tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-06-2018

  • Cập nhật : 07/06/2018

Châu Âu vẫn 'nghiện' khí đốt Nga

Dù cố gắng thế nào, châu Âu vẫn không thể hoàn toàn xa rời năng lượng Nga.

tong thong nga vladimir putin - anh: shutterstock

Tổng thống Nga Vladimir Putin - ẢNH: SHUTTERSTOCK

Theo CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin được chào đón nồng hậu ở Vienna (Áo) hôm 5.6, ngày kỷ niệm lần thứ 50 Áo trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên nhập khẩu khí đốt của Liên Xô kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Đây là chuyến thăm hiếm hoi: Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì hành động của nước này với Ukraine vào năm 2014, lên án mối liên hệ của Moscow trong vụ hạ độc cựu gián điệp Nga Sergei Skripal ở Anh.

Chuyên gia Kristine Berzina tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho hay: “Chuyện một lãnh đạo châu Âu được Tổng thống Putin đến thăm cấp nhà nước tại thủ đô của nước họ là không bình thường, xét đến bối cảnh căng thẳng hiện thời giữa châu Âu và Nga”. Dù vậy, sự thù địch giữa hai bên kết thúc khi nhắc đến chuyện năng lượng vì các lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ rằng hàng triệu ngôi nhà sẽ không được sưởi ấm nếu Nga chặn đường ống khí đốt.

Nhập khẩu từ Nga đang tăng

EU nhập khẩu 69% lượng khí đốt tự nhiên, theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC). Dữ liệu mới nhất cho thấy 37% lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Nga, khoảng 33% đến từ Na Uy và 11% từ Algeria. Dù EU cam kết giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, xuất khẩu của Nga đến châu Âu vẫn tăng lên mức kỷ lục trong hai năm qua.

Nhập khẩu khí đốt Nga vào Áo tăng gần gấp đôi trong quý 1/2018 so với năm ngoái. “Có nhiều lý do cho điều này, cụ thể là sự sụt giảm sản xuất ở Hà Lan, thực tế một số hoạt động phát triển khí tự nhiên hóa lỏng bị trì hoãn, và thực tế là khí đốt Nga rất cạnh tranh về mặt giá cả. Thực tế, khí đốt Nga là lựa chọn tốt nhất”, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khí đốt tự nhiên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford James Henderson cho hay.

Nhiều nước EU, đặc biệt là những nước gần Nga nhất, vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Hơn nữa, phần lớn khí đốt tự nhiên Nga được bơm qua Ukraine, con đường nguy hiểm vì hai nước đang có xung đột.

Nga cũng cần châu Âu

Trước đây Nga tận dụng sự phụ thuộc năng lượng của Ukraine vào nước này để gây áp lực lên Kiev. Một số lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng Nga có thể áp dụng cùng chiến lược với EU để trả đũa các lệnh trừng phạt.

“Dù vậy điều này không thực sự xảy ra. 67% doanh thu thuế Nga đến từ xuất khẩu năng lượng. Nga cần thương mại, giao dịch này hơn EU”, nghiên cứu sinh cao cấp Marco Siddi tại Học viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan cho hay. Các kế hoạch về đường ống dẫn khí mới đi qua Ukraine được thực hiện trong nhiều năm, song châu Âu vẫn chia cắt sâu sắc về dự án này.

Những nước phản đối cho rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga, song Đức và một số nước khác cho biết đường ống sẽ giúp an ninh năng lượng châu Âu tốt hơn. “Tôi cho rằng ở Áo, ở Đức, mối quan hệ kinh tế trong vấn đề năng lượng vượt vấn đề chính trị”, chuyên gia Berzina cho hay.

Phụ thuộc nhiều thập niên

EU có nhiều bước đi để “cai” khí đốt Nga. Đơn cử, họ đầu tư vào các trạm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Ba Lan và Lithuania để có thể sử dụng khí đốt từ các nước khác. Các nhà sản xuất Mỹ cũng nỗ lực xuất thêm khí đốt đến châu Âu, nhưng họ hầu như không thể cung cấp giá cạnh tranh được với Nga. Châu Âu cũng xây dựng nhiều liên kết đường ống tốt hơn giữa các nước, để họ có thể vận chuyển khí qua lại mà vẫn giữ giá cạnh tranh.

Mặc cho các nỗ lực trên, châu Âu có thể vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt Nga trong nhiều thập niên tới. “Châu Âu là khu vực nhập khẩu năng lượng lớn. Không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm sử dụng khí đốt nói chung”, ông Henderson nhận định.(Thanhnien)
-------------------------

Tỉ phú Thái Lan liên tục gom cổ phiếu Vinamilk

Từ ngày 6.6 - 5.7, Công ty F&N Dairy Investment (Singapore) đăng ký mua hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận với mục tiêu đầu tư.

co phieu vinamilk duoc ti phu thai lan tap trung gom mua - anh: gia khiem

Cổ phiếu Vinamilk được tỉ phú Thái Lan tập trung gom mua - ẢNH: GIA KHIÊM

Đây là lần thứ 5 tổ chức ngoại này đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu Vinamilk chỉ trong vòng 6 tháng.

Trước giao dịch này, F&N Dairy đã sở hữu hơn 251,2 triệu cổ phiếu Vinamilk, tương ứng 17,31%. Nếu giao dịch thành công, đơn vị này sẽ tăng sở hữu lên tương ứng 18,31% vốn của Vinamilk. Để mua được lượng lớn cổ phiếu này, nhà đầu tư ngoại sẽ phải chi ra gần 2.600 tỉ đồng.

Nếu tính từ tháng 12.2017 đến nay, F&N Dairy đã có tổng cộng 5 lần đăng ký mua vào cổ phiếu Vinamilk với cùng số lượng mỗi lần đăng ký là hơn 14,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên trong 4 lần trước, tập đoàn này chỉ mua được số lượng rất ít. Ví dụ trong tháng 5, F&N Dairy cũng đăng ký mua cùng số lượng hơn 14,5 triệu cổ phiếu nhưng chỉ mua được 130.000 cổ phiếu.

Hay trước đó, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, tập đoàn này cũng công bố mua vào cùng số lượng cổ phiếu như trên nhưng kết quả chỉ mua được 705.080 cổ phiếu. Lý do công bố khi không mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký đều do “Điều kiện thị trường không phù hợp”. Mặc dù giá cổ phiếu Vinamilk từ mức 214.000 đồng từ đầu năm đã liên tục đi xuống và giảm hiện còn 175.000 đồng nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn chưa gom đủ số lượng cần mua.

Ngay trong năm 2017, F&N Dairy cũng đã thực hiện nhiều lần đăng ký mua thêm cổ phiếu Vinamilk nhưng đều không đạt mục tiêu. F&N Dairy được sở hữu 100% bởi tập đoàn Fraser & Neave Limited (F&N) và tỉ phú Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đây là tỉ phú Thái đang sở hữu Tập đoàn Thai Beverage đã chi ra 5 tỉ USD để thâu tóm cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).(Thanhnien)
-------------------------

Dự trữ nhiên liệu của Trung Quốc giảm trong cuối tháng 4

Theo số liệu của Tân Hoa Xã, dự trữ sản phẩm xăng dầu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, dẫn đầu là sự sụt giảm trong dự trữ dầu diesel.

Dự trữ nhiên liệu tổng thể trong cuối tháng 4 giảm 3,6% so với tháng 3. Dựa trên tính toán của Reuters, tổng dự trữ nhiên liệu ở mức 20,67 triệu tấn.

Dự trữ dầu diesel trong tháng này giảm 11% so với tháng 3, xuống 9,04 triệu tấn. Dự trữ dầu diesel có tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước kể từ tháng 10/2017 do tiêu thụ từ xe tải phục hồi.

Dự trữ xăng tăng 5% trong tháng 4. Theo tính toán của Reuters dự trữ đạt mức 9,07 triệu tấn, cao kỷ lục kể từ khi Tân Hoa Xã bắt đầu công bố số liệu trong năm 2010.

Dự trữ dầu hỏa trong tháng 4 tăng 2% so với tháng trước, lên 2,48 triệu tấn, cũng là một kỷ lục.

Những lo ngại về dư thừa sản phẩm xăng dầu kéo dài do hoạt động lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng lên mức thứ hai trong kỷ lục do sử dụng hạn ngạch xuất khẩu cao hơn và biên độ lợi nhuận tăng.

Dự trữ dầu thô tăng 1,3% trong tháng 4, lên 27,45 triệu tấn, theo tính toán của Reuters.

Tân Hoa Xã không cung cấp hoàn toàn khối lượng tồn kho. Chính phủ này hiếm khi tiết lộ mức dự trữ dầu mỏ chiến lược hay dự trữ dầu thương mại, khiến khó khăn để đánh giá nhu cầu thực tại nước tiêu dùng lớn thứ hai thế giới này.(VITIC)
--------------------------

Samsung nhắm tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 57%

Hiện tại, tổng số nhà cung ứng của Samsung đã lên tới 308 doanh nghiệp, nhưng vẫn không dễ để trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn Hàn Quốc này.

Tiêu chuẩn toàn cầu là không đơn giản

Samsung Việt Nam năm nay tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt, trong đó có Công ty TNHH điện - điện tử Mê Trần (Vĩnh Phúc). Tính đến tháng 5, số sản phẩm đạt được là 720/người và không có hàng bị trả lại.

Ông Bùi Mạnh Tưởng, Giám đốc Mê Trần, cho biết, các hoạt cải tiến thao tác trong công đoạn từ vật tư cao su đổi thùng đựng đã giúp cho thời gian làm việc giảm từ 34 giây xuống  5 giây. Cạnh đó, cải tiến khoảng cách di chuyển vật tư giữa các công đoạn cũng được giảm đáng kể, từ 24m giảm xuống 3m. Những cải tiến này sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu tăng năng suất.

Ngay cả những doanh nghiệp như Công ty TNHH 4P ở Hưng Yên, doanh nghiệp nội địa duy nhất cung cấp bản mạch điện tử cho LGE tại Việt Nam, Samsung vẫn áp dụng những hỗ trợ cần thiết, để giúp doanh nghiệp này cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Trí, Tổng giám đốc 4P thừa nhận “không đơn giản” để được cung cấp bản mạch điện tử cho Samsung do Tập đoàn này rất khắt khe quy mô, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật và sự chuyên nghiệp cao.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, tuần trước đã có chuyến khảo sát năng lực của 4P, Mê Trần và Bưu điện Postef, để thẩm định năng lực của 3 đối tác này.

Tại Công ty 4P, ông Shim Won Hwan yêu cầu phải cải thiện nhận thức của người lao động về các trang thiết bị, như “phòng sạch” trong công ty. Theo ông, việc người lao động sử dụng đúng cách “phòng sạch”, một công đoạn khoa học trong quá trình sản xuất, mới có thể phòng trách rủi ro cũng như các sự cố về chất lượng sản phẩm.

Trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận hỗ trợ của Samsung, ông Kim Kyung Tae, chuyên gia cấp cao của Samsung, cho rằng, hiệu suất và quản lý đang là những hạn chế của các công ty này, dù các phương pháp 5S hay 3D làm khá bài bản.

Khó hơn với Bộ tiêu chuẩn vendor

Ông Kim Kyung Tae, người đã làm việc tại Samsung hơn 30 năm, cho rằng, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá các vender (nhà cung cấp) của Samsung.

Thế nhưng để đáp ứng được bộ tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị rất nhiều, đặc biệt là hệ thống hóa các văn bản, tài liệu của mình. Chưa hết, Samsung cũng có những chỉ tiêu đánh giá khác liên quan đến môi trường, tiềm năng tài chính của vendor. Trên thực tế, để vượt qua được tất cả các tiêu chí đánh giá đó, ông Kim nói là “điều không đơn giản”.

Ông Kim chia sẻ, tại Mê Trần, một công ty cơ khí, sản xuất linh kiện xe máy, sau 3 tháng thực hiện các hoạt động cải tiến, có một số yếu tố kỹ thuật vẫn chưa thể đánh giá hết. Trong khi đó, việc những sản phẩm lỗi của Mê Trần lọt ra thị trường, gây tai nạn, ông nói là "dự đoán được".

“Mục tiêu tăng năng suất là quan trọng nhưng điều Mê Trần cần quan tâm là chất lượng sản phẩm”, ông Kim khuyến cáo. Theo ông, Mê Trần nên đẩy mạnh cải tiến theo hướng nâng cao thêm  hiệu suất và tăng cường hơn hiệu quả về quản lý.

Samsung nham toi muc tieu nang ty le noi dia hoa len 57%

 

Như vậy, sự kiên trì trong nhiều năm đã giúp Samsung có được 308 nhà cung ứng. Trong đó, số các doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 đã tăng từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp vào năm 2017, để tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

 

Việc có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, theo ông Ha Chan Ho, cố vấn chiến lược của Samsung, một mặt đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng mặt khác, giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận.

Thực ra, con số này giúp Samsung đến gần hơn mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên mức 57%, cũng như việc thực thi cam kết này là thật. Theo ông Ha, Samsung đang xem xét khả năng hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng, đặc biệt là những doanh nghiệp được đánh giá tốt về cải tiến quy trình sản xuất sau khi được hỗ trợ từ chuyên gia Hàn Quốc.(NCĐT)
---------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục