tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-07-2018

  • Cập nhật : 10/07/2018

Làm vua 12 năm, ngành điều đang xin 'giải cứu'

Mới đây, ngành điều Việt Nam lại lên tiếng xin hỗ trợ cho vay 800 triệu USD để "giải cứu" 500.000 tấn nguyên liệu đang bị kẹt.

nganh dieu viet nam phai len tieng keu cuu sau 12 nam "xung vuong" - chi nhan

Ngành điều Việt Nam phải lên tiếng kêu cứu sau 12 năm "xưng vương" - CHÍ NHÂN

Đây là điều khá bất ngờ với nhiều người bởi ngành điều Việt Nam 12 năm qua luôn tự hào là "ông vua" trên thị trường điều nhân thế giới, chiếm thị phần trên 60%. Tuy nhiên vào giữa tháng 6 vừa qua, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) bất ngờ kêu lỗ, khoảng 80% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động do giá điều xuất khẩu giảm.

Giá bán điều nhân Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp phá giá, bán điều ở mức chỉ có 4,15 - 4,2 USD/pound, so với mức giá cùng kỳ 2017 là 5,2 USD/pound.

Mới đây VINACAS cho biết: Hiện có khoảng 500.000 tấn điều nguyên liệu đang trên đường về Việt Nam, bị kẹt ở kho ngoại quan. Ngành điều cần các ngân hàng hỗ trợ gói tín dụng khoảng 800 triệu USD để kịp thời lấy hàng phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.

VINACAS sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng 800 triệu USD. Đơn vị này sẽ cung cấp cho các ngân hàng danh sách những doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín để có căn cứ cho vay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 176.000 tấn, tương đương giá trị 1,7 tỉ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 9.841 USD/tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hạt điều đạt 537.000 tấn và giá trị đạt 1,15 tỉ USD, giảm 21% về lượng và giảm gần 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy xét về con số tuyệt đối ngành điều Việt Nam xuất siêu chỉ có 5,5 triệu USD, đó là chưa tính tới lượng điều thô nội địa. (Thanhnien)
---------------------------

Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp 'ngồi trên lửa'

Tổng cục Hải quan yêu cầu lấy mẫu sắt thép vụn để kiểm tra khiến doanh nghiệp nhập khẩu mất thêm tiền tỉ phí lưu container, còn các nhà sản xuất thép thiếu nguyên liệu như ngồi trên đống lửa.

Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp ngồi trên lửa - Ảnh 1.

Một dây chuyền sản xuất thép bằng công nghệ lò điện hồ quang ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong quản lý sắt thép vụn nhập khẩu.

Chi phí lưu container tiền tỉ

Trước đó, ngày 26-6, để siết chặt việc nhập khẩu các loại phế liệu có hại, Tổng cục Hải quan yêu cầu khi thực hiện thủ tục đối với hàng khai báo là phế liệu nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đồng thời, phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.

VSA cho rằng từ công văn trên, nhiều hội viên của hội là các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện hồ quang đã gặp khó khăn, vướng mắc và phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. 

Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ điện hồ quan là hội viên của VSA.

Cụ thể, nếu thực hiện theo công văn trên, cứ 100 container sắt thép vụn nhập khẩu phải lấy mẫu 10 tấn, theo VSA thì lượng lấy mẫu này là rất lớn và gây khó khăn cho cả hải quan lẫn doanh nghiệp. 

Ngoài ra, việc thực hiện theo quy định trên cũng sẽ kéo dài thời gian thông quan, làm phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi, lưu tàu.

Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp ngồi trên lửa - Ảnh 2.

Thép thành phẩm sản xuất bằng công nghệ lò diện hồ quang ỏ Bà Rịa- Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp sản xuất thép hồ quang ở phía Nam cho biết, trung bình mỗi ngày phí lưu một container khoảng hơn 1 triệu đồng và hiện chỉ riêng phí lưu container này doanh nghiệp đã tốn hơn 1 tỉ đồng. 

"Đáng nói, số tiền lưu container này chúng tôi trả cho nước ngoài, các hãng nước ngoài. Chúng tôi đang đứng ngồi không yên, như ngồi trên lửa", đại diện doanh nghiệp này nói.

Chưa hết, theo ý kiến của các hội viên VSA, việc lấy mẫu và chờ kết quả giám định dự kiến kéo dài từ 30 đến 90 ngày thì các nhà máy sẽ không đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như có nguy cơ phải bồi thường cho các chủ hàng vì giao hàng không đúng hạn.

Từ những bất cập trên, VSA đề nghị Tổng cục Hải quan loại trừ sắt thép vụn (mã HS 7204) ra khỏi đối tượng điều chỉnh của công văn trên. 

Ngoài ra, VSA cũng đề nghị tăng tỷ lệ tạp chất trong các lô hàng sắt thép vụn nhập khẩu từ 3-4% thay vì 1% như hiện nay vì rất khó tìm được sắt thép vụn có tỷ lệ tạp chất chỉ 1%.

Công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang ở nhiệt độ từ 1.600-1.700 độ C đã đốt cháy, phân hủy hết các tạp chất.

Đáng chú ý, những năm gần đây, sản lượng thép sản xuất bằng điện hồ quang tại Việt Nam ngày càng tăng cao và nhiều hơn từ 2 đến 10 lần so với sản xuất thép bằng lò cao.

Từ 2013 đến 2017, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất thép hồ quang nhập khẩu từ hơn 3.000 đến gần 5.000 tấn sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu còn sắt thép phế liệu trong nước chỉ đáp ứng chưa tới một nữa nhu cầu sản xuất.(Tuoitre)
------------------------------

Vấn đề Brexit: Kế hoạch của Thủ tướng May trước nguy cơ "tan thành mây khói"

Ngay sau khi tin tức ông Johnson từ chức được thông báo, giá trị đồng bảng Anh so với đồng USD đã giảm khoảng 0,2% từ mức 1 bảng tương đương 1,3340 USD xuống còn 1,3259 USD

Trong thông báo điện tử mới công bố, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết chiều 9/7, bà May đã chấp thuận đơn từ chức của ông Johnson. Thủ tướng Anh sẽ sớm thông báo người thay thế vị trí ông Johnson. Ảnh: TTXVN

Ngày 9/7, chính trường Anh lại thêm một đợt sóng dữ khi Ngoại trưởng Boris Johnson đệ đơn từ chức nhằm phản đối các kế hoạch của chính phủ về một quan hệ thương mại mật thiết với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khỏi khối này.

Việc ông Johnson từ chức chưa đầy một ngày sau khi đơn từ chức của Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis được Thủ tướng Anh Theresa May chấp thuận cho thấy các kế hoạch của Thủ tướng Anh đang đứng trước nguy cơ bị "chia thành trăm mảnh".

Sự ra đi của hai vị "lão tướng" từng gắn bó với bà May ngay từ những ngày đầu bà nhậm chức trong giai đoạn đầy thách thức để đưa nước Anh "an toàn" rời EU cho thấy bà đang phải đứng đầu một chính phủ không thể đoàn kết trong việc xây dựng một chính sách ngoại giao và thương mại cho thời kỳ chuyển tiếp quan trọng sắp tới.

Những động thái mới cũng đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng "lèo lái" của bà May để có thể giữ vững những cam kết nhằm theo đuổi một Brexit "thân thiện với giới doanh nghiệp" hay sẽ phải đối mặt với những đơn từ chức từ những người trong hàng ngũ mà bà lãnh đạo hoặc thậm chí là những lời kêu gọi chính bà phải từ chức.

Việc hai ông Johnson và Davis từ chức cũng được ví như những cú "thắng phanh" gấp với Thủ tướng May chỉ 2 ngày sau khi bà công bố nội các hiện đang được đánh giá là chia rẽ sâu sắc của bà đã đạt được thỏa thuận cơ sở về việc giữ mối quan hệ thương mại thân thiết nhất có thể với EU thời kỳ hậu Brexit. Bản thân ông Johnson cũng từng nhiều lần chỉ trích kế hoạch này.

Những người có tư tưởng hoài nghi châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền tỏ ra giận dữ và cho rằng chiến lược mà Nội các Anh thông qua đã phản lại chính lời cam kết của bà May về một lời chia tay dứt khoát với EU. Điều này cũng làm dấy lên quan ngại rằng sẽ có kêu gọi buộc bà phải từ chức.

Thủ tướng Anh giờ phải đứng trước quyết định lớn về việc có nên thay đổi các đề xuất hay kiên trì bám trụ với kế hoạch cùng hy vọng sẽ vượt qua được những dư luận phản đối.

Ngay sau khi tin tức ông Johnson từ chức được thông báo, giá trị đồng bảng Anh so với đồng USD đã giảm khoảng 0,2% từ mức 1 bảng tương đương 1,3340 USD xuống còn 1,3259 USD.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục