tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-07-2018

  • Cập nhật : 10/07/2018

Chưa thống nhất về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019

Chiều 9/7, tại Hà Nội, 15 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ nhất, bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng 8%, trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị không tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nêu rõ, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, mục tiêu tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu, nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, hai bên mới đưa ra các dữ liệu, căn cứ, lập luận với tinh thần thiện chí, xây dựng và sẽ tiếp tục thương lượng để đi đến phương án cuối cùng trong các phiên họp sau, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Trước khi tham gia phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, VCCI đã có buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến, quan điểm để trình bày trong cuộc họp này.

Các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương thời gian tới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực chi trả cũng như dùng các kinh phí nếu có để thu xếp lương cho việc đào tạo năng lực, tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, có thể tăng năng suất lao động, tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ với doanh nghiệp nhưng ít nhất năm nay phải tăng ở mức 8% và mức tăng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.

Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương đã nêu rõ năm 2020 là kết thúc tăng lương tối thiểu vùng đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Chỉ còn 2 năm nữa để đạt lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Hiện, mức lương đã đáp ứng 93% mức sống tối thiểu, như vậy chỉ còn 8% trong 2 năm.

Nếu năm 2019 không tăng, đến năm 2020 mức tăng lương sẽ rất cao, ông Mai Đức Chính cảnh báo.

Qua khảo sát 150 doanh nghiệp ở cả 4 vùng lương với trên 3.000 phiếu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới nhiều hơn số doanh nghiệp giải thể, phá sản. Điều này cho thấy tín hiệu tình hình kinh tế khả quan.

Nhìn tổng thể, hiện nay mức lương của công nhân lao động đã được cải thiện hơn so với năm 2016.

Đặc biệt, sang năm 2017 mức lương của công nhân được cải thiện và tích lũy tăng lên (trước chỉ có 15 đến 16%, nhưng hiện nay là gần 20%). Số lượng công nhân vừa đủ chi tiêu cũng đã tăng lên.

Tuy nhiên, số lượng công nhân lao động không đủ chi tiêu do áp lực cuộc sống cũng tăng lên.

Đây là đối tượng công nhân lao động mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam mong muốn đời sống họ phải được cải thiện nhiều hơn cả.

Kết thúc phiên thương lượng, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2019 là 5,3%.

Tuy nhiên, phương án này chưa nhận được sự đồng thuận của cả phía đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, Phiên họp của Hội đồng lần thứ hai sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này (TTXVN)
---------------------------

Trung Quốc sử dụng thuế thu từ hàng hóa Mỹ để giảm tác động của cuộc chiến thương mại

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/7 cho biết sẽ sử dụng các khoản thu được từ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Mỹ để giảm bớt tác động của những biện pháp thương mại.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/7 cho biết sẽ sử dụng các khoản thu được từ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Mỹ để giảm bớt tác động của những biện pháp thương mại mà Washington đang áp dụng đối với các công ty Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết bộ này sẽ khuyến khích các công ty tăng cường nhập khẩu các mặt hàng như đậu nành và xe cộ từ những thị trường khác.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh ngày 6/7, Bắc Kinh và Washington đã cùng "khai hỏa" cuộc chiến thương mại được xem là "lớn nhất trong lịch sử", theo đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt mức thuế mới đối với một số mặt hàng của nhau.

Cũng trong ngày 9/7, các cảng của Trung Quốc đã bắt đầu cho phép bốc dỡ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sau khi ngừng công việc này từ ngày 6/7 do phải đợi thông báo chính thức từ chính quyền trung ương.

Một nhà kinh doanh cho biết hải quan tại cảng Thanh Đảo và Đại Liên đã cho phép bốc dỡ hàng hóa Mỹ và áp đặt mức thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu này.

Trong khi đó, hải quan Thượng Hải cũng bắt đầu áp mức thuế mới đối với rượu và hoa quả nhập khẩu từ Mỹ.

Hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên. (TTXVN)
----------------------------

Bộ Công Thương: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không thể là cơ hội cho Việt Nam

Trước mắt, xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Việc kêu gọi xây dựng chiến lược để ứng phó sẽ rất khó trong bối cảnh không biết khi nào cuộc chiến kết thúc.

"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức khởi sự, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ nêu nhận định ban đầu và đưa ra một số đề xuất cụ thể", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 vào sáng 9/7.

Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề lớn, phản ảnh cuộc cạnh tranh quyền lực chứ không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng cần phải đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh khác. Không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngay cả với các nước đồng minh của mình.

"Cuộc chiến không chỉ đơn thuần về thuế, đây còn là cuộc chiến về bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... Cuộc chiến đặt ra những yêu cầu cho từng quốc gia riêng rẽ trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hóa", Bộ trưởng nhận định.

Chiến lược ứng phó rất khó

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "6 tháng cuối năm nay, có rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng đây không thể là cơ hội. Hiện nay kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Các vấn đề đều có tác động đến Việt Nam”.

Theo ông Chinh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bây giờ mới bắt đầu và không biết khi nào kết thúc, có thể sau 1 tháng, cũng có thể 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, việc kêu gọi xây dựng chiến lược để ứng phó sẽ rất khó.

Vị Cục trưởng cho hay đây không những là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới các nước xuất siêu qua Mỹ. Trước mắt đây là thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam.

Phòng vệ trước hàng Trung Quốc

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cuộc chiến đặt ra nhiều vấn đề đối với Việt Nam trong việc quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. "Chúng ta cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện nay theo Bộ trưởng, xuất khẩu theo chiều rộng đã đạt được kết quả tích cực nhưng cần đánh giá về độ tương đồng của chiều sâu. Cùng với đó, ông cho rằng cần chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng.

Vị Bộ trưởng cũng cảnh báo với cơ chế của phòng vệ thương mại hiện nay, nguy cơ hàng Trung Quốc trần ngập vào thị trường nội địa Việt Nam là rất lớn.

“Vấn đề này đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước không chỉ ở Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng...", Bộ trưởng cho biết. Cùng với đó, ông cho rằng cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ.

Bộ trưởng Tuấn Anh cũng đặt ra vấn đề cần giải quyết trước nguy cơ các sản phẩm dệt may đồ gỗ, da giày... của Việt Nam có thể bị áp thuế nếu các sản phẩm của Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ.

Bộ trưởng cho rằng cần có biện pháp đánh giá nguy cơ, nghiên cứu thị trường, tổ chức thực hiện... trước nguy cơ từ cuộc chiến thương mại này. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cảnh báo nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD tác động tới thương mại Việt Nam và đề nghị các đơn vị trong Bộ cùng có biện pháp để ứng phó.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiết lộ trong chuyến làm việc cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện thương mại Hoa Kỹ và đề xuất trực tiếp những vấn đề liên quan nhằm giải quyết phần nào nguy cơ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Vị Thứ trưởng cho biết cuộc làm việc đạt được kết quả tốt, phía Mỹ đánh giá cao các hoạt động của Việt Nam đối với các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump yêu cầu áp thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ bắt đầu lúc 0h01 EST sáng 6/7 giờ Mỹ (11h01 sáng giờ Hà Nội). Thuế với 16 tỷ USD tiếp theo dự kiến có hiệu lực sau 2 tuần nữa.

Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ xem xét áp thuế bổ sung với 500 tỷ USD hàng hóa nếu Bắc Kinh trả đũa, đưa tổng số lên tới 550 tỷ USD - cao hơn cả mức Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm ngoái (506 tỷ USD).

Tuyên bố này củng cố đe dọa trước đó rằng xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang. Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo với tất cả tài sản đều ảnh hưởng, từ cổ phiếu, tiền tệ đến hàng hóa như đậu tương, than đá.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục