tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-07-2017

  • Cập nhật : 01/07/2017

Ghana thế chấp tài nguyên quốc gia để lấy 15 tỉ USD từ Trung Quốc

Theo Russia Today, Trung Quốc vừa đồng ý cung ứng khoản vay 15 tỉ USD để tài trợ cho các dự án kinh tế quan trọng của Ghana. Giới chức Ghana cho hay khoản vay không dựa trên mô hình vay mượn truyền thống, mà có được nhờ sức mạnh thương lượng của nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước.

thu do accra cua ghana anh: reuters

Thủ đô Accra của Ghana ẢNH: REUTERS

Phó tổng thống Ghana Mahamudu Bawumia cho hay nước này có 2,8 tỉ tấn quặng sắt, 960 triệu tấn bô-xít, 413 triệu tấn mangan, chưa kể còn nhiều vàng và cacao.

Ông Bawumia thể hiện sự lạc quan về khoản vay mới. Đất nước Tây Phi cần 20 tỉ USD để thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng và Trung Quốc có thể cho vay thêm 4 tỉ USD. Phó tổng thống Ghana cho biết khoản vay sẽ chỉ đổi lại một phần nhỏ trong toàn bộ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ghana.

“Trường hợp của chúng tôi là chúng tôi cần 20 tỉ USD để thực hiện kế hoạch lớn trong khi đang có 460 tỉ USD dưới mặt đất… Điều chúng tôi thực sự cần là phát triển mô hình tài chính sử dụng một phần nhỏ các khoản dự trữ này để tài trợ chi phí cơ sở hạ tầng”, ông Bawumia nói.

Quyết định dùng tài nguyên thiên nhiên làm tài sản thế chấp bị phe đối lập ở Ghana chỉ trích. Thành viên Quốc hội Ghana Richard Acheampong nói trên đài phát thanh địa phương: “Cuối cùng, Ghana sẽ bị thiếu hụt. Chẳng có gì gọi là bữa trưa miễn phí ở những nơi khác trên thế giới”.

Theo ông Acheampong, giới chức đang sử dụng các thỏa thuận tinh vi để che mắt người dân. “Bao nhiêu phần tài nguyên thiên nhiên được dùng để đổi lấy 15 tỉ USD trong thỏa thuận tài trợ? Nếu bạn còn nhớ, cựu Tổng thống Kufuor cũng làm điều tương tự khi xây dựng đập Bui. Ông đến Trung Quốc và thế chấp cacao để vay tiền. Bây giờ, chúng ta phải chuyển cacao sang Trung Quốc để trả nợ”, ông Acheampong cho hay.(Thanhnien)
-------------------------------

Phải sớm có ô tô thương hiệu Việt

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, phải sớm có ô tô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới. Do đó, khuyến khích doanh nghiệp (DN) trong nước có tiềm lực và uy tín hợp tác với các đối tác chiến lược trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp ô tô. 

Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà tiếp tục lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất, đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô toàn cầu trên cơ sở đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến. 

Nhân rộng một số trung tâm/cụm công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu các DN và Hiệp hội DN sản xuất ô tô tái cấu trúc ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở xác định dòng sản phẩm chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế có tiềm lực để mở rộng sản xuất lắp ráp ô tô cũng như phát triển mạng lưới sản xuất sản phẩm phụ trợ công nghiệp ô tô theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ và các cam kết quốc tế; nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế, phí, tín dụng ưu đãi phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và DN nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô. Hướng tới xuất khẩu ra thị trường trong khu vực ASEAN.(NLĐ)
--------------------------

Nga, Trung Quốc sẽ ký hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 10 tỷ USD

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Li Huilai ngày 29/6 cho biết các công ty của Nga và Trung Quốc có kế hoạch ký hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 10 tỷ USD nhân dịp chuyến thăm Moskva của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới.

 

nga, trung quoc se ky hang chuc thoa thuan tri gia hon 10 ty usd nhan dip chuyen tham moskva cua chu tich tap can binh tu ngay 3/7. anh: thx/ttxvn

Nga, Trung Quốc sẽ ký hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 10 tỷ USD nhân dịp chuyến thăm Moskva của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 3/7. Ảnh: THX/TTXVN

 

Dự kiến, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nga 2 ngày, bắt đầu từ ngày 3/7. 

Ông Tập sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev về các chủ đề từ năng lượng và thương mại đến hợp tác chiến lược.(TTXVN)
--------------------------

EVN được phép tăng giá điện dưới 5% không cần báo cáo

Từ 15/8 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền tăng giá điện trong phạm vi 3% đến dưới 5% mà không cần báo cáo.

Ngày 30/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 24, thay thế Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu tăng gấp đôi so với quy định tại Quyết định 69, lên 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Như vậy, Tập đoàn này sẽ không cần báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước trước khi tăng giá và đợi được “cho phép” như trước.

evn-duoc-phep-tang-gia-dien-duoi-5-khong-can-bao-cao

EVN được phép tự điều chỉnh giá điện nếu giá bán bình quân tăng trong phạm vi 3-5%. Ảnh: EVN Hà Nội

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, quyền quyết định tăng giá thuộc về Bộ Công Thương. Và nếu giá điện bình quân tăng trên 10% trở lên so với giá hiện hành thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng dựa trên phương án do EVN trình và Bộ Công Thương thẩm định. 

Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không thực hiện, nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.

Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân, việc xử lý sẽ được chiếu theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Quyết định 24 có hiệu lực từ 15/8 tới. (Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục