tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-04-2017

  • Cập nhật : 27/04/2017

Nhật Bản khảo sát đầu tư nông nghiệp tại Hà Nam

Ngày 26/4, Đoàn công tác của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam để tìm hiểu và nghiên cứu khảo sát đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Tại buổi làm việc, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Hà Nam đã và đang xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, hợp tác đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết thêm, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500 ha tại huyện Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý. Đến nay, tỉnh đã giao gần 300 ha đất cho các doanh nghiệp, bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường. Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam , doanh nghiệp sẽ được tỉnh cho thuê đất trong thời gian ít nhất là 20 năm với giá 25.000 USD/ha/20 năm. Tại các điểm này, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng gồm: đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi đến chân hàng rào khu sản xuất. Các doanh nghiệp cũng sẽ được bảo đảm tốt nhất theo 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số nghiệp doanh nghiệp Nhật Bản triển khai thử nghiệm sản xuất nông nghiệp và cho kết quả khả quan.

 

Tại buổi làm việc, ông Kosaburo Shmose, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, qua tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại tỉnh cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam rất tốt. Đặc biệt, sự khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh Hà Nam đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Hiện nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản muốn đến đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nam là một địa phương có điều kiện phù hợp sản xuất nông nghiệp, vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội và có mạng lưới giao thông thuận lợi. Chính vì vậy, đoàn công tác mong muốn tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát, nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh.(TTXVN)
--------------------------------------

Vinalines tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược tại Singapore

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chiến lược phát triển của Vinalines” để giới thiệu về định hướng phát triển của công ty tới các doanh nghiệp tại Singapore.

Hội thảo diễn ra ngày 26/4 tại Singapore với sự giúp đỡ của Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, nhằm tìm kiếm hợp tác đầu tư trong bối cảnh chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). 

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, các công ty trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải, ngân hàng đang kinh doanh tại Singapore. 

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Trung, Trưởng Ban phát triển thị trường, Tổng công ty hàng hải Việt Nam cho biết hiện tại, Vinalines đang trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa. 

Dự kiến tháng 12/2017 sẽ IPO với mức vốn điều lệ lên tới 550 triệu USD Mỹ. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17.25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25% vốn điều lệ. Vinalines nhận thấy các doanh nghiệp Singapore là đối tác tiềm năng, có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải. 

Tại hội thảo, đại diện của Vinalines cho biết việc phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói để nâng cao lợi thế cạnh tranh là định hướng mang tính chiến lược phát triển tổng thể của Vinalines. 

Vinalines cũng cho rằng ngoài cơ hội tham gia mua cổ phần khi Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, các nhà đầu tư sẽ đồng thời chính là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm về cảng biển mà Vinalines sẽ triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 theo chiến lược phát triển đã được chính phủ phê duyệt. 

Nhiều doanh nghiệp tới tham dự hội thảo đã trao đổi đối với Vinalines về những khó khăn vướng mắc mà Vinalines gặp phải thời gian qua và đặt nhiều câu hỏi mang tính thực tế về khả năng, triển vọng hợp tác giữa hai bên về lộ trình IPO, đầu tư cảng biển, đội tàu vận tải cũng như về công tác quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cơ hội đầu tư với Vinalines. 

Đại diện của Vinalines thẳng thắn thừa nhận trong những năm trước, do tình hình khó khăn chung của ngành vận tải biển thế giới nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mảng kinh doanh vận tải của Tổng công ty nhưng năm 2016, sản lượng và doanh thu từ vận tải biển của Vinalines đã có nhiều khởi sắc, tuy không tăng nhiều nhưng lỗ đã giảm mạnh và năm 2016, Vinalines đã kinh doanh có lãi. 

Cùng với việc tổ chức hội thảo để tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong quá trình chuẩn bị cho IPO diễn ra vào cuối năm 2017, Vinalines cũng lần đầu tiên tham dự Triển lãm hàng hải quốc tế lần thứ 6 (SEA ASIA 6) từ 25-27/4 tại Singapore. 

Triển lãm SEA ASIA là một sự kiện hàng hải uy tín tại châu Á-Thái Bình Dương với 22.000 gian hàng của hơn 420 công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải đến từ nhiều quốc gia mạnh như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Anh, Hà Lan, Na Uy...(TTXVN)
---------------------------

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá tại các Tổng công ty phát điện

Chiều 26/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017 - 2020.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị Trung ương 5 diễn ra đầu tháng 5/2017 sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đây là một trong 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế cần được các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn như EVN thực hiện hiệu quả.

Các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016- 2020 đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các cơ quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đối với ngành điện, các bộ, ngành đang hoàn thành các văn kiện để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn từ nay tới năm 2020. Trong đó, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung giá điện tới năm 2020, cơ chế điều hành giá bán lẻ điện bình quân. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn EVN xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Phó Thủ tướng đề nghị EVN làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ; các giải pháp về huy động vốn để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia tới năm 2020. 

Những vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số tiết kiệm điện năng; việc đảm bảo tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện năng… cũng được Phó Thủ tướng đề nghị EVN làm rõ tại buổi làm việc. 

Báo cáo của EVN cho thấy, tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. EVN đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tổng công suất nguồn điện hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015 là 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Năm 2016, chỉ số tổn thất điện năng giảm còn 7,57%, sản lượng điện tiết kiệm trong cả giai đoạn trước là 11,96 tỷ kWh. 

Đến nay, đã có 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn sử dụng lưới điện. Hiệu quả đầu tư lưới điện nông thôn của EVN được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao. EVN đã hoàn thành xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt và vận hành theo đúng quy định; đến cuối năm 2016 có 73 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 17.929 MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống.  

Đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động, EVN đã tập trung vào sản xuất kinh doanh điện, chuyên môn hóa các khâu phát điện - truyền tải điện - phân phối và kinh doanh điện. EVN xây dựng Đề án tối ưu hóa chi phí trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2014 - 2016 nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. 

Theo tính toán của EVN, năm 2017, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào là hơn 7.200 tỷ đồng. Tập đoàn này đã đặt ra một loạt giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.  

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn, năng suất lao động của EVN thấp so với khu vực nhưng tốc độ tăng cao sau từng năm. Năm 2016, chỉ số này đạt 1,73 triệu kWh/người, tăng từ 10 - 11%/năm từ năm 2014 tới nay. EVN phấn đấu đến năm 2020 sẽ nằm trong nhóm ASEAN-4. Để đạt mục tiêu này, EVN sẽ sắp xếp lại bộ máy, tách bạch giữa vận hành, quản lý và dịch vụ; áp dụng tự động hóa cho các đơn vị, nhất là các khâu truyền tải và phân phối điện; giảm thủ tục cấp điện. 

Đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng cho đất nước của Tập đoàn trong những năm qua, Phó Thủ tướng đặc biệt ghi nhận việc EVN nỗ lực đầu tư cho nông thôn, các vùng trọng điểm an ninh, quốc phòng mà các thành phần kinh tế khác không thể làm được. 

Phó Thủ tướng đề nghị EVN tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn từng năm một trong giai đoạn 2017 - 2020 và xa hơn nữa; tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%. Bộ Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố để có kế hoạch phù hợp, sẵn sàng giải pháp cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là với các dự án trong sơ đồ Quy hoạch điện VII; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại các chủ đầu tư tại một số dự án điện nếu thấy cần thiết. 

Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017. 

Về nâng cao năng lực quản trị của EVN, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. Không chỉ với EVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các tập đoàn khác thực hiện nhiệm vụ này; đảm bảo cân đối dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giảm chi phí lao động, nhất là giảm tổn thất điện năng; minh bạch, công khai trong tính toán giá điện. 

Đối với việc cung ứng giá cả đầu vào, Phó Thủ tướng đề nghị EVN cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 văn kiện quan trọng của ngành điện là: Khung giá bán lẻ điện 2016 - 2020, cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017. 

Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đảm bảo thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát. (TTXVN)
-----------------------

Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy thép

29 công ty thép Trung Quốc đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh khi Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chiến dịch nhằm giải quyết tình trạng dư thừa của ngành thép.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra về thép nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài vốn là nguyên nhân gây ra sự đình trệ cho “Vành đai Rỉ sét” của Mỹ, ngành thép Đại lục đã tỏ ra lao đao, nhiều hãng sản xuất thép phải đóng cửa để kiềm chế sản lượng dư thừa, ước tính khoảng 300 triệu tấn.

China Daily cho biết động thái của Washington có thể gây ra tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Nhật Bản, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cũng tỏ ra quan ngại về chính sách hạn chế nhập khẩu thép của Tổng thống Trump.

“Chúng tôi rất quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, mặc dù ông ấy đã khá dịu giọng trong một số vấn đề”, Kosei Shindo, Chủ tịch Liên đoàn sắt thép Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo hôm 24.4.

Theo Channel News Asia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc mới đây đã công bố danh sách 29 công ty sẽ bị loại khỏi danh sách chính thức của ngành thép. Hầu hết trong số này đã ngừng sản xuất, một số lại mở rộng sản xuất bất hợp pháp hoặc vi phạm lệnh đóng cửa của nhà nước. Bên cạnh đó, 40 công ty thép khác cũng được yêu cầu phải thay đổi một số hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

“Trung Quốc nên tiếp cận từ từ trong việc ra lệnh đóng cửa các nhà máy hoạt động không hiệu quả. Vì nếu ép buộc đóng cửa ngay lập tức sẽ gây ra một sự tăng giá thép như những gì đã xảy ra trong quý ba năm ngoái”, Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa của ngân hàng ANZ, nói.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhắm đến việc giảm từ 100 triệu đến 150 triệu tấn sản lượng thép dư thừa trong giai đoạn 2016 - 2020. Nước này cũng có kế hoạch sẽ loại bỏ khoảng 100 triệu tấn thép chất lượng thấp vào cuối tháng 6.2017. Số liệu công bố từ China Metalurgical News vào đầu tháng này cho thấy 292 trên tổng số 635 công ty thép ở 12 tỉnh thành của Đại lục đã ngừng sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn vì hoạt động không hiệu quả.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục