tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-05-2017

  • Cập nhật : 12/05/2017

Nhật Bản: Nợ chính phủ tăng cao kỷ lục

Ngày 10/5, Chính phủ Nhật Bản cho biết nợ của chính phủ nước này tính đến cuối tài khóa 2016 (tháng Ba) đã lên tới mức kỷ lục 1.071,56 nghìn tỷ yen (9,4 nghìn tỷ USD).

 

tru so cua ngan hang trung uong nhat ban (boj) o tokyo. anh:epa/ttxvn

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh:EPA/TTXVN

 

Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, tính đến ngày 31/3/2016, các khoản nợ của Chính phủ Nhật Bản gồm 934,90 nghìn tỷ yen trái phiếu chính phủ, 54,42 nghìn tỷ yên vay từ các tổ chức tài chính và 82,24 nghìn tỷ yen tín phiếu tài chính hoặc trái phiếu chính phủ kỳ hạn tới 1 năm. 

Theo Bộ Tài chính, nợ chính phủ đã tăng 22,19 nghìn tỷ yen so với tài khóa 2015, phản ánh chi tiêu gia tăng cho chương trình an sinh xã hội do vấn đề lão hóa dân số trong xã hội Nhật Bản.

Với số dân khoảng 126,79 triệu người tính đến ngày 1/4 vừa qua, ước tính mỗi người dân Nhật Bản đang gánh khoản nợ xấp xỉ 8,45 triệu yen. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo trong 30 năm tới, nợ của chính phủ Nhật Bản có thể sẽ đội lên 400% tổng sản phẩm quốc nội của nước này nếu các nhà hoạch định chính sách không thực hiện cải cách cơ cấu cũng như nỗ lực kìm hãm đà tăng của nợ chính phủ.(TTXVN)
---------------------------------------------

Thủ tướng cho phép đầu tư các công trình giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái. Cầu này được xây dựng tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, vượt sông Đồng Nai với tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km. Đây là công trình đường phố chính đô thị chủ yếu, vận tốc 80km/h; mặt cắt ngang đường 60m, đảm bảo 6 làn cơ giới và hai làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Cầu được xây từ năm 2017 - 2020. 

hanh khach va cac phuong tien giao thong di pha cat lai, tp ho chi minh. anh: hoang hai/ttxvn

Hành khách và các phương tiện giao thông đi phà Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

 

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. Cầu này được xây dựng tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, vượt sông Soài Rạp. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3km. Đây là loại đường trục đô thị thứ yếu, vận tốc 60km/h. Mặt cắt ngang đường 40m đảm bảo 4 làn cơ giới và hai làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Cầu được thực hiện từ năm 2017 - 2020. 

Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ năm 2017 - 2020 thực hiện xây dựng đường song song với Quốc lộ 50 từ huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với chiều dài tuyến khoảng 8,6km. Đây là loại đường phố chính đô thị chủ yếu, vận tốc 80km/h. Mặt cắt ngang đường 40m đảm bảo 6 làn xe cơ giới; mặt cắt ngang cầu trên tuyến phù hợp với quy mô tuyến. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật các công trình trên vào các quy hoạch có liên quan và triển khai đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.(Baotintuc)
----------------------------------

Giới doanh nghiệp Hàn Quốc kêu gọi chính quyền mới nới lỏng quy định

Ngày 10/5, năm tổ chức kinh tế của Hàn Quốc đã thúc giục chính quyền của tân Tổng thống Moon Jae-in nới lỏng các quy định và xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện để tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.

doanh nhan han quoc tham du mot cuoc hop tai thu do seoul ngay 24/2. anh: yonhap/ttxvn

Doanh nhân Hàn Quốc tham dự một cuộc họp tại thủ đô Seoul ngày 24/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN

 

5 tổ chức bao gồm Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF), Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) và Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), đã kêu gọi chính phủ tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách vực dậy nhu cầu trong nước, tăng tỷ lệ sinh và thu hẹp khoảng cách giữa các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới chính quyền của Tổng thống Moon, KCCI và KBIZ được dự đoán sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với FKI, vốn lâu nay vẫn là nhóm vận động hành lang kinh tế có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc. Không như FKI chủ yếu đại diện cho các tập đoàn lớn, KCCI đại diện cho 170.000 doanh nhân, còn KBIZ lại phục vụ cho lợi ích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định rằng tân Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách tài khóa và kinh tế dựa trên các nguyên tắc hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP và giữ cho nợ chính phủ ở mức dưới 45% GDP. Ông Steffen Dyck, một cán bộ cấp cao của Moody’s, cho rằng có thể sẽ có một sự chuyển dịch trọng tâm trong một số lĩnh vực tái cơ cấu, như thị trường lao động và an sinh xã hội.

Trước đó, Moody’s hồi tháng Hai vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ở mức Aa2 với triển vọng ổn định. Đây là mức cao thứ ba trên bảng xếp hạng tín nhiệm và hiện chỉ có 6 nước khác không thuộc G20 giữ mức xếp hạng này.(TTXVN)
--------------------------

Cao Bằng muốn sớm vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc

Cao Bằng kiến nghị Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, sớm đàm phán với Trung Quốc để vay 300 triệu USD làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Tỉnh Cao Bằng và Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dài 144 km với thiết kế 4 làn xe và kinh phí đầu tư hơn 47.500 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD). Một trong những nội dung được quan tâm nhất là vốn vay.

Một khoản vay trị giá 300 triệu USD từ Trung Quốc từng được đề cập trong phương án vốn làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) hồi giữa năm 2016. Tuy nhiên sau đó phương án này không được tính đến do Quảng Ninh - chủ đầu tư dự án này cho rằng việc vay vốn Trung Quốc thường đi kèm điều kiện và có thể làm chậm tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, với tổng vốn 16.000 tỷ đồng cho cả dự án, việc vay Trung Quốc 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) là không đủ để đầu tư. 

Cụ thể, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ sớm tham mưu, bố trí vốn cho dự án trên, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Khoản tiền này từng được nhắc tới trong cuộc làm việc hồi đầu tháng 2/2017 giữa Thủ tướng và lãnh đạo Cao Bằng.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương giao các bộ nghiên cứu sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này. Tại văn bản mới nhất, lãnh đạo tỉnh mong muốn Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc để đạt được thỏa thuận vay.Cũng tại văn bản trên, chính quyền Cao Bằng đề xuất Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án, đồng thời ứng trước nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để khẩn trương lập hồ sơ đầu tư.

cao bang danh gia tuyen duong cao toc dong dang - tra linh khi dua vao van hanh se co y nghia quan trong voi phat trien kinh te xa hoi ca nuoc. anh minh hoa

Cao Bằng đánh giá tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi đưa vào vận hành sẽ có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế xã hội cả nước. Ảnh minh họa

Trong văn bản nêu ý kiến về dự án, Bộ Giao thông dẫn lại quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư công và cho rằng Bộ không phải đối tượng được vay lại khoản tiền từ Trung Quốc.

Ngay cả phương án giao cho 2 doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng (thuộc Bộ) là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hay Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIPM) vay cũng là không khả thi với. Cụ thể, VEC không đủ năng lực tiếp tục vay, còn CIPM cũng không có khả năng vay nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Do đó, Bộ Giao thông đề nghị Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chủ trì, vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Bộ Giao thông cũng ủng hộ đề xuất giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động vốn, triển khai thực hiện đầu tư tuyến cao tốc trên.

Tại văn bản, chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ đốc thúc Bộ Giao thông sớm đưa dự án vào quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam định hướng đến năm 2030, sau sự nhất trí về chủ trương của Thủ tướng tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh hồi đầu năm.

Tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến giao thông, nhất là đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, vận tải hàng hóa 2 chiều theo trục đường Trùng Khánh - Quý Châu - Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng nối vào đường biển đến các nước ASEAN... Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho thực hiện đầu tư tuyến đường này trong giai đoạn 2017-2020, sớm hơn so với kế hoạch trước đó.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục