tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-12-2017

  • Cập nhật : 11/12/2017

Bài toán xuất siêu bền vững

Trong 11 tháng qua, Việt Nam ước xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay. Con số sẽ lớn hơn, nếu nhập siêu của khu vực trong nước được cải thiện và nếu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên kết tốt với khu vực trong nước.

Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục

Đã có một sự đảo chiều ngoạn mục của cán cân thương mại Việt Nam năm 2017. Nửa đầu năm là nỗi lo nhập siêu lớn, với liên tục các lời cảnh báo được các chuyên gia kinh tế đưa ra, cho dù vào thời điểm ấy, Bộ Công thương luôn khẳng định, nhập siêu chưa đáng lo, bởi nhập siêu lớn chủ yếu do tăng nhập khẩu máy móc, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất.

nho samsung ma ca xuat khau va xuat sieu cua viet nam da co tang truong tot thoi gian qua, song chi no luc cua samsung la chua du. anh: duc thanh

Nhờ Samsung mà cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt thời gian qua, song chỉ nỗ lực của Samsung là chưa đủ. Ảnh: Đức Thanh

Thậm chí, tới tháng 6/2017, nhập siêu vẫn là 2,78 tỷ USD, lơ lửng nỗi lo lớn. Tình hình chỉ bắt đầu dịu đi, khi sang tháng 7/2017, xuất siêu - tính theo tháng - đã quay trở lại. Tháng 7/2017, cán cân thương mại thặng dư 266 triệu USD, nhưng tính chung 7 tháng, vẫn nhập siêu 2,53 tỷ USD.

Tháng 9/2017, đã bắt đầu có sự đảo chiều, khi chỉ trong tháng đó, nền kinh tế đã xuất siêu 1,1 tỷ USD, đưa cán cân thương mại sau 9 tháng xuất siêu 328 triệu USD.

Nhưng dù vậy, một cách thận trọng, cuối tháng 9/2017, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn dự ước rằng, cả năm, cả nước vẫn nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Song tình hình đã khác rất nhiều, khi chỉ trong tháng 10, chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu đã lên tới 2,18 tỷ USD, khiến 10 tháng, cả nước xuất siêu 2,56 tỷ USD.

Cân đối xuất nhập khẩu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày càng tích cực hơn. Số liệu mà Bộ vừa báo cáo Chính phủ cuối tuần qua cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD. Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2017 và dù tháng 12 thường là tháng có nhập siêu lớn, song khó có khả năng lại có thêm một cú đảo chiều nữa.

Với dự báo xuất khẩu năm 2017 hoàn toàn có thể đạt con số 210 tỷ USD, nhập khẩu tăng chậm hơn, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm một năm có thặng dư thương mại, trái ngược hẳn với lo toan hồi đầu năm của nền kinh tế.

Ngược chiều nội - ngoại và bài toán xuất siêu bền vững

Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, đó là trong tổng số kim ngạch xuất siêu 2,75 tỷ USD trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 26,15 tỷ USD - một son số rất đáng ghi nhận. Ngược lại, khu vực trong nước lại nhập siêu tới 23,4 tỷ USD - một con số khá lớn. Nhiều năm nay vẫn vậy, chứ không chỉ là trong 11 tháng qua. Trong khi khu vực FDI xuất siêu, thì khu vực trong nước lại nhập siêu và chính vì sự “trồi sụt” trong xuất nhập khẩu của khu vực trong nước, mà cán cân thương mại của Việt Nam cũng “trồi sụt” theo.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất siêu 2,5 tỷ USD. Trước đó, vào các năm 2012, 2013, 2014, cũng đã liên tục có xuất siêu, trong đó cao nhất là năm 2014, xuất siêu trên 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 2015, lại nhập siêu tới trên 3,5 tỷ USD.

Sự “trồi sụt” thất thường của cán cân thương mại Việt Nam cho thấy, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu và có lẽ, đấy là lý do vì sao những năm gần đây, dù Việt Nam liên tục có xuất siêu, song khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, Chính phủ vẫn dè dặt đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu ở mức 3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, mục tiêu này vẫn một lần nữa được quyết nghị.

Làm thế nào để thay đổi tình hình? Bài toán được đặt ra, nếu nhập siêu của khu vực trong nước được cải thiện và nếu khu vực FDI liên kết được tốt hơn với khu vực trong nước, thì thặng dư của cán cân thương mại sẽ bền vững hơn.

Mấu chốt của vấn đề, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, xuất phát từ thực tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Cũng một phần vì lý do đó, liên kết giữa khu vực FDI và trong nước còn lỏng lẻo.

Một thông tin rất đáng chú ý gần đây, Samsung đã thành công trong phát triển được 29 nhà cung cấp cấp 1. Nhờ nỗ lực phát triển nhà cung cấp nội địa - bao gồm cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài, mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đã lên tới 57%. Cũng nhờ Samsung, mà cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Song chỉ một nỗ lực của Samsung là chưa đủ.

Hiện không chỉ trong công nghiệp điện tử, mà công nghiệp dệt may, da giày…, giá trị gia tăng để lại cho kinh tế Việt Nam không lớn, do Việt Nam phần lớn vẫn gia công, lắp ráp. Chỉ khi công nghiệp hỗ trợ phát triển, thì xuất siêu của Việt Nam mới thực sự bền vững.(Baodautu)
----------------------------

Đồng won mạnh lên tác động tới ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc năm 2018

Trung tâm tư vấn kinh doanh toàn cầu thuộc Hyundai Motor Group ngày 10/12 cho rằng đồng won đang mạnh lên sẽ là một mối đe dọa lớn đối với các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc trong năm 2018.

Đồng won mạnh lên tác động tới ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc năm 2018. Ảnh minh họa: reuters

Cơ quan trên dự đoán đồng USD sẽ trung bình ở mức 1.105 won đổi 1 USD trong năm 2018, trong khi tỷ giá trung bình ước tính của năm nay là 1.130 won = 1 USD. Cùng kỳ, đồng yen được dự đoán sẽ giảm từ mức 1.018 won đổi 1 yen xuống còn 978 won = 1 yen.

Các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc xuất khẩu đến 67% trong số 4,5 triệu xe sản xuất tại nước này, vì thế đồng won mạnh lên chắc sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế và “gặm nhấm” lợi nhuận của doanh nghiệp nước này.

Ông Lee Bo-sung, Giám đốc của trung tâm kể trên, cho biết mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc như Hyundai Motor Co. và Kia Motors Corp. là đồng yen được dự đoán sẽ yếu đi trong năm tới do Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng.

Nhờ vậy, các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản sẽ có nhiều khả năng hơn để điều chỉnh giá sản phẩm ở các thị trường lớn để thu hút khách hàng và hướng tới các nền kinh tế mới nổi.

Điều này cũng có nghĩa là giá trị của các khoản thu nhập được tính bằng đồng USD sẽ tăng lên khi được chuyển đổi sang đồng yen, từ đó nâng cao lợi nhuận của các nhà sản xuất Nhật Bản.

Cũng theo trung tâm trên, doanh số bán ô tô ở Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2018 do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, trong khi nhu cầu ô tô ở châu Âu, Ấn Độ, Brazil và Nga được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong đó nhu cầu đối với dòng xe thể thao đa dụng (SUV) trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tới và chiếm đến 40% tổng doanh số bán đến năm 2021-2022, so với mức khoảng 33% của năm nay.

Thị trường ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1,2% từ 92,60 triệu chiếc xe trong năm nay lên 93,72 triệu chiếc trong năm 2018, chủ yếu là nhờ nhu cầu ở các nền kinh tế mới nổi.(Bnews)
--------------------

Xuất khẩu rau, quả 2017: Mục tiêu 3,6 tỷ USD kỷ lục mới

Theo Bộ Công Thương, năm 2017 ngành rau, quả của Việt Nam đã có bước đột phá, là mặt hàng có tốc độ xuất khẩu (XK) tăng trưởng lớn nhất trong nhóm hàng nông, thủy sản và kỳ vọng lập kỷ lục trong năm nay.

Xoài tươi là loại trái cây thứ hai được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ trong năm nay

Kỳ vọng mới

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Washington (Mỹ), Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức cho phép nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam vào thị trường Mỹ từ ngày 29/12/2017. Như vậy, ngoài vú sữa, xoài tươi là loại trái cây thứ hai được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ trong năm nay, mở ra cơ hội tăng trưởng XK cho loại trái cây này nói riêng và nhóm rau, quả của Việt Nam nói chung.

Hiện, thanh long và nhãn đang là hai loại quả XK chủ lực của Việt Nam, cũng là mặt hàng được các thị trường khó tính đón nhận nhiều nhất bởi đây là mặt hàng quy trình trồng tốt, tập trung với diện tích lớn, rải vụ, sản phẩm quanh năm, có quy trình thu hái, bảo quản sau thu hoạch tốt. Do đó, sản phẩm XK có chất luợng ổn định, đóng gói chuyên nghiệp, vận tải được bằng đường biển và hàng không, giá ổn định, khả năng cạnh tranh cao.

Chỉ tính riêng tháng 11, XK mặt hàng rau, quả đã đạt 290 triệu USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, 11 tháng năm 2017, kim ngạch XK mặt hàng này đã đạt 3,155 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm, kim ngạch XK mặt hàng rau, quả có thể đạt kỷ lục mới, vượt qua mốc 3,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 3 tỷ USD đề ra từ đầu năm.

Dư địa còn nhiều

Bộ Công Thương đánh giá, dư địa tăng trưởng XK rau, quả còn tương đối nhiều bởi dung lượng thị trường lớn và thị phần mặt hàng của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng còn thấp. Với giá trị thị trường nhập khẩu rau, quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị XK rau, quả Việt Nam hiện mới chiếm hơn 1% thị phần là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngay trong tháng cuối năm, triển vọng XK mặt hàng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan do yếu tố chu kỳ, giá bán tại thị trường trong nước tăng do nguồn cung hạn chế và nhu cầu xuất khẩu tăng.

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng này, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại mặt hàng này vào các thị trường tiềm năng, hoặc đã có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam để nâng cao hơn nữa kim ngạch XK.

Đặc biệt, 11 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu rau, quả đạt khoảng 1,39 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ. Bà Dương Phương Thảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, một phần lớn trong tổng lượng nhập khẩu rau, quả được tái XK sang thị trường khác. Do đó, nhập khẩu rau, quả không những không ảnh hưởng nhiều đến cán cân thương mại mà còn góp phần tăng kim ngạch XK.

Đến nay, rau, quả của Việt Nam đã XK đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, khu vực châu Á đang chiếm nhiều lợi thế với hàng loạt thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia… Rau, quả Việt cũng có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Australia, Mỹ… và bước đầu được đón nhận.
---------------------------------

Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông: Lại lùi tiến độ gần 1 năm

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu. Đi cùng với việc tăng vốn, thì tiến độ dự án cũng ngày một… kéo dài.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, cuối tháng 7-2017, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.

Từ tháng 10-2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II-2018, Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Thế nhưng, sau một thời gian đốc thúc, dự án tưởng chừng sẽ về đích đúng hẹn, thì mới đây vào cuối tháng 11, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã một lần nữa gửi văn bản lên Bộ GTVT xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến gần cuối năm 2018 mới đưa vào vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.

Ông Vũ Hồng Phương-Phó Giám đốc phụ trách dự án nhìn nhận: “Mặc dù Ban quản lý dự án Đường sắt đã quyết liệt chỉ đạo đôn đốc Tổng thầu, tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Tuy nhiên, do vướng mắc khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt là vướng mắc về nguồn vốn đã dẫn đến tiến độ thi công của Dự án bị chậm so với tiến độ đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận”.

Theo ông Phượng, với tiến độ mới được lập thì dự án đã chậm khoảng 11 tháng mà nguyên nhân quan trọng là từ nguồn vốn giải ngân. Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án đường sắt, kể từ đầu tháng 12-2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc.

Thứ nhất là do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho Dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017; thứ hai do việc gia hạn thời gian rút vốn (hết hạn vào 31-12-2016) của khoản vay bị kéo dài do vướng mắc về các điều khoản gia hạn; Thứ 3 chưa thể giải ngân cho hạng mục xây lắp do ưu tiên chi trả cho các hạng mục vay lại của phần thiết bị được quy định tại Văn bản số 968/VPCP của Thủ tướng Chính phủ đã giới hạn khả năng sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay của các Hiệp định còn hiệu lực.

Trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250.62 triệu USD cho Dự án mặc dù đã được ký kết từ 11-5-2017, nhưng lại chưa thể giải ngân do các bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến pháp lý, là điều kiện để khoản vay có hiệu lực. Vì vậy công tác giải ngân cho dự án từ đầu năm đến tháng 9-2017 chỉ giải ngân cho xây lắp được khoảng 10 triệu USD. Đến nay, vướng mắc này mới cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công… rất chậm trễ, thiếu khoa học.

Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Việc thanh toán của Tổng thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng thầu phụ Tổng thầu thực hiện rất chậm, đến nay vẫn còn một số hạng mục Tổng thầu vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công.

Bởi những nguyên nhân trên, mới đây Tổng thầu đã tiến hành lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của Dự án với mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.

Theo đó, công tác xây dựng cơ bản nhà ga dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2018; Hoàn thành đường ray cũng trong tháng này. Phần trang trí kiến trúc Depot, hệ thống thiết bị, căn chỉnh hệ thống đơn dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018; Đến tháng 5-2018 sẽ nghiệm thu hệ thống, đào tạo thao tác thiết bị.

Dấu mốc quan trọng dự kiến là 2-9-2018 sẽ vận hành chạy thử về kỹ thuật và đến tháng 11-2018 theo dự tính của tổng thầu thì có thể đủ điều kiên để đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Tuy nhiên, tổng thầu cũng nhấn mạnh thời gian chạy thử có thể diễn ra từ 3-6 tháng và thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác. Nếu nhìn vào tiến độ trên, thì sớm nhất cuối năm 2018 mới có thể vận hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trước đề xuất về tiến độ của Tổng thầu, ông Vũ Hồng Phương thay mặt Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa Dự án vào vận hành chạy thử vào ngày 2-9-2018 với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.

Trước đó, vào ngày 28-9-2017, Tổng thầu Trung Quốc đã tiến hành chạy thử tàu công trình trên một số đoạn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Tốc độ chạy thử tàu từ 5km/giờ để kiểm tra kết cấu hạ tầng đường sắt, đường ray, sau đó nâng lên tốc độ 10 đến 20 km/giờ.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD).

Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.(Baocongthuong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục