tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-09-2018

  • Cập nhật : 06/09/2018

Dự án trên đất vàng vào tầm ngắm của đại gia châu Á

Một tập đoàn Hàn Quốc đang tìm cơ hội đầu tư hơn 3 tỷ USD vào dự án bất động sản tại Bãi Sau, Vũng Tàu.

Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) vừa có buổi làm việc với UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về cơ hội đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Lọt vào tầm ngắm của ông lớn này là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng. Nếu được chấp thuận, Korea Infrastructure Company Limited sẽ đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD.

Dự án Paradise đang được công ty Hàn Quốc nghiên cứu xin chủ trương đầu tư có diện tích 220 ha tại Bãi Sau, được mệnh danh là quỹ đất vàng độc nhất vô nhị còn sót lại của TP Vũng Tàu nhờ lợi thế giáp biển, giao thông thuận lợi.

Năm 1991, dự án được cấp phép cho Liên doanh Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan). Sau một phần tư thế kỷ đưa vào hoạt động, dự án hết thời hạn vào cuối năm 2015 và Vũng Tàu xúc tiến tìm nhà đầu tư mới.

Việc Korea Infrastructure Company Limited định đổ dòng vốn khủng vào khu đất vàng Vũng Tàu đang trở thành tâm điểm của thị trường phía Nam nhưng đây không phải xu hướng mới. Thực tế, làn sóng săn tìm cơ hội đầu tư của các ông lớn Hàn Quốc từ lâu đã rầm rộ tại nhiều tỉnh thành.

Dự án Paradise Vũng Tàu (màu xanh lá) đang được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm.

Trong năm 2018, dự án Vạn Phúc quy mô 2 tỷ USD ở mặt tiền quốc lộ 13, thuộc bán đảo Hiệp Bình Phước, là đất vàng của quận Thủ Đức, TP HCM, cũng lộ thông tin được một đối tác Hàn Quốc rót vốn vào hạng mục Ocean World. Nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ hợp tác cùng chủ đầu tư với số vốn lên đến 300 triệu USD, phát triển quần thể trò chơi dưới nước, bãi biển nhân tạo..., dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào năm 2019.

Lotte, một ông lớn khác từ Hàn Quốc đã rót vốn vào Thu Thiem Eco Smart City, một dự án tỷ USD khác tọa lạc trên khu chức năng 2a, thuộc đất vàng Thủ Thiêm (quận 2), nơi được mệnh danh là trung tâm mới của TP HCM. Để được lựa chọn, tháng 8/2015, Lotte đã ký quỹ 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cũng thuộc nhóm nhà đầu tư gốc Á, tay chơi mới từ Hong Kong là Alpha King đình đám không kém các đại gia đến từ Hàn Quốc khi chọn những khu dất vàng tại TP HCM. Ông lớn có trụ sở đặt tại Hong Kong này vừa làm lễ ra mắt trong quý III/2018 sau gần hai năm thăm dò, khảo sát kỹ lưỡng.

Đất vàng thuộc lõi trung tâm quận 1, TP HCM đang lọt vào tầm ngắm của đại gia Hong Kong. Ảnh: Savills Việt Nam

Ngay sau khi ra mắt, Alpha King đã kịp công bố 3 dự án từ cao cấp đến hạng sang đều tọa lạc tại khu lõi trung tâm quận 1 gồm tòa tháp văn phòng hạng A mang tên Alpha Town (trên đường Trần Hưng Đạo), khu phức hợp thương mại và nhà ở Alpha Hill (Cống Quỳnh) và khu căn hộ dịch vụ hạng A trên đường Tôn Đức Thắng. Các dự án này đều có vị trí "vàng", nằm ở mặt tiền những tuyến đường sầm uất tại quận 1.

Một nhà đầu tư khác là Hong Kong Land đã nhanh chóng bắt tay với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM phát triển một dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.641 tỷ đồng qua thâu tóm cổ phần. Dự án có diện tích hơn 96.000 m2, cũng tọa lạc trên khu đất vàng Thủ Thiêm, quận 2.

Giới đầu tư Singapore gồm nhiều đại gia sừng sỏ châu Á cũng chỉ chọn mặt gửi vàng ởquỹ đất đắc địa tại các đô thị lớn của Việt Nam. Frasers Property (Singapore) đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Bất Động Sản Trần Thái để nắm giữ 75% vốn trong dự án nhà ở tại Thủ Thiêm, quận 2. Hay Capitaland và Keppel Land đều chọn những quỹ đất có vị trí đắc địa nhất phố nhà giàu quận 2 để phát triển hàng loạt dự án cao cấp.

Đất vàng Thủ Thiêm được khối ngoại rót vốn phát triển dự án. Ảnh: Quỳnh Trần

Dòng vốn Nhật, Malaysia phát triển chuỗi dự án hoặc đô thị cận trung tâm TP HCM, cũng đều nhắm quỹ đất vàng của quận 7, 9, Bình Chánh, Tân Phú. Các dự án đều có lợi thế ở những trục đường huyết mạch, là trung tâm của từng quận.

Nhắc đến nhà đầu tư Trung Quốc, phải kể đến Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD), đại gia chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc, đã nhảy vào thị trường Việt Nam từ năm 2017. Ông lớn này đang rầm rộ phát triển và mở bán dự án quy mô 198,5 ha trên đảo Đại Phước, thuộc tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM 30 phút di chuyển đường sông. Dự án được mệnh danh là Hòn ngọc phía Đông Sài Gòn đang chào bán nhà liền thổ.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết: “Khối ngoại, cụ thể là nhà đầu tư gốc Á, đang có hoạt động cực kỳ sôi nổi tại các quỹ đất vàng của Việt Nam". Họ chuộng phân khúc cao cấp và hạng sang nên đặc biệt săn lùng quỹ đất vàng và xu hướng này sẽ còn tăng.

Theo ông Lâm, phạm vi hoạt động của khối ngoại đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ở chiều rộng, về mặt địa lý, họ nhắm đến đất vàng tại các đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ hoặc các thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng. Về chiều sâu, đặc tính và chủng loại, nhà đầu tư nước ngoài đang mở rộng nhiều dòng sản phẩm và phân khúc khác nhau: thị trường nhà ở cao và thấp tầng đến bất động sản thương mại, dịch vụ, thậm chí là bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí với tiêu chuẩn rất cao.

CEO DKRA Việt Nam phân tích, gu chọn đất vàng của nhà đầu tư Hong Kong đang gây ấn tượng nhất thị trường vì quỹ đất và sản phẩm tương lai ước tính có giá trị rất cao, có thể xếp vào nhóm cao cấp, hạng sang và xa xỉ.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang gây tiếng vang lớn với xu hướng chọn quỹ đất vàng ven biển hoặc bán đảo, lợi thế giáp sông để phát triển nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch. Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên.

Riêng các nhà đầu tư Singapore dịch ra các khu đất vàng tiềm năng (hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai) để xây dựng dự án. Các nhà đầu tư Nhật và Malaysia ưa chuộng phân khúc trung - cao cấp nên họ chọn quỹ đất vàng thuộc các quận mới phát triển sau này. Tuy bán kính di chuyển không sánh bằng các đối thủ, bù lại kết nối giao thông và môi trường sống đạt tiêu chuẩn vượt trội.

“Việt Nam có cả trăm triệu dân với cấu trúc dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người trên đà tăng trưởng, nhu cầu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đều rất lớn. Đây là lý do khối ngoại đổ xô mạnh mẽ”, ông Lâm nhận xét.

Chuyên gia này dự báo, sự tham gia của khối ngoại sẽ mang lại nhiều tích cực cho bất động sản Việt Nam. Các thay đổi có thể nhận thấy thời gian qua gồm: nâng cấp chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại, mang nhiều chuẩn mực quốc tế vào thị trường và góp phần tăng độ minh bạch. Thông qua bắt tay với các nhà đầu tư gốc Á, doanh nghiệp trong nước cũng được bổ sung tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, sẵn sàng đưa những dự án sớm về đích.(Vnexpress)
-------------------

Tiền đâu làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

Dự kiến tổng vốn đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 58 tỉ USD và bài toán hóc búa đặt ra là huy động từ đâu khi hiệu quả tài chính còn nhiều ý kiến trái chiều

Tại hội thảo báo cáo nghiên cứu giữa kỳ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để hoàn thiện báo cáo do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức, liên danh tư vấn: Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC), Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDISOUTH) cho biết đã đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, tách biệt với hệ thống đường sắt hiện nay.

30-35 triệu USD/km

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đơn vị tư vấn đang nghiêng về phương án chọn công nghệ của Nhật Bản, nhờ ưu thế thiết kế tàu nhỏ gọn hơn các nước khác, chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay, chi phí đầu tư bình quân 1 km đường sắt tốc độ cao từ 30-35 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn tuyến ước khoảng hơn 58 tỉ USD.

Tiền đâu làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam? - Ảnh 1.

Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được hoàn thành, tuyến đường sắt lạc hậu hiện nay chủ yếu được dùng để chở hàng

Theo đó, dự án này đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM; với điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại TP HCM. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn khổ đường đôi 1.435 mm, điện khí hóa, với tốc độ khai thác tối đa 320 km/giờ (tốc độ thiết kế 350 km/giờ).

Theo đơn vị tư vấn, dự án sẽ được đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) kết hợp với vốn nhà nước. Trước mắt, đề xuất xây dựng đoạn thí điểm Thủ Thiêm - Long Thành, sau khi vận hành thí điểm sẽ đưa vào khai thác thương mại vào năm 2028-2029. Các đoạn ưu tiên dự kiến đề xuất: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM, đưa vào khai thác năm 2032 với tổng vốn hơn 24,6 tỉ USD.

Các đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao tách biệt với đường sắt hiện nay nhằm phục vụ vận chuyển hành khách. Còn đường sắt hiện hữu sẽ cải tạo nâng cấp để vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách chặng ngắn.

Theo nghiên cứu của tư vấn, hành lang Bắc - Nam có vai trò quan trọng, như trục xương sống nâng đỡ và tạo nền tảng cho sự phát triển của cả nước. Theo tính toán, đến năm 2030, cả nước sẽ có 89 triệu hành khách và 104 triệu tấn hàng hóa trên mặt cắt ngang lớn nhất thuộc hành lang Bắc - Nam. Do đó, nếu chỉ đầu tư các phương thức vận tải (đường bộ, hàng không, đường biển) theo quy hoạch và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại (kể cả nâng cấp lên đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa) cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Năng lực vận chuyển sẽ thiếu hụt khoảng 72.000 tấn hàng hóa và 100.000 hành khách/ngày.

"Do đó, đến năm 2030, trên hành lang Bắc - Nam rất cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh… để đáp ứng nhu cầu nói trên. Việc lựa chọn đường sắt tốc độ cao là hoàn toàn phù hợp" - đơn vị tư vấn thông tin.

Lo ngại hiệu quả tài chính

Đối với việc huy động vốn, ông Đào Việt Dũng, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng đầu tư dự án theo hình thức PPP là đúng hướng. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn tư nhân, nghiên cứu cần phải phân tích kỹ, dự báo, làm rõ hơn về nhu cầu, kịch bản phát triển trong bối cảnh các loại hình vận tải khác trên trục Bắc - Nam cũng được đầu tư phát triển.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, lưu ý nếu sử dụng vốn ODA cần có sự đồng bộ trong quá trình đầu tư và huy động. Về vốn ngân sách, phải nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm việc thực hiện. Đối với vốn tư nhân, cần xác định tỉ trọng và giá trị là bao nhiêu, đánh giá tính khả thi trong điều kiện Việt Nam trước khi đề xuất Chính phủ quyết định.

"Ngoài ra, cần đưa kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo dự án đường sắt hiện hữu vào bức tranh toàn cảnh của kế hoạch đầu tư dự án" - ông Long nhấn mạnh.

Đối với hiệu quả tài chính của dự án, ông Long cho biết các tổ chức tư vấn từ trước đến nay đều đánh giá là chưa khả thi. Nếu tính đầy đủ cả khoản bù lỗ trong quá trình khai thác và duy tu, bảo dưỡng thì mức bù lỗ này có thể tạo thêm một gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc cân nhắc quyết định phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn thành phần là rất cần thiết. (NLĐ)
-----------------------------

Xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong quý cuối năm

Sau gần bốn tháng rơi vào trầm lắng do thiếu nhu cầu, xuất khẩu gạo đang được kỳ vọng sẽ sôi động và có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong những tháng cuối năm nay.

Trung Quốc giảm thị phần nhập khẩu gạo

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2018 khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 441.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD.

Tính chung trong tám tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt 4,4 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân bảy tháng đầu năm 2018 đạt 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, tính chung trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo vẫn đang có mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là về mặt giá trị. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, kể từ thời điểm cuối tháng 5/2018 đến nay, thị trường lúa gạo vẫn chưa thực sự sôi động trở lại. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... trong quý 2-3/2018 không có nhiều.

Một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được bán ở mức 390 USD/tấn, trong khi đó giá thành gạo ở Việt Nam cũng đã ở mức này.

Việc giá gạo thông dụng của Thái Lan năm nay được chào bán khá thấp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Với giá thành gạo ở Việt Nam còn khá cao thì các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được về giá bán nên lượng tiêu thụ và ký hợp đồng mới của các doanh nghiệp trong vài tháng gần đây là không lớn.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết thị trường tiêu thụ gạo hiện vẫn còn khá trầm lắng với nhu cầu yếu hoặc có nhu cầu nhưng đối tác chỉ mua với giá thấp.

Do vậy, trong những tháng gần đây, mỗi tuần doanh nghiệp này chỉ ký hợp đồng bán với số lượng khá nhỏ giọt, khoảng 1.000 tấn và nhiều khả năng năm nay không đạt kế hoạch đề ra. Mặc dù trước đó, trong năm tháng đầu năm nay tiêu thụ khá tốt nhưng cũng không đủ bù đắp cho xu hướng sụt giảm xuất khẩu hiện nay.

Đáng kể nhất là việc Trung Quốc đột ngột áp thuế nhập khẩu gạo khá cao lên đến 50% kể từ đầu tháng 7/2018 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ gạo ở thị trường này, đặc biệt là mặt hàng nếp. Thậm chí, có thời điểm giá gạo nếp xuất khẩu bị các doanh nghiệp Trung Quốc “ép” xuống mức 380 USD/tấn, thay vì mức 530-540 USD/tấn so với hồi đầu năm.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay, tuy nhiên thị phần đã giảm mạnh chỉ còn chiếm 24,7% thị phần thay vì trên 40% ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong bảy tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 927.000 tấn và 491 triệu USD, giảm đến 32,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Chờ nhu cầu thị trường phục hồi

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ sôi động hơn sau gần hai quý rơi vào trầm lắng, do thiếu nhu cầu.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tiếp tục tăng từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi. Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000-800.000 tấn từ này đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước.

Các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của nước này. Các nước Indonesia, châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu ở các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ...

Mặt khác, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ sôi động hơn từ quý 4 năm nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu với chủng loại đa dạng hơn, nhờ Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109 về xuất khẩu gạo.

Các doanh nghiệp cũng dự báo từ tháng 10 trở đi, tình hình xuất khẩu gạo sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Nhu cầu gạo từ thị trường Philippines và Indonesia được kỳ vọng sẽ làm lực đẩy cho giá gạo Việt Nam có mốc mới.

Về phía các doanh nghiệp, việc xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc đang đặt ra bài toán tìm kiếm thị trường mới cho ngành gạo Việt Nam, nhất là mặt hàng gạo nếp.

Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ nếp sang thị trường Indonesia nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đây là một thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng có thói quen tiêu thụ nếp và có ít doanh nghiệp trước đây vẫn xuất khẩu sang thị trường này nhưng khối lượng không nhiều. Nhờ động thái tích cực này mà giá gạo nếp xuất khẩu trên thị trường hiện có xu hướng tăng nhẹ, dao động ở mức 440 USD/tấn, thay vì dưới 400 USD/tấn như thời điểm tháng 7-8 vừa qua.

Tuy vậy, trong bối cảnh đó, ngành gạo cũng có nhiều thách thức phải đối mặt. Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), trong thời gian tới, Philippines và Indonesia có mua thì cũng theo phương thức đấu giá hoặc đàm phán với giá thấp. Dù ký kết theo hợp đồng tập trung hay thương mại thì gạo Việt Nam cũng đang trong thế khó.

Bởi lẽ, có một nghịch lý hiện nay là giá gạo thông dụng xuất đi các thị trường tập trung đang ở mức giá ngang bằng hoặc cao hơn so với các đối thủ. Do diện tích gieo trồng không nhiều nên bất kể thời điểm nào có thông tin Việt Nam trúng thầu hợp đồng tập trung hoặc có nhu cầu thì giá loại gạo này ở trong nước đều tăng “vùn vụt.”

Vì vậy, các đơn vị chức năng cần thận trọng khi đàm phán, vì giá gạo nguyên liệu trong nước chắc chắn sẽ biến động khi có nhu cầu. Nếu không có tồn kho trước đó thì ngành gạo và các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể sẽ bị thua lỗ nặng như vài trường hợp đã xảy ra trước đó.

Hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã vào đợt cuối vụ thu hoạch lúa Hè Thu và bắt đầu xuống giống vụ Thu Đông. Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 30/8, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch ước khoảng 1,1 triệu ha diện tích lúa Hè Thu trên tổng 1,6 triệu ha gieo trồng, với năng suất khoảng 5,6-5,7 tấn/ha. Đồng thời, các địa phương này cũng bắt xuống giống vụ Thu Đông 2018 với diện tích khoảng 475.000ha trên 745.000ha diện tích theo kế hoạch.(Vietnam+)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục