tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-09-2018

  • Cập nhật : 07/09/2018

Australia thay đổi quy định nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ

Kể từ ngày 11/9, khi nhập khẩu vào Australia, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, bao gồm cả bao bì và các vật liệu dùng để chèn lót làm bằng gỗ, sẽ phải đảm bảo một số yêu cầu mới về quy trình xử lý hợp chất sulphuryl fluoride.

Trước khi nhập khẩu vào Australia, các nhà nhập khẩu lựa chọn hình thức xử lý khử trùng lô hàng bằng hợp chất sulphuryl fluoride phải đảm bảo một số điều kiện về nhiệt độ, thời gian và nông độ tối thiểu, Thương vụ Việt Nam tại Australia trích thông báo từ Bộ Nông nghiệp nước này.

Theo đó, hàng hóa hoặc phải được để nhiệt độ từ 20 độ C trở lên trong tối thiểu 48 giờ đồng hồ với nồng độ tối thiểu là 29g/m3 (đạt mức CT tối thiểu là 3.000g-h/m3), hoặc phải được để ở nhiệt độ hàng hóa từ 30 độ C trở lên trong tối thiểu 24 giờ đồng hồ với nồng độ tối thiểu là 41g/m3 (đạt mức CT tối thiểu là 1.400g-h/m3).

Đối với hàng hóa được xử lý tại các quốc gia trừ Italy, Bộ Nông nghiệp Australia sẽ chấp nhận các bằng chứng về việc xử lý được thể hiện trên giấy chứng nhận được phát hành bởi tất cả nhà cung cấp dịch vụ xử lý thương mại, hoặc trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Bộ Nông nghiệp Australia sẽ tiếp tục chấp nhận việc xử lý khử trùng bằng hợp chất sulphuryl fluoride đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ hiện được quy định theo BICON (Bộ quy tắc nhập khẩu an toàn sinh học của Australia). Ngoài ra, khung thời gian đối với việc xử lý trước khi xuất khẩu sẽ không thay đổi.

Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Australia đạt 101,05 triệu USD, chiếm khoảng 2,08% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Riêng tháng 7, con số này đạt 16,76 triệu USD, giảm 4,8% so với tháng trước đó.(NDH)
---------------

Xe bán ế, Suzuki rút khỏi thị trường Trung Quốc

Sau khi rút khỏi Trung Quốc, Suzuki thay vào đó sẽ tập trung vào thị trường Ấn Độ đang ngày một tăng trưởng nhanh và thị trường châu Phi còn nhiều tiềm năng.

Suzuki sẽ ngừng sản xuất ô tô tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Nguyên nhân chính bởi doanh số bán ô tô của Suzuki tại thị trường này giảm và xe điện ngày một trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Cho đến nay, các hãng ô tô Nhật chưa thâm nhập vào ngành sản xuất xe điện tại Trung Quốc. 

Theo Nikkei đưa tin, khi rút khỏi Trung Quốc, Suzuki thay vào đó sẽ tập trung vào thị trường Ấn Độ đang ngày một tăng trưởng nhanh và thị trường châu Phi còn nhiều tiềm năng. Trước đó, Suzuki cũng đã rút khỏi thị trường Mỹ và giờ đây tiếp tục rời khỏi Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Suzuki đã đồng ý sẽ bán 50% cổ phần mà hãng đang nắm giữ tại liên doanh được thành lập năm 1993 với công ty Chongqing Changan Automobile cho một đối tác Trung Quốc. Giao dịch này dự kiến được hoàn tất trước thời điểm cuối năm nay. Các điều khoản cụ thể cho đến nay chưa được công bố.

Công ty tại Trung Quốc sẽ vẫn sản xuất xe mang thương hiệu Suzuki theo hợp đồng thương hiệu. Tuy nhiên, điều đó vẫn đánh dấu sự ra đi của Suzuki khỏi thị trường ô tô lớn nhất thế giới. 

Hiện tại công ty đang nắm khoảng hơn 50% thị phần thị trường xe ô tô chở người tại Ấn Độ. Doanh số bán xe tại Ấn Độ trong năm tài khóa 2017 tăng 14% lên 1,65 triệu chiếc. Suzuki tin rằng quy mô thị trường ô tô Ấn Độ sẽ có thể tăng trưởng gấp 3 lên khoảng 10 triệu chiếc vào năm 2030. 

Chủ tịch hãng Suzuki, ông Osamu Suzuki cho biết để có thể duy trì được tỷ lệ thị phần đạt 50%, hãng sẽ quyết bán được 5 triệu xe ô tô, trong đó 1,5 triệu chiếc sẽ là ô tô điện. 

Suzuki bắt đầu thâm nhập vào Ấn Độ từ thập niên 1980, khi đó các hãng xe lớn trên thế giới không hề hào hứng với thị trường này. Công ty đã phát triển thành công các kênh bán hàng thông qua sự kết nối chặt chẽ với nhiều nhân vật có ảnh hưởng tại Ấn Độ, sự thống trị của Suzuki tại thị trường Ấn Độ không khỏi tiềm ẩn nhiều thách thức với các hãng xe lớn của thế giới muốn gia nhập thị trường này. 

Suzuki đồng thời có ý định sẽ dùng trung tâm sản xuất tại Ấn Độ làm “bàn đạp” để chiến thắng tại thị trường châu Phi và Trung Đông. Suzuki cũng sẽ tập trung mạnh mẽ vào giành thị phần tại Đông Nam Á bằng việc mở thêm nhà máy mới tại Indonesia. (Bizlive)
-----------------------

Giá trị Amazon vượt 1.000 tỷ USD

Đại gia thương mại điện tử Amazon vừa trở thành công ty thứ hai của Mỹ chạm mốc này, sau Apple.

Cổ phiếu Amazon phiên Mỹ tối qua có thời điểm lên 2.050,5 USD, đưa vốn hóa công ty này chạm mốc 1.000 tỷ USD. Mã này sau đó bắt đầu giảm nhẹ.

Giá cổ phiếu Amazon lần đầu chạm mốc 2.000 USD ngày 30/8. Chỉ trong 10 tháng qua, mã này đã tăng giá gấp đôi.

Giới phân tích cho rằng hoạt động kinh doanh luôn đa dạng của Amazon đã giúp giá trị công ty này không ngừng cải thiện. Năm ngoái, họ lấn sân thị trường thực phẩm với việc mua lại chuỗi siêu thị  Whole Foods. Họ cũng đang hoàn thiện mảng phần cứng và logistics, đồng thời đẩy mạnh quảng cáo để cạnh tranh với Facebook và Google.

Trước Amazon, phiên 2/8, vốn hóa Apple cũng vượt 1.000 tỷ USD khi cổ phiếu lên 207,05 USD, nhờ kết quả kinh doanh quý trước vượt dự báo và thông tin về kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 20 tỷ USD. Hiện tại, giá cổ phiếu Táo Khuyết đã lên 227 USD.(vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục