tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 21-04-2017

  • Cập nhật : 21/04/2017

Tập đoàn Exxon Mobil xin được làm ăn lại với Nga

Tập đoàn dầu khíExxon Mobil đã đệ đơn lên Bộ Tài chính Mỹ, xin được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ hiện đang áp lên Nga.

trong mot buc anh cua nam 2012, tong thong nga putin (giua) gap go voi ong igor sechin (trai) la giam doc dieu hanh tap doan rosneft va ong rex w. tillerson (phai), khi do la giam doc dieu hanh tap doan exxon mobil - anh: reuters

Trong một bức ảnh của năm 2012, tổng thống Nga Putin (giữa) gặp gỡ với ông Igor Sechin (trái) là giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft và ông Rex W. Tillerson (phải), khi đó là giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil - Ảnh: Reuters

Báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 19-4 cho biết tập đoàn năng lượng Mỹ, từng do đương kim ngoại trưởng Rex Tillerson điều hành, đã nộp đơn xin được cấp phép trở lại cho việc hợp tác làm ăn với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.

Báo New York Times (NYT) dẫn nguồn tin từ một cựu quan chức Bộ ngoại giao cho biết có sự việc này và một quan chức khác trong ngành dầu khí cũng đã xác nhận thông tin đó là đúng.

Cũng theo NYT, một số quan chức chính quyền cho biết đơn xin miễn khỏi lệnh trừng phạt của tập đoàn Exxon đã được đệ trình từ thời tổng thống Barack Obama, và Exxon vẫn chưa từ bỏ đề nghị đó.

Tập đoàn Exxon mong muốn được chính quyền của tổng thống Trump cho phép tiếp tục trở lại hoạt động khai thác cùng tập đoàn Rosneft tại Biển Đen.

Cũng theo tờ WSJ, để ra quyết định về việc "miễn trừ" liên quan tới lệnh trừng phạt đó, Bộ ngoại giao Mỹ cũng sẽ góp một tiếng nói quan trọng.

Kiến nghị của tập đoàn Exxon đã không được nêu ra trong các phiên điều trần ở Thượng viện để thông qua vị trí ngoại trưởng cho ông Rex W. Tillerson, sếp cũ của Exxon Mobil.

Một quan chức ngành dầu khí chia sẻ thông tin với NYT cho biết, trong đơn xin miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga đệ trình từ năm 2015, tập đoàn Exxon cho biết họ có thể bị mất các quyền khai thác theo hợp đồng tại Biển Đen nếu không bắt đầu triển khai các hoạt động khai thác vào cuối năm 2017.

Và nếu thế, các công ty châu Âu, cụ thể là tập đoàn Eni, một tập đoàn dầu khí của Ý có thể sẽ giành được công việc này.

Theo các chuyên gia năng lượng quốc tế, các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu áp dụng với Nga không bao gồm một số hợp đồng mà các tập đoàn của họ đã ký trước đó với Nga. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt của Mỹ có phạm vi áp dụng cứng rắn hơn.

Mỹ và châu Âu áp các lệnh trừng phạt với Nga từ tháng 3-2014 sau khi Matxcơva sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. (Tuoitre)
----------------------------------------------------------

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Mỹ

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hôm nay bắt đầu thăm chính thức Mỹ, theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

pho thu tuong pham binh minh. anh: giang huy

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Giang Huy

 

Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Phó thủ tướng Việt Nam kể từ khi Mỹ có chính quyền mới kéo dài từ ngày 20/4 đến 21/4, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có cuộc gặp gỡ hồi giữa tháng hai tại Đức, bên lề Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Nhóm G20.

Hai nhà lãnh đạo khi đó cho rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ có những bước tiến triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Mỹ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. Ông Tillerson đã bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam và tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017.(Vnexpress)
-----------------------------------

Đặc sản Việt vẫn chỉ 'vang danh' trong nước

Các món đặc sản từ nông sản đến hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng khả năng thành công trên thương trường quốc tế chưa nhiều.

“Tôi từng dự một cuộc họp ở bên kia bán cầu. Ban tổ chức giới thiệu khách mời là cà phê phục vụ được sản xuất ở Việt Nam. Mọi người uống đều khen rất ngon. Nhưng hỏi ra nó mang hiệu gì? Là Nestle, một thương hiệu Thụy Sỹ. Tại sao chúng ta không đưa sản vật chúng ta ra nước ngoài mà phải mang thương hiệu nước khác?”, ông Hoàng Lâm – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đặt câu hỏi khi Việt Nam đã có cà phê nhân Buôn Ma Thuột được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tương tự, câu chuyện nước mắm Phú Quốc cách đây nhiều năm cũng là bài học cho những ngày đầu đưa nước mắm Việt "xuất ngoại".

“Nhiều năm trước, tôi có gặp một số người Nhật, họ rất thích nước mắm Phú Quốc. Nhưng sau đó, tôi mới biết nước mắm Phú Quốc mà họ thích được sản xuất ở Thái Lan. Cỡ 3 năm sau, nước mắm Phú Quốc được xuất khẩu sang Nhật. Nhưng nước mắm của mình đóng trong chai nhựa, màu đen sì lại đậm mùi nguyên bản. Trong khi đó, hàng của Thái đóng trong chai sành, vàng óng ánh, mùi rất thanh. Đi vô siêu thị thì người ta nói loại của Thái bán đắt gấp 5 lần Việt Nam”, ông Trần Giang Khuê – Phụ trách văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM kể lại.

Thế giới có tổng cộng 50.000 bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Riêng Việt Nam có 49 đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Dưới 1.000 sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Số lượng đã ít mà lại chưa nhiều đặc sản Việt Nam thành danh ở nước ngoài.

Ông Lê Ngọc Lâm - Cục phó Sở hữu trí tuệ cho rằng, một số đặc sản trong nước vẫn chưa được khai thác đúng giá trị của nó. Theo Trung tâm Phát triển Tài sản sở hữu trí tuệ, cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng 100% giá trị sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý. Chè Mộc Châu (Sơn La) có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cũng có giá cao hơn từ 1,7 đến 2 lần các loại chè không có bao bì chỉ dẫn.

Tuy nhiên, cũng không ít những sản vật sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý lại có xu hướng đi xuống: bị khai thác cạn kiệt, chất lượng suy giảm, bị làm giả… dẫn đến thương hiệu của sản vật phải vất vả cạnh tranh, thậm chí có nguy cơ biến mất. Thời gian qua, trường hợp hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) bị cạnh tranh bởi hạt dẻ Trung Quốc là ví dụ.

Theo các chuyên gia, đại đa số đặc sản Việt Nam chủ yếu là những món ăn, thức uống thông dụng. Bên cạnh đó, cũng có vài món ăn, thức uống gia truyền, bí truyền hay mang tính độc đáo như những món ăn từ côn trùng, sâu bọ, ấu trùng hoặc từ những bộ phận, phủ tạng hoặc được chế biến bằng những phương pháp đặc biệt. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Lâm, dù bí truyền hay độc đáo đến đâu thì cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong và ngoài nước để có cơ hội đưa đặc sản đi xa.

“Để đưa sản vật ra thị trường, đầu tiên cần phải tuân thủ các quy định và yêu cầu kỹ thuật liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định và yêu cầu về quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra còn các quy định về đóng gói bán lẻ, bao bì, quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thủ tục đăng ký hàng hóa để được lưu thông hợp pháp trên thị trường”, ông Lâm liệt kê một loạt yêu cầu mà không ít doanh nghiệp xuất hàng đi nước ngoài vẫn chưa tìm hiểu kỹ hết.

“Tôi hy vọng là các địa phương có đặc sản thì đoàn kết cùng nhau phát triển. Chứ cả huyện làm mà vài ông phá thì cũng hỏng”, ông Lâm nói thêm về ý thức giữ gìn chất lượng.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, để góp phần quảng bá và kết nối giao thương cho các đặc sản, cơ quan này dự kiến sẽ phát hành một ấn phẩm tập hợp đầy đủ danh sách các sản vật Việt Nam đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.(Vnexpress)
--------------------------------------

Tăng trưởng tín dụng 'nóng', có lo ngại chất lượng vốn?

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, tín dụng quý I/2017 đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tăng 4,06%, điều này thể hiện mức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, ngay từ quý đầu tiên đã đạt được mức tăng mạnh khiến có những ý kiến lo ngại về chất lượng vốn.

Một vấn đề cũng được các chuyên gia kinh tế đặt ra là tăng trưởng huy động trong quý I/2017 lại ở mức thấp, tạo ra chênh lệch đáng kể giữa huy động và tín dụng có tạo áp lực lên lãi suất.

khach hang giao dich tai ngan hang tmcp phat trien nha thanh pho ho chi minh (hdbank). anh: tran viet/ttxvn

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động ngân hàng tuần từ 3 đến 7/4/2017, mặt bằng lãi suất huy động VND hiện phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Lãi suất huy động USD vẫn ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Về lãi suất cho vay VND, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm. 

“Từ đầu năm hoạt động cho vay đã rất thuận lợi, tín dụng tăng trong khi chỉ tiêu NNHN cho phép cả năm chỉ 16% nên thời gian tới sẽ phải kén chọn hơn nữa các dự án, nhu cầu vay vốn để cho vay những dự án, nhu cầu vốn an toàn hơn nữa, có chất lượng sử dụng vốn và tài sản đảm bảo tốt hơn nữa”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao thể hiện đầu năm ở một số ngân hàng là tín hiệu tốt của sức cầu của nền kinh tế. Đây là cơ hội để sàng lọc khách hàng cho chất lượng tín dụng nên tin tưởng sẽ không dẫn đến một năm 2017 tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, bên cạnh cơ chế kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tới từng thành viên mà NHNN đang làm thì năng lực của các ngân hàng là có giới hạn.

"Nếu tín dụng tăng trưởng thấp hoặc bị âm đầu năm thì nhiều thông tin phản ánh vốn tắc nghẽn. Năm nay, tín dụng tăng đều và tốt từ đầu năm, thì cũng có những ý kiến quan ngại áp lực lạm phát, tăng trưởng nóng. Vì vậy, phía NHNN cũng cần phải cân đối hợp lý nhất", một cán bộ NHNN chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục mục tiêu điều hành giữ ổn định lãi suất và có đủ cơ sở để điều hành theo hướng này. Trong điều hành cung ứng tiền để điều tiết thanh khoản, NHNN sẽ theo dõi sát và khi hệ thống có khó khăn về vấn đề thanh khoản thì hỗ trợ kịp thời, linh hoạt qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn... “Đặc biệt, đối với điều hành về tín dụng, năm nay, NHNN sẽ chủ trương kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tăng trưởng theo đúng định hướng đề ra, chú trọng vào chất lượng tăng trưởng”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục