tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-07-2018

  • Cập nhật : 06/07/2018

Các nhà tài trợ Nhật Bản kêu gọi Việt Nam xử lý nợ công

Cần tái cấu trúc danh mục nợ công từ ngắn hạn với các khoản vốn vay lãi suất cao sang dài hạn với lãi suất thấp bắt đầu từ vốn vay ODA

Rà soát tình hình cân đối tài khóa, một trong ba vấn đề Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018, hôm 4.7.2018, nhằm đề nghị Chính phủ Việt Nam xử lý để cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản tại Viêt Nam (JCCI), ông Koji Ito, cho biết: “Nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ ở mức 65% GDP và đang gây tình trạng nợ đọng ở các dự án ODA” và “hiện chưa thấy dấu hiệu cải thiện hoặc giải pháp nào cho vấn đề nợ công”.

"Nếu Chính phủ Việt Nam quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, sẽ cản trở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Koji Ito nói rằng những quan ngại này của doanh nghiệp được JCCI nêu ra từ năm ngoái.

“Việt Nam đang rất cần các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Cơ sở hạ tầng lạc hậu sẽ làm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài”.

“Chúng tôi không phản đối việc duy trì kỷ cương về chính sách tài khóa” ông Koji Ito khẳng định. “Không những thế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề, có các biện pháp căn bản, như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay”.

Người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam cũng nói “thực sự mong muốn Việt Nam sẽ khai thác được nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài”.

Dịp này, JCCI cũng đề nghị đầu thu ngân sách cần được tiếp tục các biện pháp đa dạng hóa hệ thống thuế và cải thiện phương thức thu thuế, còn ở đầu chi nên hợp lý hóa, tối ưu hóa quy trình.

Tại VBF lần này, JCCI đã đề xuất Chính phủ Việt Nam "tái cấu trúc danh mục nợ công từ đầu để đảm bảo nguồn vốn được phân bổ cho những lĩnh vực thực sự đạt hiệu quả cao, trong bối cảnh nợ công đã đạt ngưỡng 65% GDP". Việt Nam "cần tái cấu trúc danh mục nợ công từ ngắn hạn với các khoản vốn vay lãi suất cao sang dài hạn với lãi suất thấp bắt đầu từ vốn vay ODA", JCCI đề xuất. 

Trên thực tế, trước diễn ra VBF 2 ngày, xử lý nợ công cũng là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Chính phủ hôm 2.7.

Theo Hội nghị này, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2018 đạt khá, ước đạt 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Và chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt 42,6% dự toán năm.

Dù vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo, tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước trên cơ sở giải trình minh bạch, hiệu quả về định hướng và kỷ luật chi ngân sách nhà nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành liên quan tăng cường quản lý thu, giảm nợ đọng và chống thất thu thuế hơn là tăng thuế, đồng thời kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự báo thu, chi ngân sách theo đúng dự toán, bội chi năm 2018 còn dưới mức 3,7% theo quy định của Quốc hội, nợ công cuối năm nay dự kiến ở mức 61,4%, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cho biết khi Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia họp Quý I/2018 vào ngày 29.3. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính khẳng định, tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới 31/12/2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó. (NCĐT)
--------------------------

Savills Việt Nam: Giá bất động sản vẫn tăng nhưng chậm hơn

Không nhiều bất ngờ, nhưng đủ để ghi nhận nhu cầu thực của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà ở chiếm ưu thế.

Theo quan sát của Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, ông Troy Griffiths,  các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho thấy mối quan tâm đặc biệt đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhu cầu thực từ nhà đầu tư nước ngoài

Quy mô nới lỏng định lượng (QE) lịch sử cho thấy mức sinh lợi vẫn còn tương đối thấp. Khi QE giảm xuống, chắc chắn những thị trường mới nổi sẽ chịu một số áp lực, trong đó đặc biệt là hệ thống tiền tệ. Vì lẽ đó, bất động sản sẽ vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần.

Các hoạt động mua bán và sát nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra khá sôi động, Phó Giám đốc Savills Việt Nam nói điều này là “dễ thấy”.

Nhưng điểm mà ông Troy Griffiths cho là “khác biệt chính với Việt Nam” vào thời điểm này là hoạt động trên thị trường chứng khoán, với hơn 1 tỷ USD thu về từ IPO trong quý 1 năm 2018. Trong khi chỉ số HOSE gần đây đã tạm ngừng giao dịch, vẫn có một số kênh đầu tư đặc biệt lớn vào các danh mục bất động sản trong tương lai gần.

Trong lịch sử không có nhiều cổ phiếu bất động sản niêm yết, trong khi đó các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lại hỗ trợ tính thanh khoản rất tốt cho nhà đầu tư, dù thực tế vẫn còn nhiều quan ngại trong việc định giá.

Quản trị tốt, hệ thống chuẩn mực kế toán cải tiến và thị trường chứng khoán ổn định luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với cổ phiếu bất động sản.

Nhìn chung, mức sinh lợi cao luôn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi so sánh thị trường Việt Nam với khu vực. Tỉ lệ lợi tức cho thuê trên tổng tài sản hợp lý cùng với hệ số lãi vốn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, việc giảm thiểu tình trạng ‘rủi ro quốc gia’ sẽ thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Theo ông Troy Griffiths, Việt Nam đang có lợi thế rất tốt để thực hiện bước nhảy vọt từ thị trường truyền thống thông qua các nền tảng, ứng dụng công nghệ tài chính nhằm mang đến những lợi ích to lớn cho ngành bất động sản.

Việc không sở hữu hệ thống di sản công nghệ và có một nền văn hóa khởi nghiệp trẻ, am hiểu, cơ hội để nắm bắt những tiến bộ về công nghệ là rất mạnh mẽ. Do đó, Chính phủ đã có một loạt những sáng kiến, nghị định và thông tư mới nhằm hỗ trợ những thách thức này.

Bên cạnh chất lượng tăng trưởng cải thiện của nền kinh tế Mỹ, ông Troy Griffiths cho rằng, phản ứng của các quốc gia trong khu vực đối với mức nới lỏng định lượng và đà tăng lãi suất của Fed là khá thú vị. Điều này có khả năng thúc đẩy một lượng vốn lớn vào thị trường bất động sản.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nội địa đang có nhu cầu đầu tư bất động sản nhà ở, từ đó góp phần tạo dựng đà tăng trưởng kinh tế phát triển sâu rộng hơn.

Trong giai đoạn du lịch Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển ngoạn mục, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn sẽ tiếp tục chứng tỏ tiềm năng, cơ hội và đón đầu thị trường.

Bất động sản nhà ở chiếm ưu thế

Giai đoạn năm 2013 – 2017 đã chứng kiến mức tăng giá trung bình khoảng 9%/năm ở phân khúc thị trường căn hộ TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa cao cùng những giải pháp đẩy mạnh cơ sở hạ tầng ở thành phố này đã góp phần mạnh mẽ vào đà tăng trưởng chung.

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực đã dẫn đến nguồn cung căn hộ đều đặn và nhờ đó, thị trường tăng trưởng tương đối ổn định mà không gặp bất cứ bài toán cung vượt cầu đáng kể nào.

Ông Troy Griffiths cho rằng nhu cầu nhà ở mạnh mẽ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm 2018, đặc biệt là khi thị trường tìm về mức giá trị hợp lý thỏa mãn nhu cầu chủ sở hữu để ở hợp pháp. Theo đó, nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh sẽ tác động đến tất cả phân khúc và đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng.

Nhìn chung, giá bán căn hộ ở TP.HCM vẫn thấp hơn so với các thành phố khác như Kuala Lumpur hay Bangkok, mặc dù tốc độ phát triển ở TP.HCM lại cao hơn những thị trường này. Cụ thể trong năm 2017, giá bán căn hộ cao cấp ở TP.HCM chỉ bằng khoảng tầm 90% so với Kuala Lumpur và xấp xỉ 20% so với Singapore.

Phó Giám đốc Savills Việt Nam tin rằng: “Mức giá bán trung bình trên bình diện rộng của thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm rãi hơn. Giá bán tăng cũng đi liền với những dự án tiêu chuẩn phát triển chất lượng hơn”.(NCĐT)
--------------------

Doanh nghiệp đường Việt Nam đầu tiên xuất sang Mỹ

TTC Sugar là doanh nghiệp đường Việt Nam đầu tiên đã xuất khẩu sang Mỹ với khối lượng khởi động là 29 tấn.

Trong hội thảo “Gặp gỡ cổ đông VIP, nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia phân tích” do Công ty Cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC Sugar-SBT) và Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phối hợp tổ chức, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch TTC Sugar cho biết đã hoàn tất việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đường Việt Nam để được giao dịch tại 2 sàn giao dịch hàng hóa New York (đường thô) và London (đường trắng).

SBT hiện nay dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, 9 nhà máy luyện đường với công suất ép mía 48.600 tấn/ngày (chiếm 33% tổng công suất cả nước). SBT có vùng nguyên liệu 62.000ha, chiếm 1/4 vùng nguyên liệu cả nước. Vùng nguyên liệu của SBT đều cơ giới hóa và thu hoạch hầu hết bằng máy lớn. 82% vùng nguyên liệu do SBT tự đầu tư, trải dài 3 nước Đông Dương.

Niên độ 2017-2018, SBT đã tìm cách cải thiện năng suất vùng nguyên liệu, lên 70 tấn/ha, tăng 21% sau 5 năm nhằm giảm giá thành và gia tăng năng lực cạnh tranh. Cũng trong niên độ này, SBT ước đạt sản lượng tiêu thụ đường là 620.000 tấn, chiếm 44% cả nước và vượt kế hoạch đề ra.

SBT và Công ty đang sản xuất nhiều loại đường, từ đường tinh luyện cao cấp đến đường ăn kiêng Isomalt. Ngoài ra, SBT cũng quan tâm sản xuất những sản phẩm sau đường như mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai Miaqua, phân vi sinh hữu cơ, bã mía (chiếm 4% cơ cấu doanh thu 9 tháng niên độ 2017-2018).

Về phân phối bán hàng, SBT phát triển qua cả 5 kênh chính gồm công nghiệp lớn (MNC) chiếm 45% doanh thu (Coca-Cola, Nestle, Pepsi, Vinamilk, Vinacafe, Tân Hiệp Phát…); xuất khẩu (16%); thương mại (14%);  bán lẻ (chiếm 14% doanh thu, với 88 nhà phân phối, 49.000 cửa hàng tạp hóa bán lẻ, 2.035 siêu thị và cửa hàng tiện ích); tiêu dùng (B2C) và tiểu thủ công nghiệp (SME) chiếm 11% (như Chương Dương, Yến Sào Khánh Hòa, Asiafood, Cholimex, Bibica, Phạm Nguyên, Kido, Nutifood, Cửu Long, Hậu Giang… ). SBT cũng đã đầu tư hệ thống 35 kho bãi lưu trữ với tổng diện tích 115.000m2 từ Bắc vào Nam.

Về xuất khẩu, SBT đã xuất sang Mỹ với khối lượng khởi động 29 tấn sau khi đảm bảo được các chỉ tiêu Giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Mỹ (FDA) và chứng minh sản xuất bằng công nghệ châu Âu với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. 

Thị trường Mỹ với tổng mức tiêu thụ lên đến 12 triệu tấn/năm, là một trong những nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới. Hằng năm, Mỹ nhập đường từ hơn 40 quốc gia, trong đó Mexico cung cấp khoảng 1/3 sản lượng. Từ năm 2017, các nhà nhập khẩu đường của  Mỹ muốn tìm thêm nguồn đường mới thay thế. Do đó, cơ hội xuất khẩu sang Mỹ của SBT được đánh giá sẽ còn rộng mở.

Ngoài Mỹ, SBT cũng xuất khẩu sang Trung Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Singapore và Keynia.  SBT chủ yếu xuất khẩu đường tinh luyện cao cấp RE, Đường vàng và Đường thỏi.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục