tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-07-2018

  • Cập nhật : 07/07/2018

Thêm một dự án điện mặt trời có công suất lên đến 204 MW

Ninh Thuận đón chào một dự án điện mặt trời có công suất lên đến 204 MW, tổng vón đầu tư 5.000 tỉ đồng

Ngày 3.7, tại tòa nhà EVN, số 11 Cửa Bắc, Phường Trúc Bạch, Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng mua bán điện giữa Công ty Mua bán điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EPTC) và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (Trungnam Solar Power) - Thành viên của Trungnam Group.

Điện mặt trời Trung Nam (Trungnam Solar Power) đang là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam với tổng công suất 204 MW. Nhà máy điện mặt trời sẽ được xây dựng mới hoàn toàn ngay trên khu vực triển khai dự án trang trại điện gió Trung Nam thuộc địa bàn xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án điện mặt trời có tổng vốn đầu tư 4.994 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 7.7 và dự kiến hoàn thành vận hành vào tháng 6.2019. Quy mô dự án gồm hơn 705.000 tấm pin phân bổ các khu vực trống của trang trại điện gió; đấu nối 45 trạm chuyển đổi Inverter và các thiết bị liên quan vào trạm nâng áp; đấu nối, truyền tải điện năng vào đường dây 220 kv Tháp Chàm; xây dựng các cơ sở hạ tầng liên kết với dự án. 

Sau khi khánh thành và đưa vào vận hành, nhà máy điện mặt trời Trung Nam đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điện năng sản xuất trong năm tối thiểu là hơn 401 triệu kWh và tối đa là hơn 450 triệu kWh. Sản lượng quang điện trên khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia sẽ cung cấp, bổ sung nguồn điện cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng

Trong thỏa thuận mua bán điện lần này, EPTC sẽ mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/ kWh (tương đương 9.35 US cents/kWh).

Ông Lê Khắc Hưng, Phó giám đốc Công ty Mua Bán Điện  - Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định Công ty Mua Bán điện (EPTC) cam kết phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để đưa dự án vào hoàn thành vận hành theo đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất. (NCĐT)
----------------------------

Robot: “Khái niệm mới” giúp tăng trưởng sản xuất ở Việt Nam

Nền sản xuất của Việt Nam sẽ ra sao khi số lượng robot lắp đặt tại các nhà máy tăng lên nhằm giúp giảm thiểu sai sót của con người?

Liên đoàn Robotics Quốc tế ước tính đến năm 2019, số lượng robot công nghiệp được lắp đặt tại các nhà máy sẽ tăng lên 2,6 triệu từ con số 1,6 triệu trong năm 2015.

Tại Việt Nam, đường hầm thứ 2 của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được robot TBM đào trong 5 tháng. Thiết bị đào ngầm robot TBM hiện đại từ Nhật Bản có tổng chiều dài 70 m, nặng 300 tấn.

Theo báo cáo của Monetary Watch, sau khi một nhà máy ở thành phố Đông Hoản, Trung Quốc sử dụng robot vào dây chuyền sản xuất, năng suất sản xuất của họ tăng 250%, các lỗi trong quá trình sản xuất giảm 80%.

Thực tế đang chứng minh, tất cả các nhà sản xuất không thể bỏ qua các công nghệ hiện đại về khả năng tùy chỉnh, độ chính xác, tốc độ sản xuất nhanh và sự chuyển đổi từ analog sang vận hành kỹ thuật số trong thời đại công nghiệp 4.0.

Robot: “Khai niem moi” giup tang truong san xuat o Viet Nam
 

Tự động hóa đang được phát triển để giúp giảm thiểu sai sót của con người. Vấn đề đặt ra là những trung tâm sản xuất mới nổi như Việt Nam cần có hướng đi như thế nào trước chuyển biến này?

“Những người không thích ứng được với sự chuyển biến này có nguy cơ rời xa hơn cuộc đua công nghiệp”, ông Suttisak Wilanan, Giám đốc điều hành, Công ty Reed Tradex, nói tại họp báo hôm 4.7.2018.

Nói cách khác, những nhà máy tự động hóa, hoạt động 24/7 còn được gọi là nhà máy thông minh sẽ dần được hình thành nhiều hơn.

Theo ông Suttisak Wilanan, sự tích hợp của một số công nghệ mới đã mở ra các loại hình hệ thống tự động như “Robot hợp tác” hoặc Cobots, một hệ thống robot được thiết kế để làm việc an toàn cùng con người. Từ đó, lợi ích của việc nâng cấp sản xuất tự động hóa đã được công bố bao gồm hiệu quả cao hơn, năng suất tốt hơn, thời gian ngừng sản xuất ít hơn và nhiều lợi ích hơn nữa.

Việt Nam những năm gần đây đang thực hiện đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tại Hà Nội, Vietnam Manufacturing Expo” sẽ phối hợp với Universal Robots để tổ chức khu trưng bày “Co-bot Showcase” từ ngày 8 đến 10.8.2018, nhằm quảng bá các ứng dụng của cobots, đồng thời thể hiện chức năng làm việc chặt chẽ với người điều khiển.(NCĐT)
------------------------------

Năm 2018, tín dụng tăng chưa đến 17% vì siết bất động sản?

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy các ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng 16,7% trong năm 2018.

Năm 2018, tín dụng tăng chưa đến 17% vì siết bất động sản? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh tốt khiến ngân hàng đẩy mạnh tuyển thêm lao động trong năm nay. Trong ảnh: giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mức này thấp hơn 1,47% so với mức tăng tín dụng năm 2017. Còn nếu so với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm 2018 là 17%, mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng thấp hơn khoảng 0,3%.

Tuy nhiên, mức kỳ vọng này đã tăng so với mức kỳ vọng 16,3% ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguyên nhân chính khiến tín dụng năm 2018 tăng chậm hơn so với năm ngoái là các ngân hàng đã siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, do lo ngại rủi ro khi thị trường này tăng trưởng quá nóng thời gian qua.

Thị trường bất động sản cũng giảm nhiệt, dẫn đến nhu cầu vay để đầu tư giảm hẳn. Các ngân hàng đang phải tìm kênh khác để đẩy vốn, trong đó kênh được nhắm đến nhiều nhất là sản xuất kinh doanh.

Tuy tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhưng theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 88% ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017.

Lợi nhuận toàn hệ thống cũng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018, cao hơn so với mức kỳ vọng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra quý 1.

Trên cơ sở kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn - cho vay duy trì ổn định trong quý 3 năm nay, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng 16,51% trong cả năm 2018.

Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực. Bên cạnh nhu cầu tiền gửi, vay vốn, nhu cầu thanh toán và thẻ được kỳ vọng tăng cao.

Mức độ lành mạnh của khách hàng cũng tăng lên. Kết quả điều tra cho thấy kỳ vọng của các ngân hàng về mức độ rủi ro tổng thể của khách hàng tại cuộc điều tra kỳ này tích cực hơn kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước.

Trong nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế, bên cạnh loại hình khách hàng được đánh giá có mức độ rủi ro thấp nhất là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức độ rủi ro của khách hàng là doanh nghiệp nhà nước cũng được đánh giá có xu hướng giảm.

Trên cơ sở đó, các ngân hàng dự kiến đến cuối năm 2018, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng có thể giữ ở mức thấp và thấp hơn so với cuối năm trước.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, 46% ngân hàng cũng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý 2 và sẽ tiếp tục tuyển thêm lao động cho quý 3. 

Dự kiến đến cuối năm 2018, 70% ngân hàng dự kiến tăng số lao động; 23% dự kiến "giữ nguyên" và chỉ có 7% ngân hàng cho biết sẽ "cắt giảm" lực lượng lao động.(Tuoitre)
-------------------------

Đại gia Nhật Bản tính chi ngàn tỉ gom cổ phiếu Dược Hậu Giang

Sau điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán DHG từ 49% lên 100% có hiệu lực, Dược Hậu Giang nhận được lời chào mua trên 9,2 triệu cổ phiếu từ Taisho Nhật Bản.

Đại gia Nhật Bản tính chi ngàn tỉ gom cổ phiếu Dược Hậu Giang - Ảnh 1.

Taisho ước tính sẽ chi hơn 1.100 tỉ đồng "gom hàng", để nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại Dược Hậu Giang từ gần mức 25% lên 32%, tương đương hơn 41,8 triệu cổ phiếu DHG - ẢNH: DHG

Ngày 4-7, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS) đã có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) để thông báo thực hiện điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán DHG thuộc Công ty CP Dược Hậu Giang từ 49% lên 100%.

Trước đó, từ khoảng tháng 6-2017, Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang đã quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Sau khi được chấp thuận cho nới room ngoại "hết cỡ" thì ngày 5-7, Dược Hậu Giang đã công bố thông tin về việc Công ty CP Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) dự kiến chào mua công khai trên 9,2 triệu cổ phiếu DHG với giá thỏa thuận 120.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá giao dịch khi chốt phiên giao dịch ngày 5-7 là 105.200 đồng/cổ phiếu.

Thời gian chào mua công khai là trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hiện tại, Taisho đang là cổ đông lớn thứ hai tại Dược Hậu Giang, chỉ đứng sau cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 43,31% cổ phần.

Taisho là Công ty dược phẩm có thị phần thuốc OTC (loại thuốc bán không kê toa) lớn nhất Nhật Bản, có lịch sử phát triển hơn 100 năm, và là một đối tác lớn của Dược Hậu Giang.

Ở thời điểm tháng 6 năm 2016, Taisho đã nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 21,3 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 24,4% cổ phần tại công ty này.

Nếu thương vụ sắp tới thành công, Taisho ước tính sẽ chi hơn 1.100 tỉ đồng "gom hàng", để nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại Dược Hậu Giang từ gần mức 25% lên 32%, tương đương hơn 41,8 triệu cổ phiếu DHG.

Sau thông tin trên, cổ phiếu DHG có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi thị trường chứng khoán phiên giao dịch 5-7 bị suy giảm và thủng đáy 900 điểm.

Mã DHG được khối ngoại gia tăng mua ròng gần 200.000 cổ phiếu, tăng mạnh đến 5.300 đồng, lên 105.200 đồng/cổ phiếu, nối tiếp phiên tăng trưởng ngày hôm qua (4-7).

Phiên giao dịch ngày hôm nay cũng chứng kiến việc khối ngoại đột ngột mua ròng mã DHG với khối lượng đột biến kể từ một tháng qua.

Qúy 1 năm 2018 ghi nhận Dược Hậu Giang đạt lợi nhuận sau thuế là khoảng 171 tỉ đồng, tăng trưởng so với hai quý cuối năm 2017.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục