tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-09-2018

  • Cập nhật : 07/09/2018

Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Mỹ áp thuế mới

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/9 tuyên bố nước này sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ áp các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

nguoi phat ngon bo thuong mai trung quoc cao phong. anh: ttxvn phat

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Trung Quốc đang theo dõi sát tác động của bất kỳ mức thuế mới nào và đưa ra các biện pháp mạnh để bù đắp những tác động tiêu cực.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, được cho là có thể có hiệu lực trong tuần này.

Ngày 3/8, Bắc Kinh cũng đe dọa áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời cảnh báo có thể đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trước đó, với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico từ ngày 1/6 vừa qua. Mỹ cũng áp thuế đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong các ngày 22 và 23/8 mà không đạt được bất kỳ đột phá nào.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà cả thế giới.

Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5% (BNews)
---------------------------

Thượng nghị sĩ Mỹ đòi đánh thuế nặng Amazon, Walmart

Không chỉ Amazon, Walmart mà tất cả doanh nghiệp lớn đều bị đề xuất đóng thuế nhiều hơn theo dự luật mới của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Theo CNN, như đã hứa từ trước, ông Sanders hôm 5/9 trình dự luật yêu cầu Amazon, Walmart và nhiều doanh nghiệp khác có tuyển người lao động sống nhờ hỗ trợ công phải đóng thuế nhiều hơn. Dự luật có tên “Stop Bad Employers by Zeroing Out Subsidies” (Hãy chặn các nhà tuyển dụng bằng cách ngừng trợ cấp), viết tắt là Stop BEZOS Act, gần giống tên của nhà sáng lập kiêm CEO Amazon Jeff Bezos.

Ông Sanders đề xuất thu thuế các hãng lớn bằng với giá trị lợi ích công mà nhân viên của hãng nhận được. Ông lập luận rằng nếu nhà tuyển dụng trả lương đủ sống cho nhân viên, người nộp thuế Mỹ sẽ tiết kiệm 150 tỉ USD/năm cho các chương trình hỗ trợ chính phủ, trong đó có tem phiếu thực phẩm, chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid và nhà ở công cộng.

“Chúng tôi không cho rằng người nộp thuế Mỹ phải chi khoản tiền khổng lồ để trợ cấp cho các hãng có lợi nhuận, thuộc sở hữu của vài trong số những người giàu nhất nước, vì đó là mục đích của nền kinh tế gian lận”, ông Sanders nói khi trình dự luật với Đại diện bang California Ro Khanna, người thuộc đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Mỹ đòi đánh thuế nặng Amazon, Walmart - ảnh 1

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng ra tranh cử Tổng thống Mỹ

Gần đây, thượng nghị sĩ độc lập ở Vermont đã đề nghị nhân viên Amazon kể cho ông nghe điều kiện làm việc của họ. Ông chia sẻ vài ví dụ, nói rằng một số nhân viên kể chỉ kiếm được 11 hay 13,25 USD/giờ, không đủ sống. Ông Sanders cũng chỉ trích Burger King, McDonald's và American Airlines vì trả lương rẻ mạt cho người lao động, khiến họ phải đăng ký nhận trợ cấp từ chính phủ.

Amazon lên tiếng cho biết những gì ông Sanders nói là “không chính xác và gây hiểu lầm”. Công ty nói rằng dữ liệu của người nhận tem phiếu thực phẩm mà ông Sanders cung cấp bao gồm những người chỉ làm việc tại Amazon trong thời gian ngắn, hoặc người làm việc bán thời gian.

Lương trung bình của nhân viên toàn thời gian tại Amazon là 34.123 USD/năm, hãng thương mại điện tử cho biết. Dữ liệu của ông Sanders bao gồm cả các nhân viên bán thời gian và những người làm việc trên toàn thế giới.

Hãng cũng mời thượng nghị sĩ đến tham quan một trong các trung tâm hoàn thiện đơn hàng, nơi mà nhiều nhân viên nhận lương thấp. Amazon nhấn mạnh lương trung bình mỗi giờ cho nhân viên toàn thời gian làm việc tại trung tâm hoàn thiện đơn hàng là hơn 15 USD/giờ, gồm tiền mặt, cổ phiếu và khoản thưởng khuyến khích, song chưa tính tiền làm ngoài giờ.

Ngoài ra, mỗi người lao động tại Amazon còn được hưởng bảo hiểm y tế và bảo hiểm tàn tật, có kế hoạch tiết kiệm hưu trí, nhận khoản thưởng cổ phiếu của doanh nghiệp, học phí... Amazon tạo 130.000 việc làm ở Mỹ vào năm ngoái. Ngoài Amazon, các hãng khác chưa phản ứng trước động thái của ông Sanders.(Thanhnien)
-----------------------------

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc tăng mạnh

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc trong quý II/2018 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 6/9, Chính phủ Hàn Quốc thông báo đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này trong quý II/2018 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh các nhà đầu tư tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tài chính ở nước ngoài. 

Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các công ty “xứ sở kim chi” trong giai đoạn từ tháng 4-6/2018 tăng 2,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước lên 12,96 tỷ USD. 

Trong đó Mỹ là nước thu hút đầu tư trực tiếp lớn nhất của các công ty Hàn Quốc với dòng vốn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước đạt 3,62 tỷ USD. Trong khi, đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc vào Trung Quốc tăng tới 87,3% lên 1,21 tỷ USD. 

Tính theo lĩnh vực, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các công ty Hàn Quốc vào các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,43 tỷ USD, trong khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở nước ngoài tăng 64,3% lên 1,95 tỷ USD. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng đến 120% đạt 4,1 tỷ USD. 

Trong động thái khác, nhiều ngân hàng đầu tư nước ngoài (IB) đã nhận định “u ám” về triển vọng kinh tế Hàn Quốc năm 2018, do tác động xấu từ các yếu tố trong và ngoài nước với dự báo lãi suất ở “xứ sở kim chi” trong quý IV sẽ giảm. 

Theo báo cáo của Trung tâm Tài chính quốc tế Hàn Quốc (KCIF), ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á xuống 2,7% từ mức 2,8% đưa ra trước đó. Không riêng Goldman Sachs, ngân hàng UBS cũng đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của nước này từ mức 3% trước đó xuống còn 2,9% cho năm 2018 và năm 2019. 

Các nhà quan sát thị trường cho rằng việc hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là do thị trường việc làm ở nước này tăng trưởng chậm, dẫn đến lòng tin của người tiêu dùng giảm. 

Ngoài ra, các nhà quan sát nhận định nền kinh tế Hàn Quốc sẽ còn chịu tác động xấu từ các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tác động từ sự bất ổn tài chính của nhiều thị trường mới nổi. 

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ở mức 1,5% trong tháng Tám do số liệu kinh tế ảm đạm và sức ép về lạm phát thấp. BoK vẫn giữ tâm lý chờ đợi từ tháng 11/2017, thời điểm ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất chủ chốt lần đầu tiên trong sáu năm trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục