tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-05-2017

  • Cập nhật : 04/05/2017

90% nhân sự quản lý tại Samsung sẽ là người Việt

Tập đoàn Samsung khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đang không ngừng tuyển dụng hàng nghìn nhân sự mới, đặc biệt nhân sự có trình độ đại học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, cùng đó là mục tiêu thay thế phần lớn quản lý người Hàn hiện nay bằng người Việt.

Ngày 29/4, Samsung Việt Nam bắt đầu tổ chức kỳ thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test) đầu tiên trong năm 2017 cho ứng viên cả hai miền Bắc, Nam (tại Hà Nội và Tp.HCM). Theo Samsung Việt Nam, có 8.800 ứng viên là các kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học được chọn từ hơn 20.000 hồ sơ tham gia trực tiếp kỳ thi tuyển GSAT. Samsung dự kiến tuyển khoảng 2.300 nhân viên, trong đó, 100 nhân viên cho nhà máy ở Tp.HCM và 2.200 nhân viên sẽ làm tại các nhà máy ở khu vực Hà Nội.

Bắt đầu công khai tuyển dụng nguồn nhân lực trực tiếp ở Việt Nam từ năm 2011, sau 5 năm, tổng số lượng nhân viên là sinh viên tốt nghiệp đại học được Samsung Việt Nam tuyển dụng lên tới 9.393 người.

hang nghin sinh vien xep hang de tham gia thi tuyen vao samsung viet nam hom 29/4/2017

Hàng nghìn sinh viên xếp hàng để tham gia thi tuyển vào Samsung Việt Nam hôm 29/4/2017

Ông Lee Cheol Ku, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, kiến thức chuyên môn và trình độ của sinh viên Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của tập đoàn, tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất chính là ngoại ngữ và tính chủ động, tích cực trong việc trả lời phỏng vấn cũng như cách thể hiện ý kiến của mình.

Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện Samsung Việt Nam cho biết, không chỉ Samsung, hiện còn rất nhiều doanh nghiệp FDI khác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, các doanh nghiệp châu Âu,… đang đầu tư tại Việt Nam, cũng có nhu cầu rất lớn về nhân sự, do đó, mức độ cạnh tranh nhân sự có trình độ đại học và thông thạo ngoại ngữ hàng năm là rất lớn.

“Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và sẽ cần một lượng lớn nhân lực về công nghệ thông tin, phần mềm, nhưng chúng tôi sẽ không tuyển bằng mọi giá, không tuyển cho đủ chỉ tiêu, nếu không đáp ứng được đầy đủ, đúng các tiêu chí và yêu cầu mà Samsung đặt ra”, ông Lee Cheol Ku, cho biết.

Chiến lược đầu tư của Samsung Việt Nam đang có những hướng mở mới. Ngoài những nhà máy sản xuất điện tử, điện thoại, màn hình TV,… vốn cần đến hàng chục nghìn nhân viên cho khâu sản xuất, tập đoàn Samsung đang hướng đến xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các công ty về công nghệ để phát triển phần mềm và các ứng dụng cho Samsung, cụ thể như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Phần mềm Điện thoại Samsung của Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC) tại Hà Nội.

Ông Lee cho biết, Samsung đang hướng tới đạt 90% là người Việt đảm trách vận hành trong tất cả các nhà máy và trung tâm của Samsung tại Việt Nam. Con số này hiện nay đang là 50% trên tổng số 500 cán bộ quản lý.

Trong hai ba năm tới, Samsung Việt Nam sẽ cần tuyển dụng thêm hơn 1.000 kỹ sư phần mềm. Tuy nhiên, theo ông Lee Cheol Ku, đây sẽ là một vấn đề “đau đầu” khi mà thực tế chỉ 15-20% trên tổng số thí sinh tham dự bài kiểm tra về phần mềm của Samsung (software test) vượt qua.(Vneconomy)
--------------------------------------------

Chính phủ sẽ vay 342.060 nghìn tỷ, trả nợ 260.150 tỷ đồng trong năm 2017

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017 là 342.060 tỷ đồng. Trong đó vay cho cân đối ngân sách nhà nước 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng), còn vay về cho vay lại 25.760 tỷ đồng.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017.

Cụ thể, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, gồm: Vay trong nước 243.300 tỷ đồng và vay ODA, ưu đãi nước ngoài 98.760 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách nhà nước 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng); vay về cho vay lại 25.760 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2017 là 260.150 tỷ đồng, trong đó: Trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2017 là 242.900 tỷ đồng; trả nợ của các dự án cho vay lại 17.250 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng phê duyệt hạn mức được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2017, bao gồm:

Hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa 9.250 tỷ đồng;

Hạn mức bảo lãnh vay trong nước (rút vốn ròng) được Chính phủ bảo lãnh của các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 8.000 tỷ đồng;

Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 700 triệu USD;

Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5.500 triệu USD;

Hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 23.857 tỷ đồng.

Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính rà soát lại sự cần thiết và hạn mức Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 25.145 tỷ đồng, phù hợp định hướng tái cơ cấu VDB Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho hỗ trợ ngân sách nhà nước chung, khả năng triển khai và giải ngân nhanh trong năm 2017 trong trường hợp vượt dự toán được duyệt.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ dứt điểm vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chưa phân bổ trong mức dự toán 60.000 tỷ đồng được Quốc hội phê duyệt; báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong trường hợp giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thực tế năm 2017 cho xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách nhà nước vượt quá 60.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả trong hạn mức được duyệt.(Bizlive)
---------------------------

Lĩnh vực sản xuất vẫn là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong đầu quý II

Chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,1 điểm trong tháng Tư, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất trong đầu quý II.

 

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Theo thông cáo báo của của Nikkei và IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 54,1 điểm trong tháng Tư, giảm nhẹ so với mức 54,6 điểm trong tháng Ba, mức cao nhất trong vòng 22 tháng và dẫn đầu khu vực ASEAN.

Tuy giảm nhẹ, chỉ số PMI cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất trong đầu quý II năm nay. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 17 tháng qua, thông cáo cho biết.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh là yếu tố chính góp phần cải thiện các điều kiện hoạt động, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng mạnh nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu.

Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn trong ba tháng liên tiếp do nhu cầu của khách hàng tăng. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tục kể từ tháng 12/2015, thông cáo nhấn mạnh.

Lượng công việc mới tăng khiến các nhà sản xuất tiếp tục tăng sản xuất trong tháng Tư. Theo đó, các nhà sản xuất phải tăng nhu cầu tuyển dụng và đẩy mạnh hoạt động mua hàng.

“Sự tin tưởng vào triển vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong tương lai cũng là nhân tố góp phần làm tăng mức độ lạc quan về sản lượng trong năm tới”, báo cáo viết.

“Mức tăng kỷ lục của xuất khẩu là điểm nhấn chính trong kết quả khảo sát mới nhất của chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi các công ty tiếp tục nhận được các đơn đặt hàng mới từ các thị trường quốc tế”, theo Andrew Harker, chuyên gia tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát.

“Thành công này đã dẫn đến sự cải thiện ở hầu hết các khía cạnh của lĩnh vực sản xuất, khi sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng mạnh trong tháng 4. Do đó, lĩnh vực sản xuất

vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong đầu quý II”, Harker nói thêm.

Trong báo cáo trước đó, IHS Markit dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay.(Bizlive)
-----------------------------------

Genco 3 đề xuất làm 2 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chủ trương đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại tỉnh này.

 

tong cong ty phat dien 3. anh: tl

Tổng công ty phát điện 3. Ảnh: TL

 

Genco 3 đề xuất với UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam với diện tích 554 ha, công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350 MW, tổng mức đầu tư khoảng 9.576 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ quý 2 năm 2018 đến quý 1 năm 2021. Ngoài sản xuất điện năng lượng mặt trời, Genco 3 sẽ kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên phần diện tích dự án.

Tổng Công ty Phát điện 3 hiện quản lý vận hành 12 nhà máy nhiệt điện và thủy điện trên cả nước với tổng công suất phát điện 6.549 MW, chiếm gần 17% sản lượng hệ thống điện Quốc gia.

Lĩnh vực hoạt động chính của Genco 3 là sản xuất và kinh doanh điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án nguồn điện. Các đơn vị thành viên của Genco 3 bao gồm 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 2 công ty con do Genco 3 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 6 công ty liên kết do Genco 3 nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Dự báo trước đó được đưa ra bởi đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, đến năm 2050, 43% sản lượng điện Việt Nam sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo. Giá thành sản xuất điện gió, mặt trời trên thế giới đang có xu hướng giảm và ngày càng rẻ do công nghệ ngày càng phát triển.

Đại diện EVN cũng cho biết, đến năm 2020, công suất điện gió cả nước ước đạt 800 MW, năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2025 đạt khoảng 6.000 MW (gấp khoảng 2,5 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La).(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục