Địa phương mới vào nhóm xuất khẩu “tỷ đô” là Vĩnh Phúc với kim ngạch 1,145 tỷ USD, tăng hơn 390 triệu USD so với cùng kỳ 2014.
Máy phát điện từ nhiệt siêu rẻ
Ngày 30.9, tại Hội nghị triển lãm quốc tế về môi trường diễn ra ở Trung tâm hội nghị quốc gia, Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Việt Trung Tín (trụ sở tại TP.HCM) giới thiệu máy phát điện từ nhiệt với giá thành dự kiến rất rẻ, có thể góp phần hạ giá thành điện năng tại VN.
Máy hoạt động theo nguyên tắc hấp thụ nhiệt độ xung quanh, sau đó chuyển hóa năng lượng nhiệt sang năng lượng điện thông qua những con chip điện tử công nghệ nano. Lượng điện sản sinh ra sẽ được tích hợp trực tiếp vào bình ắc quy và đưa vào sử dụng. Dự kiến sắp tới công nghệ này sẽ được triển khai thử nghiệm đại trà tại một khu dân cư ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang.
Theo nhóm kỹ sư, máy thiết kế rất nhỏ gọn nên có thể đặt trên sân thượng nhà dân hay bất kỳ thiết bị nào có khả năng phát ra nhiệt độ cao, mà không cần phải có ánh sáng năng lượng mặt trời. Trong khi đó, nếu tiếp xúc với năng lượng mặt trời, tấm pin mặt trời chỉ có thể hấp thu khoảng 28% lượng nhiệt thì máy có thể hấp thu đến 99% lượng nhiệt.
Ngoài ra, để sản xuất ra 1 kW điện năng, máy chỉ tiêu tốn khoảng 1/3 giá thành so với tấm pin mặt trời. Máy phù hợp sử dụng ở vùng nông thôn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là hải đảo.
Masan trả trước 175 triệu USD cho JP Morgan để giảm rủi ro tỷ giá
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cho biết mỗi 1% lãi suất tăng thêm có thể khiến chi phí tài chính của công ty tăng thêm 300 tỷ.
Tuy nhiên, với một doanh nghiệp “nặng nợ” như Masan, áp lực từ lãi suất không phải là áp lực duy nhất liên quan đến các khoản vay.
Tại thời điểm cuổi quý 2, Masan có tổng giá trị các khoản vay bằng USD là 262 triệu USD. Rủi ro tỷ giá, vì vậy cũng không phải là nhỏ. Được biết trong đó 87 triệu USD (1.966 tỷ đồng) là vay nợ ngắn hạn và 175 triệu (3.824 tỷ đồng) là vay dài hạn.
Ngoài ra Masan còn duy trì một khoản vay chuyển đổi đối với Jade Dragon Limited, trị giá 30 triệu USD.
Với số dư nợ này, nếu USD tăng thêm 2% thì lợi nhuận trước thuế của tập đoàn sẽ giảm 106 tỷ đồng, thuyết minh báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của tập đoàn này cho biết.
Để tránh rủi ro tỷ giá có thể có xảy ra, vào ngày 14/8/2015, Masan đã trả trước khoản vay 175 triệu USD (trước thời gian đáo hạn 1 năm)
Theo đó, sau ngày báo cáo kết thúc, toàn bộ số dư khoản vay dài hạn tại ngày cuối quý 2 với số tiền gốc là 175 triệu USD (tương đương 3.824 tỷ đồng) cùng với lãi vay lũy kế và các chi phí liên quan khác đã được thanh toán trước hạn bởi một công ty con của Tập đoàn.
Đây là khoản vay gốc 175 triệu USD từ JP Morgan được đảm bảo bằng khoản đầu tư của MSN vào các công ty con. Khoản vay này theo kế hoạch sẽ đến hạn vào ngày 15/8/2016.
Việc thanh toán trước hạn sẽ giúp Masan không còn khoản vay dài hạn có gốc ngoại tệ cũng như phải chịu rủi ro tỷ giá tỷ giá liên quan.
Tuy nhiên Tập đoàn này vẫn còn các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ tính đến cuối quý 2/2015 trị giá gần 2 nghìn tỷ đồng. Việc duy trì các khoản vay này cũng chịu rủi ro tỷ giá USD và tác động đến lợi nhuận của Tập đoàn trong tương lai.
PAN chi gần 1.500 tỷ đồng mua công ty nông nghiệp, thực phẩm
Nắm trong tay cổ phần chi phối của 4 doanh nghiệp nhờ M&A, PAN vừa công bố phát triển thành mô hình tập đoàn nhằm xây dựng chuỗi giá trị trong mảng nông nghiệp, thực phẩm.
Thông tin trên được Công ty Cổ phần Tập đoàn Pan (Pan Group - PAN), trước đây là Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (Pan Pacific) phát đi cuối ngày 1/10. Việc đổi tên nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống chuỗi khép kín Farm - Food - Family (Trang trại - Thực phẩm - Gia đình) cung cấp nông sản, thực phẩm ra thị trường.
Pan Group sẽ đại diện cho 3 mảng trực thuộc, bao gồm Pan Food nắm cổ phần Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT), Bibica (BBC), Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF); Công ty Giống cây trồng trung ương (NSC) và Pan Services. Trong đó, giá trị đầu tư vào các công ty nông nghiệp, thực phẩm thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) như NSC (nắm 62,86%)), LAF (61%), BBC (42,3%) và ABT (63,3%) đạt gần 1.500 tỷ đồng.
Với các khoản đầu tư này, doanh nghiệp đặt mục tiêu tới năm 2020 đạt doanh thu trên 15.000 tỷ đồng, từ mức hơn 1.100 tỷ đồng cuối năm 2014.
PAN được thành lập năm 1998 với ngành nghề chính ban đầu tư vệ sinh công nghiệp. Đến năm 2012, công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, khởi đầu là mua 2,6 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), tương đương 20,2% vốn điều lệ. Hơn 3 năm qua, PAN liên tục bành trướng trong lĩnh vực này thông qua việc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Vốn điều lệ công ty đã tăng từ mức ban đầu 250 triệu đồng lên hơn 831 tỷ đồng tính tới tháng 6/2015.
(
Tinkinhte
tổng hợp)