tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-12-2017

  • Cập nhật : 11/12/2017

Ngành tiện ích nhận được đầu tư FDI lớn nhất năm 2017

Vượt mặt ngành sản xuất, ngành tiện ích chiếm 42% FDI đăng ký trong 11 tháng năm 2017.

Việt Nam tiếp tục là nước thu hút mạnh FDI trong khu vực, chỉ trong 11 tháng năm 2017 vốn FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% so với đăng ký năm 2016, đạt 16.301 triệu đôla, theo báo cáo của ANZ. Lũy kế 15 năm trong giai đoạn 2010-2015, tổng số vốn FDI vào Việt Nam gấp 9 lần vốn đầu tư vào các nước láng giềng Myanmar, Lào và Campuchia. Bà Eugenia Victorino, Chuyên gia Kinh tế của ANZ, Khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, thể hiện sự lạc quan về việc Việt Nam sẽ thu hút FDI tốt trong dài hạn, nhờ vào những ổn định vĩ mô như tỉ giá hối đoái, tốc độ tăng trưởng và lạm phát.

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu FDI năm nay là sự nổi lên của việc đầu tư vào ngành Tiện ích (Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa) chiếm tỉ trọng lớn nhất 42%, so với tỉ lệ chỉ 1% trong năm 2016. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất (công nghiệp chế biến, chế tạo) giảm tỉ trọng xuống 32% từ tỉ trọng rất cao 68% năm ngoái.

Bà Eugenia cho rằng đây là xu hướng tích cực, bởi vì việc phát triển ngành tiện ích này sẽ giúp bắt kịp với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất, giúp bù đắp cho nhu cầu điện nước gia tăng trong thời gian tới. Bổ sung cho nhận định này, ông Dennis Hussey, Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam, Giám đốc Khu vực Tiểu vùng sông Mekong, cũng cho biết trong ngành này, các dự án điện được đăng ký nhiều, mà điển hình là một dự án xây dựng đường ống dẫn khí cho nhà máy nhiệt điện khí.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư Nước ngoài, trong số những dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng năm 2017 có Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có công suất 1.320 MW, Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 có công suất 1.109MW và Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn.

Các đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, British Virgin Islands, Hồng Kông và Đài Loan.

Nganh tien ich nhan duoc dau tu FDI lon nhat nam 2017

Thanh Hằng (NCĐT)
--------------------------------------

Shenzhou hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may tại Việt Nam

Với việc hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may từ công đoạn sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng, nhiều khả năng Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shenzhou, Trung Quốc) sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.

tap doan shenzhou se cung cap nguyen lieu dau vao cho nha may cua worldon viet nam. anh minh hoa. nguon: internet

Tập đoàn Shenzhou sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cuối tuần qua, Worldon Việt Nam đã đưa toàn bộ dự án có vốn đầu tư 310 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM vào sản xuất. Trước đó, đầu năm 2015, Công ty đã được TP.HCM cấp phép cho dự án đầu tư mở rộng, với vốn đầu tư tăng thêm 140 triệu USD.

Thời điểm tăng vốn đầu tư, ông Ma Jianrong, Chủ tịch Worldon Việt Nam cho biết, Shenzhou là nhà sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo... Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ để đi vào sản xuất ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng của Dự án sau đó bị tạm ngưng và đầu năm 2016 mới rục rịch được triển khai trở lại.

Liên quan đến Dự án này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đây là dự án hoạt động trong lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư lớn nhất tại các khu công nghiệp của TP.HCM. Dù Thành phố có chủ trương không thu hút các dự án thâm dụng lao động, trong đó có các dự án dệt may, nhưng dự án này được cấp phép bởi nhà đầu tư cam kết sử dụng thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trong ngành dệt may.

Đây cũng là công đoạn cuối của chuỗi sản xuất của Tập đoàn Shenzhou. Theo đó, Nhà máy Dệt vải Gain Lucky Việt Nam tại Khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh) của Tập đoàn Shenzhou sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam. Ngoài ra, Dự án của Worldon Việt Nam có đầu tư, xây dựng trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc, mũ, giày cao cấp…

Shenzhou là nhà sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng.

Như vậy, chỉ tính 2 dự án trên, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc này đã rót hơn 700 triệu USD vào Việt Nam. Với việc hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may từ công đoạn sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án của Worldon Việt Nam hiện mới hoàn thành 3 nhà xưởng sản xuất, trong khi diện tích được tăng thêm là gần 15 ha. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, Worldon Việt Nam đã xin 7 ha liền kề với dự án làm nhà lưu trú cho công nhân. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành 3 block để công nhân đến ở.

Tính đến ngày 20/11/2017, cả nước có 24.580 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 316,91 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 11 tháng qua, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2016.(Baodautu)
-----------------------

Khai thác dầu thô tiếp tục vượt kế hoạch

Sản lượng khai thác dầu thô 11 tháng năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều vượt kế hoạch được giao.

Khai thác dầu khí tại giàn CNTT-3 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu 11 tháng năm 2017 đạt 14,27 triệu tấn, vượt 2,6% so với kế hoạch, trong đó, khai thác trong nước đạt 12,49 triệu tấn, vượt 2,7%, khai thác ở nước ngoài đạt 1,79 triệu tấn, vượt 1,6% kế hoạch.

Cùng với chỉ tiêu khai thác dầu, sản xuất điện 11 tháng đạt 18,63 tỷ kWh; sản xuất phân đạm 11 tháng đạt 1,6 triệu tấn, vượt 5,3% kế hoạch năm.

Đối với các chỉ tiêu về tài chính, đến ngày 25/11 vừa qua, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm 2017 với 437.800 tỷ đồng vượt 3,6% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016

Đặc biệt, PVN đã hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước năm 2017 ngay từ cuối tháng 10 với 74.600 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2017, PVN nộp ngân sách Nhà nước đạt 83.000 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

PVN cũng cho biết, tính đến hết tháng 11, PVN có 4 đơn vị thành viên đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính của năm. Đó là: Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Bình Sơn hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 50 ngày và kế hoạch tài chính trước 2 tháng. Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí trước 44 ngày, và kế hoạch tài chính trước 30 ngày.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hoàn thành kế hoạch sản lượng đạm trước 53 ngày và kế hoạch tài chính trước 30 ngày. Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí đã hoàn thành kế hoạch sản lượng đạm trước 2 tháng và kế hoạch tài chính trước 30 ngày./.

Ngoài ra, PVN cũng có rất nhiều các đơn vị thành viên đã hoàn thành sớm kế hoạch chỉ tiêu tài chính cả năm gồm: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas), Tổng Công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil).(TTXVN)
---------------------

Ngay cả Alipay cũng chưa là đối thủ của ngân hàng

Mong muốn bắt tay với fintech, song lãnh đạo nhiều ngân hàng tự tin rằng, fintech chưa phải là đối thủ, bởi không chỉ các fintech nội, mà ngay cả Alipay, Wechatpay muốn vào Việt Nam vẫn phải thông qua tài khoản của các nhà băng.

Fintech giữ thị phần khiêm tốn

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, hiện kênh thanh toán bán lẻ của hệ thống ngân hàng Việt Nam khá phong phú: 97 ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có 25 trung gian thanh toán, cách dịch vụ thu chi hộ…

Dù các trung gian thanh toán, ví điện tử phát triển bùng nổ về số lượng (riêng ví điện tử đã có 10 triệu tài khoản ví), song theo quy định, khách hàng sử dụng ví điện tử phải có tài khoản ngân hàng. Nói cách khác, ví điện tử vẫn phải dựa vào ngân hàng để phát triển.

..

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho hay, dù ở Việt Nam có tới hơn 20 loại ví điện tử, nhưng việc sử dụng ví điện tử rất ít. Hiện hơn 90% giao dịch mua hàng qua mạng là thanh toán bằng tiền mặt, chỉ khoảng 2% thanh toán qua ví. Điều này cho thấy, thị phần của các fintech Việt Nam còn rất nhỏ bé.

Rõ ràng, xét về thị phần, các ngân hàng vẫn giữ vị thế “bề trên”. Thế nhưng, sự thay đổi thói quen chóng mặt của người tiêu dùng, làn sóng phát triển của fintech, thậm chí một số fintech ngoại đình đám như Alipay, Wechatpay cũng đang từng bước đặt chân vào thị trường Việt Nam, có thể khiến vị thế này bị chông chênh.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về việc có lo ngại fintech, đặc biệt là các fintech ngoại như Alipay, Wechatpay, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng: “Fintech ở Việt Nam có rất nhiều khác biệt với fintech ở nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, ở các nước, fintech ra đời khi đã có hệ sinh thái lớn, ví dụ Alipay ra đời khi dựa vào cốt lõi thương mại điện tử của Tập đoàn Alibaba, khai thác dữ liệu khủng của Alibaba. Còn fintech ở Việt Nam ra đời nhiều, nhưng lại đơn độc, nên rất dễ “yểu mệnh”, nếu không có sự trợ giúp của ngân hàng.

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, fintech đang trở thành trào lưu, sớm hay muộn cũng sẽ rất phát triển. Vì vậy, dù muốn hay không, ngân hàng cũng sẽ chọn cách hợp tác.

M&A ngân hàng - fintech sẽ bùng nổ?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, một khảo sát mới đây tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có tới 70% ngân hàng gật đầu muốn bắt tay với fintech. Điều này cho thấy, ngân hàng khá quan tâm và cởi mở với vấn đề hợp tác. Cho dù fintech đang chiếm thị phần rất nhỏ, song các ngân hàng cũng cho rằng, trong tương lai, với ưu thế nhanh nhạy, linh hoạt, fintech sẽ sớm phủ sóng, nếu có hành lang pháp lý phù hợp đi kèm.

“4 năm trước đây, nhiều người dự đoán, phải 8-9 năm nữa Uber, Grab mới phát triển ở Việt Nam nhưng hiện giờ cả hai đã tràn ngập. Cho nên, dù fintech đang chiếm thị phần rất nhỏ, song có thể vài ba năm nữa, các sản phẩm hợp tác fintech – ngân hàng sẽ tràn ngập”, ông Trần Nhất Minh nói.

Theo nhận xét của một chuyên gia từng làm việc trong cả lĩnh vực fintech và ngân hàng tại Singapore, có một thực tế là, fintech luôn nghĩ mình năng động, sáng tạo và làm tốt hơn ngân hàng. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai, họ mới biết mình hóa ra chỉ phục vụ được một nhóm đối tượng nhỏ và còn nhiều lỗ hổng. Chính vì vậy, ở Việt Nam, fintech luôn cần dựa vào ngân hàng để phát triển. Còn với ngân hàng, việc hợp tác với fintech cũng rất cần thiết để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Tuy vậy, thông thường, mối quan hệ fintech - ngân hàng chỉ dừng ở hợp tác, việc ngân hàng thâu tóm fintech rất ít xảy ra.

Tại Việt Nam, NHNN đang có quan điểm hết sức cởi mở với fintech, song hành lang pháp lý với fintech còn rất thiếu.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhận định: “Có rất nhiều vấn đề mới phát sinh mà quy định pháp luật chưa điều chỉnh tới. Với cách mạng công nghệ, cách tiếp cận khách hàng và mối quan hệ dân sự giữa ngân hàng với các khách hàng cũng rất khác. Vì vậy, Chính phủ và NHNN phải sớm có bước đi phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng cũng như các fintech”.(Baodautu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục