tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-12-2017

  • Cập nhật : 11/12/2017

Những con “Cá voi” trong cuộc chơi Bitcoin

Khoảng 40% Bitcoin hiện được nắm giữ bởi khoảng 1.000 người, được gọi là Cá voi.

nhung nguoi so huu luong bitcoin lon duoc goi la ca voi. anh: the verge

Những người sở hữu lượng Bitcoin lớn được gọi là Cá voi. Ảnh: The Verge

Ngày 12/11, một người nào đó đã đưa gần 25.000 Bitcoin - khoảng 159 triệu USD tại thời điểm đó - lên một sàn giao dịch trực tuyến. Tin tức này ngay lập tức lan truyền khắp các diễn đàn. Các trader (người mua bán trong thời gian ngắn) Bitcoin đều tranh luận xem liệu động thái này có nghĩa chủ nhân số Bitcoin muốn bán chỗ tiền ảo hay không.

Những người sở hữu lượng Bitcoin lớn được gọi bằng cái tên "Cá voi". Và họ đang ngày càng trở thành mối lo của các nhà đầu tư. Họ có thể khiến giá lao dốc dù chỉ bán một lượng nhỏ tài sản. Việc này hoàn toàn có thể xảy ra khi giá Bitcoin đã tăng gần 12 lần kể từ đầu năm, có lúc tiến sát 20.000 USD cách đây vài ngày.

Khoảng 40% Bitcoin hiện được nắm giữ bởi khoảng 1.000 người. Với giá hiện tại, mỗi người có thể sẽ muốn bán nửa tài sản, Aaron Brown - cựu giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận các thị trường tài chính tại AQR Capital Management cho biết. Thêm nữa, các Cá voi có thể liên kết với nhau để cùng hành động. Rất nhiều người trong số họ đã quen biết nhau nhiều năm và gắn bó với Bitcoin từ những ngày đầu tiên.

"Tôi cho rằng có khoảng vài trăm người", Kyle Samani - giám đốc điều hành Multicoin Capital cho biết, "Tất cả họ đều có thể gọi cho nhau". Vì ít nhất thì một số dạng chia sẻ thông tin như vậy là hợp pháp, Gary Ross - một luật sư chứng khoán tại Ross & Shulga cho biết. Bitcoin là một dạng tiền ảo, không phải chứng khoán. Không có luật nào cấm loại giao dịch mà một nhóm người thỉa thuận với nhau cùng mua để đẩy giá lên, sau đó bán ra chỉ trong vài phút.

Giới chức đến nay vẫn khá chậm chạp trong việc bắt kịp giao dịch tiền ảo. Vì thế, rất nhiều quy định còn mập mờ. Nếu các trader không chỉ đẩy giá lên, mà còn lan truyền tin đồn, việc này có thể tính là lừa đảo. Bittrex - một sàn giao dịch tiền ảo gần đây đã cảnh báo người dùng, rằng tài khoản của họ có thể bị treo nếu họ kết hợp với nhau thao túng giá.

Dù vậy, với các loại tiền ảo khác, luật có thể khác. Tùy vào việc chúng được cấu trúc ra sao và nhà đầu tư kỳ vọng kiếm tiền từ chúng như thế nào, một số có thể được tính là tiền tệ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết.

Khi được hỏi về việc liệu các nhà đầu tư lớn có thể phối hợp hay không, Roger Ver - một nhà đầu tư Bitcoin đời đầu nổi tiếng cho biết: "Tôi ngờ rằng điều này rất có thể đấy. Mọi người có quyền làm bất kỳ điều gì họ muốn với tiền của mình. Cá nhân tôi thì chưa bao giờ có thời gian cho những thứ như thế".

"Cũng như bất kỳ loại tài sản nào khác, các nhà đầu tư cá nhân lớn và các tổ chức lớn có thể hợp tác thao túng giá", Ari Paul - đồng sáng lập BlockTower Capital nhận xét, "Trong lĩnh vực tiền ảo, những hoạt động như thế này sẽ có tác động cực lớn, do sự non trẻ của thị trường và bản chất đầu cơ của các loại tài sản".

Sức tăng giá gần đây của Bitcoin rất khó giải thích, do tiền ảo này không có giá trị nội tại. Nó được tạo ra năm 2009, là một dạng thanh toán kỹ thuật số, giám sát bởi một hệ thống máy tính độc lập trên Internet, sử dụng mật mã để xác minh giao dịch. Những người ủng hộ cho rằng Bitcoin có thể thay thế các ngân hàng, thậm chí là tiền truyền thống. Tuy nhiên, giá của nó được quyết định bởi người mua bán, khiến Bitcoin biến động mạnh mỗi lần tâm lý nhà đầu tư thay đổi.

Cũng như phần lớn các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền ảo, Samani thường xuyên theo dõi hoạt động từ các địa chỉ được biết đến là thuộc về những nhà đầu tư lớn nhất. Dù các giao dịch Bitcoin được thiết kế để ẩn danh, mỗi cái lại được gắn với một địa chỉ đã mã hóa mà tất cả mọi người đều xem được. Khi nhìn thấy có hoạt động, Samani ngay lập tức gọi cho những người có khả năng đã bán và lấy thông tin về động cơ đằng sau cũng như kế hoạch giao dịch của họ.

Một số quỹ có thể mua trực tiếp tiền ảo từ người khác, mà không qua thị trường, để tránh ảnh hưởng đến giá cả. "Nhà đầu tư thường khá cởi mở với nhà đầu tư khác", Samani cho biết, "Chúng tôi đều biết ai là ai và đều giúp nhau chia sẻ thông tin. Mọi người đều chỉ muốn kiếm tiền thôi mà". Ross cũng cho biết việc thu thập thông tin như thế này là hợp pháp.

Dĩ nhiên, các nhà đầu tư bình thường không có khả năng tiếp cận với những triệu phú tiền ảo để trò chuyện. Dù có thể theo dõi các địa chỉ có tài sản lớn trên mạng, và lập các chủ đề thảo luận nóng về diễn biến thị trường, họ vẫn không thể biết được các kế hoạch của Cá voi.

"Thị trường này không minh bạch đâu", Martin Mushkin - luật sư chuyên nghiên cứu Bitcoin đánh giá, "Trong chứng khoán, mọi thứ cần phải được công khai. Nhưng ở đây, bạn rất khó biết được chuyện gì đang diễn ra".

Nhà đầu tư thông thường thậm chí có bất lợi lớn hơn với các loại tiền ảo và token nhỏ. Trong các loại tiền kỹ thuật số hiện tại, Bitcoin có lượng tập trung sở hữu thấp nhất, Spencer Bogart - Giám đốc nghiên cứu tại Blockchain Capital cho biết. Top 100 địa chỉ chỉ kiểm soát 17,3% số tiền ảo hiện có, Alex Sunnarborg - đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm tiền ảo Tetras Capital cho biết.

Trong khi đó, với đối thủ của Bitcoin - Ether, top 100 địa chỉ nắm tới 40% nguồn cung. Với các loại tiền nhỏ hơn như Gnosis, Qtum và Storj, tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Rất nhiều người sở hữu lớn là thuộc nhóm tạo ra loại tiền này.

Dù vậy, một số người cho rằng tình hình trên thị trường tiền ảo cũng chẳng khác mấy so với thị trường truyền thống. "Nhà sáng lập và một nhóm nhà đầu tư cũng nắm phần lớn cổ phiếu đấy thôi", Paul cho biết.

Số khác thì cho rằng các Cá voi sẽ không bán ra, vì họ là những người có niềm tin vào tiềm năng dài hạn của tiền ảo. "Tôi tin rằng những Cá voi này sở hữu lượng Bitcoin và Bitcoin Cash rất lớn. Họ sẽ không muốn hủy hoại chúng đâu", Sebastian Kinsman - một trader tại Prague cho biết.

Dù vậy, khi giá Bitcoin tiếp tục vượt trần, những suy đoán này rất có thể sẽ thay đổi.(Vnexpress)
-----------------------------------------------

Bộ Công Thương đã họp bàn cách ứng phó với cáo buộc thép Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt

Bộ Công Thương cho rằng Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Bộ Công Thương đã họp bàn cách ứng phó với cáo buộc thép Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt

Ảnh minh họa.

Đại diện Bộ Công Thương mới đây cho biết liên quan đến quyết định sơ bộ khẳng định sản phẩm thép carbon chống ăn mòn (tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) từ phía Mỹ, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh thông báo thông tin rộng rãi trên trang điện tử của Cục để các doanh nghiệp có thể sớm biết thông tin và có kế hoạch xử lý.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn thường xuyên liên lạc, trao đổi với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số doanh nghiệp liên quan hoặc doanh nghiệp có quan tâm để nắm thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ cũng cho biết đã tổ chức họp với sự tham dự của VSA và các doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật phương hướng xử lý đối với vụ việc.

Ở cấp cao hơn, Chính phủ Việt Nam đã gửi thư bày tỏ quan điểm về vụ việc, trong đó, nhấn mạnh Mỹ cần dựa vào Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO trong quá trình điều tra, đồng thời, tuân thủ các kết luận trước đây của chính Mỹ.

“Bên cạnh đó, do nội dung chính mà Mỹ điều tra là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc nên trong trường hợp Mỹ vẫn kết luận rằng một số công ty sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam lẩn tránh thuế thì Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế” – đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế AD và thuế CVD đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, năm 2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%. 

Trấn an doanh nghiệp ngay sau đó, trong thông cáo báo chí được phát ra, Bộ Công Thương cho rằng một nội dung đáng lưu ý là theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó.

Bộ Công Thương khẳng định: Theo thông lệ quốc tế cũng như của chính Mỹ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).

"Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao" – Bộ Công Thương nêu ý kiến.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng không loại trừ việc Trung Quốc lợi dụng tâm lý ham mua rẻ, bán đắt của doanh nghiệp Việt để đưa sản phẩm thép của họ qua Việt Nam rồi xuất sang Mỹ.

Nhận định này không phải không có căn cứ. Bởi lẽ, trước đây, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) đã phát hiện ra thép tráng hữu cơ do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU.

Với chiêu trò này, doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu Euro (9,6 triệu USD) từ EU.(Bizlive)
--------------------------------

Kỳ vọng bùng nổ xuất khẩu nhờ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.

Doanh nghiệp “ngóng” EVFTA

Đến dự Hội thảo “Thị trường EU - cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới” từ sớm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Sao Vàng Việt cho biết, bà muốn có mặt tại đây để nghe thêm thông tin mới nhất về EVFTA, thị trường gắn liền với hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Sao Vàng Việt.

“Chúng tôi xuất khẩu khoảng 20 triệu USD hàng xơ sợi/năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu sang EU cũng khá, nên luôn ngóng chờ những thông tin mới nhất về EVFTA để có động thái cần thiết cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Hương nói.

..

Sở hữu 3 nhà máy sản xuất xơ sợi xuất khẩu tại Vĩnh Phúc và Phúc Yên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, không chỉ về phía Việt Nam, mà bản thân các đối tác nhập khẩu đến từ EU đều mong chờ EVFTA có hiệu lực, dự kiến năm 2018.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ sau Mỹ và tương lai còn tăng trưởng mạnh khi EVFTA được thực thi.

Từ năm 2000 đến 2016, trao đổi thương mại Việt Nam - EU đã tăng 11 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 45 tỷ USD, đưa EU trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 12 lần, từ 2,8 tỷ USD lên trên 34 tỷ USD và nhập khẩu từ EU tăng 8,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 11 tỷ USD.

Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường EU, trong năm 2016 giá trị xuất siêu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23 tỷ USD, gấp đôi giá trị nhập khẩu vào Việt Nam từ thị trường EU.

Lưu ý cho xuất khẩu đồ gỗ, thủy sản

Theo thông tin từ Hội thảo “Thị trường EU - cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, Hiệp định này đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như may mặc, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Quân, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, đã nhanh chóng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 9,7 tỷ USD (năm 2015) và 11 tỷ USD (năm 2016), nhưng chủ yếu đến từ Samsung, LG.

Với những mặt hàng truyền thống như dệt may, giày dép…, các doanh nghiệp cần cải thiện chuỗi cung ứng để sản xuất hàng giá trị cao hơn, giảm dần gia công.

Sau nhiều năm “về nhì”, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu 10 tháng của năm 2017 đạt 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, EU là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật rất khắt khe, bởi thế doanh nghiệp khi đưa hàng vào đây phải hết sức chú ý vấn đề chất lượng để giữ thị trường này.

“Ủy ban châu Âu đã áp dụng thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam do vi phạm về quy định chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nước bị thẻ vàng có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không sẽ bị chuyển sang thẻ đỏ. Đây là thời điểm quan trọng để khắc phục tồn tại này, nếu không sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU trong năm sau”, ông Quân lưu ý.

Riêng với đồ gỗ, do Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện với đồ gỗ, trong đó Việt Nam sẽ quản lý nguồn gỗ để đảm bảo xuất khẩu gỗ hợp pháp vào EU, do vậy, điều cần làm với doanh nghiệp là chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đầy đủ của toàn bộ chuỗi cung ứng.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam. 

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - EU năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2017 đạt 41,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016.


-------------------------

Trung Quốc sẽ tổng điều tra kinh tế toàn quốc lần thứ tư

Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ngày 8/12 đã ban hành “Thông báo về việc triển khai tổng điều tra kinh tế toàn quốc”.

 

van chuyen hang hoa tai cang o thanh dao, son dong, mien dong trung quoc. anh: afp/ttxvn

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Mục đích của cuộc điều tra là để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng của nền kinh tế, từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho công tác hoạch định các chính sách kinh tế. 

Thông báo của Chính phủ Trung Quốc cho biết đối tượng của cuộc tổng điều tra sẽ là tất cả các doanh nghiệp, chi nhánh độc lập của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực thứ hai và thứ ba của nền kinh tế đang hoạt động ở trong nước. 

Nội dung chính của cuộc điều tra sẽ là tình hình cơ bản, cơ cấu tổ chức, tiền lương nhân viên, năng lực sản xuất, tình hình tài chính, tình hình sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ năng lượng, công tác số hóa, giao dịch thương mại điện tử, hoạt động nghiên cứu và phát triển của các đối tượng thuộc diện điều tra. 

Thông báo nhấn mạnh đây là cuộc điều tra hết sức quan trọng về tình hình và sức mạnh của đất nước, vì vậy Chính phủ Trung Quốc sẽ thành lập một tiểu tổ lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức tổng điều tra, đồng thời triển khai nghiên cứu và thực thi các quyết sách đối với những vấn đề quan trọng của cuộc tổng điều tra. Chính quyền trung ương và chính quyền các địa phương sẽ chia sẻ các khoản kinh phí phục vụ cuộc tổng điều tra. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc điều tra không được phép báo cáo không đúng sự thật, che dấu hoặc từ chối báo cáo, thay đổi dữ liệu, giả mạo kết quả điều tra và can thiệp vào quá trình điều tra. 

Theo kế hoạch, cuộc tổng điều tra nói trên sẽ được tiến hành trong năm 2018. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục