượng của sản phẩm. Kiểm soát được bài toán này hiện vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ.

Hãy quay lại với tên tuổi đang dẫn đầu thị trường. Nếu kế hoạch IPO thành công, Siam Brothers Việt Nam sẽ phát hành 4,2 triệu cổ phần ở mức giá bán dự kiến 33.000 đồng. Ngoài IPO, khoảng 9,7% vốn của Siam Brothers Việt Nam đang được hoàn tất thủ tục để chuyển nhượng cho quỹ thành viên của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam từ một cổ đông lớn của Siam Brothers. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016-2020, nguồn vốn huy động từ IPO sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy số 4 (khoảng 60 tỉ đồng), nâng tổng công suất của Công ty lên 13.000 tấn/năm và đẩy doanh thu tăng trưởng trên 25%.

Trước những biến động khó lường của thị trường trong nước, một số nguồn tin cho biết, Siam Brothers Việt Nam đang tăng cường thị trường xuất khẩu, nâng tỉ trọng sản phẩm xuất khẩu đạt 25% thay vì 10% như hiện tại. Mảng thương mại đem về 9% doanh thu sẽ được đẩy mạnh qua hệ thống phân phối các mặt hàng ngư cụ như đèn đánh cá, sơn, phao, găng tay...

Rõ ràng, với những kế hoạch kinh doanh bài bản và đầu tư lớn, các thương hiệu nước ngoài ngày càng gây sức ép lên doanh nghiệp Việt trong ngành sản xuất dây thừng.(Nhipcaudautu)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục