tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-11-2017

  • Cập nhật : 12/11/2017

Điều hành giá thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Ban Chỉ đạo Điều hành giá vừa ban hành Thông báo số 884/TB-BCĐĐHG ngày 8/11/2017 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 13/10/2017.

cpi binh quan 9 thang dau nam 2017 tang 3,79% so voi cung ky nam 2016. nguon: internet

CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn: internet

Khả năng hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 4%

Đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành giá 9 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, công tác này đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác dự báo đã được các bộ, ngành chú trọng, trên cơ sở đó đã điều hành giá sát với kịch bản dự báo nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Nhờ đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 9/2017 so với tháng 12/2016 chỉ tăng 1,83%; Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,45%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%). Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cơ bản lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%.

Điều hành giá thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng

Trong những tháng còn lại của năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tính toán điều hành tăng trưởng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng không tạo lạm phát kỳ vọng cho năm 2018, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%...

Phó Thủ tướng cũng giao các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.

Bên cạnh đó, về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu với mục tiêu giảm giá dịch vụ BOT đối với ít nhất 50% số trạm đã quyết toán trong năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng giao Tổng cục Thống kê phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các kịch bản và tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu tới chỉ số giá bình quân năm bảo đảm kiểm soát lạm phát cũng như hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 và năm 2018. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính xây dựng chỉ tiêu lạm phát cho năm 2018 phù hợp với tình hình kinh tế xã hội trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.(TCTC)
-------------------------------

Hàn Quốc cung cấp 1,5 tỷ USD vốn vay cho Việt Nam

Ngày 8/11, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk đã thay mặt Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các khoản tín dụng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc dành cho Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.

le ky ket hiep dinh khung giua hai chinh phu ve cac khoan tin dung tu quy hop tac phat trien kinh te han quoc danh cho viet nam, giai doan 2016-2020.

Lễ ký kết Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các khoản tín dụng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc dành cho Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.

Hiệp định trên xác nhận việc Hàn Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD trong giai đoạn trên, dành cho một số dự án được hai bên xác định, thống nhất lựa chọn. Hiệp định cũng là khuôn khổ pháp lý để Hàn Quốc cung cấp vốn ODA cho Việt Nam và để Việt Nam tiếp nhận, sử dụng ODA từ Hàn Quốc một cách thuận lợi, hiệu quả.

Đại sứ Lee Hyuk khẳng định Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục duy trì sự ủng hộ Việt Nam, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đối tác Vệt Nam trong việc triển khai, cụ thể hóa nội dung Hiệp định. 

Được biết, từ năm 1993 đến nay Hàn Quốc đã cung cấp 2,7 tỷ USD cho Việt Nam, để thực hiện khoảng 60 dự án thuộc một số lĩnh vực được ưu tiên, gồm: Hạ tầng giao thông đô thị, y tế, cấp thoát nước...Hiện, Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam.(TCT)
-----------------------

Thoả thuận TPP có tên gọi mới CPTPP

Bộ trưởng các nước thành viên đã đồng ý với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định các nước đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi.

 

bo truong cong thuong va bo truong kinh te nhat ban dong chu tri cuoc hop bao

Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản đồng chủ trì cuộc hop báo

 

Tin từ Bộ Công Thương cho biết, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng trong các ngày 8,9 và 10 tháng 11 năm 2017 để thảo luận việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới.

Trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2017, các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đồng thời ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thông nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Dựa trên Tuyên bố này, các Bộ trưởng giao các Trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.

Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà giúp Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị.(Bizlive)
-------------------

Lãi suất cho vay mới nhúc nhắc giảm

Với chủ trương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngành ngân hàng đang từng bước cắt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào vẫn cao nên chưa thể giảm mạnh.

 

lai suat cho vay thong thuong hien o muc 6,8-9%/nam doi voi ngan han, tu 9,3-11%/nam doi voi trung-dai han

Lãi suất cho vay thông thường hiện ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung-dài hạn

 

Ông Nguyễn Thanh Mỹ (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, ông có nhu cầu vốn để dự trữ hàng kinh doanh cuối năm, nên đã tìm đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Sau khi tìm hiểu tại Eximbank, lãi suất cho vay cá nhân vẫn ở mức hơn 10%/năm, nên ông đã tính lại bài toán sử dụng vốn vay.

Theo ông Mỹ, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, nếu sử dụng vốn vay để kinh doanh, nhưng mức sinh lời thấp sẽ không đủ để trang trải chi phí, dễ dẫn đến thua lỗ.

Anh Nguyễn Văn Hai (quận 9, TP.HCM) chia sẻ, căn hộ chung cư Flora Anh Đào (quận 9. TP.HCM) mà anh vay mua tại TPBank đến nay đã được gần 2 năm, nhưng sau thời gian đầu ưu đãi, lãi suất hiện đã tăng thêm 1-2%/năm. Tương tự, chị Nguyễn Minh Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, lãi suất khoản vay mua nhà của chị tại ANZ đã tăng thêm 1,5-2%/năm so với 1 năm trước.

Trên thực tế, để thu hút khách hàng vay vốn, các ngân hàng thường đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, nhưng ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian đầu, sau đó sẽ tăng trở lại. Đơn cử, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng thời điểm cuối năm, OCB có gói vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,99%/năm. Tuy nhiên, mức ưu đãi chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu. Sau đó, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng (7,9%/năm) cộng thêm biên độ 3%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu khi lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn trong xu hướng nhích dần.

“Mặc dù vậy, lãi suất thấp chỉ là một phần. Điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm là tính ổn định của lãi suất cho vay để từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.

TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, các ngân hàng cần nỗ lực cắt giảm chi phí đầu vào để có thể giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích cầu vốn trung-dài hạn, bởi nguồn vốn trung- dài rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 16-20/10/2017, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Trong số các ngân hàng, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đang huy động kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp, chỉ 4,3%/năm với kỳ hạn dưới 3 tháng, trong khi nhóm ngân hàng cổ phần cao hơn đáng kể. Chẳng hạn, tại VIB lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,4%/năm, còn 6 tháng là 5,5%/năm…

Về cho vay, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, từ 9-10%/năm đối với trung-dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung-dài hạn.

Thống kê của NHNN cũng cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua có xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và giảm ở kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần tăng lần lượt 0,02%/năm và 0,01%/năm, lên mức 1,24%/năm và 1,31%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,11%/năm, xuống mức 1,52%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám NHNN - Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, đồng thời ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

“Đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ từ 4-5%/năm”, ông Minh, nói, đồng thời nhấn mạnh, với các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản, việc cho vay phải kiểm soát chặt chẽ.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm nay, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và “thốc” lên vào cuối năm như trước đây.

“Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp -nông thôn tăng 17,6%, công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, thương mại và dịch vụ tăng 18,1%”, ông Hưng nói.(ĐTCK)

Trở về

Bài cùng chuyên mục