tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-09-2017

  • Cập nhật : 04/09/2017

Quan hệ kinh tế Mỹ - Hàn trước nguy cơ rạn nứt

Ngày 2/9, báo Washington Post của Mỹ đưa tin nước này đang lên kế hoạch rút khỏi hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc.

Động thái này của Washington được đưa ra giữa bối cảnh cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên và được cho là nếu xảy ra sẽ khiến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trở nên căng thẳng. 

tong thong my donald trump da chi dao cho cac co van chuan bi cho viec rut lui khoi fta voi han quoc. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo cho các cố vấn chuẩn bị cho việc rút lui khỏi FTA với Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Washington Post dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo cho các cố vấn chuẩn bị cho việc rút lui khỏi FTA với Hàn Quốc, tuy nhiên một số quan chức Nhà Trắng đang tìm cách ngăn cản ông Trump. Trước đó, ngày 22/8, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyung-chong cho biết Seoul sẽ không thảo luận về việc tái đàm phán FTA với Mỹ mà chưa xem xét nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng mất cân bằng thương mại song phương. 

Bộ trưởng Kim Hyung-chong cho biết Seoul đã đề xuất với phía Washington cùng nghiên cứu và đánh giá tác động của thỏa thuận thương mại song phương trong suốt 5 năm qua, cũng như nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ. Theo ông Kim, FTA Mỹ - Hàn không phải nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. 

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Gary Hufbauer và nhà phân tích Euijin Jung thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nói tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc không phải là hệ quả của Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS). Hai chuyên gia này cho rằng những nỗ lực nhằm thay đổi FTA giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ là “vô nghĩa”. Tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước không phải do FTA gây ra mà nguyên nhân nằm ở sự thiếu cân đối về tài khóa và tỷ giá. 

KORUS FTA có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump đã gọi văn kiện này là "thảm họa" và cam kết sửa đổi. Kim ngạch song phương Hàn - Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 109,6 tỷ USD năm 2016, với thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2016, tăng mạnh so với con số 11,6 tỷ USD trước đó 5 năm. (TTXVN)
--------------------------

Bộ trưởng Mỹ dọa cắt đứt các hoạt động thương mại của Triều Tiên

Theo Reuters, ngày 3/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho hay ông sẽ chuẩn bị một gói các biện pháp trừng phạt mới nhằm có khả năng cắt đứt tất cả các hoạt động thương mại của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Trả lời kênh truyền hình Fox News, ông Mnuchin cho biết ông sẽ đề nghị Tổng thống Donald Trump kiên quyết xem xét việc cắt đứt tất cả các hoạt động thương mại bằng các biện pháp trừng phạt mới này.
 

Ông khẳng định: "Nếu các nước muốn làm ăn với Mỹ, họ dĩ nhiên phải phối hợp với các đồng minh của chúng tôi và các nước khác nhằm cắt đứt quan hệ với Triều Tiên về mặt kinh tế."

Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ họp với các cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 3/9 để thảo luận về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Đội ngũ an ninh quốc gia đang theo dõi chặt chẽ vụ thử này. Tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia của ông sẽ có một cuộc họp để thảo luận sâu hơn vào cuối ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cập nhật khi cần thiết" (Vietnam+)
----------------------------

VN Pharma phát triển 'thần tốc' như thế nào

Chỉ sau 3 năm thành lập, VN Pharma với quy mô vốn điều lệ vài chục tỷ đã cán mốc doanh thu nghìn tỷ đồng.

Có mặt trên thị trường dược phẩm cách đây 5 năm, Công ty cổ phần VN Pharma đã nhanh chóng mở rộng quy mô nhờ liên tục trúng thầu hàng loạt hợp đồng cung cấp thuốc giá trị lớn.

Từ một doanh nghiệp "vô danh", công ty này trở thành một thế lực thực sự trên thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện, vượt mặt nhiều ông lớn khác trong ngành. Đà tăng trưởng thần tốc của VN Pharma chỉ kết thúc vào cuối năm 2014 khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng bị bắt giữ để phục vụ điều tra.

ong nguyen minh hung, cuu chu tich cong ty duoc vn pharma, tai phien toa xet xu giua thang 8. anh: hai duyen.

Ông Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma, tại phiên tòa xét xử giữa tháng 8. Ảnh: Hải Duyên.

Năm 2011, VN Pharma được thành lập với với vốn điều lệ 10 tỷ đồng do 3 thành viên góp vốn. Trong đó, ông Nguyễn Minh Hùng sở hữu 40%, ông Ngô Anh Quốc và ông Phan Xuân Thiện mỗi người sở hữu 30% vốn. Ông Nguyễn Minh Hùng cũng được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật khi công ty đi vào hoạt động.

Ban đầu VN Pharma đăng ký hoạt động trong 21 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính là bán buôn đồ dùng khác cho gia đình (gồm bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh và bán buôn dụng cụ y tế).

Phải gần một năm sau khi thành lập, ngày 17/4/2012, ngành nghề kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc mới được bổ sung vào đăng ký kinh doanh của VN Pharma. Giữa năm 2012, công ty quyết định tăng vốn lên 50 tỷ đồng (vốn điều lệ thực góp đạt 25 tỷ), cùng một loạt quyết định thành lập các công ty con và chi nhánh trên cả nước.

Kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp với tuổi đời non trẻ cũng vì thế mà tăng đột biến. Năm 2011, VN Pharma đạt vỏn vẹn hơn 7 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 230 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2012 khi bổ sung lĩnh vực kinh doanh mới và mở rộng quy mô, doanh thu của công ty mẹ tăng vọt lên 328 tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận hơn 2 tỷ.

Dưới thời Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng, hoạt động của VN Pharma liên tục tăng trưởng nhờ hàng loạt gói thầu cung cấp thuốc giá trị lớn. Năm 2013, doanh thu công ty mẹ của VN Pharma đạt gần 800 tỷ đồng, trong khi doanh thu hợp nhất hơn 970 tỷ; lợi nhuận ghi nhận hơn 10 tỷ đồng.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dược phẩm như Imexpharm hay Pymepharco "rơi rụng" vì không thể cạnh tranh về giá trên thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện thì VN Pharma nổi lên như một hiện tượng. Năm 2014, khi ở thời kỳ đỉnh cao, một loạt gói thầu trị giá từ vài chục tỷ cho tới vài trăm tỷ đồng đều đến tay VN Pharma. Có thể kể đến như gói thầu 488 tỷ của Sở Y tế TP HCM hay gói thầu các mặt hàng thuốc 120 tỷ của Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp công ty cán mốc doanh thu 1.077 tỷ đồng.

Đà tăng trưởng của VN Pharma chỉ chấm dứt từ cuối năm 2014 khi Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng bị bắt và khởi tố với tội danh làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita chữa ung thư.

Dù vậy, phải đến đầu năm 2016, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty của ông Hùng mới được chuyển giao lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (sinh năm 1982). Bà Thanh cũng đồng thời kiêm Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty. Vai trò của ông Hùng sau đó chỉ còn là cổ đông sáng lập và cổ đông lớn của VN Pharma.(Vnexpress)
-----------------------

Cảng Quy Nhơn ủy thác đầu tư 100 tỷ vào Việt Xuân Mới, dự chi 159 tỷ mua 5 bộ cẩu

Khoản ủy thác đầu tư vào cổ phần Việt Xuân Mới được thực hiện từ 30/11/2016. Theo báo cáo tài chính của Cảng Quy Nhơn, đây chỉ là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có cam kết lãi suất 8%. Giá trị các khoản đầu tư trên khá lớn nếu so với mức vốn điều lệ 404 tỷ.

CTCP Cảng Quy Nhơn mới đây đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 với lợi nhuận trong nửa đầu năm là 43,3 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. EPS 6 tháng đạt 1.073 đồng.

Nguyên nhân chính đến từ sự mở rộng quy mô doanh thu từ mức 236,6 tỷ đồng lên 301,7 tỷ đồng. Biên lãi gộp xấp xỉ 26%, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2016 (27,1%). Dù vậy, lợi nhuận gộp vẫn tăng 22,7%.

Quy mô tổng tài sản của Cảng Quy Nhơn cũng tăng gần 65 tỷ đồng từ 554 tỷ đồng lên 618,6 tỷ đồng chủ yếu do tăng tiền mặt và các khoản phải thu.

Đáng chú ý, Cảng Quy Nhơn có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 100 tỷ đồng, là khoản ủy thác quản lý danh mục đầu tư qua Quản lý Quỹ Thăng Long theo hợp đồng ký ngày 30/11/2016, đầu tư mua cổ phiếu ưu đãi của CTCP Việt Xuân Mới với cam kết lãi suất 8%. Đến cuối quý II/2017, Cảng Quy Nhơn tiếp tục duy trì khoản đầu tư này, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng tài sản.

Được biết, CTCP Việt Xuân Mới là cổ đông đang giữ 10% cổ phần của CT CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ngoài ra, hồi đầu năm 2016, CTCP Việt Xuân Mới được chọn là đối tác mua 51% cổ phần của Vinalines tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ và hiện là thành viên trong liên danh 3 nhà đầu tư dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên... Đây cũng là đơn vị từng nắm giữ hơn 40% cổ phần của Tổng công ty Chăn Nuôi Vilico (VLC).

Theo quyết định của HĐQT Cảng Quy Nhơn ngày 23/8, doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực xếp dỡ. Cảng Quy Nhơn đã ký kết hợp đồng với CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí IMICO (PVC-IMICO) mua lại hai bộ cẩu đã qua sử dụng QC IC-478 được sản xuất bởi MES và 1C-525 được sản xuất bởi MHI với khẩu độ ray 18m sau khi hoán cải và 3 bộ cẩu TCM RTGs IC-516/517/519.

Giá trị chuyển nhượng bao gồm VAT, lãi trả chậm là 159,42 tỷ đồng.

Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960 kho, 12.000 m2 bãi, 48.000 m2 bãi chứa container, trên 306.568 m2 mặt bằng.

Cảng gồm 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, hàng trăm thiết bị, phương tiện, công cụ xếp dỡ hiện đại có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT với tần suất bình thường, tàu 50.000 DWT giảm tải ra vào làm hàng 24/24 giờ.


Sơ đồ các cầu của cảng - Nguồn: Cảng Quy Nhơn

Đầu tháng 11/2017, Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ niêm yết hơn 40 triệu cổ phiếu tại HoSE. Sở hữu lớn nhất tại doanh nghiệp cảng này là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với tỷ lệ 78,03%. Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn hiện nay là bà Trần Thị Quỳnh Yên, cũng là người đại diện toàn bộ phần vốn góp trên. Bà Yên cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Dịch vụ Hàng Không Việt Xuân Mới.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục