tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-07-2018

  • Cập nhật : 07/07/2018

Hơn 30 triệu thẻ ngân hàng khóa hủy, lãng phí 1.500 tỷ đồng

Hiện toàn thị trường có hơn 30 triệu thẻ ngân hàng ở tình trạng khóa hủy, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, đến hết năm 2017, toàn thị trường có khoảng 110 triệu thẻ ngân hàng, trong đó hơn 30 triệu thẻ ở tình trạng khóa hủy. Tuy nhiên, trong 77 triệu thẻ đang lưu hành có một phần không nhỏ thẻ không hoạt động hay không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.

Hơn 30 triệu thẻ ngân hàng khóa hủy, lãng phí 1.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, chất lượng phát hành thẻ chưa cao. (Ảnh: Vân Anh).

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đều muốn mở rộng số lượng khách hàng và mở thẻ miễn phí. Các nhân viên được giao chỉ tiêu số thẻ phát hành mà không cần quan tâm thẻ có được sử dụng hay không.Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, chất lượng phát triển thẻ chưa cao khi có tới hơn 30% số thẻ bị khóa hủy, chiếm tỷ lệ rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nếu giả định chi phí phát hành một chiếc thẻ ATM là 50.000 đồng, số tiền lãng phí tối thiểu lên đến con số 1.500 tỷ đồng.

"Không chỉ thẻ ATM, thẻ ghi nợ nội địa... vẫn được sử dụng để rút tiền mặt là chủ yếu, chức năng thanh toán phi tiếp xúc chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Vì thế, trong thời gian tới, các ngân hàng cần đưa hoạt động phát hành thẻ đi vào thực chất hơn, tức là thẻ phải có phát sinh giao dịch thực tế", ông Đào Minh Tuấn nhấn mạnh.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%; trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%; Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam có mức phát triển thuộc top nhanh nhất trong khu vực, tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán online rất thấp.

"Hiện 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, và có tới 99% thanh toán tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng", ông Tuấn cho biết thêm.

Hơn 30 triệu thẻ ngân hàng khóa hủy, lãng phí 1.500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực. (Ảnh: KT).

"Người tiêu dùng Việt Nam coi trọng sử dụng tiền mặt là bởi những phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra phương pháp thanh toán này giúp họ quản lý ngân sách mà không có chi phí phát sinh, người dùng cho rằng thanh toán bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, riêng tư bởi nó không để lại dấu vết của giao dịch và không lộ thông tin cá nhân", Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam nhận định.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Kèm với đó thúc đẩy phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng ngân hàng số...

Việc hạ tầng thanh toán phi tiếp xúc cần được chuẩn hóa, nâng cấp từ quy trình đến công nghệ nhằm góp phần xây dựng một nền chính phủ điện tử minh bạch, hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước cũng đánh giá việc áp dụng công nghệ thanh toán phi tiếp xúc thông qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam còn tương đối mới, cần có sự cải thiện mạnh mẽ trong thời gian sớm nhất (VOV)
------------------------

Tỉnh, thành không được trực tiếp vay vốn nước ngoài

Chính quyền địa phương cấp tỉnh được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách cấp tỉnh và vay để trả nợ gốc các khoản vay của địa phương...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP về quản lý nợ của chính quyền địa phương, trong đó quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách cấp tỉnh và vay để trả nợ gốc các khoản vay của địa phương.

Nghị định nêu rõ, việc vay của chính quyền địa phương cấp tỉnh phải bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các nguyên tắc về thời gian vay, chương trình quản lý nợ, nằm trong giới hạn vay đã được phê duyệt…

Việc vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Các khoản vay chỉ thực hiện và hạch toán bằng Đồng Việt Nam, trừ các khoản vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ.

Đáng chú ý, nghị định quy định chính quyền địa phương không được trực tiếp vay nước ngoài; không được bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Phải ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.

Nợ chính quyền địa phương phải được hạch toán, kế toán, bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch trong quản lý nợ và gắn với trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc quản lý nợ chính quyền địa phương.

Hình thức vay của chính quyền địa phương gồm: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước theo quy định; Vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ; Vay trực tiếp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước; vay ngân quỹ nhà nước; vay từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định.

Điều kiện vay của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.(Vneconomy)
-------------------------------

Hà Nội và Tp.HCM được cho vay lại 100% vốn ODA

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ trong đó quy định rõ điều kiện được vay lại đối với UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý nợ công.

Theo nghị định, tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh được quy định theo một số nguyên tắc: Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 40%. Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50%.

Địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương trừ Hà Nội, Tp.HCM, tỷ lệ cho vay lại là 70%. Riêng Hà Nội và Tp.HCM tỷ lệ cho vay lại là 100%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho từng thời kỳ ổn định ngân sách trước ngày 1/1 năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách.

Về tỷ lệ cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định nêu rõ: Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, tỷ lệ vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư thì tỷ lệ vay lại là 50%.

Đối với doanh nghiệp, Nghị định quy định doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định nêu rõ, lãi suất cho vay lại được quy định tại khoản 5 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.

Bên vay lại chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, có hiệu quả theo các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, văn kiện dự án được phê duyệt, hợp đồng cho vay lại đã ký kết.

Bên vay lại thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng vay lại cho Bộ Tài chính (trường hợp cho vay lại UBND cấp tỉnh) hoặc cho cơ quan được ủy quyền cho vay lại để các cơ quan này hoàn trả đầy đủ, đúng hạn khoản thu hồi nợ vào Quỹ Tích lũy trả nợ.(Vneconomy)
------------------------

Ngân hàng Thế giới: Tương lai việc làm của Việt Nam phụ thuộc vào 3 yếu tố này

Ngành hiện đại, ngành truyền thống, lượng lao động và các thể chế thị trường lao động là 3 bánh răng trong cỗ máy tạo việc làm, theo nhận định của ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.

"Tương lai việc làm Việt Nam" là ấn bản mới nhất của World Bank, thực hiện theo đặt hàng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2016 khi muốn tiến hành các hành một cuộc chẩn đoán sâu về tình hình việc làm trong nước để có những bước đi phù hợp.

Từ những nghiên cứu, phía World Bank phát hiện có 3 yếu tố cần phải ăn khớp với nhau để đảm bảo việc làm ngày càng tốt hơn ở Việt Nam. Đó là ngành hiện đại, ngành truyền thống, lực lượng lao động và các thể chế thị trường lao động.

"Chúng cần hoạt động giống như bánh răng trong một cỗ máy, duy trì sự hài hòa và phối hợp để giữ cho "máy tạo việc làm" hoạt động trơn tru", ông Ousmane Dione nói.

Những "chiếc bánh xe" này, đại diện World Bank cho biết sẽ bị tác động bởi những 4 xu hướng lớn của thế giới, bao gồm: thay đổi hình thức thương mại, kinh tế tri thức, già hoá dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu. Cụ thể, nếu Việt Nam không biết tận dụng, khai thác các lợi thế đang có thì có thể bị trục trặc tương tự hình ảnh "gậy chọc bánh xe", khiến việc làm bị ngừng lại.

Ngược lại, nếu làm tốt, các xu hướng này hoàn toàn có thể trở thành chất "bôi trơn" cho các bánh răng trong cỗ máy việc làm bởi tiềm năng trong tương lai.

Phân tích kỹ hơn từng bánh răng trong cỗ máy việc làm, ông Ousmane Dione nói rằng trong ngành hiện đại, điều quan trọng nhất là hỗ trợ các ngành công nghiệp. Điều này vừa tốt cho các nhà đầu tư, tăng trưởng và cả cho công việc. Sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm là một điều quan trọng, ông cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải quan tâm đến môi trường kinh doanh, bởi chỉ khi môi trường thuận lợi mới thúc đẩy đổi mới, thu hút đượ FDI có giá trị cao hơn, đồng thời đảm bảo được khu vực doanh nghiệp nội địa được tháo xích tiến đến chuỗi giá trị khu vực toàn cầu.

"FDI không phải lúc nào cũng dẫn đến tăng trưởng nội địa", ông Dione nhấn mạnh và cho biết cần phải suy nghĩ nhiều hơn về mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và DNNVV tại địa phương.

"Ngành hiện đại là nơi có các công việc tốt nhất của Việt Nam - cung cấp năng suất lao động và tiền lương cao hơn và các lợi ích xã hội tốt hơn", đại diện World Bank nói.

Điểm mấu chốt của ngành này được World Bank chỉ ra là Việt Nam phải tránh xa khỏi vị trí "công xưởng" của thế giới và tận dụng được những cơ hội chưa được làm tốt trước đây.

Đơn cử như đối với ngành dịch vụ CNTT mà Việt Nam có tiềm năng lại tồn tại nhiều hạn chế bao gồm liên quan đến khung pháp lý, thể chế, hạ tầng, các ngành nghề hỗ trợ...  

Bánh răng thứ hai là việc làm trong ngành truyền thống với vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là nguồn việc cho những người yếu thế (dân tộc, người già, người ít học vấn). Việc tích hợp các công việc của ngành truyền thống vào nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm nghèo.

Ông Ousmane Dione cho biết tạo công ăn việc làm trong khu vực truyền thống sẽ đòi hỏi việc đa dạng hoá thành cây trồng có giá trị cao. Ví dụ như chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng cà phê, hạt tiêu với mức tiền thu được gấp 3 – 5 lần.

Cuối cùng, phía World Bank đề cập đến lực lượng lao động và thể chế thị trường lao động. Con người là nhân tốt cần thiết cho sự tăng trưởng của Việt Nam khi bước thêm các nấc thang kinh tế toàn cầu. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Chính Phủ và khu vực tư nhân phải xây dựng kỹ năng cho việc làm cho hiện tại và tương lai.

Những kỹ năng được World Bank nói rõ là khả năng linh hoạt, nhận thức bậc cao và cảm xúc xã hội cũng như các kỹ thuật có thể chuyển giao được giữa các ngành.

"Kết quả tốt nhất sẽ được gặt hái khi chính phủ các cấp bao gồm cả trung ương và các cấp khu vực, khu vực tư nhân và công dân Việt Nam cùng nhau làm việc với mục tiêu chung", Giám đốc World Bank Việt Nam kết luận.   (CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục