tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-09-2018

  • Cập nhật : 08/09/2018

Nhật có thể là mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Trump trong chiến tranh thương mại

 

anh: meritalk

Ảnh: MeriTalk

Nhật có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.

Trong cuộc điện thoại với James Freeman, trợ lý tổng biên tập cho Wall Street Journal, Tổng thống Trump cho biết ông vẫn cảm thấy phiền lòng bởi những điều khoản thương mại giữa Mỹ và Nhật.

Theo ông Freeman, Tổng thống Trump có nhắc đến mối thân tình với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thế nhưng ông nói thêm: “Tất nhiên điều này sẽ sớm chấm dứt ngay khi mà tôi nói với họ họ sẽ cần phải trả bao nhiêu tiền”. Ông Freeman nhấn mạnh rằng Tổng thống có quan điểm rất vững vàng, và đáng tiếc ông tập trung vào việc sẽ giảm thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.

Trung Quốc cho đến nay là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động ở châu Á, thế giới đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump về việc tăng thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trước đợt này, Mỹ đã hai đợt tăng thuế với hàng Trung Quốc, và ngay lập tức Bắc Kinh đã đáp trả. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tuần này. 

Thông tin được Wall Street Journal đăng tải không khỏi khiến nhà đầu tư lo ngại về diễn biến mới đáng lo lắng trong chiến tranh thương mại, điều này ngay lập tức đã khiến đồng yên tăng giá so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày hôm nay trên thị trường Tokyo.(Bizlive)
--------------------

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức thấp kỷ lục

Các nhà phân tích nhận định, điểm đáng chú ý là mức lương tính theo giờ trung bình trả cho người lao động ở Mỹ đã tăng 10 xu Mỹ so với số liệu tương ứng của tháng 7/2018

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 201.000 việc làm mới, cao hơn mức dự đoán 189.000 việc làm của các nhà phân tích, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này ổn định ở mức 3,9%, còn lương tăng tương đương với tỷ lệ lạm phát. 

Các nhà phân tích nhận định, điểm đáng chú ý là mức lương tính theo giờ trung bình trả cho người lao động ở Mỹ đã tăng 10 xu Mỹ so với số liệu tương ứng của tháng 7/2018, tương đương mức tăng 0,4%, cao hơn gấp đôi ước tính trước đó của các nhà kinh tế và là mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 12/2017. 

Nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhờ các biện pháp cắt giảm thuế, niềm tin của người tiêu dùng khởi sắc, chi tiêu của chính phủ cũng như đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc, thiết bị đều gia tăng. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,2% trong quý II/2018, mức tăng mạnh nhất trong khoảng bốn năm qua. 

Hầu hết nhà kinh tế đều dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ít nhất 3% trong quý III/2018. Và trong cả năm 2018, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể tăng trưởng 3%, lần đầu tiên kể từ năm 2005. 

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát niềm tin của người tiêu dùng do tổ chức nghiên cứu Conference Board thực hiện mới đây, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8/2018 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 18 năm qua. Hầu hết người dân Mỹ nhận thấy rằng việc làm ngày càng sẵn có hơn và dự kiến nền kinh tế nước này vẫn vững mạnh trong thời gian tới. (Bnews)
--------------------------

“Bong bóng” dầu đá phiến của Mỹ đang xẹp dần?

Giới lãnh đạo trong ngành dầu mỏ cảnh báo rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm do tốc độ xây dựng các giếng dầu mới còn chậm chạp.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đang tăng trưởng chậm lại do những thách thức về logistics, như chi phí lao động và công suất đường ống dẫn dầu, Financial Times trích cảnh báo của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành. Minh chứng là sản lượng dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu giảm từ hai năm trước, đặc biệt là ở trung tâm dầu mỏ Permian Basin (nằm ở miền tây của bang Texas và miền đông của bang New Mexico).

Phát biểu tại một hội nghị ở New York mới đây, lãnh đạo của các tập đoàn Schlumberger và Halliburton, là hai doanh nghiệp sản xuất dầu niêm yết lớn nhất và thứ 3 thế giới, đều nhấn mạnh tới sự sụt giảm về số lượng giếng dầu mới được đưa vào hoạt động.

Trong đó, Giám đốc điều hành Schlumberger, ông Paal Kibsgaard cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ tại Bắc Mỹ tăng trưởng yếu ớt hơn nhiều trong quý III so với dự báo. Đặc biệt, những thách thức mà khu vực Permian Basin đang phải đối mặt có thể kéo giảm tăng trưởng sản lượng, giá dầu xuất tại giếng và các khoản đầu tư trong năm tới.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến đang tăng trưởng chậm lại mặc dù giá dầu WTI của Mỹ duy trì trên ngưỡng 65 USD/thùng trong gần 4 tháng qua. Giới lãnh đạo cho biết trong suốt thời kỳ bùng nổ của dầu đá phiến kéo dài hai năm qua, phần lớn giao dịch đều tập trung ở khu vực Permian Baisn.

“Khi bạn chỉ tập trung vào một khu vực, sẽ rất khó để duy trì tốc độ tăng trưởng cao”, Giám đốc điều hành Bill Thomas của EOG Resources, một trong những công ty thăm dò và sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ, nói.

Thách thức lớn nhất của ngành dầu đá phiến hiện nay là thiếu công suất dẫn dầu từ miền Tây Texas tới các nhà máy lọc dầu và cảng xuất khẩu dọc Vịnh Mexico. Bên cạnh đó là chi phí lao động và thiết bị tăng, công đoạn xử lý nước và khí thiên nhiên không mong muốn trong quá trình sản xuất dầu gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Kibsgaard cho rằng nguyên nhân thực sự đến từ các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ, hơn là thách thức về logistics. Ông nhấn mạnh đến sự gia tăng của các giếng dầu trẻ được khoan gần với giếng cũ. Các giếng trẻ sản xuất ra ít dầu hơn vì thay đổi chiều dài và khối lượng cát sử dụng trong quá trình sản xuất, theo phân tích của Schlumberger. Vì vậy, tăng trưởng sản lượng tại khu vực Permian Basin có thể thấp hơn kỳ vọng ban đầu, ông Kibsgaard kết luận.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Jeff Miller của Halliburton lại lạc quan hơn về triển vọng dài hạn của ngành dầu khí Mỹ. Ông cho rằng, ngành công nghiệp năng lượng này mới đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ.

“Ngành dầu đá phiến chắc chắn sẽ tăng trưởng vài năm tới nhưng với tốc độ chậm dần qua mỗi năm. Nhưng đó không thể là yếu tố sẽ kéo giảm giá dầu một lần nữa”, theo ông Thomas của EOG.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ ghi nhận sự phục hồi đáng kể kể từ năm 2016, với sản lượng dầu thô tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong vòng một năm tính đến tháng 7.

Hiện tại, giới lãnh đạo trong ngành đang tranh luận rằng sự suy yếu này chỉ là một điểm dừng cần thiết để tạo tâm lý dễ thở hơn cho thị trường, hay là dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ đã kéo dài vài năm qua.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục