tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-07-2017

  • Cập nhật : 10/07/2017

Giá nhà đất Hồng Kông ra sao sau 20 năm trả về Trung Quốc?

quan canh tu quan tsim sha tsui nhin ra cac toa nha ben kia ben cang victoria anh: bloomberg

Quan cảnh từ quận Tsim Sha Tsui nhìn ra các tòa nhà bên kia bến cảng Victoria ẢNH: BLOOMBERG


Theo CNN, một người Hồng Kông biết khu phố họ ở đang trở nên đắt đỏ hơn khi mà những thương hiệu sang trọng như Gucci chuyển ra. Hãng thời trang Ý chỉ là một trong số nhiều công ty phương Tây, các hãng đi sai đường giữa đợt bùng nổ bất động sản ở Hồng Kông. Giá cả bất động sản thương mại tại các khu vực trọng yếu của thành phố gần như tăng gấp đôi kể từ thời Anh trả đặc khu lại cho Đại lục. Hiện bất động sản ở đây thuộc hàng đắt nhất thế giới.

Như nhiều sự kiện diễn ra ở Hồng Kông kể từ thời điểm lịch sử năm 1997, tiền và quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở đặc khu này đang là tâm điểm trong dòng thay đổi. Các doanh nghiệp Đại lục giàu tiền mặt đua nhau giành không gian văn phòng tốt nhất tại các quận trung tâm, kéo giá cả đi lên. Những doanh nghiệp như Gucci và Burberry tìm đến những văn phòng rẻ hơn, ở xa hơn, theo các nhà môi giới và phát triển bất động sản.

Dòng chảy doanh nghiệp từ Đại lục vào Hồng Kông phản ánh sự thay đổi lớn trong vai trò trung tâm kinh doanh của đặc khu. Giám đốc nghiên cứu Hồng Kông Denis Ma của hãng bất động sản JLL cho hay: “Vào thời điểm được trao trả về cho Trung Quốc, Hồng Kông được xem là bước đệm của các doanh nghiệp đa quốc gia muốn bước vào thị trường Trung Quốc. Một mặt nào đó, điều này hiện vẫn đúng. Song những gì chúng ta thấy vài năm qua là các công ty Đại lục bắt đầu có quan điểm tương tự về Hồng Kông, xem đây là bước đệm để liên kết với thế giới rộng lớn hơn”.

Số doanh nghiệp Đại lục đang tăng mạnh. Sự thống trị của công ty Trung Quốc trên đất Hồng Kông là yếu tố khó bỏ qua. Theo hãng CBRE, hiện có 1.123 công ty Đại lục hoạt động ở Hồng Kông, gần gấp ba lần so với số lượng cách đây 20 năm. Doanh nghiệp Đại lục cũng chiếm 64% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán hồng Kông, tăng từ mức 16% năm 1997.

Thay đổi ở Trung Quốc chính là yếu tố dẫn dắt xu hướng này. Chính sách chính phủ đối với doanh nghiệp Đại lục ở Hồng Kông ngày càng cởi mở và Bắc Kinh khuyến khích giới doanh nghiệp mở rộng ra nước ngoài. Những năm gần đây đã và đang có dòng vốn lớn chảy khỏi Trung Quốc.

Tiền ồ ạt từ Đại lục khiến thị trường bất động sản Hồng Kông bùng nổ. Theo CBRE, chủ bất động sản thu trung bình 264 USD mỗi foot vuông (1 foot vuông = 0,093 mét vuông) văn phòng cho thuê cao cấp tại trung tâm Hồng Kông, cao hơn nhiều so với số tiền mà chủ bất động sản ở khu West End (London, Anh) cũng như khu Midtown Manhattan (New York, Mỹ) thu được, vốn lần lượt là 146 USD và 144 USD.

CBRE cho hay việc trở thành người sở hữu nhà ở Hồng Kông ngày càng khó hơn vì giá cả tăng vọt 89% kể từ năm 1997. Theo công ty chính sách công Demographia, Hồng Kông được xếp hạng là thành phố có giá cả đắt đỏ nhất thế giới 7 năm liên tiếp.

Giá bất động sản tăng vọt khiến một số hãng đa quốc gia phải dạt ra những vùng khác của Hồng Kông. Một số ít công ty từ bỏ đất này. Từ năm 2012 đến 2016, có hơn 100 văn phòng của công ty Mỹ phải ra khỏi Hồng Kông.

Dù vậy, Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông, cho hay số công ty từ bỏ Hồng Kông là tương đối nhỏ. Điều khiến các hãng này rời đi vừa là chi phí thuê mướn cao, vừa là sự lao dốc của một số ngành công nghiệp, đặc biệt là bán lẻ. “Các công ty Mỹ vẫn xem Hồng Kông là trụ sở chính của họ”, bà Joseph cho hay.(Thanhnien)
-----------------------

Doanh nghiệp quân đội đang kinh doanh những lĩnh vực gì

Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Do đặc thù hoạt động, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng - bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc...

Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Dù chỉ là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nhưng Viettel lại là đơn vị đang giữ vị thế lớn nhất trên thị trường và tạo sự cách biệt lớn với hai nhà mạng đứng sau là VinaPhone và Mobifone.

Năm 2016, Viettel đạt hơn 226.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 10 tỷ USD và hơn 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng doanh thu của Viettel cũng gấp gần 3 lần doanh thu của VinaPhone và Mobifone cộng lại, đồng thời là đơn vị đang đóng góp vào ngân sách lớn nhất trong số các doanh nghiệp quốc phòng, đạt trên 40.000 tỷ đồng.

doanh-nghiep-quan-doi-dang-kinh-doanh-nhung-linh-vuc-gi

Viettel là doanh nghiệp quốc phòng đứng đầu về đóng góp vào ngân sách với hơn 40.000 tỷ đồng.

Không chỉ ở thị trường trong nước, Viettel cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động ra nước ngoài. Tính đến năm 2016, Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) - công ty con của Viettel, có 35 triệu thuê bao trên 9 thị trường quốc tế, cung cấp dịch vụ tới khách hàng trải dài từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Kết thúc năm, doanh nghiệp này đạt hơn 15.300 tỷ đồng doanh thu, nhưng báo lỗ hơn 3.000 tỷ đồng do tỷ giá, chủ yếu tại thị trường Mozambique.

Một cái tên thường được nhắc đến ngay sau Viettel là Ngân hàng Quân đội (MBB). Nhà băng nàycũng thuộc top một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay và được xét trong nhóm "Big 4" của thị trường. Được niêm yết từ năm 2011 nhưng phải đến đầu năm 2017 và đặc biệt là cuối tháng 5/2017, cổ phiếu MBB mới thực sự thăng hoa và đưa vốn hóa thị trường của Ngân hàng Quân đội lên hơn 38.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2017, MBB đạt tổng tài sản hơn 250.000 tỷ với vốn điều lệ hơn 17.000 tỷ đồng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đạt tới 24% - cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn giữ thị phần container xuất nhập khẩu trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 17.200 tỷ đồng doanh thu và gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, với hệ thống 19 cảng biển tại TP HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Hải Phòng…

Tương tự Viettel và Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) cũng là doanh nghiệp lớn dù là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc Phòng hoạt động trong lĩnh vực này. Tổng công ty là một trong những doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu nội địa, cung ứng các chủng loại xăng dầu, mỡ nhờn cho quốc phòng và các đối tượng kinh tế khác.

Các đơn vị thành viên Mipecorp trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố với gần 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc Tổng công ty và hàng trăm cửa hàng đại lý. Năm 2016, doanh nghiệp này đạt hơn 8.500 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong số hơn 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bay dầu khí và cho thuê chuyên nghiệp. Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Tổng công ty 15 cũng là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trồng cao su và khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên với đà lao dốc của giá mặt hàng này trong những năm gần đây, hoạt động của Tổng công ty 15 dần trở nên mờ nhạt so với những doanh nghiệp khác trong nhóm.

Với xây dựng – bất động sản, Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 là những doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng nổi trội nhất. Năm 2016, Tổng công ty 319 đạt gần 9.400 tỷ đồng doanh thu và gần 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là đầu tư hạ tầng giao thông thông qua các dự án BT, BOT và đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, Tổng công ty 36 lại hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu). Năm 2016, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 3.700 tỷ đồng, so với quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ. Những năm gần đây, giá trị doanh thu của doanh nghiệp luôn duy trì ở mức cao, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12% mỗi năm.

Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1; còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong số này, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là đơn vị có thế mạnh trong xây lắp các công trình thủy điện. Trường Sơn cũng là đơn vị lắp đặt đường dây tải điện 500Kv Bắc Nam và nhiều công trình thủy điện miền Trung, trong khi Lũng Lô từng nhận những công trình hàng trăm tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam thi công đường hầm Thủy điện Đa Him và Thủy điện Hàm Thuận.

Với lĩnh vực hoạt động khá chuyên biệt, Tổng công ty Hợp tác Kinh tế đầu tư chủ yếu vào các công trình tại Lào và 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, trong khi Tổng công ty xây dựng Công trình Hàng Không (ACC) sản xuất chủ yếu các sản phẩm bê tông cho các dự án lớn.

Với lĩnh vực đóng tàu, hai doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng đang hoạt động này gồm Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son, tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động với một đặc thù riêng.

Trong khi hoạt động chính của Ba Son hướng đến loại tàu chở hàng tổng hợp và tàu container (chiếm trên 50% số sản phẩm trong những năm gần đây), thì Sông Thu hướng tới các sản phẩm mang công năng riêng biệt như tàu công trình, tàu tuần tra quốc phòng và tàu đa năng xử lý các sự cố trên biển.(Vnexpress)
----------------------

Chủ tịch TP Đà Nẵng nêu hướng xử lý vấn đề Sơn Trà và Mường Thanh xây sai phép

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có bài phát biểu nêu lên một số vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến quản lý đô thị, thu hút đầu tư, quản lý đầu tư công, giao thông, ô nhiễm môi trường, bán đảo Sơn Trà…

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, cách nay khoảng 10 năm, với tư duy, cách nhìn mong muốn thu hút đầu tư để phát triển Sơn Trà nên đã cho phép 18 dự án đầu tư vào đây. Hiện nay, với nhận thức tiến bộ hơn, nên tư duy người dân, cán bộ, công chức, đảng viên thay đổi, thiên về việc bảo tồn nhiều hơn.

Thành phố Đà Nẵng cũng sớm có quan điểm của mình; vấn đề Sơn Trà đã được bàn bạc thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, tháng 4/2017 đã có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét lại Quyết định về quy hoạch Sơn Trà.

Quan điểm của thành phố là bảo vệ Sơn Trà theo một cơ chế đặc thù; phải tính toán có cách xử lý phù hợp nhất, đưa ra ngưỡng cho phép sử dụng mà không làm mất đi những giá trị độc đáo riêng có của Sơn Trà.

Bên cạnh đó là phải giải quyết bài toán về quyền lợi của nhà đầu tư hàng chục dự án đã được cấp phép trước đây, đã hoàn thành xong các thủ tục, đã nộp tiền đủ vào ngân sách. Bây giờ thu hồi thế nào, điều chỉnh thế nào, diện tích, mật độ xây dựng, cao tầng … cho phù hợp.

UBND thành phố Đà Nẵng đang tập hợp báo cáo Chính phủ tòan bộ các vấn đề về Sơn Trà. Trong vấn đề Sơn Trà, thành phố rất có trách nhiệm, dựa trên cơ sở khoa học, chắc chắn có tính thuyết phục cao và lãnh đạo thành phố tự tin có đủ năng lực xử lý vấn đề này, đem lại kết quả có sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố.

Đối với các vấn đề liên quan đến sai phạm về quản lý xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng việc triển khai các dự án xây dựng lớn của các doanh nghiệp có bộc lộ những yếu kém.

Ngoài lý do ngày càng nhiều các dự án lớn ven biển, nhà cao tầng, chủ đầu tư nôn nóng đầu tư, bỏ qua nhiều bước thủ tục bất chấp quy trình xây dựng và đã bị kiểm tra nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn tái phạm.

"Quản lý xây dựng đúng khuôn phép, không du di tha thứ như báo chí gọi là hợp thức hóa, ngay cả các vấn đề như Mường Thanh… Chúng ta không nên so sánh Đà Nẵng với Hà Nội, TP HCM, vì đó là việc của họ, việc chúng ta là làm cho tốt, không nên nặng chỗ này, nhẹ chỗ khác”, Chủ tịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xử lý ô nhiễm 2 nhà máy thép Dana – Úc, Dana –Ý ở Hòa Liên, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết hai nhà máy này được xây dựng từ năm 2007, trong thời điểm mà thành phố đang “khát” đầu tư. Khi đó dân cư còn thưa thớt nhưng bây giờ thi đông. Hai nhà máy này gây ô nhiễm cũng từ lâu nhưng đến giờ thì không chịu đựng nữa.

Muốn di dời 2 nhà máy, không chỉ là kinh phí 1.500 tỷ mà thực tế không tìm ra chỗ để di dời. UBND thành phố chỉ đạo rất quyết liệt, giờ bà con đã thống nhất di dời đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn. Về phương án tài chính: hai nhà máy phải nộp tiền ký quỹ để đảm bảo việc đền bù di dời và tái định cư cho dân.

Phần đất sau khi dân đã di dời được bán đấu giá; nếu số tiền bán đấu giá cao hơn số tiền nhà máy đã bỏ ra thì phần chênh lệch này nộp ngân sách; trường hợp tiền bán đấu giá ít hơn thì hai nhà máy phải nộp thêm cho đủ.(NDH)
----------------

Xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu năm tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong nửa đầu năm nay ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đẩy mạnh tất cả các mặt hàng chủ lực.

Mặt hàng tôm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và dẫn đầu giá trị xuất khẩu phân theo sản phẩm, ước đạt 1,5 tỷ USD. Lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tôm chưa nấu chín từ Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia chính thức hết hiệu lực từ đầu tháng 7, cộng thêm nguồn cung tại một số nước sản xuất và thị trường nhập khẩu chính giảm mạnh sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh giá trị trong giai đoạn cuối năm.

Đối với cá tra, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 813 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu mặt hàng này dự báo sẽ gặp khó khăn và khó phục hồi trong thời gian tới do nguồn nguyên liệu hạn chế, bị truyền thông quốc tế bôi nhọ và thị trường Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cao và chế độ kiểm soát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cá ngừ, bạch tuộc và hải sản khác đồng loạt tăng mạnh đã bù đắp phần thâm hụt và tạo sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và thị trường trong doanh nghiệp. Trong đó, xuất khẩu bạch tuộc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất là 54%, đạt 327 triệu USD nhờ nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu tăng đột biến, trong khi nguồn cung trên thế giới có xu hướng giảm mạnh.

Dù giảm gần 5% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 615 triệu USD. Bù lại, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.. ghi nhận mức tăng trưởng ổn định từ 5-32%.

VASEP dự báo, xu hướng tăng trưởng trong nửa đầu năm sẽ tiếp tục tác động tích cực đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản những tháng tới.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục