tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-12-2017

  • Cập nhật : 10/12/2017

Mục tiêu GDP tăng 6,7% đã trong tầm tay

Mục tiêu GDP tăng 6,7% đã trong tầm tay

Sáng 8.12, 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã tham dự tọa đàm và bình chọn “12 sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2017” do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt phối hợp tổ chức. Với những thành tựu kinh tế tăng trưởng ngoạn mục trong năm qua, các chuyên gia đã chốt 12 sự kiện kinh tế nổi bật, thay cho 10 sự kiện như dự định ban đầu.

“Tăng trưởng kinh tế 2017 đầy ấn tượng”

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - trong vai trò chủ tọa buổi tọa đàm. TS Võ Trí Thành đã khái quát những điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua: Nền kinh tế đã vào quỹ đạo tích cực hơn; thương mại phát triển ổn định và có triển vọng; tái cấu trúc nền kinh tế có một vài điểm nhấn, việc xử lý 12 dự án yếu kém đã có một số kết quả bước đầu, một số doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, TS Võ Trí Thành đánh giá, năm 2017, Việt Nam đã có sự thành công vượt bậc trong vấn đề hội nhập, được ghi dấu bằng thành công tốt đẹp của sự kiện APEC vừa được tổ chức hồi đầu tháng 11.2017.

TS Cấn Văn Lực - cố vấn cao cấp về các vấn đề kinh tế và chính sách trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng - đánh giá: Năm 2017 nền kinh tế lấy lại đà phục hồi; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, CPI, tỉ giá và lãi suất rất ổn định. “Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam rất ổn định trong khi USD mất giá tới 10% trong năm qua; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2017 đóng góp GDP 15%, so với 25,8% giai đoạn 2011-2016. Chất lượng tăng trưởng của chúng ta được cải thiện. Những sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm phải kể đến nông nghiệp phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến tăng trưởng 3% so với năm ngoái. Môi trường kinh doanh được cải thiện” - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. TS Cấn Văn Lực cũng đánh giá cao mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán. “DN hoạt động khởi sắc, trong số 678 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán lợi nhuận tăng 23%, tăng trưởng 17%; thị trường chứng khoán tăng mạnh, khoảng 50% nếu đạt 1.000 điểm, mức tăng cao nhất trong khu vực Châu Á” - TS Cấn Văn Lực cho biết, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận một số “điểm nghẽn” bắt đầu bộc lộ như vụ việc BOT, vụ gian lận thương mại của Khải Silk vừa được phanh phui.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là xuất khẩu nội địa; môi trường kinh doanh được cải thiện; lạm phát được kiểm soát vững chắc; du lịch tăng trưởng với 11 triệu khách du lịch. Các chuyên gia kinh tế như TS Vũ Đình Ánh, TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Sỹ Dũng, TS Lưu Bích Hồ, TS Hoàng Hải, TS Cao Sĩ Kiêm, TS Trần Duy Khanh, TS Ngô Trí Long, ThS Đinh Tuấn Minh, TS Vũ Vinh Phú, TS Đinh Trọng Thịnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa… đã có những phân tích, đánh giá xác đáng về tình hình kinh tế Việt Nam và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Nhiều điểm sáng của nền kinh tế đã trở thành hiện thực. Mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% đã trong tầm tay. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm toàn bộ 13 chỉ tiêu do Trung ương, Quốc hội giao được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa qua tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn.

12 sự kiện kinh tế tiêu biểu năm 2017

Sau 3 giờ làm việc nghiêm túc, xem xét, mổ xẻ, đánh giá hàng loạt sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã bình chọn 12 sự kiện kinh tế tiêu biểu:

1. Lần đầu tiên sau nhiều năm, đã hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc, đạt 6,7%.

2. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ, ngoại hối tăng cao kỷ lục (46 tỉ USD).

3. Nông nghiệp phục hồi ấn tượng, đạt mức trên 3% trong điều kiện khó khăn.

4. Thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài tăng mạnh, giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỉ USD.

5. Xuất khẩu tăng mạnh (21%), đặc biệt xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức ấn tượng trên 41%. Xuất khẩu nông sản đạt mức ấn tượng trên 33 tỉ USD.

6. Dịch vụ (bán lẻ, du lịch, tài chính ngân hàng) tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung, trong đó du lịch tăng mạnh (13 triệu lượt khách quốc tế).

7. Chứng khoán tăng cao nhất trong các thị trường Châu Á với khoảng 50%, vốn hóa đạt mức kỷ lục 60% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đạt 1,6 tỉ USD.

8. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể.

9. Tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017. Với tuyên bố chung cấp cao khẳng định khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại đầu tư, tiếp tục là động lực tăng trưởng bền vững, bao trùm, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa.

10. Khởi động cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc, lên thứ 47 trên thế giới.

11. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến, gây trở ngại lớn cho cải cách và phát triển.

12. Một số dự án BOT giao thông gây bức xúc trong xã hội và làm giảm sút niềm tin của người dân.(Laodong)
---------------------

Than Việt bị Trung Quốc chê, Bộ Công Thương kiến nghị tăng xuất sang Nhật

Than Việt bị Trung Quốc chê, Bộ Công Thương kiến nghị tăng xuất sang Nhật

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hạn ngạch xuất khẩu than cám chất lượng cao sang Nhật sau khi việc xuất khẩu than sang Trung Quốc khó khăn do nước này lập hàng rào kỹ thuật.

Đại diện Bộ Công Thương vừa cho biết kế hoạch xuất khẩu ban đầu năm 2017 của ngành than là 2 triệu tấn than cục, than cán loại 1,2,3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu và 2 triệu tấn than cam loại 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí cho thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc yêu cầu các loại than nhập khẩu từ Việt Nam trước khi pha trộn sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, asen, phốt pho, clo, flo...

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đối tác, bạn hàng Trung Quốc đã tích cực phối hợp, nhiều lần lấy mẫu và phân tích mẫu than antraxit do TKV sản xuất tại nhiều phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế. Kết quả phân tích mẫu cho thấy than antraxit do TKV sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu về hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng theo quy định của Chính phủ Trung Quốc.

Vì vậy, đến nay, TKV chưa ký được hợp đồng xuất khẩu chủng loại than cám 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh – Uông Bí vào thị trường Trung Quốc trong năm 2017, dẫn đến tồn kho tại khu vực Vàng Danh – Uông Bí khoảng 2,5 triệu tấn than.

Trong khi đó, theo báo cáo của TKV, sản lượng than thương phẩm năm 2018 của tập đoàn dự kiến là 36 triệu tấn, tiêu thụ trong nước là 32 triệu tấn, dành xuất khẩu 4 triệu tấn. Theo báo cáo của Tổng công ty Đông Bắc, sản lượng than thương phẩm tiêu thụ năm 2018 là 5,8 triệu tấn, xuất khẩu trên 50.000 tấn.

Tổng khối lượng than xuất khẩu dự kiến cả năm 2018 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là khoảng 4,05 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu than năm 2018 đã được Thủ tướng thông qua.

Để xử lý khối lượng than cám bị tồn kho nêu trên, TKV đang tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác, thị trường ngoài Trung Quốc, như Thái Lan, Hàn Quốc… để xuất khẩu than với khối lượng khoảng 2 triệu tấn. Trường hợp các rào cản về kỹ thuật được phía Chính phủ Trung Quốc tháo gỡ, khả năng xuất khẩu than của khu vực Vàng Danh – Uông Bí sẽ tăng lên.

Tuy vậy, do áp lực tồn kho, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép TKV ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (loại 1, 2, 3) cho phía Nhật Bản do trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.

Cụ thể, bộ này còn cho rằng việc xuất khẩu than dài hạn sang Nhật giúp Việt Nam duy trì và khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) xem xét cấp cho TKV, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, phát triển, có thêm nguồn ngoại tệ…

Đặc biệt, những năm qua, Nhật Bản là thị trường truyền thống ổn định và có mối quan hệ hợp tác rất tốt trong việc nhập khẩu than của TKV. Việc duy trì xuất khẩu dài hạn sang Nhật giúp ngành than ổn định sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu qủa tài nguyên than, duy trì tốt mốt quan hệ 2 nước…

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TKV xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, thời hạn này chưa đáp đứng được yêu cầu cấp tín dụng của JBIC (tối thiểu là 5 năm tài khoá Nhật Bản).

Vì vậy, để TKV có điều kiện huy động nguồn tín dụng của JBIC, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV được ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn đến năm 2025 xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao. Khối lượng cụ thể TKV thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với kế hoạch xuất khẩu than hằng năm được Thủ tướng phê duyệt.(Bizlive)
----------------------

Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD cà phê vào 2030

Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD cà phê vào 2030

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đầu tư 170 tỷ đồng vào Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”...

Mặc dù đã 20 năm Việt Nam chiếm giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng 90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô, không nhãn mác, không thương hiệu; vì vậy, kim ngạch không cao và bấp bênh.

Xuất khẩu cà phê chỉ trong vòng 20 năm qua đã tăng nhanh cả về lượng và giá trị. Nếu năm 2000, Việt Nam xuất khẩu 680.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch trên 500 triệu USD thì đến năm 2016, XK cà phê đã lên tới mốc kỷ lục 1,78 triệu tấn với kim ngạch 3,34 tỷ USD, tăng 32,8% về lượng và tăng 24,7% về giá trị so với năm 2015. Nếu năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, thì đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới.

Tuy vậy, giá trị xuất khẩu cà phê tăng trưởng không vững vàng và lên xuống rất thất thường. Những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu; đặc biệt, năm 2016, ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định, cách đây 10 năm, cây cà phê đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu người nông dân. Nhưng những năm gần đây cà phê ngày càng già cỗi, năng suất và chất lượng hạt cà phê đều suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức mà người nông dân bỏ ra. Đây là hệ quả của 3 vấn đề lớn: vấn đề thực hiện tái canh; vấn đề đất trồng; và kỹ thuật thu hoạch, chế biến cà phê. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng của việc cà phê Việt Nam mất sản lượng và giảm chất lượng sau thu hoạch, đó là thói quen thu hoạch hạt cà phê xanh và chín lẫn lộn; kỹ thuật sơ chế, phơi sấy, bảo quản hạt cà phê thu hoạch còn non kém cũng dẫn đến chất lượng hạt nát vụn, ẩm mốc... Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha, nhưng tiến độ tái canh diễn ra chậm chạp.

Chính vì chất lượng hạt cà phê thấp, không đồng đều nên giá xuất khẩu luôn thấp so với thế giới. Thêm vào đó, 90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô, không nhãn mác, không thương hiệu càng khiến giá trị xuất khẩu bấp bênh. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam đang trở thành vấn đề bức thiết.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao", giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm cà phê trên cả nước, ưu tiên cho các vùng chủ lực là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020.

Đề án này đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và thế giới trong cùng nhóm chất lượng.

Về kỹ thuật, sẽ thực hiện nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo 4 giống cà phê mới (chè và vối) chất lượng cao, cỡ hạt to, đồng đều, chín tập trung thích hợp cho các vùng sinh thái. Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch; nghiên cứu làm chủ công nghệ chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao.

Hoàn thiện quy trình canh tác cà phê chất lượng cao bền vững theo hướng GAP; quy trình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và trồng xen phù hợp, quy trình sơ chế, bảo quản cà phê nhân nông hộ.

Tổng kinh phí thực hiện đề án này khoảng 170 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng.

Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự cho rằng, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều.

Do vậy, ngành cà phê cần có nguồn vốn lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tăng năng suất cây trồng và chất lượng của các sản phẩm chế biến. Ngành cà phê phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Giữ vững vị trí thứ 2 về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới; đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác, đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD, tức là cao gần gấp đôi so với hiện nay.(Vneconomy)
--------------------------

Xuất khẩu cao su sẽ về đích như kế hoạch đầu năm

Xuất khẩu cao su sẽ về đích như kế hoạch đầu năm

Mặc dù xuất khẩu cao su năm 2017 tăng so với năm ngoái nhưng nhìn chung thị trường vẫn chưa thật sự khởi sắc...

Với tình hình hiện nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tin tưởng khối lượng cao su xuất khẩu sẽ đạt con số dự báo từ hồi đầu năm, đó là khối lượng cao su xuất khẩu sẽ đạt 1,33 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2016.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2017, xuất khẩu cao su đạt 116,59 ngàn tấn, với 179,05 triệu USD; tháng 11 đạt 143 ngàn tấn và 210 triệu USD. Dự báo, trong tháng 12 này lượng xuất khẩu sẽ tăng cao vì đây là tháng cuối năm các doanh nghiệp phải đẩy mạnh giao hàng hoàn tất các hợp đồng đã ký.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 với kim ngạch là 1,14 tỷ USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 63,1%. Kế đến là Malaysia với kim ngạch 102,1 triệu USD, tăng 5,1%, chiếm 5,7% thị phần. Thứ 3 là Ấn Độ đạt kim ngạch 71,2 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ, chiếm 4%. Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường khác cũng tăng khá như: Hàn Quốc tăng 18,8%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 18,1%, Hoa Kỳ tăng 7,6%...

Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm nay đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây giá cao su có xu hướng giảm. Tính riêng tháng 10/2017, giảm 4,2% so với tháng 9/2017, nhưng vẫn tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016, đạt bình quân 1.536 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu cao su tăng trở lại do nhu cầu từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc... đang có xu hướng tăng đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

"Xuất khẩu trong các tháng cuối năm tiếp tục thuận lợi do nhu cầu cao su của Trung Quốc tăng, khi nền kinh tế nước này có những diễn biến tích cực. Trong khi tồn kho cao su của Trung Quốc liên tục giảm trong thời gian gần đây, và quý IV cũng thường là tháng cao điểm về nhập khẩu cao su của họ.

Hiện Trung Quốc đang là nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, và Việt Nam đứng thứ 5 về cung cấp cao su cho Trung Quốc", một chuyên gia nhận định.

Tại thị trường Hàn Quốc, cao su Việt Nam ngày càng chứng tỏ lợi thế nhờ lộ trình giảm thuế theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về cung cấp cao su cho Hàn Quốc.

Xuất khẩu cao su tăng đã đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông lâm thủy sản. Hiện cao su là sản phẩm nông sản xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, sau cà phê, hạt điều, hàng rau quả và gạo.

Mới đây các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu châu Á gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm gần 70% cao su tự nhiên của thế giới) đã thống nhất kể từ giữa tháng 12/2017, sẽ giảm khối lượng xuất khẩu cao su tự nhiên trong bối cảnh tìm hướng giải quyết tình trạng giá cao su tiếp tục giảm.

Hiệp hội Cao su quốc tế 3 bên (IRCo) công bố quyết định này hôm 30/11/2017, sau khi Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), gồm: Thái Lan, Indonesia và Malaysia, gặp mặt vào ngày 29/11 tại thành phố Chiang Mai - Thái Lan, để thảo luận những lo ngại xung quanh vấn đề giá lao dốc, cho dù tình trạng dư thừa nguồn cung đã được giải quyết phần nào. "3 quốc gia thành viên ITRC sẽ hạn chế XK cao su tự nhiên trong một khoảng thời gian cụ thể nhằm giải quyết xu hướng giá xuống hiện tại của cao su tự nhiên", IRCo cho biết.

Kế hoạch giảm xuất khẩu sẽ bắt đầu từ giữa tháng 12/2017, nhưng khối lượng cắt giảm hoặc thời hạn là trong bao lâu IRCo không nói cụ thể.

Đây là lần thứ 5 kể từ năm 2012 đến nay, ITRC đồng ý triển khai kế hoạch giải cứu giá cao su. Trong cuộc họp năm ngoái, IRTC đã cắt giảm 615.000 tấn cao su nhằm ổn định giá.

Trước tình hình này, VRA khuyến cáo các hội viên duy trì các giải pháp ứng phó với tình hình giá không thuận lợi; hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo uy tín thương mại.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục