tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-04-2017

  • Cập nhật : 20/04/2017

Ấn Độ từ chối thẳng lời mời tham gia 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc

Mặc cho Bắc Kinh có lời mời tham gia 'Con đường tơ lụa mới' hay sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' (OBOR), New Delhi vẫn có lý do riêng để từ chối.

an do tu choi thang loi moi tham gia 'con duong to lua moi' cua trung quoc

Ấn Độ từ chối thẳng lời mời tham gia 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Ấn Độ sẽ nằm trong số 92 quốc gia có thể đưa đại diện chính thức tham dự diễn đàn về đại kế hoạch OBOR do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng lập, sẽ được tổ chức vào ngày 14.5 tới.

Theo Sputnik, lời thông báo của ông Vương được đưa ra ngay sau chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh ở Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Được biết, đại diện hai nước láng giềng đã có lời qua tiếng lại không mấy tốt đẹp trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé thăm. Tuy nhiên, lời mời tham dự OBOR vẫn được Đại lục đưa ra.

“Chúng tôi hoan nghênh đại diện Ấn Độ cũng như các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính nước này tham gia hội nghị OBOR”, ông Vương nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào hôm 18.4 và nhấn mạnh rằng các dự án của Trung Quốc trong vùng Kashmir do Pakistan quản lý “không có mối quan hệ tranh chấp”.

Tuy nhiên, các quan chức ở Ấn Độ thừa nhận rằng mặc dù sáng kiến OBOR đang có sức hấp dẫn về mặt kinh tế, nhưng New Delhi có lý do riêng để từ chối tham gia, đặc biệt khi nó liên quan đến Kashmir. Jagannathe Panda, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng của Ấn Độ cũng cho biết nước này chống lại Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trong vấn đề chủ quyền.

“Sáng kiến OBOR hấp dẫn về mặt thương mại, nhưng chúng tôi sẽ không tham gia vì lý do chính trị. Nếu chúng tôi tham gia, thì điều này sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ quyền đối với Kashmir, một vị trí chiến lược hiện vẫn do Pakistan quản lý”, ông Panda nói.

Song một quan điểm khác cũng đang nổi lên trong giới chuyên gia, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa hai nước láng giềng về các nguồn lực và chiến lược kinh tế. Sự tiến bộ của OBOR có thể khiến New Delhi phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

“OBOR cung cấp cho Ấn Độ khả năng tham gia vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt sau khi Ấn Độ nhận ra các lựa chọn đầy hạn chế của mình trong việc đối phó với Bắc Kinh”, Srinath Raghavan, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi cho hay.(Thanhnien)
-----------------------------

Doanh nghiệp Mỹ giục Nhà Trắng bảo vệ lợi ích kinh doanh trước Trung Quốc

Theo Russia Today, Phòng Thương mại Mỹ vừa cảnh báo 2017 có thể là năm làm ăn khó khăn nhất tại Đại lục trong nhiều thập niên. Cơ quan vận động hành lang cho giới doanh nghiệp Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc bảo vệ công ty nước này và thu hẹp khoảng trống còn lại cho các công ty ngoại.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ William Zarit nói: “Hiện nay cơ bản là chúng tôi đang đề xuất rằng hãy sử dụng tất cả những mũi tên có thể dùng dù biết rằng một trong số những đòn bẩy này có thể gây trở ngại với chính chúng tôi”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng với cam kết có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Ông hứa kiềm chế thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vốn đạt 347 tỉ USD năm ngoái. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump gọi Đại lục là nước thao túng tiền tệ, song hồi tuần trước, ông rút lại cáo buộc trên.

Tổng thống Mỹ viết trên trang mạng xã hội Twitter: “Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong khi họ đang làm việc với chúng ta trong vấn đề Triều Tiên? Chúng ta hãy đợi điều sắp xảy ra!”.

Theo ông Zarit, thỏa thuận của ông Trump với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên có thể làm tổn thương lợi ích doanh nghiệp Mỹ, vì Bắc Kinh có thể trợ giá hàng tỉ USD cho các công ty trong nước là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.

“Tôi tiếc khi thấy khả năng chúng ta có thể mất một số động lực vì giúp Trung Quốc đi lên trong mối quan hệ kinh tế với chúng ta, vì vấn đề Triều Tiên, nếu đây là một kiểu thỏa hiệp”, ông Zarit cho biết.

“Với sự bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính trị và kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc, nhận thức về môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp ngoại ở Đại lục xấu đi cùng một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, 2017 có thể là năm thử thách nhất trong nhiều thập niên dành cho công ty Mỹ hoạt động tại Đại lục”, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cho hay.(TN)
-------------------------------------

Có 9 nhóm máy móc nông nghiệp sẽ bị kiểm tra khi nhập khẩu

Bộ NN-PTNT vừa có thông báo gửi Tổng cục Hải quan, theo đó, sẽ có 9 nhóm hàng gồm máy móc, thiết bị nông nghiệp thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Cụ thể danh mục gồm: máy kéo cầm tay dùng trong nông nghiệp; máy kéo nông nghiệp; thiết bị làm đất dẫn động cơ giới (bao gồm máy cày, bừa và các loại khác); máy gieo hạt, máy trồng cây và máy cấy; thiết bị phun bảo vệ cây trồng hoạt động bằng điện, thiết bị phun bảo vệ cây trồng không hoạt động bằng điện; máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch khác (dùng thu hoạch mía, ngô, cây thức ăn gia súc và bông); máy cắt cỏ; máy đóng kiện rơm, cỏ; cưa xích cầm tay. Hai đơn vị sẽ thực hiện kiểm tra chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp khi nhập khẩu là Công ty CP giám định khử trùng Vietnamcontrol (TP.HCM) và Trung tâm giám định máy và thiết bị (Hà Nội). (TN)
-------------------------------------------

Lao động nước ngoài tại VN sẽ phải đóng BHXH

Đây là quy định mới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại VN, đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất đối tượng là NLĐ nước ngoài làm việc tại VN tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Quy định áp dụng cho NLĐ nước ngoài có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Tiền lương tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật VN. Mức đóng BHXH áp dụng hằng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho NLĐ, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất và 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với NLĐ hết hạn hợp đồng, không làm việc tiếp, NLĐ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng không còn cư trú tại VN nếu có yêu cầu sẽ được hưởng BHXH 1 lần.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), từ năm 2011 - 2016, số NLĐ nước ngoài tại VN đã tăng từ 63.557 người lên 83.046 người. Số NLĐ nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4%. Việc áp dụng BHXH đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở VN cũng sẽ mở cơ hội cho NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc. Dự kiến, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục